Saturday, December 15, 2012

BIỂN ĐÔNG DẬY SÓNG VỚI CÁI NHÌN CỦA PHẬT GIÁO (QUỐC DOANH?)

Vô tình Lãng Tử tôi đọc được một bài giảng thuyết của một Thượng Tọa Phật Giáo (Quốc Doanh?) post trên website  “Tìm hiểu đạo Phật”  nói về những tin thời sự “nóng bỏng trên biển Đông” đồng thời kêu gọi Phật tử phải hành động như thế nào cho đúng với tinh thần Phật Giáo (?).

Mới nghe qua thì rất đáng khâm phục, vì vị TT nầy đã có ý đem đạo vào đời để giúp cho người đời  nhẹ đi phần nào những bon chen tranh chấp, những bất công, những xa đọa đạo đức trầm trọng của xã hội VN ngày nay. Nhưng sau khi đọc kỹ bài thuyết giảng thì Lãng Tử tôi cãm thấy vô cùng thất vọng vì thấy không khác gì những bài viết của bọn “văn nô lề phải” của cơ quan báo chí, thông tin nhà nước.

Vị TT nầy đem những chuyện “huyền thoại” trong lịch sử (cái lịch sử truyền miệng, bắt đầu bằng “theo truyền thuyết xưa kia…” hay “tương truyền rằng…” ..v.v..và .v.v…) đề chứng minh dân tộc Việt là “anh em ruột thịt” với bọn “tàu phù”.

Trích: Nói về nguồn gốc thì đúng là anh em. Trung Quốc là anh, Việt Nam là em. Mà theo đạo lý của Á đông “Em phải kính trọng anh”. Từ xưa đến nay (cả mấy ngàn năm qua), người Việt Nam luôn có thái độ kính trọng người Trung Quốc...

Thực sự tôi cãm thấy bất bình khi đọc đến đoạn nói về danh tướng Lý Thường Kiệt của VN ta dưới đây:

Trích:  Chỉ có một lần mà Lý Thường Kiệt hơi hỗn, sau khi nghe tin ông anh sắp đánh mình, ông đem quân đánh trước, diệt hết tất cả những hậu cứ làm bàn đạp đánh sang Việt Nam như thành Châu U, Châu Ly, Châu Âm. Còn lại thì đa số ta đều bày tỏ lòng kính trọng với Trung Quốc…

Thật sự tôi không biết ông TT nầy có phải là người VN hay không nữa mà lại có một luận điệu bợ đỡ Tàu một cách trân tráo, sống sượng không còn biết hổ thẹn là gì nữa. Xin hãy đọc bài thuyết pháp dưới đây của TT Thích Chân Quang post trên website “Tìm hiểu đạo Phật”.

============================================================


Vừa qua, ngày 01/07/2011, tại khoá tu Thiền của chùa Từ Tân, TT.Thích Chân Quang – Trụ trì Thiền Tôn Phật Quang đã có bài Pháp thoại mang tính thời sự với chủ đề BIỂN ĐÔNG DẬY SÓNG với sự tham dự của gần 2000 Phật tử. Tinh thần bài Pháp nhằm un đúc tinh thần yêu nước đồng thời nhắc nhở, chia sẽ, gợi ý cho mọi người, không ai được chủ quan lơ là trong việc chuẩn bị tư tưởng và năng lực để đối phó với những hành động bành trướng bá quyền đang diễn ra như hiện nay của Trung Quốc. 

