Bài của Vũ linh Châu
Đôi lời phi lộ:
Biến cố Trần Trường không những chỉ là một sự kiện chính
trị mấu chốt, một bước ngoặc quyết định trong lịch sử Cộng Đồng tỵ nạn Việt Nam
. Mà nó còn tạo nên một niềm tin sắt đá rằng chẳng có gì là quá xa vời, là
không tưởng, là impossible cả. Biến cố này không những chỉ là một chiến thắng
căn bản cho các công tác chống Cộng sau này, mà nó còn liên quan tới thanh danh
của Cộng Đồng Tỵ Nạn Việt Nam trước nhân dân Hoa kỳ và thế giới. Ngoài ra còn
nhìều hậu qủa to lớn và lâu dài khác nữa.
Một sự thành công bất ngờ giống
như là đã có bàn tay của Trời của Phật! Vì tính cách lịch sử của biến cố, nên
tác giả, tự nhận đang là người viết sử, sẽ phải hết sức trung thực khách quan.
Cũng vì tính cách lịch sử đó mà tên tuổi của một vài cá nhân và đoàn thể cũng
phải được nêu ra. Xin vui lòng chấp nhận. Vào thời gian các năm cuối của thập
niên 90, lòng căm thù Cộng Sản còn rất sâu đậm trong Cộng đồng tỵ nạn Việt Nam.
Các tội ác của chúng gây ra cho
nhân dân Miền Nam còn quá gần kề mới mẻ, những vết thương chiến tranh, những cảnh
tan cửa nát nhà, đau thương mất mát cho từng cá nhân, từng gia đình vẫn còn
chưa được nguôi ngoai. Các vết thương vẫn còn đang âm thầm rướm máu. Nợ nước
thù nhà vẫn còn chồng chất. Nhất là các đợt di dân của các cựu Tù nhân chính trị
qua chương trình HO đang dồn dập đổ vào Hoa Kỳ...
Do vậy, khí thế chống Cộng trong giai đoạn này đã tràn dâng lên đến tột đỉnh. Một số người vì ý chí chống Cộng còn quá hăng say quyết liệt, họ không chấp nhận bất cứ một hành động, một lời nói, một cử chỉ nào có dính dáng xa gần tới bọn Cộng Sản Việt Nam . Thí dụ, bất cứ một chương trình văn nghệ nào mà có mặt, dù chỉ là một nghệ sĩ hay một ca sĩ đến từ trong nước là sẽ bị biểu tình chống đối rất dữ dội quyết liệt...
TRẦN TRƯỜNG, HÌNH HỒ CHÍ MINH VÀ LÁ CỜ
MÁU.
Trong khi đó, một vài người có đầu
óc chủ hòa dễ dãi, lại không hoàn toàn đồng ý với những hành động và thái độ mà
họ cho là quá khích cực đoan đó. Trần Trường là một trong những người này. Anh
ta thường có những lời lẽ công khai chống lại những hành động chống Cộng tích cực
của Cộng Đồng.
Trong các cuộc biểu tình chống
nghệ sĩ trong nước chẳng hạn, Trần Trường thường công khai dẫn vợ con đi giữa
hai hàng người biểu tình để vào trong rạp. Trần Trường có một tiệm sang băng nhạc
trên đường Bolsa, thuộc thành phố Westminster , tiểu bang California . Chắc là
đã được ai đó bầy biểu, cho nên Trần Trường đã treo trong tiệm sang băng của
anh ta hình Hồ Chí Minh và một lá cờ đỏ sao vàng của Cộng sản Việt Nam để thách
thức Cộng Đồng, nhất là nhóm người mà anh ta cho là “quá khích” kia. Anh ta đã
biết sẽ không có ai dám hạ hai biểu tượng đó xuống hay dám hành hung, đập phá cửa
tiệm của anh ta.
Họ sẽ bị Cảnh Sát bắt giữ ngay
vì đã xâm phạm vào quyền Tự Do Ngôn Luận của người khác. Phải chăng sự việc chỉ
đơn giản như vậy, chỉ do tính tình ngông nghênh của cá nhân Trần Trường, chỉ vì
thích chơi nổi, chỉ vì muốn thách thức người khác cho bõ ghét, chứ không có một
âm mưu gì ghê gớm hay một thế lực chính trị tầm cỡ quốc gia quốc tế nào đứng
đàng sau Trần Trường cả. Với thời gian, hình như sự việc đã sáng tỏ như vậy.
TIẾN THOÁI LƯỠNG NAN .
Tuy nhiên vào lúc
đó, nhất là vào những tuần lễ đầu tiên của biến cố, Cộng đồng chúng ta đã rơi
vào tình trạng hoang mang cực độ. Càng là người trí thức, càng thông hiểu luật
pháp Hoa Kỳ, càng ý thức được tính cách bất khả xâm phạm của tấm hình và lá cờ
mà Trần Trường đã treo lên, người ta càng phân vân dè dặt hơn.
