Friday, March 29, 2013

NHỮNG TRÁI TIM YÊU VÀ NHỮNG NỤ CƯỜI TRÊN MẢNH ĐẤT KHÔ CẰN TRI THỨC

“Nếu tôi có quyền thế tôi sẽ đem sách mà gieo rắc khắp mặt địa cầu như người ta gieo lúa trong luống cày vậy”  Mann Horace

Hà Nội. Mưa. Trời đang mưa... 

Tôi không biết tự bao giờ, mưa gắn liền với mỗi chuyến đưa sách của anh chị chúng tôi đến với các em ở những miền xa xăm. Mỗi lần như thế chúng tôi lại đùa nhau rằng đó là “mưa hồng ân”. Thấy chúng tôi khổ sở trong mưa, những chuyến đi xa trong 1 ngày phải di chuyển bằng xe máy để chủ động thời gian và phương tiện thì có một người nói rằng “chúng nó thật khác người, sướng không biết đường sướng mà cứ thích vác cái ách sau lưng” hoặc “đúng là đồ ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”... Nhưng hơn ai hết chúng tôi hiểu được rằng: Cho đi thì sẽ có nhận lại. Cho đi, chúng tôi đã cho đi thời gian, tiền bạc, sức khỏe, nhưng ngược lại điều mà chúng tôi nhận lại đó là: niềm vui, niềm hân hoan của các em khi nhận được sách, niềm hạnh phúc của chính chúng tôi và sâu thẳm hơn nữa đó là người dân sẽ được nâng cao tri thức, yêu sách hơn, ham học hỏi hơn và mắt sẽ không bị “mù lòa” nữa. 

Tôi nhớ những chuyến đi đầu tiên, để tiện cho công việc cũng như lịch sinh hoạt của nhà thờ, chúng tôi phải di chuyển bằng xe máy từ sáng sớm tinh mơ. Bước ra đường trời tối thui, mưa lạnh. Nhưng bóng tối và ướt lạnh không hề làm chúng tôi trùn bước. chân của chúng tôi, thay vào đó nó còn làm nghị lực của chúng tôi lớn mạnh hơn nữa. Trừ khi... 

Một số lần chưa ra khỏi HN, đã bị cơ động tóm vì lý do rất chi là ưng “xe chạy quá tốc độ, và gọi lại để kiểm tra giấy tờ”. Thật nực cười! Nhưng vì để tiếp tục hành trình chúng tôi phải... nín cười, cống nạp vào “quỹ nhà nước” 450000. Chưa dừng lại ở đó! Khi vừa tới Hà Nam, xe chúng tôi bị nổ lốp. Mặc dù mưa, lạnh, đói, nghèo thêm chút nữa vì phải cống nạp, lại phải đẩy xe máy để tìm chỗ sửa, thế nhưng trên môi mỗi người anh em chúng tôi đều ngự trị một nụ cười, một trái tim ấm, một tấm lòng yêu thương... Ngay trong chuyến đi vừa qua, chúng tôi đã vượt qua những khó khăn về thời tiết, vượt qua gần 400 cây số với một trái tim yêu để đưa tri thức tới mảnh đất Yên Thành, Nghệ An – mảnh đất khô cằn tri thức. 

Chúng tôi sẽ luôn sát cánh bên nhau và tiến về phía trước 
Những trái tim yêu thương
 
Không có khó khăn nào có thể cản đường chúng tôi... 

Không chỉ gặp khó khăn về không gian, “người đời” mà chúng tôi còn gặp khó khăn từ chính phía gia đình của mình. Hầu hết những người thân trong gia đình chúng tôi đều cấm không cho đi đưa sách. Thế nhưng, vì một tình yêu, vì một lý tưởng chúng tôi đã bất chấp tất cả để được đi, kể cả nói dối. Chúng tôi biết rằng nói dối bố mẹ người thân ngang với tội bất hiếu. Thật vậy trong đợt đưa sách vừa qua, 1 người em của chúng tôi đã nói dối gia đình để được đi và nhận lại là 1 trận đòn nhừ tử. Hình ảnh em bị người bác bắt nằm dài ra nhà và dùng dây điện để đánh làm tôi đau thắt lại, lúc đó tôi chỉ ước rằng tôi có thể kéo em ra khỏi cái nhà đó, kéo em về với tôi, lương tôi chẳng lo nổi cho bản thân mình, tôi chẳng cho em được cuộc sống đầy đủ như bác em, nhưng tôi tin chắc rằng tôi sẽ nuôi em được bằng cả một trái tim yêu. Hôm nay trên công ty, em chát với tôi và cho xem những vết tím bầm trên cánh tay, tôi bật khóc, chẳng hiểu tại sao, tôi lại khóc ngon lành được. Ôi đứa em tội nghiệp của tôi, tôi thương em, tôi biết rằng em rất đau nhưng em lại cười và nói “sự đau đớn này thấm vào đâu so với Chúa Giesu”. Tại sao? Tại sao? Tại sao?... hàng ngàn hàng vạn câu hỏi tại sao lởn vởn trong đầu của tôi, đầu óc tôi u mê lại, tôi muốn hét lên cho sự bất công này. Tôi biết rằng, chúng tôi đã sai vì đã trót nói dối, nhưng người lớn cũng phải biết tại sao chúng tôi lại nói dối chứ. Tức nước thì sẽ vỡ bờ. 