 
Ai cũng biết, Trung Quốc đã vi phạm Luật biển Quốc tế, khiến Biển Đông trở nên căng thẳng. Tình hình này đã trở thành mối quan tâm của những quốc gia bị xâm phạm, đặc biệt của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á. Và vì Phật giáo Việt Nam luôn đồng hành cùng dân tộc nên Phật giáo cũng góp tiếng nói của mình trong việc bảo vệ chủ quyền quốc gia. 
Tuy rằng, TT.Thích Chân Quang là một nhà Sư Phật giáo, nhưng những kiến giải Phật pháp đem đạo vào đời từ tư tưởng văn hóa đến chính trị xã hội thì lại vô cùng sâu sắc, tạo được sự đồng cảm đối với những ai đã vài lần nghe qua những bài Pháp thoại mà Thượng toạ đã thuyết. Điều này cho thấy, các nhà tu hành chẳng những không bi quan yếm thế hay trốn đời mà họ rất yêu thương cuộc đời bằng những hành động dấn thân, hy sinh với tinh thần hướng thượng. Người đã đưa ý thức sống vượt lên tầm cao thời đại, xây dựng một nền tảng văn hóa tâm linh cho dân tộc, khẳng định tinh thần giải thoát, vị tha và nhập thế của đạo Phật trước mọi dòng thời gian.
Thật vậy, liên tiếp trong thời gian qua, chúng ta nghe nhiều tin không vui là người Trung Quốc anh em với ta, bỗng nhiên tuyên bố rằng toàn bộ biển Đông này là của họ, rồi thường xuyên xâm phạm vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam để đánh bắt cá. Chẳng những vậy họ còn bắt giữ ngư dân, phá tàu của Việt Nam, tịch thu hải sản và đòi tiền chuộc đối với ngư dân trên vùng biển đánh bắt của họ (quần đảo Hoàng Sa). Trước hành động ngang ngược của Trung Quốc, Chính phủ Việt Nam phải lên tiếng phản đối và nhiều người dân Việt Nam, nhất là thanh niên đã đổ ra đường biểu tình. Còn dư luận quốc tế thì ủng hộ Việt Nam.
Trước tình hình đó, Thượng toạ đặt vấn đề “Chúng ta đứng trên quan điểm của đạo Phật, ta vừa là một công dân Việt Nam, vừa là một người Phật tử thì nên hiểu vấn đề này như thế nào? nên có thái độ ra sao”? thì hôm nay với đề tài BIỂN ĐÔNG DẬY SỐNG sẽ gợi mở cho chúng ta nhiều khái niệm dựa trên quan điểm của đạo Phật.
Mở đầu bài Pháp thoại, đi ngược lại lịch sử bốn nghìn năm trước, Thượng toạ dẫn chứng câu chuyện Vua Đế Minh (vua Đế Minh là vua của Trung Hoa), cho thấy Trung Quốc và Việt Nam có mối quan hệ anh em không chối cãi được. Lúc đó vua Đế Minh có nhiều người con. Con trưởng của ông là Đế nghi và người con thứ là Kinh Dương Vương hay còn gọi là Lập Tục. Theo truyền thống, Đế Nghi đương nhiên sẽ là Vua nước Trung Hoa, nhưng ông ngạc nhiên khi thấy người con thứ mới vĩ đại hơn. 
Người con thứ này cực kỳ đạo đức, cực kỳ thông minh, đức độ siêu việt, ai nhìn cũng thương và ông nghĩ rằng người con thứ hai này mới thực sự là Vua chứ không phải người con trưởng. Thế là ông quyết định bỏ người con trưởng không lập thái tử nữa mà đưa Kinh Dương Vương lên làm Vua nước Trung Hoa. 
Tuy nhiên, với bản chất hiền lành, nhân hậu, Kinh Dương Vương biết rằng quyết định của Vua cha sẽ làm anh mình buồn và lòng ông cũng không tham vọng uy quyền, cho nên một mực khước từ “Xin Vua cha cứ để anh con làm Vua như cũ, còn con phận làm em, con cũng hỗ trợ anh mình hết lòng, không có gì trở ngại”. Trước lời nói quá khẩn khoản tha thiết của Kinh Dương Vương thì Vua Đế Minh quyết định cắt đôi đất nước Trung Hoa, phân nửa phương Bắc từ hồ Động Đình giao cho người anh là Đế Nghi, còn hồ Động Đình xuống về phương nam cho tới Việt Nam hiện nay là giao cho Kinh Dương Vương. Mặc dù kính trọng anh nhưng không dám cãi lời cha, Kinh Dương Vương đành chấp nhận làm Vua phân nửa nước Trung Hoa từ hồ Động Đình xuống về biên giới ải Nam Quan. Tuy nhiên thái độ của Kinh Dương Vương lúc nào cũng nhường nhịn, cũng xem mình là phần em, xem mình như một Chư hầu, mặc dù trong tâm của Vua cha, thực sự coi trọng Kinh Dương Vương hơn cả Đế Nghi. 
Đến khi Kinh Dương Vương sinh ra Lạc Long Quân thì người con này cũng nhiễm tinh thần “Nhường nhịn đó của cha nên không coi trọng Vương quốc giang sang, cùng uy quyền. Thế là Lạc Long Quân nhân lúc đất nước được thanh bình nhàn hạ, ông vượt khỏi Trung Quốc về Việt Nam. Ông phiêu bạt lần lần về vùng Bắc Ninh thì gặp một người nữ chúa, đó là Âu Cơ. Không ngờ khi đến đây, phải duyên chồng vợ, họ kết thành phu thê và theo truyền thống mẫu hệ của nhà vợ, Lạc Long Quân phải ở rễ. Lúc đó, ở phía Bắc họ thấy phương Nam trống, quyền lực không ai cai quản, nên họ chiếm lần lần lấy hết giang sang.