Chính vì vậy mà trong những tuần
lễ đầu, rất nhiều người, kể cả hầu hết các cơ quan truyền thông lớn tại Quận
Cam, hầu hết các đài phát thanh các nhật báo, tuần báo…, tất cả đều đã giữ thái
độ “wait and see”, chờ xem sự việc sẽ diễn tiến ra sao. Riêng một đài phát
thanh tiếng Việt lớn nhất lúc ấy tại Miền Nam Cali, thì vì quá dè dặt, nên đã
im lặng chờ đợi, quan sát... và chờ mãi cho tới phút chót, nghĩa là chẳng đóng
góp, chẳng đề cập gì tới cái biến cố đã và đang làm rung rinh thủ đô tỵ nạn
ngay chung quanh họ.
Đây là một bài học đắt giá mà những
người làm truyền thông trong Cộng Đồng nên học hỏi để rút tỉa kinh nghiệm cho
mai sau. Tuy vậy, một số khá đông những người sẵn có tinh thần chống Cộng quyết
liệt, được sự yểm trợ của một số cơ quan truyền thông, nhất là đài Radio Bolsa của Việt
Dzũng-Minh Phượng, được lãnh đạo bởi
các vị có trách nhiệm trong Cộng Đồng lúc bấy giờ như qúi ông Bùi Bỉnh Bân, Trần
Ngọc Thăng, Hồ Anh Tuấn… những chiến sĩ tiên phong can trường này đã không hề nản
chí, đã không hề run sợ, họ đã rất quyết liệt, rất kiên cường bất khuất, đã bất
kể mọi gian nan nguy hiểm, mọi rụt rè đắn đo…, họ đã liên tục tổ chức những cuộc
biểu tình trước cửa tiệm của Trần Trường, suốt ngày suốt đêm.
Một đặc điểm rất
quan trọng trong giai đoạn mở đầu này, đó là các người có trách nhiệm lãnh đạo
đã rất thông hiểu luật pháp của xứ tạm dung, qúi vị này đã điều khiển và hướng
dẫn cho các người tham dự tuyệt đối tôn trọng luật pháp, tuyệt đối bất bạo động.
Đây là một yếu tố chiến lược hết sức quan trọng cho sự thành công vẻ vang sau
này.
Tinh thần bất bạo động và thượng
tôn luật pháp đã được tiếp tục trải dài trong suốt thời gian tranh đấu, khiến
cho nhân viên công lực không thể sử dụng võ lực để can thiệp giải tán, nhất là nhờ đó mà dân
chúng Hoa Kỳ đã thấy rõ sự trưởng thành về ý thức chính trị và tinh thần thượng
tôn luật pháp của Cộng Đồng Tỵ nạn Việt Nam. Cũng phải công tâm mà nói ngay rằng, tuy ít mưu lược,
nhưng những con người qủa cảm nói trên đã có những đóng góp rất lớn, rất quan
trọng trong vụ Trần Trường.
Với ý chí chống Cộng kiên cường
mãnh liệt, chính họ đã phát khởi và nuôi dưỡng ngọn lửa đấu tranh lúc ban đầu để
rồi sau đó đã lôi cuốn được sự tham gia của cả Cộng Đồng và sau cùng thì đã đi
đến thành công vô cùng vẻ vang rực rỡ.
ÁC Ý CỦA TRUYỀN THÔNG MỸ.
Riêng đối với các ký giả của Báo
chí và Truyền thanh, Truyền hình Hoa kỳ. Ngay từ khi cuộc chiến còn đang tiếp
diễn, hầu hết giới truyền thông và bọn phản chiến Mỹ đã cố ý trút bỏ tất cả
trách nhiệm về sự thất trận của Mỹ tại Việt Nam lên đầu Quân dân Miền Nam Việt
Nam, khiến rất nhiều người Hoa Kỳ đã bị đầu độc tai hại, kể cả cựu Tổng Thống
George Bush, khi so sánh Việt Nam với Iraq, Ông đã phát biểu: “Vì Miền Nam Việt Nam không chịu chiến đấu, nên họ đã mất
Tự Do”.
Sau ngày
30/4/1975, truyền thông Mỹ càng không tiếc lời phỉ báng bôi nhọ người tỵ nạn Việt
Nam , công khai gọi chúng ta là bọn lưu manh đĩ điếm. Họ cũng cố ý liên tiếp thổi
phồng những sơ sót, bêu rếu những sai lỗi nhỏ nhặt liên quan tới Cộng đồng tỵ nạn
Việt nam trên báo trên đài. Đối với Cộng đồng Việt Nam, khi vụ Trần Trường treo cờ Việt
Cộng và hình Hồ Chí Minh nổ ra, không phải chỉ có những người lâu nay vẫn tích
cực tham gia quyết liệt vào các cuộc biểu tình chống Cộng, mà cả Cộng Đồng đã bị
dồn vào ngõ cụt tưởng như không còn lối thoát.
