TỔNG THỐNG NGÔ ĐÌNH DIỆM
(1901-1963)
(1901-1963)
Người
ta còn nhớ rằng điều kiện tiên quyết do ông Ngô Ðình Diệm đặt ra cho Bảo Ðại là
ông Diệm phải được “toàn quyền về dân sự và quân sự’’ thì ông Diệm mới chịu trở về
lãnh đạo nước Việt Nam. Những ngày chót của cuộc chiến tranh Ðông Dương I. Bảo
Ðại phải chịu nhận điều kiện ấy. Do đó, khi nhận định về thành tích đối nội và
đối ngoại của Chính Quyền Ngô Ðình Diệm, người ta nên nhận định từ cái bối cảnh
“toàn
quyền dân sự và quân sự’’ đó.
Mặt
khác, kể cả những quan sát viên quốc tế có cảm tình sâu đậm nhất với ông Diệm
cũng không che đậy sự băn khoăn và lo ngại là ông Diệm không thể đứng vững được
tới một năm. Trong hoàn cảnh này, thành tích đối nội của ông Diệm là chìa khóa
để mở cửa cho lãnh vực đối ngoại: Cộng Ðồng Quốc Tế sẽ nhìn vào khả năng đối nội
của ông Diệm để chấp nhận Chính Phủ và xứ sở của ông ta vào Cộng Ðồng Quốc Tế.
Theo
sát sự chấp chánh của ông Diệm ngay từ đầu, một Giáo Sư Chính Trị Học của Mỹ
thuộc Viện Ðại Học Michigan là Wesley L. Fishel có nhận xét rằng ông Diệm nhận
cái quyền tưởng như rất rộng rãi đó để thực hiện một mục tiêu coi như “không
thể làm được’’:
“Làm sao giữ vững được con thuyền Quốc Gia lúc ấy
đang nghiêng ngửa thảm hại trước những thắng lợi quân sự to lớn và liên tiếp của
Việt Minh.’’.
Là
người biết khá rõ về nội tình của Việt Nam năm 1954 Fishel kết luận rằng cái
toàn quyền dân sự và quân sự rộng lớn ấy thực ra “chỉ có trên giấy tờ’’ vì
ông Diệm không kiểm soát được các lực lượng chính yếu của phía Quốc Gia lúc ấy,
Cảnh Sát, Công Chức, Quân Ðội, Giáo Phái. Ðó là chưa kể tới sự phá hoại không cần
ngụy trang của thực dân Pháp, sự phá hoại càng tai hại hơn nữa của Cộng sản… Là
người ngoại quốc, Fishel nêu được nhận xét ấy cũng đáng khen lắm rồi. Trên thực tế, ông Diệm đã lãnh đạo trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn mà
ngoài ông ra, không một nhân vật quốc gia nào lúc ấy dám có khí phách nhận lãnh
Lá Cờ Quốc Gia.
Là
người làm chính trị tầm vóc quốc tế, cái nhìn của ông Diệm đối với việc giải cứu
quê hương Việt Nam năm 1954 là cái nhìn ở tầm mức Quốc Gia. Chỉ có cái nhìn sâu
sắc và bao quát như thế mới có thể giữ vững được uy quyền Quốc Gia để từ đó, đạt
tới các mục tiêu khác của sự đối nội và đối ngoại. Tin tưởng rằng người dân Việt
nào cũng yêu nước một cách sáng suốt và nhất là tỉnh táo trước nguy cơ của cộng
sản, ông đã kêu gọi lòng yêu nước và sự hiểu biết của dân chúng Việt Nam để
giúp ông hoàn thành sứ mạng cứu nước. Nhưng lúc ấy, bức tranh của xã hội Việt
Nam, nhất là xã hội miền Nam Việt Nam thật là nản lòng.
Sự
nản lòng đầu tiên đến từ chính người đã trao toàn quyền cho ông Diệm, đó là “Quốc Trưởng’’ Bảo Ðại. Ðược mẫu quốc Pháp đào tạo để trở thành một con
người chỉ biết hưởng thụ vật chất, Bảo Ðại đã “bán đứt’’vùng Sài
Gòn-Chợ Lớn cho tên tướng cướp Bảy Viễn để lấy một số tiền lớn sống xa hoa tại
Pháp. Vì sự mua bán này và tin rằng Bảo Ðại có khả năng gạt ông Diệm ra khỏi
chính trường Việt Nam bất cứ lúc nào, tên Bảy Viễn đã hành động y hệt một ông
vua của Sài Gòn-Chợ Lớn. Ðồng đảng của tên Bảy Viễn lại nắm luôn cả Ngành Cảnh
Sát Công An Nam Việt Nam lúc ông Diệm chấp chánh nữa.
