(Nguyễn Khanh, GĐ ban Việt Ngữ
RFA)
Đúng hẹn, tôi có mặt tại Radio
Bolsa. Lúc đó anh Khúc Minh cũng vừa từ phòng thu âm bước ra, đi đàng sau là chị
Minh Phượng. “Dzũng hôm nay bịnh không đi làm”, chị Minh Phượng bảo, “cũng
không thấy nó gọi nên em không biết sức khỏe thế nào rồi. Hôm nay anh Khanh phải
làm việc một mình”. Chị vừa nói xong, anh Khúc Minh bảo thêm “tôi thấy Dzũng nó
bị bịnh nhiều lắm ông Khanh à” đi kèm với câu “sức khỏe không tốt, nó cứ phải
nghỉ hoài à”.
Chuyện Việt Dzũng thỉnh thoảng phải nghỉ bệnh không thể đi làm là điều tôi được nghe chính anh nói hồi tháng trước, khi hai anh em đứng hút điếu thuốc lá trước khi chia tay nhau. “Sức khỏe của em lúc này yếu lắm anh”, Dzũng vừa nói vừa nhìn tôi. “Việc làm thì quá nhiều, việc muốn làm thì chưa đi được bao xa”. Anh hít vội một hơi thuốc, đưa tay búng tàn ra bãi đậu xe, bảo tiếp “anh em mình còn quá nhiều việc phải làm, em không biết mình có làm được hết hay không”.
Tôi gặp Việt Dzũng lần đầu tiên
hồi năm 1981 ở Washington D.C., lúc anh lên tham gia cuộc biểu tình kêu gọi
chính phủ Hoa Kỳ và thế giới mở rộng vòng tay đón thuyền nhân Việt Nam. Lúc đó
anh đã là một nhạc sĩ nổi tiếng với những bản nhạc mà người Việt trong và ngoài
nước ai nấy đều thuộc lòng, còn tôi chỉ là một anh sinh viên sửa soạn ra trường
với ước mở trở lại nghề dậy học. Phải thú thật cả 2 anh em không ai chú ý đến
ai, chỉ bắt tay chào hỏi cho có lệ, và chính sau này cả Dzũng lẫn tôi đều nhiều
lần bảo với nhau “không ngờ anh em mình lại làm việc chung với nhau được 30
năm”.
Điều giúp anh em chúng tôi gắn
bó với nhau ngay từ lúc đầu là chuyện Dzũng học Đại Học Nebraska, “trường này
tôi cũng nộp đơn xin học nhưng họ không cho học bổng, bắt đóng tiền nặng quá
nên tôi đầu hàng”. Tôi còn nhớ Dzũng hỏi “tại sao anh lại chọn Nebraska”, tôi
trả lời lúc vừa chân ướt chân ráo đến Mỹ, “nghe nói trường nổi tiếng là trường
phải có hội football lớn, và Nebraska nằm trong tiêu chuẩn quan trọng đó”.
Dzũng hỏi lại “thế anh có biết football không?”. “Biết chứ nhưng không nhiều,
chỉ biết sơ sơ thôi”. Nói xong cả hai anh em cùng phá lên cười.
Tối hôm đó ở nhà anh Nguyễn
Lương Sơn, tôi may mắn được nghe Dzũng và chị Nguyệt Ánh cùng cất tiếng hát những
bản nhạc viết về thuyền nhân cho đến những bài ca tranh đấu mang nội dung nhắc
nhở những người may mắn đến được bến bờ tự do đừng quên những người không may
còn ở lại, nhắn nhủ những người đã đi định cư đừng quên số phận của những người
đang trên đường vượt biển hay đã đến được trại tỵ nạn. Không ai nói với nhau một
lời, cả nhóm đều hiểu mỗi bài hát anh và chị Nguyệt Ánh cất lên là mỗi bài hát
đánh thức lương tâm của con người, anh em chừng chục người chỉ biết lặng im ngồi
nghe, hết người này đến người khác đưa tay vội vàng chùi nước mắt trong căn
phòng ngập khói thuốc lá. Cũng tối hôm đó, may mắn được ngồi cạnh chị Nguyệt
Ánh và anh nên tôi được nghe hai người bàn chuyện cùng nhau đi một vòng nước Mỹ
và các châu lục khác. Kể từ hôm đó, người Việt tỵ nạn bắt đầu nhìn thấy chị
Nguyệt Ánh và Việt Dzũng trên sân khấu.
