Trước đây, người
viết đã có hai bài về Huỳnh Tấn Mẫm trên trang Web Hồn Việt UK online, hon-viet.co.uk: Khi Huỳnh Tấn Mẫm kêu gọi biểu tình và Đây! Huỳnh Tấn Mẫm. Qua hai bài
này, người viết đã trưng dẫn những hình ảnh, để chứng minh cho những hành vi Cộng
sản của Huỳnh Tấn Mẫm. Mặc dù thế, nhưng vào ngày 4/7/2014, khi Huỳnh Tấn Mẫm
tung ra cái gọi là “Thư
tâm tình của Huỳnh Tấn Mẫm gởi các bạn thanh niên - sinh viên - học sinh”, thì đã có vài
người lên tiếng bênh vực cho Huỳnh Tấn Mẫm, vì cho rằng “Huỳnh Tấn Mẫm chống cộng”.
Trong khi chính Huỳnh
Tấn Mẫm cũng không hề nói đến chuyện “chống cộng”, mà chỉ “chống Tầu”.
Vậy, một lần nữa, người viết xin trích đoạn về tin tức của nhiều tờ báo ở trong nước đã tường thuật về cuộc gặp gỡ có hình ảnh của “Chủ tịch nước” Trương Tấn Sang - Huỳnh Tấn Mẫm - Lê Văn Nuôi tại Đà Nẵng như sau:
“Sáng 9-1, nhân kỷ niệm 63 năm Ngày truyền thống học sinh – sinh viên
(HS-SV) Việt Nam, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đến thăm Trường ĐH Duy Tân
(TP.Đà Nẵng) và nói chuyện với những thành viên chủ chốt của phong trào đấu
tranh yêu nước của HS-SV ở các đô thị miền Nam (giai đoạn 1954 - 1975) và đông
đảo SV đang theo học tại trường.
Chủ tịch nước khẳng định: “Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn ghi nhận những đóng
góp to lớn, thầm lặng của nhiều thế hệ cán bộ, chiến sĩ trong phong trào đấu
tranh yêu nước ở các đô thị miền Nam giai đoạn 1954 - 1975, đã chiến đấu đầy hy
sinh, gian khổ trong lòng địch, góp phần quan trọng cho sự nghiệp giải phóng
dân tộc và thống nhất Tổ quốc”.
Chủ tịch nước nhắn nhủ chân tình và gửi gắm tâm tư của mình đến các thế hệ
thanh niên HS-SV: “Tôi mong muốn các đồng
chí là cựu cán bộ chủ chốt đại diện cho các địa phương của Phong trào HS-SV,
trí thức và văn nghệ sĩ tại các đô thị miền Nam giai đoạn 1954 - 1975 có mặt
hôm nay, mặc dù còn nhiều điều trăn trở, hãy tiếp tục giữ vững niềm tin, có những
đóng góp thiết thực, xây dựng, bồi dưỡng, truyền lửa cho con em mình, cho thế hệ
trẻ hôm nay và mai sau”.
