Trong khi đó, nếu chúng ta đi ra bên ngoài sống, hiện thực xã hội trên nước
người cũng hàng ngày đập vào mắt. Trước bất cứ sự việc lớn nhỏ nào, phản xạ tự
nhiên của con người là so sánh với cuộc sống trong nước. Chuyện như thế này, ở VN
mình thì sao? Từ sự so sánh, đối chiếu, bức tranh xã hội VN trở nên sáng rõ
hơn. Lòng người buồn hơn, đau và nhục hơn.
Nói như thế không có nghĩa
là người trong nước không buồn không đau, là người dân Việt bây giờ nếu có quan
tâm đến thực trạng xã hội, vận mệnh đất nước, ai không buồn đau. Nhưng ở trong
nước chúng ta dễ quen và vì không có cái để so sánh ngay lập tức nên không phải
lúc nào chúng ta cũng nhớ ra rằng những chuyện như thế này là không thể chấp nhận
được, là chỉ có thể xảy ra ở nước mình (hay một xã hội tồi tệ tương tự).
Sau 37 năm sống dưới sự lãnh đạo luôn tự cho là “sáng suốt tài tình” của đảng
và nhà nước cộng sản, trong vô vàn cái xuống cấp/rớt giá nói chung, có sự xuống
cấp/rớt giá của niềm tự hào được là người VN.
Thử nghĩ cho đến bây giờ chúng ta sẽ tự hào gì về VN?
Tự hào đã “chiến thắng hai đế
quốc to Pháp, Mỹ” ư? Thế các nước mà chúng ta đã “chiến thắng” ấy họ bây giờ ra
sao, và “kẻ chiến thắng” bây giờ đang đứng ở vị trí nào trên tổng số khoảng 200
quốc gia trên thế giới, về mọi mặt?
Tự hào đã thoát khỏi tình trạng
suýt chết đói, đời sống người dân nhìn chung có khá hơn, và đã trở thành nước
xuất khẩu gạo nhiều nhất trên thế giới ư? Đừng so sánh với cuộc sống trong xã hội
miền Bắc trước năm 1975 cũng đừng so sánh với VN thời bao cấp, để rồi tự sướng
với mình. Hãy so sánh bước
tiến của VN so với các quốc gia khác trong vùng chứ chưa nói đến châu Âu châu Mỹ,
và cũng chỉ trong vòng hai ba thập kỷ để thấy VN thực sự có đáng tự hào hay
không.
Và nếu nhìn sang Trung Quốc,
cũng là một nước do đảng cộng sản lãnh đạo, có mô hình thể chế chính trị giống
VN, thì dù ưa hay không ưa nhà cầm quyền TQ, chúng ta phải thừa nhận ít nhất đảng
và nhà nước cộng sản TQ cũng làm cho đất nước họ trở thành giàu mạnh hơn rất
nhiều chỉ sau 4 thập kỷ, trở thành cường quốc kinh tế lớn thứ hai trên thế giới.
Rất nhiều người dân TQ mà
tôi tiếp xúc đều tỏ ra tự hào về điều đó. Cứ mở miệng ra là họ bảo TQ bây giờ
giàu, người Hoa giàu, còn Mỹ đang nghèo đi, Mỹ đang gặp nhiều vấn đề về kinh tế
(!). Họ còn tự cho rằng cái gì trên thế giới có thì TQ cũng có và sẽ có. Nhìn
chung phần đông người TQ không quan tâm hoặc tránh đề cập đến những chủ đề về
chính trị của nước mình (sao mà giống người VN thế), họ cũng không ý thức được
vấn đề nhân quyền hay quyền tự do dân chủ của người dân TQ chưa được đầy đủ. Họ
chỉ cần biết, TQ đang giàu lên, thế giới đang e sợ TQ (!), rất nhiều người TQ
bây giờ có tiền đi du lịch khắp nơi, con cái theo học ở những ngôi trường danh
giá nhất của Mỹ, châu Âu…
Thôi thì dù sao người TQ
cũng có thể tự hào, nước đông dân nhất, văn hóa lâu đời, bây giờ lại lắm tiền.
Nhưng còn chúng ta?
Không biết từ bao giờ lòng tự
hào là người VN của chúng ta đang bị tổn thương đến thế. Càng tổn thương thì càng trở nên vọng ngoại.
Cái gì của nước người cũng tốt cũng hay. Cái áo cái quần, cái túi xách trên tay
cho đến đôi giày dưới chân-cứ nhãn hiệu nước ngoài là sang. Chồng ngoại, bồ ngoại
dường như cũng sang hơn (!) nên không chỉ các cô thôn nữ ở đồng bằng sông Cửu
Long hay các làng bản sát biên giới phía Bắc dứt áo đi lấy chồng Đài, chồng
Hàn, chồng Tàu…để đổi đời, mà nhiều cô gái xinh đẹp, hoa khôi á hậu người mẫu nổi
tiếng cũng thích lập gia đình với chồng Tây chồng Mỹ.
Nếu như thời trước 1975, ở
miền Nam gia đình nào có con gái lấy chồng Mỹ thường nhục nhã xấu hổ, bản thân
cô gái đó thì bị thiên hạ cười chê gọi là “me Mỹ”, thì bây giờ trái ngược hẳn.
Nhà nào có con gái lấy chồng ngoại, bất kể chồng Tây hay chồng Đài, Hàn, cả xóm
đều ao ước.
Cứ như thế, thứ hạng của người
Việt đang bị rớt dần.
