Friday, August 30, 2013

TÀU SÂN BAY (HKMH) LIÊU NINH: “CON NGÁO ỘP NGỌC THỂ BẤT AN!”

 
Theo nguồn tin của báo chí nước ngoài, tàu sân bay (Hàng Không Mẫu Hạm) Liêu Ninh, con tàu sân bay duy nhất và đầu tiên của Trung Quốc, đang trong thời gian triển khai hoạt động thí nghiệm nghiên cứu khoa học và huấn luyện lần thứ ba, trong tháng tám này; bỗng đột ngột chạy thẳng về nhà máy đóng tàu Đại Liên ngày 23/8, mà đáng lẽ ra nó phải quay về nơi đồn trú tại căn cứ quân sự cho tàu sân bay là ở Thanh Đảo.

 
HKMH Liêu Ninh
Qua sự việc đáng chú ý này, giới quan sát cho rằng, con tàu có khả năng bị sự cố nặng, buộc phải sớm quay về nhà máy Đại Liên để có thời gian và điều kiện chỉnh sửa. Còn chỉnh sửa những gì, tốn kém đến đâu, kéo dài bao lâu, của “con bệnh” này, thì có lẽ phải chờ một thời gian nữa, mới có thể dần dần hé lộ được. 
Liêu Ninh là tàu sân bay đầu tiên và duy nhất của Trung Quốc, mà nguồn gốc ra đời của nó là thập niên tám mươi của thế kỷ trước. Bấy giờ, Liên Xô đóng chiếc tàu này cho hải quân, đặt tên gọi là VARYAG. Sau khi Liên Xô tan rã, tàu Varyag do Ucraina sở hữu. 
Năm 1998, kinh tế Ucraina gặp khó khăn, Trung Quốc đã thương lượng mua lại con tàu này, bấy giờ với giá chỉ 20 triệu USD; thực chất chủ yếu là cái vỏ, không có ruột, đơn thuần là một khối thép khổng lồ. Mục đích thực sự mua chiếc tàu chưa hoàn chỉnh này, cũng được Trung Quốc giữ bí mật, bằng cách “tung hỏa mù” là, để cải tạo làm một khách sạn nổi, phục vụ kinh doanh du lịch; cố tránh làm thế giới chú ý, thực hiện lời dặn của Đặng Tiểu Bình “náu mình chờ thời”; có nghĩa là, không vội bộc lộ mình, trên con đường thực hiện mưu đồ lớn đầy tham vọng là phục hưng Trung Hoa, tranh mộng bành trướng, sớm trở thành siêu cường. 
Suốt một thập kỷ dài, từ 2002 đến 2012, Trung Quốc đã âm thầm, mày mò nghiên cứu tự chế tạo, sản xuất các trang thiết bị cho con tàu này; từ động cơ, hệ thống điện tử, radar, đến tự lắp đặt, hoàn thiện con tàu này. 
Đến tháng 6/2011, Trung Quốc mới chính thức công bố với thế giới rằng, mình đã có chiếc tàu sân bay đầu tiên, đặt tên là Liêu Ninh. Tháng 9/2012, tàu sân bay Liêu Ninh được chính thức bàn giao cho lực lượng hải quân của họ. Tháng 2/2013 này, Liêu Ninh rời nhà máy đóng tàu Đại Liên, về căn cứ quân sự cho tàu sân bay ở Thanh Đảo. 
Ngày 15/8, tàu sân bay Liêu Ninh rời căn cứ Thanh Đảo, nơi đồn trú, để tiếp tục công việc triển khai thí nghiệm nghiên cứu khoa học và huấn luyện lần thứ ba. Tuy nhiên sau đó, Liêu Ninh không quay về căn cứ nhà của nó ở Thanh Đảo nữa, mà chạy thẳng đến nhà máy đóng tàu Đại Liên, nơi đã từng sản xuất, chế tạo, lắp đặt, hoàn thiện và cho chính nó ra đời của con tàu sân bay “chắp vá” này. 
Theo nhận định của giới quan sát và các chuyên gia quốc tế, tàu sân bay Liêu Ninh có thể đang gặp trục trặc nghiêm trọng, bởi trước hết, vấn đề mấu chốt là chất lượng thép không đồng đều, dẫn tới tình trạng tàu bị biến dạng, dễ làm cho tàu mất thăng bằng. Kế đó, điều đáng lo ngại nữa là, hầu hết các hệ thống thiết bị, đều do Trung Quốc tự sản xuất, trong khi đó ai cũng biết, từ trước tới nay, nước này chưa hề tự chế tạo hoàn chỉnh một con tàu sân bay nào. 
Các báo Nga cho rằng, Liêu Ninh là con tàu sân bay rẻ nhất, đồng thời cũng là con tàu yếu nhất thế giới. Như vậy phải chăng là “tiền nào của ấy”? Mặc dầu một số chuyên gia quân sự Trung Quốc như Lý Kiệt, Lưu Giang Bình, ra sức chống chế, nhằm giảm nhẹ tính chất nghiêm trọng của sự việc, để trấn an dư luận. Tuy nhiên, các chuyên gia hàng đầu của thế giới vẫn đưa ra nhận định, khả năng việc khắc phục, sửa chỉnh Liêu Ninh sẽ rất phức tạp, rất tốn kém và kéo dài thời gian, gần như đóng mới con tàu khác. Nghe đâu, chưa chính thức, thời gian chỉnh sửa có thể kéo dài từ ba đến bốn năm.