“Chủ tịch nước Trương Tấn
Sang gặp gỡ Tiến sĩ, bác sĩ Huỳnh Tấn Mẫm,
nguyên Chủ tịch Tổng hội
Sinh viên Sài Gòn và Chủ tịch Tổng hội
Sinh viên Việt Nam trong thời
kỳ đấu tranh chống Mỹ cứu nước
trước năm 1975 và các anh chị
trong phong trào HS-SV đấu tranh
yêu nước tại các đô thị miền
Nam giai đoạn 1954 - 1975 - Ảnh: HC”
“Chủ tịch Trương Tấn Sang
(phải) trò chuyện với các ông Lê Văn Nuôi
(giữa Nguyên tổng biên tập
báo Tuổi Trẻ) và Huỳnh Tấn Mẫm
Người “cựu trào” trong Phong
trào đấu tranh của HS-SV Sài Gòn
thời chống Mỹ-Ngụy. Ảnh:
Đăng Nam”
Nên biết, Huỳnh
Tấn Mẫm đã hoạt động Cộng sản hợp pháp suốt cả hai thời Đệ nhất và Đệ nhị Việt Nam
Cộng Hòa (từ năm 1958 đến 1975); đặc biệt, Huỳnh Tấn Mẫm vẫn thường xuyên có mặt
tại Quảng Tín-Quảng Nam - Đà Nẵng, vì ở đấy, có rất nhiều những tay sinh viên
là “đồng chí thân thiết” của Huỳnh Tấn Mẫm, thuộc loại Cộng sản nòi tại Quảng
Tín – Quảng Nam - Đà Nẵng như Huỳnh
Ngọc Chênh, Nguyễn Hữu Thái, Lê Hiếu Đằng…
Những sinh
viên, học sinh Cộng sản này, thường xuyên hội họp tại nhà của “Năm Thông” ở
số 29 đường Nguyễn Trãi, Đà Nẵng. “Năm Thông” là “bí danh” của Nguyễn
Hữu Nỳ (Nì), quê quán ở Thanh Quýt, Điện Bàn, Quảng Nam. Đây là một
căn nhà hai tầng, là do đảng Cộng sản Hà Nội đã cấp tiền cho Nguyễn
Hữu Nỳ đứng tên mua và làm chủ, để làm nơi ở bí mật cho những “Sĩ
quan quân báo – cán bộ cao cấp” và cũng là nơi hội họp, bàn thảo
những hoạt động của “sinh viên, học sinh đặc công nội
thành” tại Đà Nẵng.
Xin nói qua về
Nguyễn Hữu Nỳ, là con của bà Hà Thị Nì, đã được đảng Cộng sản Hà
Nội tuyên dương là “Mẹ Việt Nam Anh Hùng” vì có chồng và cả bốn con
trai theo “cách mạng”. Trong đó, có Nguyễn Hữu Bì, con trai của vợ
chồng bà, Bì đã từng theo Việt cộng để “chống Mỹ - Ngụy”. Mùa hè,
1966, trong cuộc bạo loạn Bàn thờ Phật xuống đường tại Đà Nẵng,
Nguyễn Hữu Bì bị bắt quả tang làm Cộng sản, nên phải bị giam, sau
đó, ra nhà tù Côn Đảo.
Sau Hiệp Paris
1973, về Việt Nam, Nguyễn Hữu Bì được trao trả về địa phương. Sau năm
1975, Nguyễn Hữu Bì là “Bí thư - Chủ tịch xã Điện Thắng - thường vụ
đảng ủy - Bí thư Huyện ủy Huyện Điện Bàn, Quảng Nam”.
Căn nhà của
đảng Cộng sản Hà Nội, dưới “chủ quyền” của Nguyễn Hữu Nỳ, tức “Năm
Thông” đã từng là nơi hội họp của “đặc công nội thành”, đứng đầu là
bốn người con của Nguyễn Hữu Nỳ và những tên “đồng đội đặc công” cộng sản
như Tào Tựu, Huỳnh Tấn Mẫm, Lê Hiếu Đằng,
Huỳnh Ngọc Chênh, Lê Văn Nuôi, Hồ Văn Tiên, Lê Văn Danh, Nguyễn
Hữu Thái (là cháu của nhà Nguyễn Hữu), Huỳnh Thúy, Trương Công Lanh… (Trương Công
Lanh, sau 30/4/1975, từng là “Phó giám thị, trưởng ban sản xuất” tại “Trại cải
tạo T.154” tức tại “cải tạo” Tiên Lãnh, Quảng Nam-Đà Nẵng.
