Saturday, February 15, 2014

MỸ “VUNG GƯƠM” THÁCH THỨC ĐƯỜNG LƯỠI BÒ CỦA TRUNG QUỐC

Mỹ đã khiến cộng đồng quốc tế bất ngờ khi lần đầu tiên công khai bác bỏ yêu sách đường lưỡi bò hay còn gọi là đường 9 đoạn của Trung Quốc ở Biển Đông. Diễn biến này đã giúp củng cố thêm lập trường của các nước đang có tranh chấp với Trung Quốc và mở màn cho một cuộc đấu pháp lý mang tính quốc tế với Bắc Kinh liên quan đến các tranh chấp ở Biển Đông. 

Washington luôn khẳng định sự trung lập, không đứng về bên nào trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải ở Biển Đông đồng thời phản đối bất kỳ biện pháp dùng vũ lực nào nhằm giải quyết tranh chấp. Mặc dù vẫn lên tiếng chỉ trích và lên án những hành động hung hăng, hiếu chiến của Trung Quốc trong các cuộc tranh chấp với một loạt nước láng giềng Đông Nam Á ở Biển Đông nhưng Mỹ chưa bao giờ lên tiếng phản đối đường lưỡi bò phi lý mà Bắc Kinh đưa ra nhằm đòi chủ quyền đến 90% Biển Đông.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ phụ trách các vấn đề Thái Bình Dương và Đông Á – ông Daniel Russel hồi tuần trước đã chính thức phá bỏ lớp vỏ mập mờ, nước đôi của Washington trong vấn đề Biển Đông khi ông này có cuộc điều trần trước Uỷ ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ. 

Thứ trưởng Russel tuyên bố, theo luật quốc tế, chủ quyền hàng hải ở Biển Đông “phải được đưa ra dựa trên những đặc điểm trên đất liền” và rằng bất kỳ đường 9 đoạn nào của Trung Quốc nhằm đòi chủ quyền hàng hải mà không dựa trên các đặc điểm trên đất liền “đều không phù hợp với luật quốc tế”.

Ông Russel phát biểu, cộng đồng quốc tế hoan nghênh việc Trung Quốc làm rõ hoặc điều chỉnh đường 9 đoạn mà họ đưa ra để sao cho phù hợp với luật biển quốc tế.

Không giống như các nước khác, Bắc Kinh đòi chủ quyền đối với khoảng 90% Biển Đông và yêu sách chủ quyền đó không dựa vào các quần đảo hay bất kỳ đặc điểm cụ thể nào mà là dựa vào một bản đồ lịch sử mà Trung Quốc chính thức đệ trình lên Liên Hợp Quốc năm 2009.
 
Bản đồ mà Trung Quốc đưa ra bao gồm một đường 9 đoạn tạo thành hình chữ U kéo từ bờ biển phía đông Việt Nam đến phía bắc Indonesia và sau đó tiếp tục kéo dài theo hướng bắc tiến tới bờ biển phía tây của Philippines. 

Rất nhiều các chuyên gia luật có uy tín của thế giới nhận xét yêu sách đường 9 đoạn của Trung Quốc không phù hợp với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). 

Ông Jeffrey Bader – người từng là cố vấn cấp cao nhất của Tổng thống Barack Obama trong vấn đề Trung Quốc, nhận định, với những phát biểu của Thứ trưởng Russel tại phiên điều trần hồi tuần trước, Mỹ “đã lần đầu tiên công khai lên tiếng khẳng định cái gọi là đường 9 đoạn đi ngược lại với luật quốc tế”. 

“Bằng cách công khai bác bỏ đường 9 đoạn, Thứ trưởng Russel và chính quyền Obama đã làm rõ quan điểm của họ một cách đúng đắn”, ông Bader, hiện là một chuyên gia cấp cao của Viện Brookings ở Washington, đã nói như vậy. 

Washington đã khẳng định rõ ràng rằng, sự phản đối của họ là dựa trên “nguyên tắc, trên luật pháp quốc tế chứ không chỉ là sự bác bỏ đơn thuần vì nó là của Trung Quốc”, ông Bader nhấn mạnh. 

Thanh Gươm Pháp Lý 

Việc Washington công khai bác bỏ đường 9 đoạn (đường lưỡi bò) “là một điều có ý nghĩa rất lớn. Nó chứng tỏ cách Mỹ sử dụng luật pháp quốc tế như là thanh gươm để thách thức các hành động của Trung Quốc ở trong khu vực”, ông Julian Ku – một giáo sư luật của trường Đại học Hofstra ở New York, nhận xét.

Ông Ku cũng đã bày tỏ sự ngạc nhiên trước việc chính phủ Mỹ chưa bao giờ thực sự công khai đưa ra một tuyên bố bác bỏ mạnh mẽ đường lưỡi bò của Trung Quốc trước đây. 

Tuyên bố của Thứ trưởng Ngoại giao Russel “phù hợp với lập trường lâu nay của chính phủ Mỹ về bản chất của các cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải”.

Washington đã luôn giữ một sự không rõ ràng nhất định về việc họ có đứng trung lập trong vấn đề liên quan đến đường 9 đoạn của Trung Quốc nhưng ông Russel đã chấm dứt sự mập mờ đó. 

Theo ông Bader, chính phủ Mỹ cũng nên làm rõ với các nước có tranh chấp khác ở Biển Đông và cả các quốc gia Đông Nam Á khác như Singapore và Thái Lan, về việc Washington mong họ công khai bác bỏ đường 9 đoạn của Trung Quốc như Mỹ đã làm dựa trên luật pháp quốc tế.

“Mỹ nên bảo đảm rằng, phương pháp tiến cận của họ không phải là đơn phương. Trên thực tế không phải như vậy nhưng thỉnh thoảng, các nước khác vẫn giữ im lặng hoặc bí mật ủng hộ quan điểm của Mỹ”, ông Bader cho biết.

Động thái mới nhất của Mỹ sẽ đưa ra được một “lộ trình pháp lý” cho các nước không có liên quan đến cuộc tranh chấp ở Biển Đông, chuyên gia Ku cho hay. “Lập trường pháp lý của Mỹ hầu như không có gì gây tranh cãi nên nó rất dễ được EU, Canada hay Australia thông qua” và những nước này không ngại đối đầu với Trung Quốc.

Hiện tại, Philippines đã chính thức thách thức tính pháp lý của yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc bằng việc đưa tranh chấp ở Biển Đông ra giải quyết tại Liên Hợp Quốc.

Manila đã đưa vụ tranh chấp ở Biển Đông ra toà án quốc tế từ cách đây một năm, nói rằng đường 9 đoạn của Trung Quốc không dựa trên cơ sở luật pháp. 

Kiệt Linh – VIỆT THỨC