Mấy đêm nay ngủ ít, nghĩ đến câu hát trong ca khúc “anh là ai” của Việt Khang:
“tôi không thể ngồi yên, khi nước Việt Nam đang ngả nghiêng”
Những ai còn nặng lòng nghĩ đến nước non, chắc chắn sẽ mất ngủ. Và tôi là một trong bao người mất ngủ những đêm dài khi nghĩ đến quê hương xứ sở thân yêu của mình đang chìm đắm trong lạc hậu, trong đàn áp, trong bất công gian dối sau 37 năm thống nhất hai miền Nam Bắc.
Là người viết nhạc trong cơn khốn khó quê hương của giai đoạn vượt biển tìm tự do, tôi trải lòng mình với Việt Khang, tôi hiểu Việt Khang đã viết bằng máu lệ của người nghệ sĩ trực diện với kẻ thù, đã dấy lên “sức mạnh chữ nghĩa”.
Tôi không thể ngồi yên, khi nước Việt Nam đang ngả nghiêng
Như một lời hiệu triệu. Làm sao ai mà không đau lòng khi nhìn non nước mình tan nát dưới một chế độ độc tài, độc đảng và dựa vào một ý thức hệ hoang đường cộng sản, chủ nghĩa xã hội không tưởng, và cả một hệ thống lừa bịp dân tộc. Làm sao tôi có thể ngồi yên nhìn đồng bào tôi đau khổ, quằn quại dưới sự cai trị hà khắc, bốc lột, giai cấp giàu nghèo chênh lệch, làm tay sai cho Tàu, đàn áp đồng bào mình.
Tôi đang nghĩ đến Việt Khang, người nhạc sĩ trẻ trong tù đã và đang bị những trận đòn ác hiểm của đám sai nha, những ngọn roi, những cú đấm dã man, những tra hỏi khủng bố bất kể thời gian, không gian, những hò hét của thú tính chửi bới đổ ập xuống con người nhỏ bé, nhưng trái tim yêu nước lớn vô cùng của Việt Khang, người nhạc sĩ trẻ thổn thức với cơn hấp hối của quê hương.
Tôi không thể ngồi yên, khi nước Việt Nam đang ngả nghiêng.
Tôi không thể ngồi yên, khi nước Việt Nam đang ngả nghiêng.
Làm sao ta ngồi yên được khi nhìn những “người con gái Việt Nam da vàng, yêu quê hương như yêu đồng lúa chín”, bị lột trần để mua bán như một món hàng cho ngoại bang.
Làm sao ngồi yên được khi bé thơ không cắp sách đến trường, suốt ngày lang thang ngoài bãi rác, mót trong đống rác hôi thối để sống, để nuôi cha, nuôi mẹ. Làm sao ngồi yên được, khi nghĩ đến thân tù tội của bao tiếng nói chống bạo quyền, nghĩ đến hoà thượng, giám mục, linh mục, các tu sĩ của các tôn giáo bị hành hung, bị trấn áp, bị đánh đập chỉ vì mang từ bi, đem bác ái đến tha nhân.
Những vết thương bầm tím trên người của linh mục Nguyễn Quang Hòa
Ai ơi có thấy trẻ thơ
Ngày ngày bới rác bươi đồ kiếm ăn
(Thơ Lê Mâu)
Làm sao ngồi yên được khi đất nước chảy máu từng cơn. Những trận thổ huyết của “bô xít”, của Hoàng Sa, Trường Sa. Những rừng đầu nguồn, những khoáng sản, tài nguyên trên rừng dưới biển tha hồ bán không tiếc thương. Đất nước tôi máu lệ và máu lệ chảy suốt một dòng từ ải Nam Quan cho đến tận mũi Cà Mau.
“đất nước tôi yếu nghèo bé nhỏ
lại chịu nhiều tai hoạ thật to
đồng bào tôi hiền lành như thơ
cũng mỏi mòn nằm co trong ngục tối
đất nước tôi chẳng có niềm vui
ngày quệt mồ hôi đêm chùi lệ ướt…”
(NCT)
Tôi không thể ngồi yên được khi nhìn thấy dân tộc tôi ngày càng xuống cấp, đạo đức suy đồi, con người vô cảm, và tôi càng không thể ngồi yên khi nhìn thấy những cuộc trấn áp của chính quyền độc tài, độc đảng chủ trương xua đuổi người dân để chiếm đất, bán đất cho ngoại bang. Những cơn chấn động từ Thái Hà, Khâm Sứ, Đống Đa, Cồn Dầu, Tiên Lãng, Bình Dương, Hà Tiên, Long An, Tam Toà, Nghệ An… và còn nhiều nơi nữa trên mảnh đất khó nghèo, nhỏ bé, ốm yếu, tang thương của quê hương Việt Nam tôi.
Thi sĩ Bắc Phong viết:
“Em ơi! Cách mạng là bởi tự trái tim
Vị trí nào cũng đều làm được
Trong hành động vì quê hương
Đó là cách mạng”
Hành động ký thỉnh nguyện thư của ngàn ngàn công dân Việt sống trên đất Mỹ thể hiện tình yêu nước nồng nàn, thể hiện trong hành động vì quê hương, là chống bất công, gian dối, áp bức. Cho dù bao phong ba bão táp, cho dù có bao lần mất niềm tin, cho dù chán chường, hy vọng lẫn tuyệt vọng. Cuối cùng, tình yêu non sông xứ sở hết sức thiêng liêng, vẫn còn đó, và ngự trị mãi mãi trong tâm khảm của từng người Việt tha hương lúc nào cũng thương cội nhớ nguồn.
Thỉnh nguyện thư là tiếng kêu thương thống thiết của con dân Việt khi nhận ra đồng bào mình đang bị áp bức, đang bị đoạ đày bởi bạo quyền cộng sản. Chế độ này ngày càng lộ rõ bản chất “hèn với giặc, tàn ác với dân” qua các cuộc ruồng bắt những tiếng nói đối kháng.
Thỉnh nguyện thư là thể hiện quyết tâm chống bạo quyền của cộng đồng Việt hải ngoại qua bao lần phân hoá, qua bao dâu biển nghi ngờ. Hôm nay, qua Việt Khang, qua nhân quyền đã bắt đầu như một.
Một tiếng nói.
Một quyết tâm.
Một ý chí.
Một sức mạnh
Một thay đổi
Đất nước Việt Nam ngàn đời yêu quí trong gian khổ đau thương đã sản sinh những người con lẫm liệt.
Hoàng Cơ Minh, Trần Văn Bá, Phùng Tấn Hiệp, Võ Đại Tôn, Mai Văn Hạnh, Võ Hoàng, Trần Thiện Khải, Lê Hồng, Phạm Minh Hoàng, Trần Huỳnh Duy Thức, Ngô Quang Kiệt, Nguyễn Văn Lý, Thích Quảng Độ, Lê Thị Công Nhân, Nguyễn Văn Đài, Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, Bùi Thị Minh Hằng, Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung,Việt Khang và còn nhiều nữa không kể hết.
Chế độ nào rồi sẽ qua đi. Dân tộc Việt Nam Tự Do Dân Chủ sẽ mãi trường tồn.
Tự hào thay ta làm người Việt. Ngẩng cao đầu tôi bước theo anh.
Châu Đình An
Posted on February 28, 2012