Người anh lấy hoài mà mấy nghìn năm qua vẫn chưa thỏa mãn, cứ thòm thèm, vì sao vậy? Xét về mặt tâm thức của Tổ tiên truyền đời thì tâm thức của Kinh Dương Vương là nhường nhịn, truyền tới người Việt Nam ta đến bây giờ. Còn tâm thức của vua Đế Nghi thì ông buồn bực còn truyền mãi đến nay. Nói về nguồn gốc thì đúng là anh em. Trung Quốc là anh, Việt Nam là em. Mà theo đạo lý của Á đông “Em phải kính trọng anh”. Từ xưa đến nay (cả mấy ngàn năm qua), người Việt Nam luôn có thái độ kính trọng người Trung Quốc đàng hoàng, không bao giờ mất cái lễ này, không bao giờ mất cái đạo lý của người em, tức là về phần người em mình đã làm đầy đủ bổn phận là luôn kính trọng người anh. Chỉ có một lần mà Lý Thường Kiệt hơi hỗn, sau khi nghe tin ông anh sắp đánh mình, ông đem quân đánh trước, diệt hết tất cả những hậu cứ làm bàn đạp đánh sang Việt Nam như thành Châu U, Châu Ly, Châu Âm. Còn lại thì đa số ta đều bày tỏ lòng kính trọng với Trung Quốc.
Tuy nhiên, theo đạo lý Á đông, anh đối với em thì sao? Phải yêu thương đùm bọc chứ không có chuyện ỷ làm anh mà ăn hiếp em. Nhưng mà ông anh Trung Quốc đã mấy nghìn năm qua, luôn làm sai bổn phận của người anh. Hôm nay ta chính thức nhắc ông anh “Anh đã làm sai bổn phận quá nhiều trong đạo lý của Á Đông, em lúc nào cũng kính trọng anh nhưng mà anh toàn ăn hiếp em mãi”. Nên nói về đạo lý, ta không hổ thẹn vì ta đã làm đầy đủ bổn phận mình, nhưng mà ông anh Trung Quốc yêu cầu xem lại, coi chừng sống trái với di huấn của tổ tiên từ đời vua Đế Minh.
Đây là giữa Việt Nam với Trung Quốc thôi mới có chuyện anh em, còn nếu theo Luật pháp Quốc tế thì các quốc gia đều bình đẳng với nhau hết. Cho dù anh chỉ là một đảo quốc nhỏ như Singapore hoặc anh to như hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Còn trong thương mại và trong trao đổi gì đó, có sự thương lượng đôi bên đều có lợi thì đó là một chuyện khác.
Tuy nhiên, nói vậy chứ trong cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ vừa qua để dành độc lập thống nhất thì Trung Quốc đã giúp đỡ Việt Nam rất nhiều. Điều này ta không phủ nhận, thậm chí ta sẽ không có cuộc chiến Điện Biên Phủ oai hùng nếu không có sự giúp đỡ của Trung Quốc. Lúc đó các khí tài (lương thực, quần áo, vũ khí, đạn dược) đều là của Trung Quốc, thậm chí Trung Quốc còn đưa qua nhiều cố vấn về quân sự. Giúp thì giúp nhưng cái máu buồn bực từ đời vua Đế Nghi truyền xuống chưa hết. Cho nên Tổng bí thư Lê Duẩn đã báo cáo với Bộ Chính Trị trong một lần ông sang Trung Quốc, ông gặp Chủ tịch Mao Trạch Đông. Mao Trạch Đông lúc đó ngồi bên cạnh Đặng Tiểu Bình, Mao Trạch Đông mới nói với Tổng bí thư Lê Duẩn rằng “Đất nước của tôi có năm trăm triệu dân mà không đủ đất để sống, tôi sẽ mang đại quân xuống chiếm hết Đông Nam Á”. Đặng Tiểu Bình ngồi một bên gật đầu nói “Đúng như vậy vì người Trung Quốc không đủ đất sống”.
Tổng bí thư Lê Duẩn cười cười, không nói gì. Sau đó Mao Trạch Đông mới hỏi tiếp “Nước anh đời nhà Tống, anh đã đánh tôi phải không?” - “Dạ có”. Rồi “Đời nhà Minh có đánh không?” - “Có”, “Đời nhà Thanh cũng đánh luôn phải không?” - “Có”. Vậy “Bây giờ các anh có đánh chúng tôi không?”. Tổng bí thư Lê Duẩn nói “Cũng đánh luôn nếu cần”.
Và sự thực ở biên giới phía Bắc ta đã đánh nhau nhiều lần. Sau này giữa Việt Nam với Lào, có những cái hiệp ước hợp tác cho nên Lào với Việt Nam như là một khối với nhau không tách rời được. Thực ra Việt – Miên – Lào không thể tách rời, bất cứ ba nước này mà tách ra là ta bị nước khác ăn hiếp liền. Đặc biệt nước Lào thì cũng lại là anh em với ta, cùng nguồn gốc của mẹ Âu Cơ, nên người Lào rất giống người Việt Nam. Trung Quốc cũng hỏi Bí thư Lê Duẩn “Đất nước Lào có bao nhiêu dân”? Lê Duẩn trả lời “Khoảng hai triệu dân”. Mao Trạch Đông nói “Nước rộng quá mà có bao nhiêu đó, chúng tôi sẽ xuống đó ở”. Thế là rất nhiều lần người Trung quốc đã đưa người và đưa quân về Lào nhưng vì Lào trong hiệp ước hợp tác yêu cầu Việt Nam bảo vệ, nên ta đánh bật hết tất cả những lần Trung Quốc xâm nhập vào Lào. Đó là nói chuyện ân nghĩa đời xưa (đạo lý), trong thời cận đại, Trung Quốc đã giúp ta rất nhiều.
