Một cựu quân nhân Thủy Quân Lục
Chiến Hoa Kỳ, nguyên sĩ quan tùy viên Hải Quân tại Ðại Sứ Quán Mỹ, Hà Nội, đã
có ý hướng muốn thuyết phục người Việt Nam, nơi xứ sở ông đã phục vụ trước đây,
thay đổi một nếp sống văn hóa, là từ bỏ thói quen...
ăn thịt chó.
Ông Robert Lucius kể lại cảm
giác đầu tiên của ông, năm 2006, trong một chuyến đi phát dụng cụ y tế ở Lai
Châu, đã nhìn thấy những con chó bị nhốt
trong rọ trên một chiếc xe gắn máy đem đến lò thịt, với những đôi mắt sợ hãi, tuyệt
vọng. Vào lúc ấy, ông không làm gì được
và về sau vẫn ân hận về sự “hèn nhát” của mình. Hình ảnh những đôi mắt bầy chó ấy
ám ảnh ông, khiến ông từ bỏ việc ăn thịt và chọn việc ăn chay. Từ Việt Nam trở
về, ông Lucius đã thành lập một tổ chức bất vụ lợi phát động việc đối xử tử tế
với loài vật, đào tạo những thanh niên đi nói chuyện tại những nơi đông người,
nhất là trong giới sinh viên chuyện phải suy nghĩ lại về việc xem chó là loại
súc vật cung cấp thịt cho loài người, và việc giết chó làm thịt được xem như là
một hành động độc ác tàn nhẫn.
Ở các nước Á Châu,
chúng ta xem việc ăn thịt chó là bình thường như ăn thịt heo, thịt bò vậy,
nhưng dưới mắt người Tây Phương, đây là một việc hết sức quái đản, dã man, mọi
rợ. Chính
bản thân tôi đã có phen ngượng chín người, vào cuối năm 1966, khi ở giữa một lớp
học sinh tiểu học Mỹ, bối rối vì không thể không trả lời câu hỏi của một bé gái
ngây thơ mới lên 8 tuổi: “Có phải người Việt Nam các ông ăn thịt chó không?” Có hay không? Và phải
giải thích ra làm sao?
Trông một ông lính VNCH mang
hia, đội mão, bề ngoài cũng không khác mấy anh lính Mỹ, nhưng cái câu hỏi của
cô bé kia có lẽ đã khiến cho các em có cha, anh đang phục vụ tại Việt Nam nghĩ
rằng thân nhân họ đang chiến đấu tại một đất nước không mấy văn minh, vì ở đó
người ta... ăn thịt chó.
Cứ nghĩ đến hình ảnh
một con “pet” cưng được bồng bế, quấn quýt bên con người, biết mừng rỡ, xúc cảm, trung thành, cùng ăn, ngủ với
con người, được vuốt ve hôn hít, được chăm sóc thuốc men khi đau ốm, được chôn
cất tử tế khi chết; với hình ảnh một con
chó mới bị đập đầu bằng cái búa tạ, bị cắt tiết, giội nước sôi, cạo lông, thui
vàng rộm, còn nhe răng, được treo lểnh
nghểnh trên mấy cái móc sắt ở cửa hàng thịt chó ở Hà Nội hay Ngã Ba Ông Tạ,
Saigon mà thấy kinh hãi.
Ông Jason Picard, một người Mỹ,
kể chuyện, sau một thời gian đi du lịch ở Việt Nam về đã thú nhận với bố mẹ là
đã có lần ăn thịt chó. Lúc ấy bà mẹ đang ngồi trên sàn nhà chơi với con chó nhỏ
tên KC. Mẹ ông và cả con KC đã nhìn ông với vẻ mặt khiếp sợ và ghê gớm như nhìn
một kẻ sát nhân. Sau một giây phút bối rối, bà mẹ bảo ông với giọng kiên quyết:
“Jason, con lại đây và xin lỗi con KC ngay đi...”
