Lê Dủ Chân (Danlambao) - Xưa nay ít ai dám đặt một anh hùng lên bàn cân để cân đo
đong đếm, để so kè đúng sai bởi vì khi lịch sử của một dân tộc đã xác nhận một
anh hùng thì đương nhiên không thể nào sai trật. Tuy nhiên ở nước ta kể từ khi
có đảng cộng sản cầm quyền đến nay, với chủ nghĩa anh hùng cách mạng, bước ra
khỏi ngỏ đã gặp anh hùng, là giai đoạn mà lịch sử bị sửa sai, chân lý bị đảo
ngược, xã hội bị bịt mắt, nhà cầm quyền nói một đường làm một nẻo thì vấn đề
tái định vị một anh hùng tưởng cũng là đều nên làm trong thời buổi nhiễu
nhương, đêm giữa ban ngày này...
Bản sắc anh hùng phi khanh tướng
Tâm địa tiểu nhân vị công hầu
Anh hùng tử khí hùng bất tử
Tiểu nhân sinh sinh khí bất tồn.
Trong quá trình dựng
nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam không thiếu Anh Hùng, mặc dầu sự nghiệp
không thành nhưng họ là những người có khí khái bất phàm, có công với tổ quốc
và dân tộc, có những hành động phi thường làm rạng danh dòng giống Tiên Rồng.
Một Trưng Nữ Vương trầm mình trên dòng sông Hát khi công cuộc chống ngoại xâm bất
thành, một Trần Bình Trọng với câu nói bất tử "Ta thà làm quỷ nước Nam còn hơn làm vương đất
Bắc" khi đang nằm
trong tay giặc, một Lê Lai vì đại nghĩa liều mình cứu Chúa, một Nguyễn Tri Phương, một Hoàng Diệu, một phò mã Lâm tuẫn tiết sau khi thành trì bị thất thủ vào tay quân
Pháp, một Nguyễn Thái Học khi bước lên đoạn đầu đài vẫn
hô to "Việt Nam muôn năm"...
Họ là ai? Là anh
hùng, họ làm được những đều đó bởi vì bẩm sinh trong người họ đã mang một tính
chất riêng mà một người bình thường dù ở bất cứ vị trí nào trong xã hội cũng
khó thể có được, tính chất riêng đó chính là bản sắc anh hùng.
Xưa nay ít ai dám đặt
một anh hùng lên bàn cân để cân đo đong đếm, để so kè đúng sai bởi vì khi lịch
sử của một dân tộc đã xác nhận một anh hùng thì đương nhiên không thể nào sai
trật. Tuy nhiên ở nước ta kể từ khi có đảng cộng sản cầm quyền
đến nay, với chủ nghĩa anh hùng cách mạng, bước ra khỏi ngỏ đã gặp anh hùng, là
giai đoạn mà lịch sử bị sửa sai, chân lý bị đảo ngược, xã hội bị bịt mắt, nhà cầm
quyền nói một đường làm một nẻo thì vấn đề tái định vị một anh hùng tưởng cũng
là đều nên làm trong thời buổi nhiễu nhương, đêm giữa ban ngày này.
Trong cuộc chiến
tranh chống Pháp giành độc lập dân tộc và cuộc nội chiến giữa hai miền Nam Bắc
có hai vị tướng được người đời tôn vinh là anh hùng đó là Đại tướng Võ Nguyên Giáp (QĐNDVN) - anh hùng Điện
Biên Phủ và Chuẩn tướng
Lê Văn Hưng
(QĐVNCH) - anh hùng An Lộc.
Để có một cái nhìn
khách quan đối với hai vị "Anh Hùng nhiều tranh cãi "này, chúng ta thử
đi vào thân thế, sự nghiệp và quá trình xử thế của họ để tìm xem những tính chất
riêng biệt nào đã làm cho họ được tôn vinh thành một anh hùng thời đại:
1- ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP (25/08/ 1911 - 4/10/2013)
a- Tóm tắt tiểu sử:
- Từ 1946 - 1982: Ủy
viên Bộ Chính Trị, Phó Thủ Tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng, Tổng Tư Lệnh quân đội,
Chủ nhiệm Ủy Ban Khoa Học nhà nước.