Về mặt tình cảm, chúng ta không
thể cho phép lá cờ và tấm hình đó hiện diện ngay giữa thủ đô tỵ nạn được. Nhưng
về mặt pháp lý, chúng ta, và ngay cả mọi cơ quan quyền lực tối cao tại Hoa Kỳ,
mọi nhân vật quyền uy nhất nước Mỹ như Tổng Thống, Chủ tịch Quốc Hội, Chánh án
Tối cao Pháp viện... cũng không ai có thể ra lệnh hạ lá cờ và tấm hình đó xuống,
vì làm như vậy là vi phạm vào Tu chính án số một của Hiến Pháp Hoa Kỳ, xâm phạm
vào quyền Tự do Phát biểu, Tự do Ngôn luận của cá nhân Trần Trường, một quyền tự
do cao cả của mọi công dân Hoa Kỳ, đã được Hiến pháp long trong bảo vệ gần như
tuyệt đối.
Nếu bất cứ cá nhân
hay tập thể nào, dù to lớn, giầu có hay dù ngang tàng quyết tử đến đâu... mà
dám cả gan vi phạm trong trường hợp này, là việc hạ tấm hình HCM và lá cờ máu
đó xuống mà không đươc Trần Trường đồng ý, thì các cơ quan quyền lực của Hiệp
chủng quốc Hoa Kỳ gần kề và trực tiếp nhất là Lực lượng Cảnh Sát Westminster có
nhiệm vụ phải bảo vệ việc treo tấm hình và lá cờ đó bằng mọi giá.
Đó là luật pháp và truyền thống
của quốc gia Hoa Kỳ, không thể làm khác đi được. Chỉ có một người duy nhất có
thể hạ được chúng xuống một cách hợp pháp, đó là Trần Trường. Nếu muốn cưỡng bức
Trần Trường phải hạ chúng xuống, thì chỉ còn một phương cách hợp pháp duy nhất
là... sửa đổi Hiếp Pháp Hoa kỳ. Một ý nghĩ điên rồ không thể thực thi.
TRUYỀN THÔNG MỸ NHẬP CUỘC.
Dĩ nhiên giới truyền thông Mỹ biết
rất rõ điều đó, họ hiểu tường tận thế kẹt này của cộng đồng Việt Nam . Hơn nữa
họ cũng bị tự kỷ ám thị bởi những điều xấu xa mà chính họ đã tạo ra và gán ghép
cho cộng đồng Việt Nam. Một vài lời nói và hành động quá khích hời hợt của một
số người năng động ồn ào tại Little Saigon lúc bấy giờ, càng khiến họ tin rằng
trình độ và thái độ của tất cả cộng đồng tỵ nạn Việt Nam đều giống như vậy. Chắc
chắn bọn cao bồi, du đãng, đĩ điếm... mà họ cho rằng đang đầy dẫy tại Little
Saigon, sẽ nhân cơ hội này để cướp bóc, hôi của, đốt nhà... Nhiều tờ báo Mỹ còn công khai tiên đoán Little Saigon sẽ
bị thiêu rụi trong nay mai.
Thế là tất cả các
cơ quan truyền thông Hoa Kỳ đã rầm rộ đổ dồn về khu phố Bolsa, cần ăng ten, xe
phát sóng của các đài TV tua tủa khắp nơi, máy quay phim, máy chụp ảnh, ký giả
của các tờ báo, các hãng thông tấn, các phóng viên truyền thanh truyền hình...
chen chúc trước khu biểu tình chật hẹp. Nhiếp ảnh gia danh tiếng của hãng AP là
Nick Út cũng được gửi tới, sẵn sàng thu vào ống kính những hình ảnh tồi tệ nhất
của người Việt Nam .
Trần Trường, được các luật sư Mỹ
trong hội ACLU tình nguyện cãi thí, được tòa án xử cho thắng kiện, dương dương
tự đắc, được cảnh sát Mỹ hộ tống, vợ chồng anh ta mở toang cửa tiệm, nhang khói
nghi ngút, quì gối lạy lục trước ảnh già Hồ và lá cờ máu. Bên ngoài, đồng bào sôi sục căm hờn, giận muốn phát điên,
nhưng đành uất ức đứng nhìn. Đám đông càng ngày càng vĩ đại thêm, họ chỉ biết điên cuồng
hò hét, hoan hô đà đảo suốt ngày suốt đêm, nhưng vẫn trong vòng trật tư, nên cảnh
sát cũng không thể can thiệp giải tán. Tại quốc nội, việc quyên góp cho Quỹ
pháp lý yểm trợ Trần Trường cũng được phát động rầm rộ trên toàn quốc, tất cả
Công Nhân Viên đều bị trừ lương để góp vào quỹ này, chả biết số tiền đó đã đi về
đâu, có đồng nào đến tay Trần Trường không?