Riêng những
“Sĩ quan quân báo - cán bộ cao cấp” của đảng Cộng sản sau một thời
gian ẩn trú bí mật tại căn nhà của “Năm Thông” vì có nguy cơ bại lộ,
nên đã phải di chuyển đi nhiều nơi khác, những “sĩ quan cao cấp” của Cộng
sản nổi tiếng tại Đà Nẵng như: “Đại tá Võ Bá Huân, Đại tá Nguyễn Văn
Cam, Trung tá Hoàng Quốc Dân…” đã bị các Chiến sĩ Biệt Động Quân bắt
trong lúc chuẩn bị tấn công thành phố Đà Nẵng vào dịp Tết Mậu Thân,
1968.
Sau đó, đã chạy
được ra “bưng”… Nhưng trong một lần tập kích của quân đội Mỹ, một
trực thăng của Mỹ đã chụp lưới xuống mặt đất tại một vùng núi thuộc xã Kỳ
Long, quận Tam Kỳ, tỉnh Quảng Tín, để “xúc” Nguyễn Văn Lợi. Loại lưới
chụp này, chỉ những người đã từng biết đến, mới hiểu được hình
dáng và cách chụp bắt người như thế nào, ngoài ra rất ít người
biết, nên khó có thể tả được.
Và sau khi bị
mắc vào chiếc lưới, Nguyễn Văn Lợi là một “cán bộ” của Việt cộng
được kéo lên chiếc trực thăng, trong lúc đang mang theo một số tài
liệu bí mật, Nguyễn Văn Lợi bị bắt và đưa về Trung tâm thẩm vấn… Từ đó,
mọi sự đã bị đổ vỡ, với những bằng chứng làm Cộng sản rõ ràng, không chối
cãi được, nên ngoài Nguyễn Văn Lợi còn có một số đông “đặc công” nằm vùng của Cộng
sản cũng bị bắt, và đưa ra Tòa Án Quân Sự Mặt Trận Quân Khu I. Sau đó, tất
cả phải thi hành án tại Côn Đảo cùng với Huỳnh Tấn Mẫm.
Đến đây, người
viết xin dừng lại, để kính mời quý độc giả hãy cùng nhau đọc lại những dòng của
tác giả Phạm Thắng Vũ đã viết qua bài: Người tìm tự do cuối cuộc chiến:
“Tù binh đó là Huỳnh Tấn Mẫm, người có thời là quyền Chủ Tịch Tổng Hội
Sinh Viên Sài Gòn (1969). Huỳnh Tấn Mẫm sinh năm 1943 tại Gia Định (ngoại ô Sài
Gòn), sinh viên Đại học Y Khoa (1963)… Phe Việt Cộng giao cho Mẫm nhiệm vụ bằng
mọi cách y phải nắm được những vị trí hợp pháp, công khai trong tập thể sinh
viên để dấy lên mạnh mẽ phong trào sinh viên-học sinh đấu tranh ngay tại thủ đô
Sài Gòn và y đã thi hành các việc phá rối-trị an như: Đốt xe Mỹ, Hát cho đồng
bào tôi nghe (kêu gọi
phản chiến có một phía), Chống Quân Sự Học Đường…
Sau 2 vụ Biệt Động Thành Việt Cộng (T4) ám sát sinh viên Lê Khắc Sinh Nhật
(ngày 28-6-1971) và giáo sư Nguyễn Văn Bông (ngày 10-11-1971) thì Huỳnh Tấn Mẫm
bị bắt giam (ngày 5-1-1972) cho đến 20-2-1974 thì phía chính quyền miền Nam
VNCH trao trả y tại Lộc Ninh (chung với gián điệp Huỳnh Văn Trọng, luật sư Nguyễn
Long, sinh viên Cao Thị Quế Hương…) nhưng phe Việt Cộng đã từ chối. Phía chính
quyền miền Nam VNCH đành phải đưa Mẫm trở về, nhưng biết chắc nếu thả ra, y ta
sẽ lại lãnh đạo một số sinh viên-học sinh ở thủ đô Sài Gòn và lợi dụng luật
pháp để tiếp tục phá rối trị an xã hội.