- Tại đại hội đảng V
năm 1982 bị đưa ra khỏi Bộ Chính Trị, mất chức Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng được
phân công làm Chủ tịch Ủy Ban Sanh Đẻ Có Kế Hoạch.
- 1991 ông thôi các
chức Ủy Viên Trung Ương đảng, Phó Thủ Tướng, nghỉ hưu ở tuổi 80.
- Đại tướng Võ
Nguyên Giáp qua đời vào ngày 4 tháng 10 năm 2013 hưởng thọ 103 tuổi.
b- Lý tưởng:
- Trung thành với chủ
nghĩa Mác-Lênin và đảng cộng sản Việt Nam.
c- Chiến công:
Trận Điện Biên Phủ
(13/3/1954 - 7/5/1954)
Vị trí: Điện Biên Phủ
là thành phố thuộc tỉnh Điện Biên ở tây bắc Việt Nam. Thành phố này nằm trong
khu thung lũng Mường Thanh với chiều dài khoảng 20 km và chiều rộng 6 km. Chính
vì điều này mà có khi nó còn được gọi là "lòng chảo Điện Biên". Điện
Biên Phủ được xem là một thành phố biên giới vì chỉ cách biên giới Việt Lào khoảng
35 km. Thành phố Điện Biên được biết đến với trận Điện Biên Phủ năm 1954, giữa
quân đội Việt Minh và quân đội viễn chinh Pháp.
- Lực
lượng quân đội Việt Minh: Gồm 11 trung đoàn bộ binh thuộc các đại đoàn
bộ binh (304, 308, 312, 316), đại đoàn công binh-pháo binh 351 và đặc biệt có
thêm 26.000 dân công phụ trách quân vận cho chiến trường.
Tổng cộng khoảng 50,000 quân trực tiếp chiến đấu và
26,000 người phục vụ hậu cần do Đại Tướng Võ Nguyên Giáp làm Tư Lệnh kiêm Bí
Thư Đảng Ủy chỉ huy trực tiếp.
- Lực
lượng quân đội Viễn Chinh Pháp: Gồm có 12 tiểu đoàn và 7 đại đội bộ
binh, 2 tiểu đoàn pháo binh 105, 1 đại đội pháo 155, 2 đại đội súng cối 120, 1
tiểu đoàn công binh, 1 đại đội xe tăng 18 tấn, 1 đại đội xe vận tải, 1 phi đội
máy bay. Tổng cộng khoảng 16.000 quân được đặt dưới quyền chỉ huy
của Đại tá Christian de Castries.
- Kết thúc: Sau hơn
55 ngày đêm tiến công quân đội Việt Minh đã đánh bại quân Pháp tại Điện Biên Phủ,
Đại tá De Castrie và toàn thể bộ tham mưu tại cứ điểm Điện Biên Phủ đầu hàng
vào lúc 17: 30 ngày 7 tháng 5 năm 1954.
d- Những câu nói nổi
tiếng:
- "Không hối tiếc gì cả" (Non, pas du tout). Là câu trả lời của Tướng Võ Nguyên Giáp với ký giả ngoại quốc khi
được hỏi về 3, 4 triệu nhân mạng người Việt Nam bị chết trong cuộc chiến tranh
ý thức hệ giữa hai miền Nam Bắc.
- "Thần tốc,
thần tốc hơn nữa; táo bạo, táo bạo hơn nữa; tranh thủ từng phút, từng giờ, xốc
tới mặt trận giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước". Là mệnh
lệnh nổi tiếng của tướng Võ Nguyên Giáp trong chiến tranh.
- "Tôi sống ngày nào,
cũng là vì đất nước ngày đó" là lời tự nhận về bản
thân mình của tướng Giáp trước ông Nguyễn Tấn Dũng, Thủ Tướng nước CHXHCN Việt
Nam.
2- CHUẨN TƯỚNG LÊ VĂN HƯNG (27/03/1933 - 30/04/1975)
a- Tóm tắt tiểu sử:
- Xuất thân khóa 5
sĩ quan trừ bị Thủ Đức vào năm 1955.
- Từ 01/1955 -
04/1975 ông đã từng giữ qua các chức vụ chỉ huy từ cấp đại đội, tiểu đoàn,
Trung đoàn, Sư Đoàn và sau cùng là Tư Lệnh Phó Quân Đoàn cho đến tháng 04 năm
1975.