CỘNG ĐỒNG TỴ NẠN BẤT KHUẤT.
Tinh thần chống Cộng
của đồng hương tỵ nạn vẫn hừng hực cháy, suốt ngày suốt đêm, như một lò lửa căm
hờn, mỗi ngày một thêm mãnh liệt gay gắt hơn. Nhiều ý kiến đã dần dần được đóng
góp vào. Như là: “Nếu treo hình Hitler giữa một cộng đồng Do Thái thì sẽ ra
sao” - “Vì Hồ Chí Minh mà 58 ngàn lính Mỹ đã chết” - Ngoài cờ Việt Nam , còn phải
treo nhiều cờ Mỹ và cả cờ MIA (Lính Mỹ mất tích) nữa... Nên cuộc biểu tình càng ngày càng đông, nhiều cựu quân nhân Mỹ cũng đã bắt dầu tham gia,
rất nhiều đồng bào túc trực 24/24, đồ ăn, tiền bạc ào ạt gửi tới.
Do sự góp ý của một số thính giả
ở xa gọi về các đài phát thanh, phần lớn là ý của các bà các cô, một Buổi trình
diễn Văn nghệ Tự phát qui mô đã được tổ chức vào đêm 22 tháng 2, 1999. Số người
tham dự đã lên tới mức kỷ lục. Hầu hết giới truyền
thông Mỹ đều tin rằng bạo loạn sẽ bùng ra trong đêm này. Cảnh sát Westminster
và các thành phố lân cận đã sẵn sàng ứng chiến, mỗi người được trang bị cả bó
giây trói bằng nhựa cứng. Những tiếng lóng chửi bới nhục mạ người Việt Nam vang
vang trong hệ thống truyền tin nội bộ của cảnh sát Mỹ.
Họ (cảnh sát) công khai tuyên bố,
nếu cần sẽ huy động, sẽ back up tất cả lực lượng của toàn miền nam California để
bắt hết số người làm loạn. Chỉ cần một vi phạm giao thông rất nhỏ của một vài
cá nhân, như bước xuống lòng đường chẳng hạn, hay một vụ gây gỗ ẩu đả của một
vài người chống đối và ủng hộ treo cờ và hình chẳng hạn, cảnh sát sẽ bắt giữ những
người này ngay. Đám đông man rợ và vô kỷ luật, theo họ tưởng tượng, sẽ ào vô không cho cảnh sát bắt người. Lực lượng cảnh
sát đang túc trực sẵn sẽ can thiệp ngay, hỗn chiến sẽ bùng lên. Bọn côn đồ sẽ
thừa cơ cướp phá các tiệm buôn, thiêu hủy nhà cửa, Little Saigon sẽ biến thành
một biển lửa...
Tưởng tượng ra như vậy, nên khi
cuộc biểu tình đến mức cao điểm, trên bầu trời Little Saigon, trực thăng của
các đài truyền hình vần vũ dầy đặc, giống như bầu trời Saigon trong dịp Tổng
công kích Tết Mậu Thân 1968. Tất cả mọi phương tiện truyền thông đều đã sẵn
sàng, mọi người, nhất là khán giả của các hệ thống truyền hình Hoa Kỳ, nóng
lòng chờ Breaking News...
Đám người biểu
tình mỗi lúc một đông, tràn ngập cả sang phía bên kia lề đường Bolsa, có lẽ lên
tới cả bốn năm chục ngàn. Rừng người sôi sục, điên cuồng hò hét, hoan hô đà đảo
vang vọng cả một góc trời, như triều dâng sóng dậy, như muốn xé nát không gian. Tất cả mọi nỗi căn hờn
uất hận, nợ nước thù nhà, bom đạn chết chóc, tù đầy nhục nhã, tan cửa nát nhà,
sóng dữ biển đông, giặc cướp hải tặc... và cả như những tiếng thét Xung Phong
oai hùng trên trân địa ngày xưa nữa...
Tất cả đang ầm ầm
bùng cháy, đang cuồn cuộn dâng cao. Đoàn người tị nạn Việt Nam , một nhóm di
dân bé nhỏ mới tới, đang bắt bí toàn quốc Hoa Kỳ, đang thách thức cả Hiến Pháp
Mỹ, đang dồn cả Ba cơ quan Hành Pháp, Lập Pháp, Tư Pháp của nước tạm dung vào một
ngõ bí. Về
phương diện pháp lý, đúng, hoàn toàn đúng, không có bất cứ một ai, không một
nhóm người nào được đứng trên Luật Pháp và trên Hiến Pháp. Cũng như mọi công
dân Hoa Kỳ khác, quyền Tự do phát biểu của Trần Trường phải được luật pháp tuyệt
đối bảo vệ. Nhưng mà, nhưng mà, về phương diện... tình cảm, cộng đồng tỵ nạn Việt
Nam chúng tôi cũng không thể chấp nhận cho tấm hình và lá cờ đó ngang nhiên
phơi bày ở giữa khu phố Bolsa này được. Đả đảo Cộng Sản. Đả đảo Hồ Chí Minh.
