Friday, April 20, 2012

THƯ GỬI BẠN TA

Ngày 16 tháng 4 năm 2012
Bạn ta,
Linus, cậu nhỏ em của Lucy Van Pelt, bạn thân của Charlie Brown là một nhân vật trong loạt truyện bằng tranh Peanuts của Charles M. Schulz.
Linus yêu cô giáo, cô Othmar, của chú vô cùng.
Linus có lần nói rằng chú không bao giờ nói rằng chú tôn thờ cô Othmar, chú chỉ nói rằng chú yêu cái chỗ đất mà cô đi bộ và đặt chân lên. I’ve never said I worship her. I just said I’m very fond of the ground on which she walks!

Kể nói như vậy là yêu quá đi mất rồi. Chắc Linus học được của một câu người Việt hay nói: "Yêu ai yêu cả đường đi, ghét ai, ghét cả tông chi họ hàng."
Yêu thì con đường người ấy đặt chân lên cũng yêu. Ghét mà thấy "nó" đi trên đoạn đường ấy thì lấy cuốc, lấy xẻng đào lên, đổ đi ra chỗ khác để khỏi bẩn chân. "Ghét như đào đất đổ đi" là như vậy.

Nhưng yêu con đường có dấu chân người đặt xuống thì chắc đã nhiều người làm. Chẳng phải chỉ riêng có Linus biết làm việc đó. Con đường có vết chân người yêu dấu đặt lên thì hình như cỏ xanh hơn, hoa thơm hơn như nhiều người đã quả quyết.
Bất kể trên con đường ấy, đã vài ba chục con chó để lại dấu tích trong những chuyến đi lăng quăng của chúng. Thế nên yêu thì yêu vậy thôi chứ cái thảm cỏ đầy kỷ niệm của lũ chó mất dậy để lại như những con đường của thủ đô Paris thì có can đảm lắm cũng không dám lăn xuống cỏ mà ngâm nga "…ta thèm một chút hương man dại / và ngủ như loài muông thú kia…" như mấy câu nghe rất dại dột của ông Đinh Hùng đã viết trong Đường Vào Tình Sử.

Mấy con chó mất dậy đã ghé lại thì cho dù bước chân của người yêu bé bỏng có đi vài ba lần đi qua thì cũng đành im lặng thở dài mà tạm quên đi thôi.
Vậy nên có cậu thi sĩ ngớ ngẩn nào nhờ làm giùm một việc là cúi xuống hôn hộ cậu cái khúc đường ấy thì nên xắn tay áo lên chửi cho cậu một trận nhớ đời mới phải:

"…Hôn giùm anh nền đá lát công trường
Nơi yêu dấu Lê Nin từng dạo bước
…"

Nền đá lát ở Matxcơva đã bao nhiêu mùa mưa nắng, đã bao nhiêu bãi cứt chó nằm trơ gan cùng tuế nguyệt, rồi lại mấy em phu lục lộ béo quay, béo xưng béo xỉa trông nhan sắc cứ như em Nina Khruschev quơ những nhát chổi lên rồi mà còn nham nhở nhờ cúi xuống hôn một cái thì thối biết là chừng nào.
Phải chửi cho cái nhà anh thối tha ấy một trận là ít, nếu không thì phải bóp cổ cho cái đứa bệnh hoạn kia lè lưỡi ra mới phải.
Tỉnh táo thì phải như vậy. Nhưng rất có thể, đã có nhiều đứa cúi xuống hôn những viên đá lát ở một cái công trường nào đó nơi cậu Liên Xô lạ hoắc nọ từng lê gót giầy ở trên.
Trò ngu xuẩn tương tự đó mới đây đã được thấy ở Hà Nội. Một số thanh niên Hà thành đã quì xuống, hít lấy hít để cái ghế mà Bi Rain, một ca sĩ Nam Hàn đã ngồi lên trong một chuyến trình diễn ở Hà Nội hôm tháng 3 vừa qua.

Tôi lục tìm hết trí nhớ thì chưa hề thấy cảnh đó ở Việt Nam trước năm 1975 bao giờ. Thế hệ của ông cụ tôi thì có thích Tino Rossi, Maurice Chevalier … thật. Nhưng các cụ bầy tỏ lòng hâm mộ một cách thầm lặng chứ đâu có bao giờ làm chuyện mất nhân phẩm như thế.
Thế hệ của chúng ta, có người yêu James Dean, Elvis Presley, Beatles cũng thế. Ngồi nghe những ban nhạc, những giọng ca này trình diễn vẫn bằng những cách rất nghiêm túc.
Lũ con tôi lớn lên ở Mỹ cũng không đứa nào nghe nhạc mà lăn lộn như … Mỹ.

Thế thì tại sao lại có cảnh hôn hít cái ghế mà một người đàn ông Đại Hàn vừa đặt đít lên?


Hay đó là cách hành xử của những người đã quen với cái lối bầy tỏ sự tôn thờ, sùng thượng mà họ đã thường nhìn thấy những người lớn của họ đã làm?
Thương xót thì phải gấp mười lần lòng yêu mến dành cho cha mẹ. Tiếc nhớ thì phải "…đau đòi đoạn, ngất đòi cơn…" như người dân Bắc Triều Tiên khóc Kim Nhật Thành, rồi Kim Chính Nhật. Khóc không to thì chỉ có chết đòn.

Trong cái lối bầy tỏ xúc động thối tha như thế thì cúi xuống hôn cái ghế còn nóng hôi hổi hơi … đít của Bi Rain là chuyện có thể hiểu được.
Cha chú của chúng nó ôm đít của mấy anh Liên Xô, Trung Cộng thế nào, thì nay, chúng làm như thế chứ có gì lạ đâu.

Nhưng đợi xem mấy con chó dại ở Hà Nội chết đi thì bọn dòi bọ khóc lóc ra sao.

Bùi Bảo Trúc