Tranh luận chuyện chính trị, tôn
giáo đã là điều khó. Nói chuyện tôn giáo bây giờ có khi oan mạng, nói chuyện
chính trị thế nào cũng có cãi vã, nhưng chớ có đụng vào văn hóa. Chính ông
Lucius, người mở chiến dịch chống việc ăn thịt chó, cũng đã coi mình như một
tên “đế quốc văn hóa,” dám làm chuyện xâm lược, đòi thay đổi văn hóa của dân tộc
khác. Này ông! Mỹ ăn “hot dog” được thì tôi chén “dồi chó” có sao đâu? Chớ có đụng
vào “văn hóa” của chúng tôi! Ðối với dân tộc Việt
Nam, chuyện ăn thịt chó là thứ văn hóa muôn đời rồi, mùi chả chó, rựa mận đã
thơm ngát cả khu rừng văn học dân gian làm sao dứt bỏ được:
- “Sống trên đời ăn miếng dồi chó, Chết xuống âm phủ biết
có hay không?
- “Làm trai biết đánh tổ tôm, uống rượu thịt chó, ngâm
nôm Thúy Kiều”
- “Một trăm con chó, Một lọ mắm tôm, Một ôm rau húng, Một
thúng rau răm.”
Dân khoái thịt chó thường ca tụng
đặc tính của thịt chó không thua gì người ta quảng cáo dược thảo hiện nay: “Không độc, bổ tỳ, bổ thận, trợ dương...” nghe mà ham. Không biết mùi vị thịt con chó trắng với thịt chó đen
có khác nhau không chứ theo các vị sành chó thì: “Nhứt bạch, nhì hoàng, tam
khoang, tứ đốm.” Có thật không, hay đây cũng chỉ là những lời bốc phét, như câu
nói “ăn thịt chó ba ngày, xỉa răng vẫn
còn... thơm?”
Một vài nước ở Châu Á như Nam
Hàn, Trung Quốc có những vùng các nông dân nuôi chó trong nông trại để lấy thịt
như nuôi, bò, cừu dê, heo, gà vịt. Họ còn nhập cảng giống từ phương Tây để có
con giống lớn nhiều thịt. Các trại chủ Trung Quốc đã học hỏi cách nuôi “chó thịt”
từ người Ðại Hàn và thú nhận rằng nuôi chó lợi gấp ba lần nuôi gà vịt và gấp bốn
lần lợi tức nuôi heo. Ở thủ đô Seoul (Nam Hàn) có cả một “phố thịt chó.” Trong thời gian diễn ra Thế Vận Hội Seoul 1980 và World
Cup năm 2002, chính quyền phải cho đóng cửa các nhà hàng thịt chó để tránh những
cái nhìn thiếu thiện cảm của người phương Tây đối với dân tộc này. Nhiều người Ðại Hàn
cũng đã cho rằng cách làm thịt chó bằng lối treo ngược con chó lên và đánh cho
đến chết, để thịt chó được mềm mại và có mùi thơm hơn là quá dã man, nên đã
thuyết phục chính phủ ban những biện pháp để ngăn chận lối làm chó độc ác, tàn
bạo này.
Một người Nam Hàn hiện đang sống
tại Hòa Lan cũng đã cho biết quốc gia này cũng có xuất cảng chó sang Nam Hàn và
việc người Hàn ăn thịt chó sẽ làm hoen ố hình ảnh của Ðại Hàn khiến người ta sẽ
kỳ thị và ghét người Ðại Hàn hơn. Vào tháng 4 năm
2000, tổ chức Hiệp Hội Quốc Tế Bảo Vệ Súc Vật tại Thụy Sĩ đã kêu gọi chính phủ
ngăn cấm việc xuất cảng chó sang các xứ Á Châu, đặc biệt là Tàu, Việt Nam và Ðại
Hàn, là những nước có văn hóa... “sống trên đời.”
Lòng dồi nướng luộc rựa mận xáo
măng... chao ôi... chậc chậc...