Cả rừng nắm tay vẫn
liên tiếp vung lên, cả biển Cờ Vàng vẫn cuồn cuộn như triều dâng sóng dậy, như
bão táp cuồng phong, hàng vạn tiếng hô vẫn ào ạt vang dội, long trời lở đất, bằng
cả hai ngôn ngữ Việt-Anh, như muốn xé nát bầu trời thủ đô tỵ nạn, như muốn vang
vọng tới tận Hà Nội và Washington, như muốn lan ra trên toàn lãnh thổ Hoa Kỳ.
Những
tiếng thét xuất phát từ trong đáy lòng, từ tận trái tim, bất khuất, gan góc, lì
lợm, 52 ngày, 52 tuần, hay 52 tháng... cho đến khi nào tất cả chúng tôi gục chết
tại đây, cho đến khi nào tấm hình và lá cờ đó biến mất mới thôi. Điên cuồng hò hét,
say sưa đà đảo hoan hô, quyết liệt đấu tranh, diễn văn nẩy lửa... nhưng tất cả đều
hoàn toàn trong vòng kỷ luật trật tự, tuyệt đối không hề có một vi phạm luật lệ
nào, dù chỉ là một sai lỗi về giao thông rất nhỏ.
Và rồi,
gần đến nửa đêm, cuộc biểu tình chấm dứt, biển người yên lặng ra về trong vòng
kỷ luật và trật tự tuyệt đối, giống hệt như vừa tan một đại lễ ở nhà thờ ra.Đã
vậy, hai bên lề đường Bolsa lại hoàn toàn sạch sẽ, mọi người đã tự động thu dọn
không còn sót lại một cọng rác nhỏ.
Tờ mờ sáng ngày hôm sau, từng
toán cụ ông cụ bà và nhiều nhóm thanh niên trai trẻ, tay cầm theo túi ni lông,
lại dàn hàng ngang, lượm cho bằng hết mọi rơi rớt còn sót lại trong các lùm cây
bụi cỏ. Tất cả các hình ảnh này, cùng với không
khí sôi sục căm hờn của buổi tối ngày hôm trước, đã được các phương tiện truyền
thông, nhất là vô tuyến truyền hình, chuyển đi khắp nơi, đến tận phòng khách của
rất nhiều gia đình người Hoa Kỳ.
“DIỆN HAY ĐIỂM”, BIẾN CỐ BẤT NGỜ ĐƯA TỚI
THÀNH CÔNG?
Cũng trong cuộc mít tinh quan trọng
này, Việt Dzũng, một xướng ngôn viên quen thuộc của đài Radio Bolsa tại Litlle
Saigon đã lớn tiếng hô hào: “Chống hình Hồ Chí Minh và cờ Cộng Sản chỉ là Diện.
Chống Thương Ước Việt - Mỹ mới là Điểm. Phải nhân lúc lòng người đang sôi sục
này để vùng lên, phá cho bằng được cái Thương ước đó”. Phải chăng chưởng lực
này đã vô tình giáng trúng tử huyệt của cả Hà Nội và Hoa Thịnh Đốn?
Vào thời gian đó, Hiệp Ước
Thương Mại sắp được ký kết giữa Hoa Kỳ và Hà Nội. Đây là một biến cố vô cùng
quan trọng cho cả hai bên. Không những nó là một lối thoát sống còn cho Cộng Sản
Việt Nam , mà nó cũng là một bước ngoặc quyết định cho đường hướng ngoại giao
hoàn toàn mới của Mỹ tại Á Châu nữa. Chính phủ Mỹ đang cố gắng dùng Hiệp Ước
Thương Mại Việt - Mỹ này để biến kẻ tử thù cũ thành một Đồng minh Chiến lược mới.
Road Map về Việt Nam đã ghi rõ
ràng như vậy. Bằng mọi giá, Hiệp ước này phải được thông qua. Phải chăng chính
vì chưởng lực này mà chỉ vài ngày sau đó, cảnh sát trưởng Westminster đã họp
báo, tuyên bố rằng việc cờ và hình này không còn thuộc trách nhiệm của thành phố
nữa mà sẽ do chính quyền Trung ương tại Washington giải quyết.