Tại sao chúng tôi lại vẫn có thể vượt qua những khó khăn đó và tiếp tục bước từng bước đi chậm chạp... Vâng, đó là bởi sự mong muốn và niềm tin mãnh liệt rằng “Việt Nam muốn phát triển bền vững, dân tộc Việt Nam muốn tiến bộ thì tất cả người dân phải nâng cao tri thức, phải biết yêu sách và đọc sách”. Nhìn các em tranh giành nhau từng quyển sách, có em khóc nấc lên vì bạn giật mất cuốn sách mình đang đọc, có những em thấy sách đọc ngấu nghiến chẳng màng tới mọi thứ chung quanh, có những em chẳng cần kẹo bánh mà chỉ ngồi đọc cuốn “những bài thuốc chữa trị bằng rau củ quả” mà tim chúng tôi đập rộn ràng. Có em còn chui xuống gầm bàn, ngồi áp vào chân tôi để tránh sự vồ vập của các bạn. 

và những nụ cười...
 
 
 
 
Khát vọng của tri thức... và những say mê...
 
Tôi đã liên tưởng tới nạn đói năm 1945, người đói như muối bỏ biển, tạo nên những cuộc tranh giành thảm khốc... Tôi giật mình khi vô tình đọc một câu của chú Thạch trên mạng “Dân trí thấp là mảnh đất màu mỡ cho những kẻ ít học và gian manh làm chính trị thành công”. Ôi tương lai, đất nước con người Việt Nam rồi sẽ ra sao nếu thiếu hiểu biết, nếu không có tri thức các em lại được nhồi vào sọ những thứ chẳng lên nhồi... 
Việc làm của chúng tôi có người cho rằng “ như muối bỏ biển” nhưng tôi tin rằng đến một ngày nào đó có thể là 50 năm hay 100 năm dân tộc ViệtNnam sẽ phát triển bền vững, và là một nước tiến bộ. 
Lời kết:
Bài viết này quyện cùng những giọt nước mắt mà con muốn gửi đến người thân của chúng con rằng: Chúng con yêu bố mẹ, yêu gia đình, nhưng bố mẹ ơi, ngoài tình yêu gia đình ra chúng con còn phải yêu chính những người anh em của chúng con đang khóc than ở ngoài kia nữa, rồi cuộc sống của các em sẽ ra sao nếu các em không có tri thức? Bố mẹ dạy chúng con phải biết đứng lên để đòi tự do, nhân quyền và dân quyền... thế nhưng bố mẹ lại không cho chúng con có được tự do ngôn luận, tự do đi đưa sách, tự do đem yêu thương và dòng suối tri thức đến với các em thiếu may mắn hơn chúng con. Bố mẹ nói việc đó không hề xấu, ngược lại nó rất tốt, thế tạo sao bố mẹ lại ngăn cấm chúng con? Chẳng nhẽ việc đưa sách, việc khai trí là điều xấu sao bố mẹ? Khi chúng con đi chúng con đã thấy, những người em của chúng con mới lên lớp 3 đã phải nghỉ học để đi làm phụ giúp gia đình lòng chúng con đau thắt lại bố mẹ ạ. Chúng con thấy ánh mắt từ ngơ ngác, ngạc nhiên đến hạnh phúc khi các em nhận được những cuốn sách mà “chưa bao giờ được nhìn, sờ và đọc” từ tay chúng con. Chúng con đã thấy những giọt nước mắt vỡ òa vì hạnh phúc của các em, những giọt nước mắt chia tay lưu luyến bịn rịn của các em khi phải chia tay chúng con. Chúng con cũng đã thấy sự khao khát tri thức của những đứa con vùng quê nghèo… Và hơn hết chúng con dần luyện cho con tim mình luôn hướng về người khác, đôi tai lắng nghe những đồng cảm từ họ, đôi mắt nhìn đến những khó khăn trong cuộc sống mà họ phải vượt qua và tâm hồn của chúng con đã hòa vào những nỗi đau của họ để chia sẻ nó. Bố mẹ ơi chúng con thấy rằng bản thân mình đang bắt đầu gột rửa để có một hình ảnh tốt đẹp hơn rồi ạ. Để được đi, chúng con đã nói dối bố mẹ, lòng chúng con cũng dằn vặt, cũng day dứt lắm, thế nhưng con tin rằng mội ngày nào đó người sẽ hiểu chúng con và đồng hành cùng chúng con. 
Muốn gửi đến những người anh em đã đồng hành cùng tôi trong suốt thời gian qua rằng "tôi sẽ mãi yêu các bạn, chúng ta sẽ luôn vững bước bên nhau để vượt qua mọi sóng gió của cuộc đời nhé. Tôi cũng xin lỗi vì có đôi lần tôi làm các bạn buồn, phiền và phải khóc vì tôi". 
Cuối cùng, tôi xin trích dẫn câu của Nguyễn An Ninh trong bài viết "Lý tưởng của thanh niên An Nam - 1923": 
"... Văn hóa của chúng ta quá tồi tệ, thua kém... từ nước xa tới nước gần. Ngay cả trong lĩnh vực làm ăn kinh tế, văn hóa cũ rích không giúp chúng ta cạnh tranh lẫn nhau và với đối tác quốc tế hiệu quả. Chúng ta phải thay đổi văn hóa nếu muốn vươn lên, muốn không bị hết nước này, nước kia kéo tới khiêu khích, đe dọa, lũng đoạn nguồn lực trong nước!..." 
90 năm đã qua từ ngày cụ Nguyễn An Ninh viết câu ấy, chúng tôi - thế hệ con cháu của cụ vẫn lầm lũi đem con tim yêu thương của mình để làm nở những nụ cười của những em bé Việt Nam đang phải sống trên mảnh đất khô cằn tri thức.
 
 
 


 
 
 

Friday, March 22, 2013

TƯỞNG NIỆM NGUYỄN ĐỨC QUANG


Quê hương ngạo nghễ

Ðỗ Quý Toàn
“Ðường Việt Nam ôi vô cùng vô tận!” Ðó là câu đầu một bài hát thời rất trẻ. Nguyễn Ðức Quang kể đã đặt bài ca Ðường Việt Nam trong lúc đang đi, trên con đường từ Ðà Lạt xuống Sài Gòn.
 
