Thursday, December 26, 2013

NHÀ BÁO VIỆT DZŨNG (Trần Khải)


Việt Dzũng đã từ trần. Cơn bệnh tim anh đã được bác sĩ cảnh báo từ mấy năm trước. Anh đã xuất hiện như một nhạc sĩ, một ca sĩ, một MC, một nhà báo, một nhà biên tập tin tức, một xướng ngôn viên đàì phát thanh… và tất cả các vai trò đều xuất sắc.

Trong tận cùng, Việt Dzũng là một người yêu nước, và tất cả những hoạt động của anh hầu hết đều gắn liền với những thôi thúc đòi hỏi tự do, dân chủ cho quê nhà. 

Nhưng dưới mắt quần chúng, vị trí nhạc sĩ của anh lấn át những vai trò khác. Một phần, vì nhạc của Việt Dzũng độc đáo, gắn liền với nhịp sống của một thời kỳ độc đáo - một thời của thuyền nhân đổ xô ra biển, một thời của người hải ngoại gửi quà về cho thân nhân, một thời của một số người yêu nước muốn kết tập lực lượng để bạo lực vũ trang cứu nước…

Tất cả các thời đó, có lẽ sẽ không nhìn thấy trở lại nữa. Chúng ta không hình dung là sẽ có thể tái diễn một đợt thuyền nhân mới, một đợt đói kém mới để cần gửi quà cứu nguy, một đợt những người yêu nước tìm về biên giới Thái Lan và Cam Bốt để đột nhập vũ trang nữa…

Nhưng bất kể những thời kỳ đó trôi qua, nhạc của Việt Dzũng vẫn mang đầy sức mạnh rất riêng tư, rất cảm xúc chân thật. Bản thân Việt Dzũng là người lên thuyền ra Biển Đông, lên đảo và sang Hoa Kỳ. Nhạc anh có chất rất thật.

Trong âm nhạc, trong lời ca, trong việc làm… Việt Dzũng mang ngọn lửa rất riêng tư đời thực như vậy.

Có vẻ như Việt Dzũng không thể ngồi yên được. Không làm chuyện này, anh cũng làm chuyện khác, và tất cả đều hướng về cuộc chiến anh đã chọn: dân chủ hóa Việt Nam.

Công chúng không biết nhiều về những khoảng thời gian làm báo của Việt Dzũng, vì bản tính anh lặng lẽ, nhìn lúc nào cũng cười - nụ cười hiền hậu.

Nhưng nghề báo của anh đã rèn luyện tại Bolsa, qua những lò luyện nghề báo tuyệt vời. Nói nghề báo, có nghĩa là, cả báo viết, báo nói và báo hình. Lĩnh vực nào, Việt Dzũng cũng xuất sắc.

Sau khi Việt Dzũng ra đi, nhà báo Phạm Trần nói qua điện thoại với nhà báo Ngọc Hoài Phương - chủ nhiệm và là chủ bút tạp chí Hồn Việt rằng, “Tạp chí Hồn Việt là một phần đời của Việt Dzũng.”

Đúng như thế. Một phần đời của Việt Dzũng là lĩnh vực báo chí. Dĩ nhiên, số người đọc báo không thể đông bằng số người nghe nhạc Việt Dzũng qua mạng YouTube hay xem qua truyền hình SBTN. Nhưng từ làng báo, Việt Dzũng đã chứng tỏ tài năng xuất sắc, một tài năng hiếm hoi, không phải ai vào nghề báo cũng học được.

Cũng chính Việt Dzũng là người đầu tiên loan tin về một cửa tiệm ở Bolsa treo cờ CSVN và ảnh ông Hồ. Lúc đó, anh nói trên giờ tin buổi sáng của đài Radio Bolsa.