Thời trước 1975, người miền Nam còn coi dân “Đại Hàn” bằng nửa con mắt, nhưng bây giờ Hàn Quốc đã
đi trước VN quá xa, người Việt lại phải xếp hàng xin sang lao động làm thuê ở xứ
Hàn, hoặc lấy chồng Hàn. Đến khi Hàn Quốc từ chối nhận lao động VN vì lý do bỏ
trốn ở lại quá nhiều (“Hàn
Quốc ngừng tiếp nhận lao động VN”, báo Dân trí), thì ngay đến
cái tin Thái Lan nhận lao động VN (“Thái
Lan sẽ tiếp nhận lao động VN”, báo Thanh Niên) cũng làm nhà nước
và nhiều người lao động VN thở ra nhẹ nhõm!
Và nếu VN thường chỉ “xuất
khẩu” sang nước người các dạng lao động phổ thông thì dân nước khác đến VN lại
thường để làm thầy, làm chuyên gia, tư vấn…Ngay cả giáo viên tiếng Anh ở bậc tiểu
học, trung học cơ sở, trung học phổ thông mới đây cũng phải tính đến chuyện
thuê người Philippines! (“Tuyển
29 giáo viên Philippines dạy tiếng Anh”, báo Thanh Niên).
Điện ảnh VN không còn dám mơ
học hỏi Hollywood là một khoảng cách quá xa mà chỉ dám ngó vọng sang Hàn Quốc.
Các chương trình truyền hình thì đi học của Hàn của Thái. Phim truyền hình Hàn
Quốc-những bộ phim dài lê thê với những câu chuyện lãng mạn nội dung na ná
nhau, chủ yếu nhờ dàn diễn viên trẻ đẹp và quay đẹp như ảnh quảng cáo, làm mưa
làm gió trên màn ảnh nhỏ ở VN, lấy được bao nhiêu nước mắt của các bà nội trợ
cho đến giới tuổi teen.
Nhạc trẻ Hàn Quốc hay K-pop,
chủ yếu ăn nhờ dàn ca sĩ trẻ đẹp, vũ đạo giỏi, trang phục bắt mắt…cũng chiếm mất
tâm hồn của bao chàng trai cô gái Việt, khiến họ trở nên một trong những đội fan cuồng nhiệt nhất tại những
quốc gia mà các ban nhạc Hàn Quốc đã đi qua.
Tôi không có lòng dạ nào chỉ
trích hay chê bai gì dân tôi trước tất cả những biểu hiện khác nhau của sự vọng
ngoại, cũng đồng nghĩa với niềm tự hào dân tộc đang đi xuống. Bởi nếu VN giàu
có văn minh, đất nước VN có nhiều điều cụ thể đáng để tự hào, (ngoài cái tự hào thắng hai đế
quốc to, dân tộc VN có truyền thống yêu nước v.v…đã được học từ nhỏ),
thì người VN đã không phải ngưỡng mộ mọi thứ của nước người ta.
Nếu giáo dục VN tốt thì người
VN đã không phải chạy vạy kiếm tiển cho con đi học nước người. Nếu phim ảnh, âm
nhạc VN đủ hay đủ đẹp, có một công nghệ đào tạo, quảng bá hình ảnh và kiếm tiền
giỏi như người ta thì nhiều bạn trẻ VN đâu phải mê cuồng phim, nhạc của nước
người? Đó là chưa nói đến mảng văn học có giá trị, triết học, hội họa là những
thứ mà tuổi trẻ VN bị thiếu hụt khủng khiếp, đến nỗi một tiểu thuyết gia loại
xoàng như Marc Levy cũng được yêu chuộng đến thế.
Thậm chí, cho dù phim ảnh,
âm nhạc chưa bằng người ta, nhưng nếu các em được giáo dục và định hướng tốt về
thẩm mỹ ngay từ trong trường học cho đến ra ngoài xã hội, được có nhiều sự lựa
chọn hơn. Ví dụ trên màn ảnh nhỏ không chỉ tràn ngập phim Hàn phim Tàu mà có
thêm nhiều nguồn phim khác từ các nước châu Âu, các nền văn hóa xa lạ; các em
được dạy, được giới thiệu để thưởng thức nhạc giao hưởng, ca kịch, hội họa trừu
tượng ngay từ bậc phổ thông như học sinh các nước, trong các hiệu sách có nhiều
nguồn sách, đĩa nhạc từ nhiều nước khác, trên các trang báo thường xuyên có những
mục điểm sách, nhạc có uy tín v.v…
Và cho dù giáo dục chưa giỏi
nhưng ít ra, cũng ráng dạy cho các em có thể sử dụng ít nhất một thứ ngoại ngữ
thật tốt ngay từ bậc trung học để các em có thể tự mình tiếp xúc với những nền
văn hóa khác…Thì chắc chắn sự lựa chọn của các em sẽ độc lập hơn, phong phú
hơn, hiện tượng cuồng nhiệt một dòng phim, một loại nhạc nào đó sẽ bớt đi.
Nhưng điều quan trọng nhất, vẫn là tạo ra được những sản
phẩm, những giá trị của VN, để người Việt yêu mến, tự hào cái của mình.
37 năm giành độc quyền lãnh
đạo đất nước này, đảng và nhà nước cộng sản thực sự đã khiến người Việt ngày
càng tụt hậu trên thế giới, đến nỗi bây giờ ngay cả các nước trong vùng cũng chẳng
so được với ai, về mặt gì. Vậy thì đừng hỏi tại sao lòng tự hào của người Việt đang mất dần.