Du Ca Nguyễn Ðức Quang trong một sinh hoạt âm nhạc tại Hoa Kỳ.
 
Ði một mình, vừa ngắm cảnh núi đồi, làng mạc, vừa hát lên từng câu, sửa, chọn từng tiếng, cho đến khi hoàn thành ca khúc, trên chiếc xe đạp cũ, chiếc xe đi học không phải loại xe leo núi. Vừa đi vừa hát, gọi đúng tên là du ca. “Ði dựng lấy huy hoàng! Giống da vàng này là vua đấu tranh!” Bài hát kết thúc như vậy. 

Với tốc độ đạp xe của một thanh niên 21 tuổi, chuyến đi chắc phải kéo dài 15 hay 20 tiếng đồng hồ. Ðến khi hát những câu sau cùng này, chắc chàng nhạc sĩ đã thở hào hển, đẫm mồ hôi. Nhưng vẫn nhất định đi dựng lấy huy hoàng. Vẫn tự nhận giống dân mình là vua đấu tranh! 

Câu chuyện này là tiêu biểu cho nguồn cảm hứng và lối sáng tác của Nguyễn Ðức Quang. Cảm hứng đến trong khi Quang đang sống. Sống thật, sống khỏe mạnh. Sống hết mình và sống cùng với núi sông đất nước, sống giữa bè bạn, quê hương, đồng bào. Sống và sáng tác, đối với Nguyễn Ðức Quang, tuy hai mà một. 

Năm 1964 Nguyễn Ðức Quang hát bài “Tôi chót sinh ra làm thân nhược tiểu...” Một người bạn tôi nghe rồi phê bình: Tại sao lại nói “chót sinh ra”? Phải hãnh diện được sinh ra làm người Việt Nam chứ? Nhưng Nguyễn Ðức Quang không phải là một nhạc sĩ “lên gân.” Không tự kiểm duyệt. Không sáng tác theo một lập trường, quan điểm, hay chủ trương giai đoạn nào cả. Không ai được chọn nơi mình sinh ra. Người nghệ sĩ ý thức thân phận một người Việt Nam, một thanh niên lớn lên trong một quốc gia đã bị các cường quốc bắt tay nhau đem cắt đôi, để phân chia ảnh hưởng. Và ý thức số phận đồng bào mình đang giết nhau, quê hương bị chiến tranh đang tàn phá. Ý thức như vậy, nhưng không để thở than, trách móc. Vì cuối cùng, mỗi người sinh ra ở nước Việt Nam đều hãnh diện “chọn nơi này làm quê hương.” Một lựa chọn có ý thức. Rồi ngẩng đầu lên hát “Việt Nam Quê hương ngạo nghễ!” Bây giờ các thanh niên người Việt ở khắp nơi vẫn còn vỗ tay mà hát: “Ta như nước dâng, dâng chẳng có bao giờ tàn! Ðường dài ngút ngàn chỉ một trận cười vang vang!” 

Thế hệ thanh niên lớn lên ở các thành phố trong miền Nam Việt Nam trong thập niên 1960 đều chia sẻ tâm trạng “thân nhược tiểu” này. Một dân tộc vừa giành được độc lập đã bị cắt đôi, kẹp giữa hai khối tư bản và cộng sản. Và đang được hai khối đó đưa cho khí giới giết lẫn nhau, nhân danh những chủ nghĩa, những thiên đường! Trong khung cảnh đó có hai phản ứng khác nhau. 

Nhiều người chỉ thở than, tuyệt vọng, hoặc tìm lãng quên. Nguyễn Ðức Quang có một tâm hồn tích cực, vẫn tìm thấy con đường sống lạc quan, yêu đời. Một phần có thể vì từ thuở nhỏ Quang đã thuộc điều luật thứ 8: Hướng đạo sinh gặp nỗi khó khăn vẫn vui tươi! Nhưng không phải chỉ có thế. Toàn thể con người Nguyễn Ðức Quang ngập đầy sức sống; không còn chỗ nào cho những tình cảm tiêu cực chen vào.
 
Sống trong cảnh “Xương sống ta đã oằn xuống” Nguyễn Ðức Quang không chịu thua, không buông xuôi, không ủ rũ tìm nguồn vui trong mơ mộng siêu hình. Vì bản chất Quang rất mạnh. Tâm hồn Quang tràn đầy nam tính, nam tính chiếm hết chỗ rồi, không còn chỗ chứa những trạng thái u sầu, ủy mị nữa. Ngay cả khi viết một điệu hát buồn, như khi nhớ đến những “đàn bé em biến đâu rồi, này bé sao không đùa chơi,” thì Nguyễn Ðức Quang vẫn mở đầu bài ca bằng ánh sang tin tưởng: “Trời sáng tươi đã lên rồi! Trời sáng tươi trong lòng tôi!” Bởi vì “Cặp mắt sâu sau đêm dài, tìm quanh đây một ngày vui!”

Một điều may mắn là con người với bản chất tích cực như Quang lại gặp được một môi trường đúng với bản chất tích cực lạc quan để phát triển dòng nhạc của mình.

