Hải Huỳnh (Danlambao) - Mục sư Nguyễn Trung Tôn đang loay hoay cắm điện vào
cái máy in mà ông vừa mới mua. Bất chợt cậu con trai út 5 tuổi thỏ thẻ:
- Cái máy này giống y như cái máy bố ăn cắp bị mấy chú
công an vào nhà thu ghê bố nhỉ?
Để cái máy in qua một bên, mục sư Tôn ân cần hỏi thăm cậu
bé Nguyễn Trung Khải Hoàn:
- Ai bảo con là bố đi ăn cắp máy? Mình là con cái Chúa và
bố làm mục sư thì không bao giờ đi ăn cắp đồ của ai. Bố mẹ đã dạy con nhiều lần
là mình không lấy đồ của ai rồi mà.
Cậu bé Khải Hoàn rụt rè:
- Hôm công an vào nhà bắt bố, rồi họ thu cái máy của bố. Mấy cô giáo trong nhà trẻ của con bảo là bố ăn cắp máy nên công an bắt
bố. Rồi các bạn của con hay trêu con là bố mày ăn cắp máy nên công
an bắt bố lấy cái máy đó. Mỗi lần các bạn trêu con nhớ bố con buồn lắm. Bố đừng
mắng con nhé!
Công an bắt mục sư Nguyễn Trung Tôn cùng chung với chị Hồ Thị Bích Khương. Họ vào nhà tịch thu hết máy móc. Họ tuyên truyền đầu độc vào đầu óc non nớt của cậu bé 3 tuổi ở nhà trẻ để rồi khi nó 5 tuổi điều tệ hại ăn sâu vào đầu óc của nó. Khi bố nó đi tù hơn 2 năm về mua cái máy in mới thì tiềm thức con trẻ bật ra những điều bịa đặt ác độc mà họ đã bơm vào tâm trí nó. Người ta cố tình không nói cho nó nghe là bố nó vì chống bất công và cái ác mới bị đọa đày và còn bị cướp đồ đạc máy móc là tài sản của gia đình nó.
Đứa bé thơ ngây 5 tuổi là nạn nhân đầu độc kiểu này, còn
anh trai nó 20 tuổi là nạn nhân kiểu khác tinh vi hơn, ghê gớm hơn.
Cháu Nguyễn Trung Trọng Nghĩa trúng tuyển đại học, mục sư
Tôn vừa đi tù về gia đình khó khăn nhiều bề. Đồng cảm với nỗi mất mát của các
cháu, nhiều anh em dân chủ giúp cháu một học bổng nước ngoài. Quá trình làm hộ
chiếu cho cháu là quá trình khổ ải kinh khiếp nhưng cuối cũng cháu cũng xuất
ngoại và nhập học.
Thủ đoạn của nhà cầm quyền Thanh Hóa chưa dừng ở đây họ
tung tin khắp địa phương mà gia đình nội ngoại hai bên sinh sống một tin đồn giựt
gân kinh khủng:
Bọn phản động đã lừa gạt gia đình vợ chồng nhà Tôn đưa
cháu Trọng Nghĩa đi nước ngoài để giải phẫu bán nội tạng của cháu. Rồi họ cho
giá biểu nào là quả thận của cháu bọn phản động bán được bao nhiêu ngàn đô la,
trái tim của cháu bọn phản động bán được mấy ngàn đô. Từng bộ phận của cháu
họ liệt kê ra giá biểu y như họ là người bán chuyên nghiệp.
Bên họ ngoại của cháu có người bác làm an ninh cũng góp
phần tuyên truyền cho điều giả dối ác độc này. Bà
ngoại của cháu lớn tuổi tưởng thật tìm đến nhà cháu khóc lóc thương cháu thúc hối
vợ chồng mục sư Tôn lo chạy tiền chuộc cháu về cho cụ. Thầy cô bạn bè của
cháu Trọng Nghĩa xôn xao cả lên.
Trong khi đó cháu Trọng Nghĩa ở nước ngoài đang bận rộn
những ngày đầu chuyện nhập học ăn ở. Rất may là thời buổi internet này nó kết nối
nhanh. Mục sư Tôn hay chuyện mới giải thích cho cụ nghe và mở skype để cho bà
cháu nói chuyện.
Bà cụ nhà quê vẫn chưa tin cháu mình còn sống đang nói
chuyện với mình. Cụ thử hỏi nhiều câu hỏi, nhiều bí mật khi cháu Trọng Nghĩa trả
lời và giải thích cho bà ngoại nghe sự thật thì cụ mới tin.