Quân
Ðội Quốc Gia thời ấy chưa được thử thách nhiều và lại đặt dưới sự khống chế của
Bộ Tư Lệnh Pháp tại Ðông Dương (muốn di chuyển một đơn vị quân sự Việt Nam dầu nhỏ đến đâu cũng phải được
sự cho phép của Bộ Tư Lệnh Pháp). Như thế chưa đủ, nên người Pháp còn đặt tên Nguyễn Văn Hinh vào vai trò
Tham Mưu Trưởng đầu tiên của Quân Ðội Quốc Gia Việt Nam. Hinh là “dân Tây’’
mang cấp bậc Trung Tá Không Quân của Pháp nên hết lòng khuyển mã với quan thầy
thực dân Pháp. Với tư cách ấy, xuất xứ ấy mà lại điều khiển Quân Ðội Quốc Gia
Việt Nam, tên Hinh rất xứng đáng với danh xưng “việt gian’’. Cũng may là trong
thời kỳ phôi thai này, có một số Ðơn Vị Quân Ðội Quốc Gia đã may mắn có Ðơn Vị Trưởng
sáng suốt để “ly khai’’ khỏi sự khống chế của thực dân / Hinh để trực tiếp ủng
hộ ông Diệm trong việc đối nội.
Nếu lúc ấy, các Giáo Phái tại miền Nam Việt Nam có được cái nhìn tầm mức Quốc
Gia như ông Diệm, nếu họ thấu triệt được nguy cơ cộng sản như ông Diệm, thì các
Giáo Phái ấy đã phải tự nguyện tìm đến hợp tác với Chính Quyền Diệm rồi. Tiếc rằng thực dân Pháp đã làm băng hoại
tinh thần yêu nước của các Giáo Phái ấy và mang quyền lợi riêng tư làm mồi câu,
khiến cho các Giáo Phái ấy không nhìn thấy được con đường phải theo nữa. Võ
trang cho các Giáo Phái ở miền Nam là một thủ đoạn của người Pháp. Hậu quả của
thủ đoạn ấy là khai sanh tinh thần “lãnh chúa’’ nơi những người Lãnh Ðạo Giáo Phái.
Tinh thần ấy đã uốn nắn lối suy tưởng của người Lãnh Ðạo Giáo Phái, làm cho họ
chỉ còn nhìn thấy quyền lợi nhỏ hẹp trong giới hạn Tôn Giáo của họ. Giáo Sư
Fishel ghi rằng “các Giáo Phái võ trang ấy đã
đòi giá rất cao để hợp tác với ông Diệm’’ (Marvin E. Gettleman, “Vietnam…’’
Trang 198).
Người viết sách này rất hãnh diện được tôn vinh ở đây sự sáng suốt về chính
trị và lòng yêu nước sâu xa của Tướng Trình Minh Thế, người đã làm đẹp mặt cho
Giáo Phái Cao Ðài. Tướng Thế
đã đến với ông Ngô Ðình Diệm rất sớm và cũng là một trong những người có công lớn
thúc đẩy ông Diệm có thái độ dứt khoát với Bảo Ðại. Tướng Thế là một Quân Nhân
đa hiệu đa năng, có khả năng hiếm có là vừa có dũng lại vừa có mưu lược. Ông ta
đã đi trước người đương thời đến cả chục năm về sáng kiến và phát minh, thí dụ
chế ra cách làm bom nổ chậm, lập đài phát thanh, lập đường dây điện thoại đặc
biệt. Phải khâm phục Tướng Thế về cái nhìn chiến lược của ông ta ngay trước khi
thỏa hiệp Genéve 1954 ra đời. Lúc ấy, Tướng Thế đã chủ trương rằng, nếu Hà Nội
không chịu chấm dứt cuộc xâm lăng miền Nam Việt Nam thì cần chiếm ngay hai Tỉnh
quan ải của Bắc Việt, tiếp giáp với vĩ tuyến 17, để buộc Hà Nội phải chấm dứt mọi
hình thức khuynh đảo và xâm chiếm miền Nam Việt Nam.
Ðạo quân công chức quốc gia lúc ông Diệm về nước là đạo quân phục vụ nhiều
năm dưới sự lãnh đạo của thực dân Pháp. Ðó là một đạo quân ngơ ngác, an phận và
nói rõ hơn nữa, là khiếp nhược. Ðạo quân ấy chắc chắn không giúp gì được cho ông Diệm trong những tuần lễ đầu
tiên ông ta cầm quyền.