- Chuẩn tướng Lê Văn
Hưng tuẫn tiết vào tối ngày 30 tháng 4 năm 1975, ngày miền Nam Việt Nam sụp đổ,
hưởng thọ 42 tuổi.
b- Lý tưởng:
Tổ Quốc trên hết,
Dân Tộc Trước hết.
c- Chiến công:
Trận An Lộc:
(07/04/1972-12-06-1972)
- Vị trí: An Lộc, tỉnh
lỵ của tỉnh Bình Long, trước đây là một thị trấn nhỏ gọi là Hớn Quản thuộc tỉnh
Thủ Dầu Một. Từ thời cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm, vì nhu cầu hành chánh, tỉnh
Bình Long được thành lập gồm 3 quận Chơn Thành, Hớn Quản, Lộc Ninh. Từ đó, quận
Hớn Quản đổi thành quận An Lộc và tỉnh lỵ An Lộc nằm trong quận cùng tên này.
Chung quanh tỉnh lỵ và quận lỵ là những đồn điền cao su ngút ngàn, với những ngọn
đồi thoai thoải. Thị trấn An Lộc chỉ rộng chừng 4 số vuông được biết đến qua trận
chiến khốc liệt giữa quân đội Việt Nam Cộng Hòa (miền Nam Việt Nam) và quân đội
Nhân Dân Việt Nam (miền Bắc Việt Nam) vào năm 1972.
- Lực
Lượng của quân đội Việt Nam Cộng Hòa: 02 trung đoàn: Trung
đoàn 7, trung đoàn 8 thuộc sư đoàn 5 bộ binh, 02 liên đoàn: liên đoàn 3 Biệt Động
Quân, liên đoàn 81 Biệt Cách Dù, 01 chiến đoàn: chiến đoàn 52 thuộc sư đoàn 18
bộ binh, 01 lữ đoàn: lữ đoàn 1 Nhảy Dù và Địa Phương Quân. Nghĩa Quân thuộc Tiểu
Khu Bình Long. Tổng Cộng: Khoảng 12,000 quân đặt dưới
sự chỉ huy trực tiếp của Chuẩn tướng Lê Văn Hưng Tư Lệnh sư đoàn 5 bộ Binh.
- Lực
lượng của quân đội Nhân dân Việt Nam: Gồm 3 sư đoàn 5, 7,
9, 3 Trung đoàn bộ binh 24, 271, 205, trung đoàn đặc công 429; 2 trung đoàn 28
và 42 pháo binh miền; 2 tiểu đoàn tăng thiết giáp 20 và 21 và đại đội 33 độc lập,
đại đội 52 cao xạ tự hành; 4 tiểu đoàn pháo phòng không; 20 tiểu đoàn và 63 đại
đội bộ đội địa phương. Quân số lên tới 40.000
quân tham dự chiến dịch này.
Tổng cộng trên
40,000 Quân do Trung tướng Trần Văn Trà Tư Lệnh kiêm Bí Thư Đảng Ủy chiến dịch
Nguyễn Huệ chi huy.
- Kết thúc: Sau 93 ngày đêm tử
thủ Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa đã giữ
vững được An Lộc /Bình Long và sau 7 đợt tấn công thất bại không chiếm được
An Lộc, quân đội Nhân Dân Việt Nam phải rút quân về bên kia biên giới
Campuchia.
d- Những câu nói nổi
tiếng:
- "Nếu tôi còn An Lộc còn - If I’m still alive, An Lộc
still stands." Lời tuyên bố của Tướng
Lê Văn Hưng trước quân và dân An Lộc / Bình Long trong những ngày tử thủ.
- "Tướng mà không giữ
được nước, không bảo vệ được thành, thì phải chết theo thành, theo nước, chớ
không thể bỏ dân, bỏ nước, trốn chạy, cầu an. Tôi chết rồi, các anh hãy về với
gia đình, vợ con. Nhớ rõ lời tôi căn dặn: Đừng bao giờ để bị cộng sản tập trung
các anh, dù tập trung dưới bất cứ hình thức nào. Tôi có lời chào vĩnh biệt các
anh". Lời nhắn nhủ cuối cùng của Chuẩn tướng Lê Văn Hưng trước khi tuẫn
tiết.