Bây giờ nói về chính trị. Nếu mà định nghĩa theo chữ nghĩa thì chính trị là gì đó như chính sách, chính quyền, chính phủ, v.v… nhưng mà nói về bản chất của chính trị thì thủ đoạn, hơn thua, giành giật lừa gạt, mưu mô, thậm chí làm điều bỉ ổi nhất nếu cần, miễn dành được quyền lợi cho mình, hoặc cho đất nước, bất chấp tất cả là vậy. Tuy nhiên nhân quả là nhân quả, đạo lý là đạo lý. Luật nhân quả lúc nào cũng dành cho những anh hùng quân tử, cho sự công bằng chính đáng. Thượng toạ minh chứng về cuộc đời và sự nghiệp của các vị vua đời nhà Trần, đặc biệt là Trần Hưng Đạo. Một con người không đi theo con đường chính trị thủ đoạn mà đi theo con đường nhân nghĩa, quân tử, anh hùng. Chính vì vậy đất nước ta đời đời tôn thờ bậc Thánh Trần Hưng Đạo. Cho nên nói luật nhân quả vẫn công bằng, vẫn dành vị trí xứng đáng đó cho người tốt là vậy. Đến nỗi trong đạo Phật, chúng ta có Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông đã đắc đạo vậy mà trong dân tộc, ta vẫn xếp hai người đó dưới Trần Hưng Đạo vì cái nhân nghĩa, cái quân tử, cái anh hùng này.
Phải chăng, chính những người nắm quyền lực cao nhất phải là người giữ giềng mối đạo đức, đạo lý cho dân tộc, cho loài người. Đừng dại khờ khi ta nắm quyền lực cao nhất lại là một người thủ đoạn thì sau này sẽ bị trả giá, lịch sử sẽ phán xét công tội đâu đó rõ ràng. Mà quan trọng là người dân thờ một vị lãnh tụ của họ, anh hùng của họ trên hai phương diện là công lao với Tổ quốc và phẩm chất đạo đức của cá nhân người đó. Vì vậy, những người làm chính trị, quyền lực càng cao thì phải cư xử như một bậc Thánh, đó là yêu cầu. Yêu cầu của đạo lý không thể nào là khác hơn được. Dù chính trị là thủ đoạn nhưng mà tình nghĩa vẫn là ngọn hải đăng soi rọi cuộc sống này, làm cho mọi người ấm lòng, tin cậy và làm cuộc sống có ý nghĩa hơn. Ví dụ bây giờ, khi người dân họ nhìn lên những người lãnh đạo cao cấp nhất như Tổng Bí Thư, Chủ Tịch Nước, Thủ tướng, v.v… thì họ mong mỏi gì ở những người đó? Họ mong rằng những người đó là thật lòng vì dân vì nước, có tài có công lo cho nước mà phẩm chất đạo đức cá nhân là sáng ngời. Mà chính cái phẩm chất đạo đức cá nhân sáng ngời đó mới làm cho lòng người yên, dân tin và một lòng theo Nhà nước. Người lính có thể đổ xương đổ máu, người dân đứng lên có thể sẵn sàng chiến đấu chết vì màu cờ Tổ quốc, hy sinh cho đất nước này, bởi vì người ta tin được Lãnh tụ của mình là những người tài đức. Dù yêu nước cách mấy nhưng nếu họ nghi ngờ tư cách của người Lãnh tụ thì không dám hy sinh, vì sợ sự hy sinh của họ là vô nghĩa.
Mặc dù mọi người vẫn phê bình chính trị là thủ đoạn, là ác nhưng trên bình diện của Luật Nhân Quả, trong đạo lý thì cái đạo đức, cái tình nghĩa luôn luôn là chỗ nương tựa của mọi người. Thì bây giờ cũng vậy, trong cái tình nghĩa đối với người Trung Quốc, người Việt Nam ta đã chọn lối sống là tình nghĩa đạo đức chứ ta không chọn lối sống thủ đoạn, mà ta đã bày tỏ sự kính trọng đối với người anh của mình đúng mức trong nhiều nghìn năm qua, thậm chí ta còn nhường luôn cả một nửa đất nước Trung Hoa đó cho người anh của mình, nếu nói về lễ, ta không còn gì phải phân vân.
Hiện nay, mỗi khi báo chỉ đăng tin là bên Trung Quốc bị sập hầm mõ làm bao nhiêu người công nhân phải chết, ta nghe vẫn đau lòng giống như người dân Việt Nam mình gặp nạn, rồi ta nghe bão tố lụt lội gây khốn đốn khổ sở cho người Trung Quốc thì người Việt Nam ta vẫn bày tỏ một sự cảm thông chia sẻ như là đứt một khúc ruột của mình, v.v… Đó là cái tình cảm chia sẻ, đồng thời ta cũng bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với văn hóa của Trung Quốc.
Thật sự trên thế giới này, cái nền văn minh văn hóa Trung Quốc hết sức là vĩ đại, đến nỗi bây giờ các bộ phim Hollywood đều ghi lại “dấu ấn của Trung Hoa”, nội cái võ thuật thôi là cả thế giới bắt đầu học theo. Rồi đạo Nho, là đạo của Khổng Tử truyền dạy thì nhiều nghìn năm nay, người Việt Nam cũng xem đó là khuôn vàng thước ngọc. Thế là cả một thời gian rất dài, người Việt Nam chấp nhận cái văn hóa của Trung Quốc là đúng và học một cách hết sức trân trọng. Người xưa mà thấy có tờ giấy viết chữ Nho là không dám quăng bậy, phải dùng đi nếu không thì đốt, vì họ chắc chắn rằng trên đó viết những lời của Thánh hiền.
Mà những lời Thánh hiền cũng là Trung Quốc, cho nên văn hóa văn minh của Trung Quốc so với Việt Nam lớn hơn rất nhiều và đôi khi ta nói Trung Quốc như là thầy của Việt Nam. Những bộ kinh của Khổng Tử để lại vẫn là khuôn vàng thước ngọc cho đến ngày hôm nay, nhiều khi người ta chê Khổng Tử phong kiến, nhưng bây giờ xem lại thì những đạo lý đó không ai có thể bắt bẻ được. Rồi những nhà Nho của Việt Nam tuân thủ những đạo lý của Khổng Tử thành xương thành máu của mình nên ta đối với người anh Trung Quốc hết sức là kính trọng, kính trọng cả văn hóa của họ... 
 