Nhiều cuộc biểu tình lớn nhỏ vẫn
liên tục tiếp diễn suốt ngày suốt đêm, nhưng sự hiện diện của giới truyền thông
Mỹ thì mỗi ngày mỗi thưa dần. Cho đến cuộc tập họp
đêm 26 tháng 2, tuy chỉ cách cuộc tập họp lớn nói trên một tuần lễ, lại do giới
trẻ tổ chức, không những số người tham gia đã đông đảo hơn cả các lần trước mà
lại là một đêm đốt nến, nên nếu bị phá hoại bằng bom xăng, thì với một rừng người
như vậy, rất có thể sẽ gây nên những hậu quả tai hại khó lường... Tuy vậy, các cơ
quan truyền thông Hoa Kỳ thì đã gần như hoàn toàn vắng bóng, bầu trời chỉ còn
đơn độc một vài chiếc trực thăng của cảnh sát, dưới đất lác đác vài đài truyền
hình địa phương... Bụng dạ hẹp hòi của giới truyền thông Mỹ đã được phơi bày
quá sức trơ trẽn lộ liễu.
AI ĐÃ HẠ CHÚNG XUỐNG?
Trước cửa tiệm của Trần Trường vẫn
dầy đặc người, suốt ngày suốt đêm. Không biết vì lý do gì, vì ngứa mắt, vì vô
tình hay cố ý, tất cả cửa kiếng trước tiệm Trần Trường đã được dán kín mít bằng
nhiều lớp giấy báo cũ, không thể nhìn thấy bên trong. Biểu tình vẫn sôi sục bên
ngoài vì mọi người tưởng rằng hình và cờ vẫn còn trong đó. Cho tới một hôm, một người da trắng đến xé một mảng giấy
che và la to lên là hình và cờ đã biến mất rồi!
Ai đã hạ chúng xuống? Chắc chắn
chủ phố và cả cảnh sát địa phương, cả chính quyền sở tại, không ai đã dám dại dột
mà tự ý phạm vào cái tội tầy đình đó. Giới chức nào ở Washington đã dám vi phạm
Hiến Pháp Hoa Kỳ, đã coi thường Tu chính án số I, đã bất kể tới Lập pháp, Tư
pháp, đã khinh thường tập đòan luật sư ACLU của Trần Trường... để ngấm ngầm ban
ra cái lệnh ghê gớm này?
Một bí mật lịch sử, phải chờ cho
thế hệ này qua đi, mới dám tiết lộ. Cựu Tổng Thống Clinton đã viết hồi ký,
nhưng dĩ nhiên Ông không dại gì mà đề cập tới trọng tội này. Nhất lý, nhì lỳ. Ý chí chống Cộng kiên cường sắt đá, lòng căm thù Cộng Sản
tận xương tận tủy của cộng đồng tỵ nạn Việt Nam đã oanh liệt chiến thắng. Lá cờ
máu, hình bóng của tên đồ tể bán nước hại dân đã vĩnh viễn bị quét sạch khỏi
khu phố Bolsa.
NHỮNG HẬU QỦA TO LỚN BẤT NGỜ
Đây là một chiến thắng có tính
chiến lược cho công cuộc chống Cộng, nhất là tại hải ngoại. Những suy luận trên
đây có được tán đồng hay không, điều đó không quan trọng. Tất cả chỉ là Diện,
Trời đã trả công cho ta qua vụ Trần Trường thế nào, các cơ quan truyền thông
Hoa Kỳ đã quảng cáo miễn phí cho cộng đồng tỵ nạn Việt Nam ra sao, đó mới là Điểm.
Trước hết, về Hồ Chí Minh, mọi người
trên thế giới, nhất là công chúng Mỹ đã phải tự hỏi, chắc chắn là Hồ Chí Minh
và Cộng Sản Việt Nam phải độc ác và tàn bạo khủng khiếp lắm nên dân chúng Việt
Nam mới căm thù và ghê tởm đến như vậy.
Kể từ sau biến cố
Trần Trường này, tất cả các cuộc vinh danh, suy tôn, ca tụng Hồ Chí Minh, kể cả
của UNESCO, đều đột nhiên hoàn toàn chấm dứt trên toàn thế giới. Cuộc triển lãm
sau cùng về Hồ Chí Minh diễn ra tại San Francisco trong thời gian vụ Trần Trường
gần kết thúc đã phải âm thầm dẹp bỏ vì số người tới xem quá lèo tèo. Những năm trước đó, tại
nhiều nơi trên thế giới, nhiều đoàn thể, tổ chức, hiệp hội... đã liên tục tổ chức
rất nhiều cuộc hội thảo, triển lãm... để ca tụng, để thần thánh hóa, để suy tôn
tên đồ tể sát nhân này. Thậm chí, chính cơ quan Unesco của Liên Hiệp Quốc cũng
đã phạm phải lỗi lầm đáng trách này...