3- ANH HÙNG VÀ BẢN SẮC
a- Đại tướng Võ
Nguyên Giáp:
Trước khi qua đời Đại
tướng Võ Nguyên Giáp đã tự nhận định về cuộc đời của mình bằng một câu nói nổi
tiếng như sau: “Tôi sống
ngày nào, cũng là vì đất nước ngày đó”. Chúng ta hãy lần lượt
đi vào từng việc làm cụ thể, ai ai cũng biết, của ông ta để xem Đại tướng đã vì
đất nước như thế nào!
- Chiến công Điện
Biên Phủ đã đem lại cho Tướng Giáp danh hiệu Anh Hùng nhưng đem lại cho đất nước
chia cắt, chiến tranh, chết chóc, hận thù, nghèo đói trong hơn 70 năm qua. Là một
công thần của chế độ hơn nữa là một anh hùng, ông ta không thể chối bỏ trách
nhiệm của mình trước những hệ lụy do chính bàn tay của mình tạo ra.
- Đại tướng Võ Nguyên Giáp vì đất nước như thế nào trước
công hàm bán nước do Phạm Văn Đồng ký năm 1958? Hiệp định phân chia biên giới
Việt Trung (1992), Hiệp định vịnh Bắc Bộ (2000), trong đó Việt Nam mất cả ngàn
cây số vuông trên đất liền và hơn 10,000 cây số vuông trên biển, mất ải Nam
Quang, mất 1/2 thác Bản Giốc, mất đồi Lão Sơn...? Đại Tướng có hành động và lời
nói gì khi Trung Cọng xua quân lấn chiếm Hoàng Sa, Trường Sa, Gạc Ma, và gần
đây nhất đối với hành động xâm lăng của Bắc Kinh tại biển đông?
Câu nói nổi tiếng thứ
hai của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là: "Không hối tiếc gì cả
(Non, pas du tout)". Đó là câu trả lời của ông với ký giả ngoại quốc khi được hỏi về 3,
4 triệu nhân mạng người Việt Nam bị chết trong cuộc chiến tranh ý thức hệ giữa
hai miền Nam Bắc. Qua câu trả lời này chúng
ta không ngạc nhiên khi thấy ông ta không ngần ngại làm những việc trái với đạo
lý và lương tâm con người miễn sao đạt được mục đích của mình. Điển hình qua các vụ thảm sát người Việt Quốc Gia trong thời kỳ
kháng chiến chống Pháp. "Tướng Võ Nguyên Giáp chịu tất cả mọi trách nhiệm
trong về việc sát hại hằng trăm các nhà chính trị dám chống lại Việt Minh, phá
hoại tất cả các tổ chức nào xem ra có thể cạnh tranh với Việt Minh cũng như cấm
đoán mọi tờ báo nào xuất bản mà không có sự kiểm soát của Việt Minh..." (Trích “Robert J O’ Neill, General Giap: Politician &
Strategist, trang 44”) và theo ông Philippe de Villiers, một sử gia nổi tiếng
Pháp, tác giả quyển “Histore Contemporaine de l'Indochine” và ông Hoàng Văn
Đào, tác giả quyển “Việt Nam Quốc Dân Đảng” cho biết ngày 13-7- 1944, Võ Nguyên Giáp lệnh cho bộ đội và công
an các địa phương được phép tấn công triệt hạ các chiến khu VNQDĐ, trừ trụ sở Trung
Ương Hà Nội"(*). Bỏ rơi thuộc hạ để được
bình an cho bản thân và gia đình qua những vụ án nổi tiếng liên quan trực tiếp
hoặc gián tiếp đến cá nhân ông như Nhân Văn Giai Phẩm (1955), Xét Lại Chống Đảng
(1963-1967), Năm Châu Sáu Sứ (1991) và nhất là khi ông bị hạ bệ từ một Anh Hùng
Điện Biên Phó Thủ Tướng kiêm Bộ Trưởng Bộ Quốc Phòng xuống giữ chức chủ tịch Ủy
Ban Sinh Đẻ Có Kế Hoạch ông vẫn cúi đầu chấp
nhận. Ôi, còn đâu bản sắc anh hùng, khi ông Đại tướng níu quần giai nhân! Bởi vậy
trong nhân gian mới có câu:
“Ngày xưa Đại tướng cầm quân
Ngày nay Đại tướng cầm quần chị em”.