Phải hơn một chục năm sau ngày gặp
nhau, anh em chúng tôi mới có dịp thật sự làm việc chung với nhau. Khởi đầu là ở
Little Saigon Radio, khi anh Nguyễn Hữu Công gọi điện thoại nhờ tôi làm thông
tín viên tại thủ đô, “người làm việc chung với cậu là Việt Dzũng”, anh Công cho
tôi biết. Thật tình lúc đó tôi ngần ngại vì dù đã biết nhau nhưng ở quá xa, làm
sao có thể ăn khớp với nhau được, và lại tôi ngại làm việc với những người nổi
tiếng lắm. Tôi nêu chuyện này với anh Công, anh trả lời “cậu cứ yên trí đi,
Dzũng nó khéo lắm, biết đủ chuyện để có thể tán với cậu trên đài”.
Lời nói với giọng đầy tự tin của
anh Công giúp tôi thêm can đảm để nhận lời, bắt nhịp cầu truyền thanh nối liền
miền Đông và miền Tây của nước Mỹ. Cũng phải nói luôn chính cái “khéo” của Dũng
giúp tôi trình bày vấn đề lưu loát hơn, và cũng nhờ Dzũng đưa ý kiến “anh em
mình làm thêm chương trình thể thao hàng tuần chuyên bàn cá độ cà na” giúp tôi
thật sự trở thành người miền Đông được thính giả miền Tây biết đến. Có lần tôi
bảo với Dzũng “anh em mình làm việc với nhau mỗi ngày nhưng chương trình
football là chương trình được thính giả biết đến nhiều nhất”. Dzũng cười, bảo
“không phải như vậy đâu anh. Chương trình nào thính giả cũng thích cả, chính trị
hay thể thao thính giả đều thích như nhau, miễn là mình làm việc tận tâm, giúp
họ nghe một bản tin quan trọng nhưng đừng quá căng thẳng”.
Làm việc với nhau ở Little
Saigon Radio được vài năm thì Dzũng cùng với một số bạn bè quyết định lập đài
riêng mang tên Radio Bolsa, tôi được rủ sang làm việc chung. Ngày phát thanh đầu
tiên của Đài không có tôi, gần một tuần lễ sau tôi mới góp tiếng. Tôi còn nhớ
sau bản tin ghi từ D.C. về California, Dzũng gọi cho tôi để nói lời cám ơn, kèm
theo đó là lời nhắn nhủ “anh đừng bỏ tụi
em nghe”. Câu nói chân tình đó của Dzũng
là một trong những động lực thúc đẩy tôi liên tục làm việc mỗi ngày với anh và
với những anh em khác của Đài.
Giữa tháng 11 tôi có việc phải
sang California. Lần nào cũng như lần nào, đã sang tới nơi thì bắt buộc phải
ghé đài làm bản tin tại chỗ với Việt Dzũng. Cũng như thường lệ, chương trình
tin tức vừa xong an hem chúng tôi cùng nhau ra bãi đậu xe hút thuốc lá. Hôm đó
Dzũng bảo “năm nay là năm kỷ niệm 30 năm ngày anh em mình chính thức làm việc với
nhau, đồng thời cũng là kỷ niệm 20 năm ngày anh em mình làm radio chung với
nhau”. Tôi chưa kịp trả lời thì Dzũng bảo luôn “lần tới anh sang đây, em sẽ đưa
anh đi nhậu. Anh thích nhà hàng nào cứ cho em biết, gọi tất cả anh em, bạn bè
đi nhậu chung cho vui”. Thời điểm hai anh em đồng ý với nhau: khoảng một tuần
trước Lễ Giáng Sinh cho tới Tết Tây 2014, đồng ý hôm đó sẽ làm bản tin tổng kết
cuối năm 2013 và sau đó “đi nhậu”.
Đúng hẹn với Dzũng, tôi xuống
Orange County vào ngày thứ Năm, sáng hôm sau (thứ Sáu 20 tháng Mười Một), tôi
ghé Đài không thấy Dzũng. Ngồi làm bản tin lúc 9 giờ 40 với chị Minh Phượng vừa
xong thì thấy Cô Nhung -mẹ Dzũng- bước vào, tay xách theo 2 túi quà “bác mua tặng
cho mấy đứa”. Tôi nghe rõ Cô Nhung hỏi mọi người “thế thằng Dzũng đâu” vì chính
Cô cũng không biết Dzũng ốm nằm ở nhà. Đưa quà xong, đứng lại nói chuyện chừng
vài phút thì Cô ra về, bảo với tôi “Cô về ghé nhà thăm em nó”, bảo thêm “lúc
này nó hay mệt lắm anh ạ, hệ thống miễn nhiễm yếu lắm. Thế nào Cô cũng bảo với
em nó là có gặp anh Khanh”.