Không thể xem thịt chó như là thịt
rùa, thịt rắn, thịt vịt hay thịt heo. Chúng ta lại không thể xem loài chó cũng
như các động vật vì nó có trí khôn và tình cảm, những ai đã từng nuôi chó đều
biết đến điều đó. Loài chó khôn
ngoan và biểu lộ sự đau đớn khác thường khi chúng biết sắp bị con người đem ra
giết. Người
Tây phương gọi chó là bạn của con người (man's best friend), trung thành và
đáng tin cậy. Vì vậy người mù đã
dùng chó để dẫn đường, cảnh sát đã dùng chó để tìm ma túy, truy lùng dấu tích tội
phạm và để cứu người kẹt trong lửa, vùi dưới tuyết hay dưới sông. Con chó còn
biết đi săn giúp người hay giúp giữ đàn cừu, kể cả việc bảo vệ cừu khỏi nanh vuốt
của bầy sói.
Con chó biết mừng
rỡ khi thấy chủ về nhà, dù đó là người lính viễn chinh xa nhà đã nhiều năm, con
chó biết bảo vệ khi chủ bị tấn công, con chó nằm yên trên thềm nhà cũ, không ăn
uống và chết theo người chủ. Con chó có nhiều đức tính mà con người đôi khi chưa làm
được. Thế giới đặt câu hỏi, vậy mà vì sao, trên trái đất này lại có những người
Tàu, người Việt, người Ðại Hàn, người Cambodia lại có thể đập đầu, giội nước
sôi, thui vàng, banh thây những con vật “bạn người” ấy chỉ vì miếng ăn. Hơn nữa miếng ăn
này cũng không phải miếng ăn cứu đói như ly sữa, khúc bánh mì, chén cơm hay củ
khoai, mà chỉ vì cái văn hóa khoái khẩu, đàn đúm (chưa thấy ai ngồi
ăn thịt chó một mình), rượu chè (không ai
ăn thịt chó mà uống nước lã).
Tuy vậy người Việt Nam vẫn chưa
có ai mở nông trại nuôi “chó thịt” cho sinh sản, vỗ béo rồi đem đi bán hay bỏ mối
cho các nhà hàng thịt chó đang mọc lên nhan
nhản, nhiều nhất là tại Hà Nội, đất ngàn năm văn vật. Cũng vì Việt Nam chưa có trại nuôi chó thịt quy mô, nên
ở miền Bắc, quá nhiều người còn mê ăn món chó, mà số thịt không đủ “cung,” nói
nôm na là không đủ chó bán. Do vậy, mấy năm nay, nghề trộm chó nở rộ khắp nơi,
một bọn người chuyên lùng sục bắt chó từ của người khác đem về bán cho các cửa
hàng thịt. Ðể bảo vệ chó của mình, dân chúng đã đoàn kết, tự làm bản án, phục
kích và giết những kẻ trộm chó một cách độc ác không nương tay như đánh chết tại
chỗ, đổ xăng thiêu xác họ hay nhẹ là đốt xe của bọn trộm. Con chó đổi một mạng
người, tình cảnh ấy chỉ thấy trong xã hội đương thời ở miền Bắc, mà chẳng qua
cũng vì miếng ăn tồi tàn (Xem bài tham khảo từ các báo)
Theo thống kê có 5 triệu / 47
triệu, người Ðại Hàn ăn thịt chó, không biết trong 85 triệu người Việt Nam, có
bao nhiêu triệu người ăn món “mộc tồn?” Ít nhất cũng có ba triệu người ra hải
ngoại không còn có cơ hội ăn thịt chó, và có thể không còn thích ăn món “cờ
tây” này nữa, vì vậy tôi tin rằng văn hóa... ẩm thực cũng có thể thay đổi. Thay đổi để theo kịp đà văn minh, tiến bộ, thay đổi để
cho chúng ta khỏi mang tiếng là những người đến từ một xứ sở còn thói quen dã
man là... ăn thịt chó.
Dzô... dzô... dzô... chăm phần
chăm... dzô!
Huy Phương