Monday, July 7, 2014

CUỘC DIỄN HÀNH LỊCH SỬ CỦA CỘNG ĐỒNG VIET NAM HẢI NGOẠI

VRNs (07.07.2014) - Sài gòn – Ngày 06.07.2014, hàng ngàn người Việt Hải Ngoại đến từ khắp nơi trên nước Mỹ, cũng như khắp nơi trên thế giới… đã quy tụ về Washington DC cùng nhau tham dự chương trình “Hát cho Biển Đông và Quyền Con Người”. Chương trình do nhạc sĩ Trúc Hồ, tổng giám đốc hãng truyền hình SBTN cùng với những người khác đứng ra tổ chức.

 
Phóng viên VRNs có mặt tại và tường trình lại sự việc:
“Hát cho Biển Đông và Quyền Con Người” đó là đề tài mà đi đâu bà con người Việt hải ngoại cũng nhắc đến trong những ngày gần đây. Có thể nói là người Việt Nam yêu quê hương, ai cũng muốn được tham dự chương trình này, nhưng không phải ai cũng có cơ hội tham gia bởi vì nhiều lý do khác nhau.
Theo thông báo của ban tổ chức chương trình “Hát Cho Biển Đông và Quyền Con Người”, sẽ khởi hành từ trung tâm Eden, tiểu bang Virgina lúc 10 giờ sáng, giờ Hoa Kỳ. Tuy nhiên, 9 giờ sáng P/v VRNs đã thấy rất đông đồng bào người Việt từ khắp nơi đã đổ về Trung Tâm Eden. Tất cả đều muốn thể hiện một lòng yêu Quê hương đất nước qua việc cùng nhau cất cao tiếng nói đòi chủ quyền biển đảo trước kẻ xâm lược Hoa Lục; cùng nhau lên án sự hèn hạ của chế độ Cộng sản Việt Nam và cùng nhau thể hiện khát vọng tự do dân chủ và nhân quyền cho nhân dân Việt Nam.

Đúng 10 giờ sáng, 5 chiếc xe bus của Ban tổ chức đậu tại Trung Tâm Eden, nhằm chuyên chở những người đi tham dự, đã kín chỗ và khởi hành tiến về Tòa đại sứ Hoa Lục. Từng đoàn xe của đồng bào đến từ các nơi cũng đồng hành tiến về điểm hẹn này.

10:30 sáng, khoảng hơn 1000 người đã tập trung trước Tòa Đại Sứ Hoa Lục, dương cao ngọn cờ Việt Nam Cộng Hòa và các biểu ngữ lên án sự xâm lăng của Hoa Lục cũng như đòi chủ quyền cho Việt Nam.
Buổi biểu tình bắt đầu với nghi thức chào cờ VNCH và tưởng nhớ những người đã hy sinh cho tổ quốc…

 
Trong lời phát biểu khai mạc, nhạc sĩ Trúc Hồ đã kêu gọi tinh thần đoàn kết của đồng bào khắp nơi cùng nhau thể hiện tinh thần yêu nước chống lại giặc ngoại xâm Hoa Lục và chế độ độc tài Cộng sản Việt Nam. Đó cũng chính là khát vọng của nhạc sĩ Việt Khang: “Già trẻ, gái trai, giương cao tay, chống quân xâm lược, chống kẻ nhu nhược, bán nước Việt Nam”.

Đoàn biểu tình đã diễn hành 2 vòng trên con đường phía trước tòa đại sứ Hoa Lục. Tiếng hô vang đanh thép như “Đả đảo Trung Quốc Xâm Lược”, “China get out of Vietnam”,… đã làm sôi động cả khu vực quanh tòa Đại sứ Hoa Lục.




 
Rất đông các phóng viên và các đài truyền hình đến ghi hình và truyền hình trực tiếp buổi biểu tình.

Vào 11:30 sáng, đoàn biểu tình tiếp tục lên đường tiến về tòa đại sứ Việt Nam. Tòa đại sứ Việt Nam tọa lạc tại vòng xoay Sheridan, Washington DC.
Đoàn người biểu tình đã đứng tràn ngập trước vòng xoay Sheridan để phản đối chính sách nhu nhược của cộng sản Việt Nam đối với bá quyền Hoa Lục, đồng thời lên án chế độ cộng sản độc tài Việt nam trước chính sách đàn áp những người yêu nước và hoạt động cho tự do nhân quyền tại Việt Nam.