Ðúng khi Quang bước vào tuổi 20 thì xã hội miền Nam đang thay đổi. Từ năm 1964, một phong trào thanh niên nổi lên ở các thành phố, họ rủ nhau đi làm công tác giúp đồng bào. Ðặc biệt là những đồng bào ở nông thôn và những nạn nhân chiến tranh. Giúp ích, một khẩu hiệu của Hướng Ðạo, không phải là một hiện tượng mới. Ngay trong những năm 1950, mỗi lần có đám cháy lớn ở Sài Gòn là người ta thấy từng đoàn hướng đạo mặc đồng phục đến tiếp tay các anh “lính cứu hỏa” và giúp đỡ các nạn nhân. Sau đó, các đoàn hướng đạo và học sinh đi xây dựng lại nhà cho các nạn nhân; vật liệu và dụng cụ do bộ Xã Hội cung cấp. Những “công tác xã hội” tự nguyện đó là hình thức cộng tác giữa nhà nước và xã hội công dân, gồm các tổ chức tư hoàn toàn tự nguyện.

Trần Đại Lộc, Phương Oanh, Nguyễn Đức Quang, Sư Phạm Sài Gòn 1970

Kể từ năm 1964, một phong trào thanh niên bột phát. Người ta thành lập các hội đoàn, đặc biệt là trong giới trẻ, và đặc biệt với mục đích giúp ích. Bắt đầu từ những tổ chức thanh niên trong tôn giáo; rồi tới các hội tự nguyện của học sinh, giáo chức và sinh viên. Rồi những thanh niên thuộc nhiều hội gặp gỡ nhau lập ra từng chương trình chung, như “Liên hội công tác nông thôn.”

Khi bão năm Thìn đánh vào miền Trung vào cuối năm 1964, các hội cùng nhau tổ chức chương trình “Cứu Lụt,” đưa học sinh, sinh viên ra các tỉnh từ Bình Ðịnh ra Quảng Nam. Chính quyền lúc đó là cụ Phan Khắc Sửu, bộ Xã Hội do Bác Sĩ Phan Quang Ðán cầm đầu, họ tiếp các sinh viên, nghe trình bày dự án, rồi tận tâm giúp đỡ mà không đặt một điều kiện nào cả. Không cần bộ máy chính quyền thúc đẩy hay “hướng dẫn,” các thanh niên đi tìm cơ hội phục vụ đồng bào. Những sinh hoạt thanh niên này cần những điệu ca tập thể mới. Nguyễn Ðức Quang đã trở thành tiếng hát của phong trào này. “Người thanh niên Việt Nam quay về với xóm làng, tiếng reo vui rộn trong lòng!... Cùng đi biến ruộng hoang ra lúa thơm!.. Ta đắp bồi cho mẹ cha.”

Rồi tới Chương Trình Hè 65, một tổ chức quy mô trên tất cả 40 tỉnh toàn quốc. Với hàng chục hội đoàn tham dự, huynh trưởng phần lớn là các giáo sư, họ huy động hàng chục ngàn học sinh đi giúp ích. Tất cả mọi người tham dự đều tự nguyện, không ai được thù lao, không ai bị ép buộc. Hoàn toàn đứng ngoài chính quyền, không thuộc một khuynh hướng chiến tranh hay tôn giáo nào (nhưng vẫn bị chính quyền ngầm theo dõi). Chưa bao giờ có một phong trào thanh niên tự nguyện, vô vị lợi, phi chính phủ hoạt động với quy mô lớn như vậy; và khi kết thúc chương trình thì giải tán.

Sang năm 1966, Bộ Giáo Dục đã tiếp tục nuôi dưỡng phong trào này với Chương Trình Phát Triển Sinh Hoạt Thanh Niên Học Ðường (viết tắt CPS). Ngoài việc huấn luyện tính khí và phương pháp tổ chức công việc, một mục tiêu chính của các sinh hoạt thanh niên này, là huấn luyện lối sống dân chủ tự do cho thanh thiếu niên. Ðó chính là một phương pháp xây dựng nền tảng cho một xã hội công dân, mà bất cứ quốc gia tự do dân chủ nào cũng cần phát triển.

Chính khi dấn thân trong môi trường những công tác thanh niên tự nguyện đó, Nguyễn Ðức Quang đã có cảm hứng viết những bài ca tập thể mà chúng ta đang hát hôm nay. Khi Quang hát “những nhát cuốc...” thì thật sự Quang đã đi cuốc đất hay sống giữa đám bạn bè đang cuốc đất. Trong khi đổ mồ hôi tại trại công tác tên là “Công trường Cam Lộ” kéo dài mấy tháng ở Quảng Trị Nguyễn Ðức Quang đã hát “Ðường về công trường là đường vào quê hương.” Trong khung cảnh tự do phục vụ đó, người thanh niên yêu đời, tự yêu mình, và yêu đồng bào. Họ ngẩng đầu lên hát Việt Nam Quê hương Ngạo nghễ!
  
Khi các bạn thanh niên sau này hát lại những ca khúc của Nguyễn Ðức Quang, xin các bạn hãy nhớ những thế hệ đàn anh trong thời gian 1965 đã hát những bài hát đó trong khi đi xây dựng quê hương bằng bàn tay của mình. Hoàn toàn tự nguyện. Hoàn toàn tự do. Không vì lợi, không vì danh, không nhắm đến quyền hành chính trị. Những bài ca của Nguyễn Ðức Quang là tiếng nói của thế hệ thanh niên đó. Ước chi, đó cũng là tiếng nói của các thế hệ thanh niên Việt Nam bây giờ và mai sau. Chúng ta sẽ cùng nhau hát mãi:  


 
-----ooOoo-----
 
 
 

“Ðường của ta đưa ta về thanh bình”

Mùa hè năm 1965 đã có một cuộc vận động rất lớn để gây nên một phong trào hoạt động thanh niên tại miền Nam Việt Nam, đó là Chương trình Công Tác Hè 1965 dành cho thanh niên, sinh viên, học sinh khắp nước.

Nhạc sĩ Nguyễn Ðức Quang.
Chương trình phải lo soạn nhiều tài liệu hướng dẫn để cung cấp cho các ban điều hành các tỉnh, trong đó có việc thực hiện một tập bài hát thích hợp với sinh hoạt thanh niên.
 