Nhưng từ sau vụ Trần Trường, cho
tới ngày hôm nay, đã hơn 10 năm, trên khắp thế giới, không có bất cứ một cá
nhân hay tập thể nào còn công khai tái diễn cái trò hề ngây ngô đó nữa. Hà Nội
cũng chợt nhận ra rằng, hận thù còn lâu mới có thể xóa sạch, tội ác của họ còn
lâu mới đi vào quên lãng được. Nợ nước đã vậy, còn thù nhà thì sao. Nợ nước, đối
với nhiếu người thì nó xa vời và hơi hơi trừu tượng.
Nhưng THÙ NHÀ thì nó dính liền với
da với thịt, nó day dứt ngày đêm...Biết bao nhiêu người đã táng gia, bại sản,
gia đình tan nát, mất vợ mất con... (năm mười năm tù chỉ là chuyện nhỏ). Vật chất
càng dư gỉa sung túc, thì càng thêm thương vợ nhớ con, căm thù oán hận càng
thêm nung nấu ngày đêm... Càng được ăn ngon mặc đẹp, lại càng nghĩ tới những
ngày nheo nhóc đói khổ cuả thân nhân cha mẹ… Ấy là chưa kể sóng dữ Biển Đông, hải
tặc hiếp vợ giết con…Chính vì vậy, mà mãi cho đến ngày hôm nay, Việt Cộng vẫn
chưa dám công khai ra một tờ báo hay mở một đài phát thanh, một cơ sở truyền
hình.
Nếu không có biến
cố Trần Trường này, thì từ cả chục năm nay, hình ảnh của khu phố Bolsa đã như
thế này: Tôi đi không thấy phố thấy nhà Chỉ thấy mưa sa trên mầu cờ đỏ. Trước đây, người ta
thường mỉa mai người Việt Nam là rời rạc, chia rẽ, thiếu đoàn kết, ba người Việt
Nam không bằng một người Nhật....
Nhưng hình như, cũng thấy vậy mà
không phải vậy. Hình như khi hữu sự, thì các cá nhân rời rạc này, sẽ tự động
dính kết lại với nhau thành một khối tảng kiên cố vô cùng, kẻ thù nào cũng bị
đánh bại, chướng ngại nào cũng bị vượt qua. (Xong việc thì lại tiếp tục đường
ai nấy đi, nhà ai nấy ở, báo ai nấy viết, đài ai nấy nói, hội ai nấy họp... tiếp
tục rời rạc, chia rẽ, mất đoàn kết.)
Nhưng
mà coi chừng đấy nhá, đừng có chọc, khôn hồn thì để cho chúng tôi yên. Tuy nhiên, đó vẫn
chưa phải là thành quả quan trọng nhất của vụ Trần Trường. Hậu quả to lớn hơn cả
của biến cố này là uy tín và danh dự của người tỵ nạn Việt Nam đã được phục hồi.
Trước biến cố này, như đã nói ở trên, cộng đồng chúng ta đã bị giới truyền
thông Mỹ bôi đen hoàn toàn.
Thí dụ, chính các con tôi cho biết,
nhiều em sinh viên Việt Nam tại trường Đại học UCI, thèm đồ ăn Việt Nam, nhưng
không dám ghé Little Saigon, vì nghe đồn ở đó toàn là lưu manh du đãng, mời được
một người bạn Mỹ đến đó lại càng khó hơn. Ngay cả nhiều người lớn tuổi, để dễ
dàng cho công việc làm ăn, cũng phải thay tên đổi họ hầu che đậy gốc gác Việt
Nam của mình. Họ Nguyễn thì đổi là Win hay Yen, Lê thì thành ra Lee, Vương
thành Vern, Vũ thành Wu ...
Rất nhiều người đã cố cải trang
thành …người Hoa. Nhưng sau biến cố
này, nhờ giới truyền thông Hoa Kỳ, mọi người, nhất là dân chúng Mỹ, đã thấy rõ
ràng Việt Nam là một cộng đồng văn minh, có trình độ giáo dục cao, biết thượng
tôn luật pháp, biết tranh đấu ôn hòa bất bạo động trong khuôn khổ luật pháp. Và hình như...không
có cả cao bồi du đãng trong cộng đồng nữa. Nhưng quan trọng nhất là giới trẻ, từ
sau biến cố Trần Trường, họ đã gột rưả hết được các điều ngộ nhận, đã xóa sạch
được các mặc cảm tự ti, hãnh diện ngước mặt lên cao, hiên ngang vỗ ngực xưng
tên mình là người Việt Nam, rồi tích cực tham gia vào các sinh hoạt làm vẻ vang
cho cộng đồng, cho quê hương đất nước.
TRỜI PHẬT TRẢ CÔNG?