 
Toà đại sứ Việt Nam tại Washington DC 

Tại đây bầu khí càng khí thế và quyết tâm khi hàng ngàn người cùng diễn hành vòng quanh vòng xoay, vừa đi vừa hô vang các khẩu hiệu đòi tự do, nhân quyền, tay giơ cao các biểu ngữ và ngọn cờ VNCH, thể hiện khát vọng tự do dân chủ cho quê hương Việtnam.
Trái với bầu khí rất khí thế của những người biểu tình, toà đại sứ Việt Nam cửa đóng then cài như nhà không người.
Phóng viên VRNs có mặt tại đây nhận xét: “Một điều rất khác so với các cuộc biểu tình ở Việt Nam đó là có rất ít sự hiện diện của cảnh sát. Chỉ có vài xe cảnh sát đậu xa xa đoàn biểu tình. Người biểu tình cũng không phải lo lắng sẽ bị đàn áp hay bị vu cáo là gây rối trật tự như những cuộc biểu tình trong nước.” 

12:45 đoàn biểu tình tiếp tục lên xe tiến về Freedom Plaza cho chương trình đại nhạc hội.
Mặc dù trời nắng nóng, nhưng có khoảng hơn 2.000 người đã tập trung về Freedom Plaza để cùng nhau chia sẻ lòng yêu quê hương đất nước và khát vọng tự do dân chủ, nhân quyền cho đất nước Việt Nam thân yêu.
Nhạc sĩ Trúc Hồ phát biểu khai mạc chương trình. Anh đã nhắc lại tinh thần “Triệu con tim, một tiếng nói”, tinh thần đoàn kết cùng nhau “giơ hai tay, chống quân xâm lược, chống kẻ nhu nhược bán nước Việt Nam”.

 
Nhạc sĩ Trúc Hồ 

Thay mặt Ban Tổ Chức, nhạc sĩ Trúc Hồ chào đón sự hiện diện của đồng bào đến từ khắp nơi trên nước Mỹ, cũng như khắp nơi trên thế giới…
Những bài hát với tinh thần khát vọng tự do, dân chủ, hòa bình… lần lượt được các ca sĩ của trung tâm Asia thể hiện rất khí thế.

 
Chương trình có sự đóng góp của các vị chính giới Hoa Kỳ, những diễn giả từ các cộng đồng bạn đang bị Hoa Lục chiếm đóng, đàn áp, hoặc đe dọa xâm lấn.

 
Cô Rose Tang, nhà hoạt động cho nhân quyền người Mỹ gốc Trung Hoa. 

Bên cạnh đó, cộng đồng tham dự cũng được nghe các bài phát biểu của các nhà hoạt động cho tự do, nhân quyền Việtnam trong và ngoài nước được ban tổ chức thu âm từ trước.

3:45 chiều cùng ngày, chương trình Đại Nhạc Hội khép lại với bài “Việt Nam Ơi”, một tác phẩm được nhạc sĩ Trúc Hồ sáng tác cho chương trình này. Bài hát như đã đốt lên lòng yêu nước và khát vọng đứng lên đấu tranh vì một đất nước tự do, dân chủ và nhân quyền.
 
“Việt Nam ơi, đất nước ta khổ đau từng giờ, hãy đứng lên đừng nên lo sợ. Ta thề không phản bội quê hương…”

Phóng viên VRNs chia sẻ cảm nghĩ: “Tất cả mọi người như muốn thể hiện khát vọng ấy bằng việc cùng nhau một lần nữa diễn hành đến Nhà Trắng như một thông điệp gửi đến cho Nước Mỹ hãy cùng sát cánh với những người con của Nước Việt đấu tranh cho sự toàn vẹn lãnh thổ, tự do, dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam.

Cuộc diễn hành đến Nhà Trắng thực sự là một biểu dương lòng yêu nước và khát khao hòa bình của người dân Việt trên đất Mỹ nói riêng và trên toàn thế giới nói chung cho tất cả thế giới.
Hơn 3000 người, tay nắm chặt lá cờ, giương cao các biểu ngữ đã cùng đồng thanh hô vang những khẩu hiểu đòi chủ quyền và nhân quyền cho Việt Nam.
Cám ơn nhạc sĩ Trúc Hồ, cám ơn đài truyền hình SBTN, cám ơn Ban tổ chức một lần nữa tạo cơ hội để cho người Việt Nam hải ngoại thể hiện lòng yêu nước và khát vọng về một Việt Nam toàn vẹn, tự do, dân chủ và nhân quyền.
Paul Lộc, VRNs