Khi ngồi xuống cùng làm việc đó, anh em mới nhận ra rằng nhạc dành cho tuổi trẻ của thời bấy giờ rất nghèo nàn, cả tập nhạc chỉ có bài “Việt Nam! Việt Nam!” của Phạm Duy là mới sáng tác, có mang hơi thở của thời đại, còn lại là những nhạc phẩm vẫn được hát đi hát lại trong các hội đoàn mấy chục năm qua: Ðêm Trong Rừng, Trên Sông Bạch Ðằng, Bóng Cờ Lau... của Hoàng Quý; Bạch Ðằng Giang, Ải Chi Lăng, Lên Ðàng... của Lưu Hữu Phước; Anh Hùng Xưa và một số các bài hát nghi thức và bài hát vui của sinh hoạt Hướng Ðạo. Chỉ có thế. Chương trình Công tác hè 1965 khởi đi với những giai điệu cũ kỹ như vậy.
 
Nhưng cũng chính qua những trại công tác mùa hè năm ấy, một hiện tượng âm nhạc mới đã xuất hiện. Một thanh niên gầy gò ở tuổi hai mươi, mang đàn ghi ta vào ca hát ở các sinh hoạt trại. Giọng hát của anh cao và thanh với tiếng ngân dài khỏe mạnh, anh hát các ca khúc ngắn vui tươi. Ðó là Nguyễn Ðức Quang, người rồi sẽ tạo lập nên một nền ca nhạc hoàn toàn mới mẻ để làm hành trang cho một phong trào thanh niên vừa thành hình.
 
Từ đó, trong vòng một thập niên, Nguyễn Ðức Quang và bạn hữu của Phong Trào Du Ca đã liên tục cho ra đời những ca khúc mới. Trong các sinh hoạt của mình, người thanh niên không còn hát những câu như “Nước non Lam Sơn, nước non Lam Sơn, bóng cờ bay phấp phới...” mà là:
 
Từ Nam Quan Cà Mau
Từ non cao rừng sâu
Gặp nhau do non nước xây cầu
Người thanh niên Việt Nam
Quay về với xóm làng
Tiếng reo vui rộn trong lòng...
 
Xã hội chung quanh bộn bề công việc, những người trẻ tuổi đang cố gắng góp phần giải quyết với bàn tay làm việc và đầu óc tính toán của mình, đâu còn tâm dạ nào mà ngồi ca hát về những toán quân khởi nghĩa của Lê Lợi từ bao thế kỷ trước! Ðối với tiền nhân thì lịch sử hãy còn đấy, chúng con xin nghiêng mình trân trọng, nhưng chúng con cần hát về những vấn đề, về những tâm tình của chúng con hôm nay. Tiếng hát sẽ giúp người thanh niên khẳng định chính mình. Nhìn quanh: chiến tranh mỗi lúc mỗi tàn khốc, ruộng đồng đang tan nát, người dân quê hoảng hốt chạy loạn, cần giúp đỡ về y tế, về thực phẩm, cần xây dựng gấp trại tị nạn để đón mọi người... Từ trại Công trường Thanh niên Giới tuyến, tại Cam Lộ, Quảng Trị, Nguyễn Ðức Quang đã viết:
 
 Ðường về công trường là đường về quê hương...
 
 1. Này những miếng đất như bấp bênh dưới cơn mưa tràn
     Hoặc đã nứt vỡ và khô cứng đến tê bàn chân
     Là những miếng đất đã bao năm chan hòa nước mắt
     Là quê hương tôi, là quê hương tôi
 
2. Này những khốn khó ta có nhau lúc vui hay buồn
    Mồ hôi rơi tuôn tựa như nước tưới lên mầm ươm
    Tình như cây non đã vươn lên trong niềm yêu mến
    Là quê hương tôi, là quê hương tôi
 
3. Tình thân anh em đã đắp nên biết bao công trường
    Vì ta thương nhau là thương hết đám dân khổ đau
    Tìm đâu yên vui trên quê tôi dẫu chiều, mai, tối
    Là quê hương tôi, là quê hương tôi.
 
Nếu Trịnh Công Sơn đã viết Kinh Việt Nam mô tả sự tàn phá của chiến tranh và niềm mơ ước hòa bình với những lời lẽ xúc động nhưng xa xôi mơ hồ, thì bản Tìm Về Công Trường trên đây và nhiều bài khác nữa của Nguyễn Ðức Quang tôi nghĩ cũng là những bài Kinh Việt Nam nhưng dành cho giờ tĩnh tâm của những người trẻ tuổi suốt ngày làm việc cực nhọc mong làm vơi bớt nỗi khổ của đồng bào mình. Một bài kinh để hành động chứ không để tụng niệm.
 
Nhờ đi sát với thực tế cuộc sống, chàng nhạc sĩ Du Ca của chúng ta đã có dịp nhìn thấy những mặt thật của xã hội, từ đó nảy ra những sáng tác về nhận thức, lên án những hiện tượng tiêu cực, và đề nghị thái độ cho người trẻ tuổi. Nhận thức về thân phận và về quê hương, Nguyễn Ðức Quang đã viết những bản Nỗi Buồn Nhược Tiểu, Anh Em Tôi, Cho Ðồng Bào Tôi, Bầu Trời Quê Hương Ta v.v... Và chúng ta sẽ gặp một Nguyễn Ðức Quang phẫn nộ với Bọn Lái Buôn Ở Khắp Nơi, Ruồi và Kênh Kênh... Có buồn, có giận về những thực tại xấu xa trước mắt, nhưng thái độ của Quang vẫn là luôn luôn tích cực: Không Phải là Lúc, Ðoàn Ta Ra Ði, Ðuốc Hồng Tuổi Trẻ, Người Yêu Tôi Bệnh... Nhận thức không phải để nản chí, ngồi một chỗ mà than vãn. Không, Nguyễn Ðức Quang lúc nào cũng đứng thẳng và kêu gọi mọi người.
 