Nghe nói mỗi phút quảng cáo trên
TV Mỹ giá tới cả ngàn dollars, trên báo chí Mỹ cũng vậy. Như thế, nếu mà thuê họ,
có lẽ cả chục triệu bạc cũng không trang trải cho đủ. Thế mà cộng đồng chúng ta
lại không tốn mất một đồng xu teng. Xin gửi tới giới truyền thông Mỹ một lời
cám ơn vì đã giúp nhân dân Hoa Kỳ hiểu biết chính xác rõ ràng về trình độ dân
trí, nếp sống văn minh và nhận thức chính trị của người Tỵ nạn Việt Nam .
Phải chăng vì những hậu qủa to lớn
và vô cùng quan trọng như vậy, cho nên “thùng tiền chính nghĩa” tuy đã bị Ủy
Ban Bảo Vệ Chính Nghiã Quốc Gia của ông Hồ Anh Tuấn dành quyền quản lý, nhưng sự
việc này cũng đã trở thành “ba cái lẻ lẻ”, Cộng Đồng chẳng có mấy người quan
tâm. Sau đó cửa tiệm của Trần Trường bị Cảnh sát lục xét và Trần trường đã bị bắt
về tội…sang băng lậu. Nhưng đó cũng lại là một chuyện nhỏ nữa, chẳng có mấy ai
lưu tâm để ý hay là ngay cả vui mừng sung sướng. Dĩ nhiên, phải thành thật mà
nói, không phải tất cả mọi thành phần trong Cộng Đồng tỵ nạn Việt Nam chúng ta
đều đã có được một trình độ nhận thức chính tri và một tinh thần thượng tôn luật
pháp toàn hảo như vậy.
Cho nên thành quả vô cùng to lớn
vĩ đại của biến cố lịch sử này, trước những chướng ngại tưởng như vô phương giải
quyết, trước những khó khăn pháp lý tưởng như không thể vượt qua, trước con đường
cùng tưởng như không còn lối thoát… Thành công to lớn bất ngờ này chỉ có thể giải
nghĩa được bằng sự trợ giúp của Trời Phật, bằng sức Hộ Trì của Hồn Thiêng Sông
Núi và của Anh Linh biết bao Anh Hùng Tử Sĩ, nhất là các Anh Hùng Tử Sĩ thuộc
Quân Lực Viêt Nam Cộng Hoà… Với những thủ đoạn
vô cùng gian manh tàn ác, với những mưu mô qủi quyệt của “đỉnh cao trí tuệ loài
người”… nhưng Bộ Chính Trị của đảng Cộng Sản Việt Nam đã phải bó tay, đã đành
ngơ ngác đứng nhìn Lá cờ máu và hình ảnh già Hồ biến mất đi khỏi khu phố Bolsa
cùng với biết bao hậu qủa tại hại kéo dài cho tới tận ngày hôm nay.
Một
ngày không xa, phép lạ bất ngờ như vậy cũng sẽ lại tái diễn ngay chính trên quê
hương Việt Nam thân yêu của chúng ta.
Trời Phật đã và sẽ trả công cho chúng ta.
Quân Dân Miền Nam , đã hoàn thành nhiệm vụ “Tiền Đồn Chống Cộng” của Thế Giới Tự
Do. Chúng ta đã không giữ được Miền Nam, nhưng chúng ta đã ngăn được Làn Sóng Đỏ
tràn xuống Miền Nam Châu Á. Nhờ những hy sinh gian khổ vô cùng to lớn của Quân
Dân Miền Nam Việt Nam mà Vùng Nam Châu Á, mà các nước Thái Lan, Mã Lai, Singapore,
Indonesia, Philippines, Miến Điện, Ấn Độ, Tích Lan… đã không bị nhuộm đỏ và vẫn
còn được tự do thờ Trời cúng Phật như hiện nay.
Nếu không có Quân Dân Miền Nam
kiên cường chống đỡ, thì trong thời gian cực thịnh của phong trào Cộng Sản quốc
tế, toàn thể Miền Nam Châu Á đã bị nhuộm đỏ, đã biến thành cộng sản và chắc chắn
cục diện thế giới đã khác hẳn với ngày hôm nay. Không có một ai, kể cả người
dân các nước nêu trên, đã biết nghĩ đến điều đó, họ đã không có ngay cả một lời
cám ơn xã giao thông thường cho chúng ta. Nhưng Trời Phật có mắt.
Công của chúng ta với Trời với
Phật to lớn như vậy, nên Các Ngài đã trả công cho Cộng đồng Tỵ nạn Việt Nam hải
ngoại qua biến cố Trần Trường. Và Các Ngài cũng sẽ trả công cho đồng bào và tổ
quốc của chúng ta. Một Vụ Trần Trường thứ hai cũng sẽ tái diễn tại quê hương
Viết Nam trong một ngày không xa.
Vũ linh Châu