Nguyễn Ngọc Già (Danlambao) - Một số
người trong nước cũng như người Việt hải ngoại cho rằng không nên vực dậy
"xác chết" có tên Việt Nam Cộng Hòa.
Tuy nhiên, lịch sử
là nguồn cội của bất kỳ dân tộc nào. Lịch sử là khoa học và tính Người được thể
hiện cao nhất từ đó. Bất kỳ một giai
tầng nào hay một bậc vua chúa hoặc một nhà độc tài nào đi nữa, cũng không thể
nào trốn được lịch sử. Lịch sử là Con Người.
Lịch sử dù đau thương như VNCH đã để mất Hoàng Sa, hay đáng tủi hổ như công hàm 1958 của VNDCCH và hội nghị Thành Đô của CHXHCNVN cùng nhiều biến cố sự kiện quan trọng khác không thể không nhắc lại.
Nhắc lại để hiểu rõ hơn và để cho thế hệ con cháu hôm nay,
ngày mai nghiền ngẫm, dọn mình cho một thời đại mới - đang bắt đầu ló dạng. Tôi
không biết mình có mơ mộng hão huyền trong tình thế của nước CHXHCNVN hôm nay
không, nhưng trong tâm hồn tôi, từ lâu, tôi muốn nói: Cám ơn Việt Nam Cộng Hòa
- Nhà Nước mà ở đó, làm cho tôi "Trích Lục Bộ Khai Sanh" [*].
Sài Gòn - nơi tôi được sinh ra, lớn lên, chứng kiến một góc
nhỏ nhoi những trầm luân của số phận dân tộc Việt Nam.
Dù VNCH tồn tại ngắn ngủi, nhưng tôi không sao quên được cuộc
sống chan hòa nhân ái của tuổi hoa niên, dù ngay trong những ngày chiến tranh lửa
khói.
Hôm nay, bỗng nhiên trong tôi bật ra lời thành tâm này. Tôi
viết với nỗi xúc động rưng rưng trên khóe mắt, khi xem lại hình ảnh những tử sĩ
đã ngã xuống tại Hoàng Sa - Trường Sa ngày xưa.
Thay mặt gia đình
Như đã viết rải rác trong nhiều bài trước đây, tôi sinh ra
và lớn lên tại Sài Gòn, trong một gia đình trung lưu với việc làm ăn phát đạt,
dần dẫn đến giàu có hơn.
Thật ra, sau này tôi mới biết ba tôi là "Việt Cộng nằm
vùng", do đó có thể nói, gia đình tôi là gia đình "ăn cơm quốc gia thờ
ma cộng sản". Cách đây vài chục năm, khi nghe câu này, tôi khá giận dữ và
cảm thấy bị sỉ nhục. Cảm giác đó dễ hiểu bởi sự thật chưa được phơi bày như sau
này.
Tuy nhiên, cũng nhờ đó mà tôi tự tìm tòi. Tôi nghĩ, không có
cách gì thuyết phục nhất cho mỗi người, nếu như tự thân mình không chủ động tìm
hiểu và can đảm nhìn thẳng vào Sự Thật. Nhìn một cách thẳng thắn, không hề né
tránh là điều chưa bao giờ dễ dàng, cho bất kỳ ai, cho bất kỳ điều gì, không
riêng lãnh vực chính trị.
Ít nhất, cho đến nay, tôi có thể nói, tôi đã nhìn thẳng vào
Sự Thật mà tôi biết, tôi tin một cách có căn cứ.
Từ cảm giác giận dữ, dần dần tôi chuyển qua cảm giác nhục
nhã. Nhục nhã vì sự vong ân bội nghĩa của gia đình mình đối với Quốc Gia mà từ
đó gia đình tôi làm ăn khá giả một cách chân chính, còn bản thân tôi lớn lên từ
đó.
Tôi không có ý định chạy tội cho ba tôi hay những người thân
khác. Suy cho cùng, gia đình tôi vừa là đồng phạm, vừa là nạn nhân của cộng sản.
Đó là sự thật. Ba tôi chưa bao giờ giết bất kỳ một ai.
Ba tôi đã chết dưới tay người cộng sản. Tôi có căm thù
không? Có. Có muốn báo thù không? Đã từng. Điều mỉa mai, ba tôi chết không phải
vì người cộng sản trả oán hay trù dập mà cái chết của ba tôi đến từ sự "ân
sủng" dành cho ông - một người chưa bao giờ cầm một đồng tiền bất chính
nào, cũng như chưa bao giờ nhận bất kỳ sự "ban ơn" nào từ người cộng
sản. Một cái chết khá đặc biệt trong muôn vàn cái chết, do người cộng sản gây
ra. Có thể đó là một niềm an ủi cho tôi. Cũng có thể đó là một ơn huệ của Ơn
Trên, đã sắp đặt cho ba tôi một cái chết không hề nhơ nhuốc mà nhuốm màu thê
lương trong một con người thơ ngây và chơn chất. Nhưng đó là câu chuyện quá
vãng của gần 20 năm về trước, không phải những gì tôi muốn viết hôm nay.