Rời Radio Bolsa, tôi ghé qua
thăm một số bạn bè quen cũ nói dăm ba câu chuyện rồi lại lên xe định ghé một tiệm
ăn nào đó kiếm khúc bánh mì gặm cho đỡ đói. Đi chưa tới nơi thì điện thoại reo,
chị Minh Phương khóc òa báo tin “Dzũng chết rồi anh Khanh ơi, anh chạy ngay vào
nhà thương đi”.
Tôi sững sờ khi nghe tin mình
không bao giờ muốn nghe. Không tin chuyện đó lại xảy ra vì chỉ 2 ngày trước đó
anh em chúng tôi còn làm bản tin ngày thứ Tư, cũng không ngờ chỉ trong chớp
nhoáng mà mình mất đi một người bạn, một người em, một đồng nghiệp đã gắn bó với
nhau trong suốt mấy chục năm trời. Tôi bỗng dưng nhớ lại có lần bảo với Dzũng
“ai cũng nói gặp nhau 1 lần đã là may, làm việc với nhau một ngày đã là quý, ít
người có cơ hội làm việc với nhau mấy chục năm như anh em mình”. Nghe vậy Dzũng
cười trả lời “tại anh em mình có duyên với nhau”, kể thêm “rất nhiều người hỏi
em là anh em mình có soạn bài trước hay không mà tung hứng ăn khớp quá. Em trả
lời không thì họ không tin, nên cuối cùng em bảo là có duyên nên anh với em mới
tung bắt nhịp nhàng được như thế”.
Vừa lái xe vào nhà thương, tôi vừa
nghĩ đến những câu chuyện Dzũng và tôi trao đổi với nhau trong suốt 30 năm qua,
nhớ lại ngày đầu tiên khi gặp nhau ở Virginia và lần cuối cùng đứng nói chuyện
với nhau ở California. Nhớ như in ngày đầu thấy Dzũng chống cặp nạng hút thuốc
lá Kool, bây giờ cặp nạng vẫn còn, dáng người mập hơn, thuốc lá thì đã đổi sang
thành Salem Light hoặc những loại thuốc lá bạc hà khác, nhớ có lần vừa hút thuốc
vừa ho, Dzũng than “em hút thuốc nhiều quá nên cứ ho hoài”. Thương người bạn
mình, tôi nói đùa “tôi có biết mấy cô cả đời không bao giờ hút thuốc nhưng chỉ
vì lỡ dại hôn đứa hút thuốc nên mấy cô đó cũng thúng thắng ho đấy”. Nghe tôi
nói xong, Dzũng cười vang ầm cả phòng, bảo “ông anh này thiệt tình…”, và tiếp tục…
hút thuốc.
Tôi cũng nghĩ đến những gì Dzũng
đã tận tụy làm cho mọi người trong đó có tôi, và những bản nhạc anh viết chạy
thật nhanh trong đầu tôi, trong đó có những bản tôi may mắn được ngồi nghe anh
vừa đàn vừa hát. Đó là những bài hát Dzũng đã viết cho chúng ta và tất cả chúng
ta đều đã từng hát với nhau hay hát cho nhau nghe những bản nhạc đó. Tôi cũng
nhớ đến bản nhạc rất quen thuộc của anh mà tôi và mọi người đều quen thuộc lẫn
yêu thích nhất là bản “Một Chút Quà Cho Quê Hương”. Mãi
đến khi anh mất rồi, tôi mới chợt hiều chính
anh là “món quà” quý báu nhất của quê hương.
Tôi cũng tin rằng tất cả chúng
ta đều đã có “duyên” được nghe anh hát, được hát nhạc của anh, được nhìn thấy
anh đứng trên sân khấu làm MC, được nghe anh nói chuyện. Từ “duyên” sang “nợ”,
tôi tin tất cả chúng ta đều nợ Dzũng một lời cám ơn, cám ơn anh đã dành hết những
gì anh có cho chúng tôi. Đáng lẽ lời cám ơn đó chúng ta phải gửi đến anh từ
lâu, nhưng bây giờ vẫn chưa muộn.
Với cá nhân tôi, có còn điều gì
để nói về Dzũng hay không? Còn nhiều lắm. Tôi không bao giờ quên cứ mỗi lần
không hài lòng về tôi, Dzũng chỉ bảo “anh chơi như vậy thì anh chơi với ai?”.
Dzũng à, Dzũng bảo anh Khanh “đừng bỏ tụi em”, bây giờ Dzũng bỏ anh em mà không
nói cả lời chia tay. Đã thế, Dzũng còn hẹn anh Khanh xuống đây làm một chầu nhậu
đánh dấu 30 năm làm việc chung, chầu nhậu đó sẽ không bao giờ có chỉ vì không
còn Dzũng.
“Dzũng chơi như vậy thì Dzũng chơi với
ai?”.
Nguyễn Khanh