Chính quyền miền Nam VNCH đã giam y tại nhà lao Chí Hòa rồi chuyển sang
giam tại Tổng Nha Cảnh Sát. Hai tháng sau, ngày 21-4-1974, Mẫm được chuyển ra
trại chiêu hồi tại eo biển Lagi-Hàm Tân cho đến tháng 4-1975 thì nhân viên coi
trại chuyển Mẫm về giam tại Sài Gòn (bót cảnh sát gần Thảo Cầm Viên). Ngày
29-4-1975, Mẫm được trả tự do và ngay sau đó (buổi tối) y lên tiếng trên hệ thống
truyền thanh (Radio và Truyền hình), ngỏ lời cám ơn những người đã ủng hộ y và
y yêu cầu chính quyền miền Nam VNCH thả hết tù chính trị, kêu gọi đồng bào hãy ở
lại, đừng di tản ra nước ngoài.”
Trở lại với “Thư tâm tình của Huỳnh Tấn Mẫm gởi
các bạn thanh niên - sinh viên - học sinh”. Nếu những ai có đọc kỹ nội dung “Thư tâm tình…” của Huỳnh
Tấn Mẫm, thì phải thấy Huỳnh
Tấn Mẫm chỉ kêu gọi “chống Tầu”, và tuyệt đối không hề hối hận về những hành vi
làm Cộng sản của chính y, không nói đến cái “công hàm-công thư” của ông Phạm
Văn Đồng đã gửi cho Chu Ân Lai vào ngày 14/9/1958, không nói đến những “đặc khu
kinh tế” của Tầu cộng ở Hải Phòng, Cam Ranh, Bình Thuận, Đà Nẵng, Tây nguyên,
Bình Dương…
Cũng nên nhớ, kể
từ ngày 30/4 /1975 cho tới hôm nay, suốt gần bốn mươi năm qua, đảng viên Cộng sản
Huỳnh Tấn Mẫm chỉ biết phục vụ cho chế độ Cộng sản, nên không hề nhắc đến những
người đã và và đang là nạn nhân của đảng Cộng sản Hà Nội. Những nạn nhân ấy, là
các vị Dân-Quân-Cán-Chính Việt Nam Cộng Hòa đã từng ở trong các nhà tù “cải tạo”
đã chết một cách tức tưởi ở trong và ngoài những bờ rào kẽm gai oan nghiệt trên
khắp cả ba miền của đất nước. Những nạn nhân ấy, là những cụ già, phụ nữ, em bé
đã bị đánh “tư sản mại bản” họ đã bỏ mình trên các vùng “kinh tế mới” hoặc đã
phơi xác trên rừng làm mồi cho muông thú, vùi thân dưới đáy bể làm mồi cho cá
trên con đường vượt biên, vượt biển… Những nạn nhân ấy là những người hiện đang
còn nằm trong các nhà tù Cộng sản, chỉ vì lòng yêu nước!
Tạm kết:
Huỳnh Tấm Mẫm
là một cựu sinh viên, chứ không phải là một tên ngu dốt, thì tất nhiên phải biết
nguyên do tại sao Tầu cộng lại ngang nhiên hạ đặt giàn khoan HD-981 xuống ngay
lãnh hải của Việt Nam, mà chính đảng Cộng sản Việt Nam cũng không hề có một
hành động nào để được gọi là “bảo vệ chủ quyền, bảo vệ ngư dân”, mà chỉ biết
xúi dục ngư dân ra khơi làm bia đỡ đạn, đối đầu với cái chết. Huỳnh Tấn Mẫm
không hề nói đến những sự thật hiển nhiên ấy. Điều này, đã chứng tỏ cho mọi người
thấy rằng: Huỳnh Tấn Mẫm chỉ chống… cái giàn
khoan HD-981, chứ không có chống đảng Cộng sản Hà Nội!
(Hàn Giang Trần Lệ Tuyền)
Paris, 10/07/2014