Bài thuyết pháp còn khá dài, xin mời vào cái link dưới đây xem tiếp (nếu còn hứng thú):
 
Phần cuối của bài giảng ông TT nầy cho rằng:
 
1.     Cho nên, việc mà cha ông ta đã chiếm hết Chiêm Thành, đó là sự công bằng của Luật Nhân Quả
2.      Bác Hồ là người cực kỳ yêu quý đạo Phật vì bố Bác Hồ (Cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc) là người có công chấn hưng đạo Phật VN. Vì vậy Nhà nước ta tuy nói là Nhà nước Cộng sản nhưng thật sự có nguồn gốc tâm linh của đạo Phật.
3.     Một lời nói chê bai, chỉ trích, gây hiềm khích đều tiếp tay cho giặc. Khi đất nước đang vào cuộc chiến mà ta làm lạc lòng người, làm mọi người lung lay, không còn sức mạnh để chiến đấu là có tội lớn với Tổ quốc. (bởi thế theo ông TT nầy: ai mà tham gia biểu tình chống TC đều là …Phản Quốc)
 
Và bài thuyết giảng đã được “vỗ tay  vang rền” của gần 2,000 Phật tử hiện diện.

 
MÔ PHẬT, CON XIN BÓ TAY !!!!!

 
Lãng Tử 75