Tôi còn nhớ, lúc đó, tôi đang lái xe, mở radio ra nghe, và nghĩ rằng, vậy là hôm nay mình phải dò hỏi thêm rồi sẽ viết tin về anh chàng nào treo cờ đỏ và ảnh ông Hồ. Những cuộc biểu tình liên tục gần 2 tháng trên phố Bolsa, gần như bản tin hàng ngaỳ đều được Việt Dzũng loan tin qua radio theo kiểu riêng, kiểu gây sự chú ý rất độc đáo của nghề làm báo nói - lúc anh phỏng vấn một nhân vật cộng đồng, lúc phỏng vấn một người sinh viên, lúc phỏng vấn một người chủ tiệm trong cùng khu phố nơi đang bị biểu tình vây chật cứng, và lúc thì Việt Dzũng dịch một bản tin của báo OC Register, hay LA Times…

         
Tôi quan sát, và tôi khâm phục cách Việt Dzũng làm tin tức như thế. Công việc của tôi lúc đó cũng là viết tin, dịch tin… nhưng là cho báo giấy. Phải ngả mũ chào cái anh báo nói này vậy.

Hôm Thứ Hai 23-12-2013, tôi hân hạnh nói chuyện với nhà báo Ngọc Hoài Phương.

Được nghe anh Ngọc Hoài Phương kể rằng, Việt Dzũng làm ở tạp chí Hồn Việt từ năm 1989, lúc đầu là Thư Ký Tòa Soạn, sau khi Tổng Thư Ký Long Ân từ trần, Việt Dzũng lên nắm chức Tổng Thư Ký tạp chí Hồn Việt.

Ngọc Hoài Phương nói, Việt Dzũng còn làm cho nhiều báo khác, như báo Diễm, như Diễn Đàn Chủ Nhật… nhưng vẫn luôn luôn gắn bó với Hồn Việt.

Anh kể, cá nhân Ngọc Hoài Phương còn gắn liền với Việt Dzũng qua nhiều sinh hoạt hằng ngày, như có những buổi trưa NHP và VD tranh luận xem nên đi ăn trưa ở tiệm nào.

Việt Dzũng cũng đưa cho NHP giữ một bộ chìa khóa nhà, xe, tủ… của VD. Có nhiều lần Việt Dzũng và vợ là BêBê Hoàng Anh đi xa về, nửa đêm tới gõ cửa nhà Ngọc Hoài Phương để lấy chìa khóa, vân vân…

Thực ra, nghề làm báo của Việt Dzũng không chỉ riêng về các tin tức về Việt Nam, mà trải ra nhiều lĩnh vực đa dạng.

Hãy nhớ tới những câu hỏi VD đưa ra, trong những giờ nói chuyện với nhà báo Nguyễn Văn Khanh (bây giờ là Giám Đốc Đài RFA Việt Ngữ), những câu hỏi VD nêu ra hay những thông tin VD nêu ra đều gây chú ý tới người nghe về các chuyện Giải Túc Cầu World Cup, hay chuyện cô Lewinsky với Tổng Thống Clinton, hay chuyện Cộng Hòa đem vụ giấy khai sanh của Obama ra hỏi, chất vấn, và có khi ngay cả trong những giờ độc diễn… Việt Dzũng cũng có những bản tin lạ, gây chú ý.

Làm thế nào một nhạc sĩ xuất sắc có thể làm được vai trò nhà báo xuất sắc như thế?

Trước hết, tôi tin rằng Việt Dzũng yêu thương tất cả những gì anh làm. Và anh làm tận lực, làm ngày đêm. Và ngọn lửa nung nấu trong tất cả các hành động của anh chính là lòng yêu nước.

Không có ngọn lửa này, sẽ không có Việt Dzũng.

Và cũng có thể, chính ngọn lửa yêu nước này đã rút ngắn đời anh, đã đốt cháy thật sớm những năng lực trong tim của anh và đã dẫn tới cơn truỵ tim đột ngột.

Việt Dzũng là người hiền lương, tất có chỗ trên Thiên đường, nhưng anh đã không kịp nhìn thấy một Việt Nam tự do dân chủ như anh mơ ước.

R.I.P. Việt Dzũng.

12/24/2013