Cùng lúc đó vợ mục sư Tôn về bên ngoại, nơi gia đình của
cán bộ an ninh mà tung tin bịa đặt điều ác độc để làm rõ sự việc thì họ im khe,
nín re coi như là không có gì xảy ra. Khi con cái của nhà này liên lạc với Trọng Nghĩa qua các
mạng xã hội trên internet chính những đứa con của viên an ninh này cũng là nhân
chứng lên án việc tung tin đồn thất thiệt.
Mục sư Nguyễn Trung Tôn đi tù về nhà hơn 6 tháng nhưng phải
đối phó với nhiều tin đồn ác nghiệt được bộ máy cầm quyền tuyên truyền áp dụng.
Đứa con gái giữa của mục sư Tôn hơn 10 tuổi bị thiểu năng
trí tuệ cũng không được yên ổn với họ. Cháu vừa về méc bố mẹ là cô giáo lớp 4 của
cháu bảo rằng đạo Tin Lành mà gia đình cháu theo là phản động nói trước lớp của
cháu là sẽ đuổi học cháu và một người bạn của cháu cũng theo đạo Tin Lành.
Ghê sợ cho những trò tuyên truyền bỉ ổi của cộng sản.
Đúng là "trẻ không
tha, già không bỏ, người tật nguyền cũng không chừa". Điều
kinh khủng là môi trường giáo dục từ nhà trẻ, trường tiểu học, trung học cũng
là công cụ tuyên truyền cho họ. Hậu quả sẽ ra sao khi đứa bé 3 tuổi đinh ninh
tin rằng bố mình đi ăn cắp máy mới bị bắt và nỗi đau bị bạn bè trêu chọc theo
cháu đến trưởng thành khôn lớn? Điều gì xảy ra cho bà cụ già khi hay tin đứa
cháu ngoại bị người ta lừa đi bán nội tạng nếu không kịp làm rõ trắng đen? Và
người ta sao nhẫn tâm tưới thêm nỗi đau vào một đứa bé tật nguyền mới 10 tuổi?
Lẽ nào vì mục đích
tuyên truyền mà con người trong chế độ cộng sản trở nên như chiếc máy vô cảm?
Những chuyện đau lòng này nó xảy ra ngay năm 2013, ngay
cái thời đại mà chúng ta đang tin là kỷ nguyên bùng nổ của công nghệ thông tin.
Những ngày này thì mục sư Tôn dù bị quản chế nhưng ông vẫn
lo những chuyến thăm nuôi chị Bích Khương, ông vẫn đồng hành cùng anh em dân chủ
lo cho số phận của Blogger Nguyễn Văn Dũng, rồi phiên tòa của Phương Uyên -
Nguyên Kha ở Long An, ông vẫn trắng đêm theo dõi. Mục sư Tôn vừa mổ giác mạc và
từng bước đi của ông đang bị người ta giám sát.
Bản án hơn 2 năm tù không làm ông và gia đình gục ngã mà
vững vàng cứng cáp hơn. Bà Nguyễn Thị Lành, vợ của mục sư Tôn cho chúng tôi hay,
là vì mục sư Tôn đi tù nên bà phải đứng dậy lo chuyện Hội Thánh, chuyện gia
đình, chuyện anh em dân chủ thay thế phần của mục sư Tôn.
Chúng tôi cũng thật ấm lòng khi hay tin cháu Trọng Nghĩa
kết thúc học kỳ đầu tiên ở nước ngoài với điểm số các môn xuất sắc. Cháu đã
không phụ lòng tin của các cô chú cưu mang cháu. Ít ai biết rằng cậu bé 16 tuổi
một mình đi dự phiên tòa người ta xử cha cậu tội "tuyên truyền phản động"
đã mạnh dạn đứng lên chất vấn ngay trong phiên tòa các quan tòa xử cha cậu rằng:
"Các cô các chú bảo xã hội chủ
nghĩa là thiên đường sao không cho con của các cô các chú sang các nước Cu Ba
hay Bắc Triều Tiên du học mà toàn cho đi Mỹ đi Úc du học là sao?".
Cậu bé cô đơn trong phiên tòa ngày xưa ấy giờ là sinh
viên xuất sắc của một trường đại học nước ngoài. Khi
mục sư Nguyễn Trung Tôn bị bắt thì ông chưa biết trang Dân Làm Báo là gì nhưng
vừa đi tù về thì chính Trọng Nghĩa chỉ cho ông biết cách vượt tường lửa để vào
đọc trang Dân Làm Báo, trước khi VTV
tuyên truyền quảng bá trang blog này cho toàn thể nhân dân Việt Nam biết.