Về mặt quân sự Đại
tướng Võ Nguyên Giáp cũng có một mệnh lệnh nổi tiếng là: "Thần tốc, thần
tốc hơn nữa; táo bạo, táo bạo hơn nữa; tranh thủ từng phút, từng giờ, xốc tới mặt
trận giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước". Mệnh lệnh
này đã làm nức lòng các anh bộ đội Việt Minh trong chiến tranh chống Pháp và
anh các bộ đội "Giải Phóng miền Nam", họ sẵn sàng hy sinh vài triệu
người cho sự nghiệp cách mạng để xương trắng Trường Sơn, máu đỏ núi rừng Việt Bắc.
Nhưng có một người dứt khoát không bị ảnh hưởng đến mệnh lệnh này đó là Đại Tướng
Võ Nguyên Giáp, như Đại tá Bùi Tín đã nhận xét: "Ông Giáp thường
không có thói quen ra thị sát mặt trận. Ở trận chiến Điện Biên Phủ, người ta chỉ
thấy vài bức hình chụp ông với Hồ Chí Minh, tại bộ chỉ huy chiến dịch - bao giờ
cũng trải vài tấm bản đồ, tay thì chỉ chõ - đóng kịch - như thể đánh nhau chỉ cần
chỉ chõ bằng bản đồ - và ông trú ẩn an toàn tại Bộ chỉ huy ĐBP tại hang Thẩm
Púa, thuộc Mường Phăng. Hang Thẩm Púa cách Điện Biên Phủ bao nhiêu cây số, thưa
đại tướng? Sau khi chiến thắng Điện Biên Phủ, ông đi thị sát mặt trận, quần áo
chỉnh tề, chân đi giầy ủng cao đến đầu gối!" (*).
Phải chăng những
tính chất riêng trên đây đã giúp cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp giữ được danh vị
anh hùng, sống thọ đến 103 tuổi và được quốc táng khi qua đời!
b- Chuẩn Tướng Lê
Văn Hưng
Cuộc đời và sự nghiệp
của Chuẩn tướng Lê Văn Hưng tuy ngắn ngủi nhưng đơn giản và trong suốt. Ông đã
làm tròn được những gì ông nói. Khi cố thủ tại thị trấn An Lộc với cái chết cận
kề ông tuyên bố với quân và dân An Lộc "nếu tôi còn, An Lộc
còn" và quả thực An Lộc vẫn đứng vững sau 93 ngày tử thủ.
Hơn 3 năm sau, ngay
trong ngày miền Nam thất thủ, Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ, với tinh thần "Tổ
Quốc, Danh Dự, Trách Nhiệm", ông đã tuẫn tiết để đền nợ nước ở vào tuổi 42
để lại câu nhắn bất hủ cho hậu thế như sau: "Tướng mà không giữ được nước, không bảo vệ được
thành, thì phải chết theo thành, theo nước, chớ không thể bỏ dân, bỏ nước, trốn
chạy, cầu an. Tôi chết rồi, các anh hãy về với gia đình, vợ con. Nhớ rõ lời tôi
căn dặn: Đừng bao giờ để bị cộng sản tập trung các anh, dù tập trung dưới bất cứ
hình thức nào. Tôi có lời chào vĩnh biệt các anh". Thân làm Tướng chịu
gian nguy cùng binh sĩ đến khi thất trận tuẫn tiết không để vướng bận đến ai,
làm Tướng như vậy đời nhà Trần có Trần Bình Trọng và hôm nay chúng ta có Lê Văn
Hưng, họ là những anh hùng trong vô số anh hùng của dân tộc Việt Nam.
4- KẾT LUẬN
Đối với một số người,
có thể Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một anh hùng, nhưng xét qua thân thế và sự
nghiệp của ông ta, chúng ta khó có thể tìm ra bản sắc của một anh hùng trong
con người của ông ấy, ngược lại với Chuẩn tướng Lê Văn Hưng có thể không phải
là một anh hùng, nhưng thân thế và sự nghiệp của ông ta chứa đầy ắp bản sắc của
một anh hùng.
Đúng là:
Thế thời có lúc sai lúc đúng
Nên anh hùng không chổ dung thân
Đời người chỉ chết một lần
Anh hùng đoản mệnh chí nhân Anh Hùng.
22/11/2013