Không phải là lúc ta ngồi mà đặt vấn đề nữa rồi
Phải dùng bàn tay mà làm cho tươi mới
Hàng chục năm qua ta ngồi ngó nhau, nghi ngờ nhau
khích bác nhau cho sâu cho cay cho thật đau...
 
Câu nhạc đi luôn một hơi dài, như vội vàng, như thúc bách nói ra cho hết các triệu chứng tích lũy quá nhiều. Chẩn bệnh cho con bệnh xã hội chúng ta bằng những câu như thế thì quả là một thầy thuốc giỏi, tinh tường. Và thầy cũng biên toa cho thuốc luôn:
Làm việc đi không lo khen chê
Làm việc đi hãy say và mê
Cứ bắt tay gan lì chúng ta giải quyết.
Mình chậm chân đi sau người ta
Còn ngồi đây nghĩ lo viển vông
Thắc mắc ngại ngùng đến lúc nao mới làm xong. 
 
Thật ra đó là những lời vừa tâm tình vừa khích lệ với những người đồng đội của mình được Quang viết khi mới 22 tuổi. Cái tuổi chưa gia đình vợ con, coi tập thể quanh mình như anh em một nhà:
 
Ðoàn chúng tôi băng rừng sâu suối xanh qua nương đồi
Một sớm mai sương bình minh hãy còn vương trên cây
Ra đi hăng hái tiếng chim lừng đó đây...
 
Hơn bốn mươi năm đã trôi qua từ ngày Nguyễn Ðức Quang viết ra những ca khúc ấy. Bây giờ Quang đã đi hết con đường trần của mình, nhìn lại chúng ta thấy trong suốt cuộc chiến Việt Nam không một nhạc sĩ nào có một thái độ tích cực, cùng một nhận thức với tuổi trẻ như Quang. Các ca khúc của anh đã nâng tinh thần cho cả một thế hệ thanh niên, cho họ lòng tự hào về dân tộc và đất nước (dẫu cho khó thương). Anh nói với thế hệ tuổi trẻ của anh rằng Việt Nam là một quê hương ngạo nghễ, dân tộc Việt dù cay đắng thế nào vẫn có thể bứt tung xiềng xích và cười dưới ánh mặt trời.
 
Lời truyền đạt ấy đã ngấm vào nhiều thế hệ.
 
Năm 2007 thanh niên Việt Nam biểu tình chống Trung Quốc xâm lăng Hoàng Sa và Trường Sa đã hát vang Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ tại Sài Gòn, dù họ không biết rõ tác giả của bài này là ai.
 
Năm 1965, 21 tuổi, anh đi xe đạp suốt 300 cây số từ Ðà Lạt đến Sài Gòn để nhìn thấy con đường Việt Nam dài vô cùng vô tận trong không gian và thời gian, con đường lắm đoạn gập ghềnh nhưng mà sẽ:
 
Ðường của ta đưa ta về thanh bình
Ðường an lành đường thảnh thơi những ngày vui
Ðường Việt Nam mời những bước chân rời
Sát nhau lại vì đường vẫn còn dài...
 
Ðó là tiên tri và cũng là ao ước của người nghệ sĩ, đặt vào lòng tất cả người Việt Nam, không chỉ trong thời của anh, mà còn mãi mãi về sau.
 