Tôi có ba người chú ruột đều được "phong liệt sĩ".
Cả ba người đều chết thời Pháp. Bà nội tôi được "tặng" "bà mẹ Việt
Nam anh hùng". Tôi có hai người cậu ruột, trốn ngoại tôi để đi tập kết năm
1954. Hai người cậu ruột khác lại làm trong chế độ VNCH. Hai người cậu này đều
có chức phận vào thời bấy giờ. Tôi có một người chị ruột làm trong nhà thương
và "thân cộng" lúc đó. Một người anh ruột là sĩ quan thuộc quân lực
VNCH (nhưng thật ra là VC nằm vùng), một người anh ruột khác là hạ sĩ quan cũng
thuộc quân lực VNCH (thuần túy là lính, không quan tâm và tham gia vào chính trị,
cũng như không phải VC nằm vùng). Tôi có vài người anh, chị ruột nữa, họ là dạng
"cách mạng 30/4". Một số bà con thân thuộc nội ngoại khác, người thì ở
trong "khu", người lại chống Cộng triệt để. Vài người khác, người thì
là quân nhân, người nữa lại là công chức của VNCH v.v...
Hồi trước 1975, đa số gia đình đều đông con. Ít thì ba, bốn;
nhiều thì chín, mười. Có gia đình lên đến mười hai - mười bốn người con, đều
bình thường trong nếp sống lúc bấy giờ. Một đời sống sung túc, hầu hết gia đình
khá giả, đều giống nhau suy nghĩ: nhiều con là phúc lộc Trời cho. Chế độ VNCH
cũng không có việc "sinh đẻ có kế hoạch". Mắn đẻ lại là điều tốt mà
phụ nữ thời xưa luôn tự hào. Cuộc sống dung dị như thế. Không chỉ riêng những
gia đình giàu có mà có thể nói hầu hết đều tương tự như vậy.
Dông dài như thế, để nói rằng giòng tộc nội ngoại của tôi
khá phức tạp. Giá như...
Vâng, chính cái "giá như" nó đã làm hầu hết giòng
tộc, anh chị em đại gia đình tôi "tan đàn xẻ nghé" từ dạo ấy. Dạo mà
"rầm rập bước chân ta đi rung chuyển đường phố Sài Gòn" với ngày
30/4/1975 (!)
Một giòng tộc như thế mà nói đến "đoàn kết" (như
CSVN đang kêu gọi) thì quả là... hài kịch.
Ba tôi và anh chị tôi đã từng đi tù dưới chế độ VNCH. Ba tôi
ra tù sớm, chị tôi thì được tha bổng sau vài tuần tạm giam, vì không đủ chứng cớ
kết tội. Riêng anh tôi nhận án "20 năm khổ sai" và bị đày đi Côn Đảo
cho đến (tất nhiên) 1975.
Điều tôi cám ơn Nhà Nước Việt Nam Cộng Hòa thật giản dị:
- Ngày ba tôi ra tù, ông vẫn mạnh khỏe. Về đến nhà chỉ một
tuần sau là ông có thể bắt tay trở lại công việc làm ăn.
- Suốt thời gian ba và anh chị tôi bị điều tra cho đến lúc kết
án chính thức, gia đình tôi (những người không liên quan) không hề bị săn đuổi,
bắt bớ vô pháp, hành hung, xách nhiễu v.v... Má tôi đã gánh vác mọi việc làm ăn
vào lúc đó. Chúng tôi vẫn đi học bình thường và sống trong môi trường không hề
bị kỳ thị của bất kỳ thầy cô hay bạn bè nào. Hàng xóm láng giềng cũng không vì
thế mà ghẻ lạnh, hắt hủi hay tiếp tay như kiểu bây giờ mà người ta gọi là
"đấu tố thời đại mới".
- Anh tôi - người ở tù Côn Đảo, ngày trở về đất liền vẫn mạnh
khỏe, dù ốm o đen đúa, nhưng không hề mang thương tật gì cả.[**]
Cá nhân tôi,
Tôi cám ơn Việt Nam Cộng Hòa, không chỉ vì tôi được sống
trong một xã hội - có thể chưa phải là tốt đẹp nhất - nhưng tốt đẹp hơn chế độ
cộng sản 39 năm qua, mà tôi còn biết ơn vì tôi đã hấp thụ được nền giáo dục, có
thể nói, cho đến nay 39 năm, dù VNCH không còn, dù CHXHCNVN cố gắng "cải
cách" giáo dục nhiều lần rất tốn kém nhưng không hề mang lại chút tiến bộ
nào khả dĩ. Và nói cho công bằng,
giáo dục hiện nay tính về chất lượng, vẫn không thể nào đạt được như trước 1975
của miền Nam.
