Monday, February 10, 2014

“QUÁI VẬT BIẾN HÌNH” CỦA MỸ SẼ LÀ BÁ CHỦ TRÊN BIỂN?

Người chuyển bài: Phạm Tín An Ninh 

Thông thường nếu đề cập đến một phương tiện có thể di chuyển với tốc độ siêu âm, mà không phải là thiết bị bay trên không, người ta thường nghĩ tới một bộ phim viễn tưởng, nhưng người Mỹ đã biến nó thành sự thực.

Vấn đề tưởng như không tưởng ấy đã được Công ty thiết bị quân sự nổi tiếng là Công ty Juliet Marine Systems tìm ra giải pháp. Họ đã nghiên cứu, chế tạo một tàu tấn công cao tốc có khả năng lướt trên mặt nước như một chiếc ván trượt, vừa có thể hành trình trên biển như một tàu chiến bình thường. Đây chính là loại tàu tấn công lưỡng thê siêu tốc được đặt tên là “GHOST”.

“GHOST” là một phương tiện “lai” giữa tàu chiến, máy bay và xe chiến đấu. Nó được thiết kế phần thân giống như một tàu chiến bình thường nhưng cabin phía trước có thiết kế dạng một cabin xe. Thiết kế phần đáy tàu rất nhọn làm tiết diện tiếp nước của nó rất nhỏ, độ xé nước rất cao. Ngang sườn nó có 2 càng kiểu gập, xếp, có thể tùy chỉnh độ nâng giống như 2 cánh của một con chim.

Hình ảnh mô phỏng tác chiến của Ghost

Trong điều kiện hành trình bình thường nó sẽ tuần tra trên biển như một chiến hạm nhưng khi cần tăng tốc, 2 càng có thể nâng thân tàu hoàn toàn khỏi mặt nước giống như một chiếc “xe bay” và di chuyển trên mặt nước hoàn toàn nhờ tiết diện tiếp xúc cực nhỏ của 2 càng nâng, với vận tốc cực đại.
Điểm tối quan trọng là “GHOST” được chế tạo bằng vật liệu siêu đặc biệt khiến lực ma sát của tàu khi tiếp xúc với mặt nước chỉ bằng 1/900 các vật liệu chế tạo tàu thông thường. Điều này giúp nó có thể tuần tra trên biển với vận tốc như một chiếc máy bay chính hiệu.
 
Công ty Juliet Marine Systems khẳng định, với thiết kế tối ưu và vật liệu siêu nhẹ, không ma sát, “GHOST” hoàn toàn có thể đạt tới vận tốc siêu âm như một chiếc máy bay khi hành trình trên biển. Điều này đã được chứng minh trong các chuyến thử nghiệm thực tế bí mật của nó. Tuy nhiên, hiện công ty này vẫn đang giữ bí mật về thành phần vật liệu chế tạo cụ thể của “GHOST”.
Ngoài ra, việc giảm lực ma sát với mặt nước vừa giúp tàu nâng cao được tốc độ, vừa giúp nó tiết kiệm được nhiên liệu tối đa so với các loại chiến hạm khác. Theo tính toán của Công ty Juliet Marine Systems, nếu sử dụng đại trà loại tàu này, 1 năm hải quân Mỹ có thể tiết kiệm 1,5 tỷ USD chi cho nhiên liệu.

“GHOST” còn rất tiện dụng khi nó có thể được điều khiển bằng nhiều phương thức khác nhau như điều khiển trong khoang tàu được thiết kế kiểu cabin xe, cũng có thể điều khiển bên ngoài như tàu chiến hoặc sử dụng điều khiển xa kiểu tàu không người lái. Phương thức sau sẽ có vai trò rất quan trọng trong thực hiện những nhiệm vụ có tính chất đặc biệt nguy hiểm.
Ngoài tính năng thiết kế ưu việt, lớp vỏ tàu còn được chế tạo bằng vật liệu tàng hình, kết hợp với tốc độ siêu cao làm cho các radar không thể phát hiện được tàu trước khi nó tiếp cận đến phạm vi mắt thường. Ngay từ bây giờ đã có thể nhận định, “GHOST” sẽ trở thành một phương tiện tác chiến rất khó đối phó đối với những địch thủ của Mỹ.

Ngoài ra, quân đội Mỹ cũng đang so sánh loại tàu này với máy bay trực thăng tấn công trên biển. “GHOST” có tính năng “tàng hình” tốt hơn rất nhiều so với trực thăng lại có thể mang theo ngư lôi, thủy lôi, thậm chí là các vũ khí nặng cả ngàn pound. Cùng với vận tốc cực nhanh, khả năng di chuyển cực êm, nó có hiệu suất tấn công vượt trội hơn rất nhiều so với máy bay trực thăng tấn công.
Điều này đã khiến hải quân Mỹ chú ý đến nó trong một số nhiệm vụ mang tính chất đặc biệt, ví dụ như hộ tống, giải cứu thương thuyền khỏi tay cướp biển, đột kích, tấn công các mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ địch, đổ bộ biệt kích lên bờ biển, tấn công các mục tiêu tàu nổi và tàu ngầm theo chỉ thị của máy bay cảnh báo sớm và máy bay săn ngầm…

Quân đội Mỹ đang kỳ vọng, sự xuất hiện của “GHOST” sẽ mang tới một phương tiện tấn công mới có tính chất đột biến, có khả năng xuyên phá qua tất cả các hệ thống radar cảnh giới của kẻ địch. Có thể nói, sự ra đời của “GHOST” sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến sự biến đối của hình thái tác chiến trên biển trong tương lai.
 
Nguồn: Ba Cây Trúc