Phạm Phú Minh



Friday, March 15, 2013

Đức Thánh Cha Phanxicô tự tay sách hành lý của mình


VATICAN (AP) — Đức Thánh Cha Phanxicô bầy tỏ lòng khiêm tốn ngày đầu tiên làm giáo hoàng, ngài đã ghé khách sạn lấy hành lý và tự ý trả tiền phòng với một phong thái mới của giáo hoàng thường khép kín trong các vách tường Vatican.
Sự tách biệt với các giáo triều cũ chú ý đến truyền thống cũng hiển nhiên trong sự lựa chọn trang phục: Ngài vẫn giữ thánh giá giản dị của ngày ngài được tấn phong giám mục và không mặc áo choàng đỏ Đức Benedict XVI đã mang khi trình diện thế giới lần đầu tiên năm 2005 – và đã chọn áo chùng trắng cho giáo triều.
Cựu tổng giám mục Buenos Aires, hồng y Jorge Bergoglio, khởi sự ngày đầu tiên là giáo hoàng bằng việc viếng thăm sáng sớm trong một chiếc xe hơi Vatican tầm thường tại một Vương Cung Thánh Đường Rôma được cung hiến cho Đức Trinh Nữ Maria và cầu nguyện trước một tượng Đức Mẹ.
Ngài nói với đám đông khoảng 100.000 người chen chúc trong mưa tại quảng trường Thánh Phêrô ngay sau khi ngài đắc cử là ngài muốn cầu nguyện vói Đức Mẹ xin "Mẹ canh giữ toàn thể thánh đô Rôma."
Ngài cũng nói với các hồng y là ngài sẽ đến thăm Đức Benedict XVI, nhưng Vatican cho hay cuộc viếng thăm này sẽ chỉ xẩy ra trong vài ngày nữa.
Hoạt động chính của ĐTC Phanxicô trong ngày thứ năm là Thánh lễ Đăng Quang vào buổi chiều trong nhà nguyện Sistine, nơi các hồng y bầu ngài làm vị lãnh đạo của một triệu hai trăm ngàn người Công Giáo, ngày thứ tư trong một mật nghị nhanh chóng rất bất thường.
ĐTC Phanxicô có thể sẽ trình bầy sơ lược một số các ưu tiên của giáo triều của ngài trong bài giảng. Ngài sẽ giảng bằng tiếng Ý, đây lại là một sự khác biệt với Đức Benedict theo truyền thống là giảng bài giảng đầu tiên bằng tiếng La Tinh.
ĐTC Phanxicô, một giáo hoàng Dòng Tên và không từ Âu Châu đầu tiên kể từ thời Trung Cổ,
quyết định chọn tên Phanxicô theo Thánh Phanxicô thành Assissi, một thầy tu khiêm nhường tận hiến đời mình cho việc giúp đỡ người nghèo khó.
Tân giáo hoàng, nổi tiếng về các công trình giúp người nghèo khó tại các khu xóm tồi tàn ở Buenos Aires, đã làm cho đám đông tại quảng trường Thánh Phêrô say mê và hô to khi tên ngài được loan báo, và họ lại la to một lần nữa khi ngài xuất hiện trên ban công của Vương Cung Thánh Đường với lời chào giản dị: "Kính chào quý anh chị em thân mến."
Vẫy tay chào e thẹn, ngài nói công tác của các hồng y là tìm một vị giám mục thành Rôma. "Dường như các hồng y bạn hữu của tôi đã muốn tìm người này ở tận đầu bên kia của thế giới, nhưng nơi đây chúng ta đã có mặt, Cám ơn các bạn về thịnh tình chào mừng."
Đức Bergoglio, 76 tuổi nói đã có số phiếu đứng hạng hai khi Đức Benedict XVI được bầu lên năm 2005, và ngài được chọn sau năm lần bỏ phiếu để thay thế vị giáo hoàng đầu tiên thoái vị sau một thời gian dài 600 năm.
ĐTC Phanxicô khuyến khích đám đông cầu nguyện cho Đức Benedict và ngay sau khi đắc cử đã nói chuyện điện thoại với Đức Giáo Hoàng về hưu, đang nghỉ ngơi tại Castel Gandolfo ở phía nam Rôma. Một cuộc viếng thăm Đức Benedict sẽ có ý nghĩa vì việc thoái vị của ngài đã khiến cho có nhiều ưu tư về việc có thể có sự mâu thuẫn trong thời gian có một giáo hoàng kế vị và một giáo hoàng về hưu..
Sau khi viếng thăm VCTĐ Đức Bà Cả,
ĐTC Phanxicô đã ghé khách sạn để lấy các hành lý ngài còn để lại sau khi di chuyển tới Vatican để tham gia mật nghị.
Ngài đích thân trả tiền phòng để "làm gương" theo linh mục Federic Lombardi, phát ngôn viên Tòa Thánh.
Đây là một biểu hiệu của tính tình giảm dị và khiêm tốn của một người đã có thể sai khiến một người khác đi làm việc này giúp ngài.
Ngài cũng bầy tỏ cùng một phong cách khi từ chối dùng xe riêng ngay sau khi đắc cử để đến khách sạn, và quyết định dùng xe buýt chung với các hồng y khác, và còn từ chối không dùng một bục cao để đứng khi chào mừng các hồng y, theo hồng y Hoa Kỳ Timothy Dolan.
Hồng y Dolan nói: "Ngài tiếp chúng tôi một cách bình đẳng."
Sau đó, trong bữa cơm tối, tân giáo hoàng nói vài lời với các hồng y: "Xin Thiên Chúa tha thứ cho các bạn về việc các bạn vừa làm."

Như nhiều người Công Giáo Châu Mỹ La Tinh, ĐTC Phanxicô tôn sùng Đức Trinh Nữ Maria một cách đặc biệt, và việc ngài viếng thăm đền thờ Đức Bà Cả đã chứng tỏ điều này.
Việc ĐTC Phanxicô đắc cử làm cho Châu Mỹ La Tinh vui mừng, nơi đây có 40 phần trăm toàn thể dân số Công Giáo trên toàn thế giới, nhưng đã lâu năm không có đại diện trong thành phần lãnh đạo giáo hội. Ngày thứ tư xe cộ chạy trên đường phố Buenos Aires bóp kèn inh ỏi và các xướng ngôn viên các đài truyền hình la to sung sướng khi loan tin vui.
ĐTC Phanxicô là con của một ga đình trung lưu người Ý di cư sang Argentina. Ngài từ chối những xa xỉ các cựu hồng y Buenos Aires đã vui hưởng
. Ngài sống trong một căn phố tầm thường, đi làm bằng xe buýt và thường xuyên viếng thăm các khu xóm nghèo khó tại thủ đô Argentina.
Chắc chắn ĐTC Phanxicô sẽ đưa giáo hội tới gần hơn với các miền đất nghèo khổ, trong khi giới thiệu với thế gới một hình thức giáo hoàng rất khác biệt. Đảo ngược thứ tự của việc ban phép lành, ngài yêu cầu đám đông cúi đầu và nói: "Tôi muốn các bạn chúc lành cho tôi."

 
 
 
 
  

Thursday, March 14, 2013

Giáo Hội Công Giáo đã có ĐGH mới: Đức Giáo Hoàng Phanxicô I

Một giờ sáng ngày 14/3/2013, (Giờ Việt Nam) làn khói trắng đã bốc lên tại Sistine Chapel, tiếng chuông vang lên dồn dập, báo hiệu có một Đức Giáo hoàng mới đã được chọn.
Biển người tại Vatican sôi động hò reo trước tin mừng này của Giáo hội Công giáo.
Như vậy, sau một quá trình mong đợi, Giáo hội Công giáo đã có một Đức Giáo Hoàng, ngài chọn tước hiệu Phanxico I.