Nền giáo dục trước 1975 mà tôi hấp thụ, dù ngắn ngủi, nó thật
sự là nền giáo dục nhân bản và khai phóng. Trung thực và hiền lương. Ganh đua
nhưng không đố kỵ. Biết phẫn nộ nhưng không tàn ác. Đặc biệt nền giáo dục đó
giúp cho hầu hết học trò luôn biết dừng lại đúng lúc trước cái sai với nỗi xấu
hổ và tính liêm sỉ - tựa như "hàng rào nhân cách" được kiểm soát kịp
thời.
Chính xác hơn, tôi cám ơn Thầy - Cô của tôi, có lẽ bây giờ hầu
hết đã qua đời, nếu còn sống chắc cũng đã nghễnh ngãng hay quá già yếu.
Tôi biết ơn các Giáo sư [***]. Tôi muốn nói rõ: Tôi không hề
có danh vị, bằng cấp gì cả.
Tôi biết ơn Thầy - Cô của tôi, vì nhiều độc giả thương mến
(có lẽ qua những bài viết), họ ngỡ tôi là: giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ, nhà văn,
nhà giáo v.v... nhưng tôi thưa thật, tôi chỉ là một người "tay ngang"
trong viết lách. Qua từng bài viết, tôi rút ra kinh nghiệm. Đặc biệt, tôi luôn
cố gắng viết cẩn trọng và khách quan nhất để thuyết phục độc giả. Tính cách
này, tôi đã học từ Thầy - Cô tôi, ngày xưa. Dù môn Văn Chương ngày ấy, tôi luôn
nhận điểm thấp tệ.
Tôi biết ơn Thầy -
Cô của tôi cũng vì, sau 1975, cả nước rơi vào đói kém, làm cho "tính người"
trong xã hội cũng mai một dần và tôi không là ngoại lệ. Thảm trạng xã hội lúc đó biến tôi trở nên chai lỳ,
mất cảm xúc và lạnh lùng. Đặc biệt "chữ nghĩa" hầu như trôi sạch hết
cùng những "tem phiếu", "xếp sổ mua gạo", chầu chực
"mua nhu yếu phẩm" v.v... ngày xưa.
Về sau này, khi cuộc sống đỡ hơn, tôi có thời gian hơn cùng
với thời cuộc đảo điên, dần dần, tôi cảm nhận tôi "trầm mình" trong nỗi
đau của bản thân, gia đình, từ đó tôi mới thấu hiểu những điều ngày xưa tôi học
và tôi giật mình vì sự lãng quên đáng trách đó.
Tôi tìm lại được "tính Người" mà bấy lâu nay tôi
đánh mất.
Một lần nữa, tôi
cám ơn Quốc Gia Việt Nam Cộng Hòa và các Thầy - Cô của ngày xưa.
Chú thích:
[*] Vì những năm loạn lạc, đặc biệt tết Mậu Thân, nhiều nơi
cháy nhà và thất lạc giấy tờ. Sau khi tạm bình yên, má tôi đã ra Tòa Hành Chánh
Quận 3 thời bấy giờ để làm "Trích Lục Bộ Khai Sanh" cho tôi.
[**] Tôi nhớ khoảng đến cả tháng sau (tức đâu khoảng cuối
tháng 5/1975) anh tôi mới về tới SG, nhưng chưa được về nhà ngay mà ở đâu đó
(lâu quá rồi tôi không còn nhớ địa điểm, hình như lúc đó ở tại một trường học
nào đó thì phải?) đợi thẩm vấn điều tra từ "chính quyền cách mạng lâm thời"
lúc bấy giờ, đâu hết cả hai tuần nữa mới được về nhà. Tôi nhớ lúc đó, tôi hỏi
anh tôi rất ngây ngô: Ủa! Sao hơn cả tháng trời anh mới về nhà? Anh tôi cười và
im lặng không nói. Mãi về sau, tôi mới lò mò tìm hiểu, thì ra, dù là "phe
mình", nhưng bản chất người cộng sản là "bản chất Tào Tháo". Họ
có tin ai bao giờ đâu! Họ giữ lại tất cả tù chính trị để điều tra xem thử có phải
là gián điệp (các loại) được cài lại hay không (để tính chuyện lâu dài).
[***] Trước 1975, từ đệ thất (nghĩa là lớp 6 bây giờ), Thầy
- Cô được gọi là Giáo Sư - một cách gọi trân trọng, không phải học hàm như bây
giờ nhiều người biết.