Khát vọng cuả HQ Tàu: HKMH Liêu Ninh được ghép
với khu trục cơ tàng hình J-20 bằng photoshop.
Ai cũng biết rằng, trong hơn ba thập niên qua, kinh tế Trung Quốc có bước phát triển đáng ghi nhận, với tốc độ tăng trưởng cao liên tục, có nguồn ngoại tệ dữ trữ dồi dào. Đây là yếu tố rất quan trọng, tạo cơ sở cho chủ nghĩa dân tộc Đại Hán trỗi dậy mạnh mẽ, với mộng bành trướng bá quyền, để dần ngoi lên siêu cường thống trị thế giới. 
Trong quan hệ ngoại giao, Bắc Kinh tỏ ra ngày càng hung hăng, ngang ngược, luôn đe dọa dùng vũ lực để giải quyết tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải với các nước láng giềng trong khu vực có liên quan vùng Biển Đông, vùng biển Hoa Đông, như các nước Đông Nam Á và Nhật Bản; đe dọa sự thông thương đường biển quốc tế đi qua khu vực này. 
Để thực hiện mưu đồ nói trên, mấy năm qua, Bắc Kinh liên tục tăng ngân sách quốc phòng, từ vài chục tỉ USD đến hơn trăm tỉ USD/năm, chỉ đứng sau Mỹ. Hàng năm, Trung Quốc sản xuất và mua sắm một lượng vũ khí rất lớn, đầu têu tạo nên tình hình chạy đua vũ trang ngày càng căng thẳng trong vùng, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, giảm đói nghèo và đe dọa an ninh chung. 
Đặc biệt, từ khi có chiếc tàu sân bay đầu tiên mang tên Liêu Ninh, Trung Quốc càng tỏ ra hung hăng và hiếu chiến hơn, muốn đưa ngoại giao theo con đường “pháo hạm”. Chính vì vậy, Bắc kinh quyết tâm cho ra đời chiếc tàu sân bay đầu tiên này bằng bất cứ giá nào. Đồng thời dự định có kế hoạch cho sản xuất hàng loạt tàu sân bay hiện đại, với quy mô lớn những năm tới. Tham vọng và mơ mộng của Bắc Kinh là vậy, còn làm được hay không, là một chuyện.

Hai chị em song sinh Izumo và Hyuga, thuộc loại Khu Trục Hạm chở Trực Thăng
cuả Hải Quân Hoàng Gia Nhật Bản, trên danh nghiã, thực chất chính là loại
HKMH trực thăng đa năng như loại USS Boxer....cuả HQ Hoa Kỳ
Thực ra, Trung Quốc cũng tự nhận thức được, mười năm phấn đấu quyết liệt, mình mới có được một chiếc tàu sân bay “chắp vá”, mà cũng chưa thực hoàn thiện.
Trong khi đó, Mỹ đã từ hơn nửa thế kỷ có tàu sân bay; và hiện có hàng chục chiếc tàu sân bay có công nghệ và kỹ thuật tân tiến, đội ngũ vận hành có trình độ chuyên nghiệp cao, đang hoạt động trên khắp các đại dương. 
Vì vậy, Trung Quốc không thể đối đầu bằng tàu sân bay với Mỹ được, ít nhất trong thời gian trước mắt. Cho nên người ta biết quá rõ ý đồ của Trung Quốc sắm tàu sân bay là dùng tàu sân bay Liêu Ninh làm “con ngáo ộp” để chủ yếu là đe dọa, nhất là đối với những kẻ “yếu bóng vía”, tạo nên sức ép tâm lý tối đa đối với các nước trong khu vực, nhất là khu vực Biển Đông, gồm các nước nhỏ yếu, nhất là tiềm năng quân sự, mong nhằm làm lợi thế trong thương lượng song phương, để bù lại cái yếu mà Trung Quốc vốn có, đó là: pháp lý, lịch sử và đạo đức. 
Song, đáng buồn cho Trung Quốc, tàu sân bay Liêu Ninh – “con ngáo ộp”; vì “con ngáo ộp” này mà suốt mười năm đổ mồ hôi sôi nước mắt, vừa mới ra đời xưng danh với thiên hạ, đã “xộc xệch”, “nay ốm mai đau”, liệu nó có đủ sức để răn đe thiên hạ không?
Có thể ví “con ngáo ộp” này như là “chưa đỗ ông nghè đã đe hàng tổng”, như vậy có đúng không nhỉ? Thật đáng đời cho nó.

  USS Boxer
 Hữu Quả