Tin được biết: Đức Giáo Hoàng được chọn là Hồng Y Jorge Mario Bergoglio, Người Argentina gốc Italia. Ngài lấy tước hiệu là Phanxico I. Giáo Hoàng Phanxico I năm nay 77 tuổi, là Hồng Ý Tổng giám mục Tổng giáo phận thủ đô Buenos Aires. Đây là vị Giáo Hoàng thứ 266 của Giáo hội Công giáo.

Vài nét cơ bản về Đức Tân Giáo Hoàng Phanxico I:
Đức Hồng Y Jorge Mario Bergoglio, S.J., Tổng Giám Mục Buenos Aires, Argentina, đồng thời là Đấng Bản Quyền của các tín hữu Đông Phương không có chủ chăn, sinh ngày 17/12/1936 tại thủ đô Buenos Aires, Argentina. Ngài được thụ phong linh mục dòng Tên ngày 13/12/1969 trong khi đang theo học Thần Học tại phân khoa Thần Học tại Đại Học San Miguel. Từ năm 1973 đến năm 1979, ngài là bề trên tổng quyền Dòng tên tại Argentina. Từ năm 1980 đến năm 1986, ngài là khoa trưởng khoa Triết và Thần Học trường Đại Học. Sau khi hoàn tất Tiến Sĩ tại Đức, ngài là cha giải tội và linh hướng tại Đại Học Cordoba. Ngày 20/5/1992, Đức Thánh Cha bổ nhiệm ngài là Giám Mục hiệu tòa Auca và Giám Mục Phụ Tá Buenos Aires. Ngày 3/6/1997, ngài được bổ nhiệm Giám Mục Phó Buenos Aires và sau đó thay thế Đức Hồng Y Antonio Quarracino trong cương vị Tổng Giám Mục Buenos Aires ngày 28/2/1998. Đồng thời, ngài cũng là Đấng Bản Quyền của các tín hữu Đông Phương không có chủ chăn.
Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã tấn phong Hồng Y cho ngài ngày 21/2/2001 với hiệu tòa nhà thờ Thánh Robertô Bellarmine. Trong phiên họp Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới Kỳ 10, ngài là điều hợp viên dự khuyết. Tại giáo triều Rôma, ngài là thành viên Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích, Bộ Giáo Sĩ, Bộ Đời Sống Thánh Hiến và Các Tu Hội Đời Hội Đồng Giáo Hoàng về Gia Đình . Ủy Ban Mỹ Châu La Tinh
Ngài đã được bầu chọn làm Giáo Hoàng thứ 266 của Giáo hội Công giáo vào hồi 1 h sáng 14/3/2013 (Theo giờ Việt Nam) và lấy tước hiệu là Phanxico I.

Nữ Vương Công Lý
 
 



TỰ DO BÁO CHÍ Ở MIẾN ĐIỆN


Trông người mà nghỉ đến ta, Không biết đến bao giờ thì Việt Nam mới thật sựTỰ DO BÁO CHÍ như ở Miến Điện

(Xin nhấn vào cái link dưới đây để xem)


 
 
 

Wednesday, March 13, 2013

THƯ MỜI HỌP MẶT DU CA HẢI NGOẠI.


Có lẽ đa số các Thân hữu đã quen biết với thể loại nhạc sinh hoạt cộng đồng, tác động dùng trong các buổi lửa trại, các trại công tác xã hội, cứu trợ… của các hội đoàn Hướng đạo, hay thanh niên, sinh viên, học sinh, ngay cả trong các quân trường của QĐ-VNCH (như Quang Trung, Thủ Đức, Đà Lạt, Hải Quân, Không Quân…) tại miền Nam VN vào khoãng giửa thập niên 60 cho đến 30/4/75.

Vào khoãng thời gian nầy Quê Hương chúng ta đang chìm đắm trong chiến tranh, lòng người hoảng hốt, nghi kỵ mất niềm tin. Dòng nhạc Du ca đã xuất hiện, hâm nóng lại những con tim chán nản bỏ cuộc, dựng lại lòng tự tin cho một Quê Hương hào hùng, thắp sáng lên niềm hy vọng trong giới thanh niên , sinh viên học sinh và mở rộng lòng người để cảm nhận những đau thương, đổ vỡ đã và đang xãy ra trên Quê Hương mình lúc đó.

Mặc dù những gì đang xãy ra trên Quê Hương VN chúng ta hôm nay không như chúng ta mong muốn, nhưng chúng ta hãy tìm đến với nhau, xiếc chặt tay nhau, cùng nhau hát lại những ca khúc nầy để tìm lại dư âm của những kỷ niệm vui buồn xa xưa, đồng thời cùng tưởng nhớ tới anh Nguyễn Đức Quang, người đã dâng hết tuổi trẻ của mình để đem lại lòng tự tin, yêu thương và hy vọng trong chúng ta thời đó. Xin hãy đến với nhau…

Anh em ta trong giờ nầy đây,
Nhìn về non nước gian nan lắm ngày.
Điêu linh ta người một nhà,
Lòng cùng chua xót, cùng cất lời ca.
Lời ca nuôi lớn Tình yêu,
Niềm tin đem tới cho người đớn đau…

(Trích ca khúc: CÙNG HÁT XÓA NIỀM ĐAU của N.Đ.Quang)

Dưới đây là một vài hình ảnh được ghi lại trong buổi giổ đầu của anh N.Đ.Quang vào cuối tháng 3 năm ngoái tại Nam Cali:

(Xin click vào tên ca khúc muốn xem)

Lìa Nhau
Xương Sống Ta Đã Oằn Xuống
Đoàn Ta Ra Đi – Người Anh Du Ca – Cho Đồng Bào Tôi