Ðó
là chưa kể đến sự phá hoại vừa công khai, vừa kín đáo của thực dân Pháp, chưa kể
đến thái độ “chờ xem’’ của ngay chính nước bạn Mỹ và lại càng chưa nói đến sự
phá hoại còn ghê gớm hơn nữa của cộng sản…Có lẽ điều an ủi duy nhất cho ông Diệm
trong lúc ấy là thái độ thụ động của quần chúng miền Nam Việt Nam. Dường như họ
trông chờ xem ông ta có thể làm gì được để xoay chuyển tình thế quá đen tối lúc
ấy và thế giới bên ngoài không ngạc nhiên nữa, khi có rất nhiều quan sát viên
chờ đợi Chính Quyền Diệm sụp đổ ngay sau năm cầm quyền đầu tiên.
Thế
mà ông Ngô Ðình Diệm đã đứng vững được năm đầu tiên và còn đứng vững hơn nữa ít
ra là ở năm năm kế tiếp.
Khí
phách và đởm lược lãnh đạo của ông Diệm đã bị mang thử thách dữ dội nhất vào
ngày 19.3.1955, khi những người Lãnh Ðạo Cao Ðài, Hòa Hảo và Bình Xuyên liên kết
với nhau thành một mặt trận rồi gởi tối hậu thư cho ông Diệm. Ðồng thời, phía
thực dân Pháp tại Sài Gòn còn làm bộ nhân đức là khuyên ông Diệm “đừng nên chiến
tranh tại Ðường Phố Sài Gòn/Chợ Lớn để dẹp các Giáo Phái’’. Ông Diệm đã hành động đúng vai trò của một người Lãnh Ðạo
Quốc Gia là không thể duy trì tình trạng quái gở và hỗn loạn là nhiều Quốc Gia
trong một Quốc Gia.
Chỉ cần ông nhu nhược và đầu hàng cái tham vọng lãnh chúa và thiển cận của
các Giáo Phái võ trang thời ấy là miền Nam Việt Nam đã rơi vào tình trạng vô
chính phủ, để rồi làm mồi cho Cộng sản ngay sau đó rồi (Vietnam Crisis, trang
86).
Quốc
Gia đầu tiên chấm điểm thành tích của Chính Quyền Diệm là nước Mỹ và họ chấm điểm
một cách rất thiết thực. Trước hào quang sáng chói của ông Diệm sau cuộc di cư
1954-1955, với sự ủng hộ cụ thể và nồng nhiệt của nhiều Quốc Gia dành cho ông
ta, phía cộng sản rất lo sợ. Chúng vội vàng tìm đề tài tuyên truyền để mong triệt
hạ uy tín đang lên cao ấy của ông Diệm. Ðề tài được chúng nhai lại nhiều lần và
vẫn có kẻ ngu xuẩn trên thế giới tin theo, là sự gán cho ông Diệm cái tội “làm tay sai cho đế quốc Mỹ’’
Tài
liệu ngổn ngang trong sách báo ngoại ngữ đều chứng minh điều ngược hẳn lại,
nghĩa là cho tới ngày chết, ông Diệm không những đã không rơi vào cái lỗi sợ sệt
nước bạn Mỹ, mà còn làm cho nước bạn Mỹ nhiều lần căm hờn vì tinh thần bất khuất
và vì ý thức bảo vệ danh dự cũng như Chủ Quyền Quốc Gia lúc nào cũng cực kỳ mạnh
mẽ trong con người cũng như trong tác phong của ông Diệm.
Rõ
rệt nhất có lẽ là thời điểm mà nước Mỹ đã lựa để khởi đầu sự viện trợ cho Chính
quyền Diệm. Mãi tới tháng 10.1954, sau hai tháng có mặt tại Nam Việt Nam để tìm
hiểu hy vọng tồn tại của Chính Quyền Diệm, Nghị Sĩ Mỹ Mike Mansfield (người có ảnh
hưởng rất sâu xa đối với việc hình thành chính sách đối ngoại của nước Mỹ) mới
phúc trình về Quốc Hội Mỹ rằng ông Diệm rất xứng đáng được Mỹ viện trợ về kinh
tế và quân sự. Mansfield kết luận trong phúc trình rằng “…Ông Diệm nổi tiếng khắp Việt Nam là người có Tinh Thần
Quốc Gia rất cao, là người không thể bị mua chuộc. Ông ta cương quyết diệt trừ
phá hoại và diệt âm mưu, mạnh mẽ chống tham nhũng và bất công xã hội. Từ sự thất
bại của tự do trước đó, ông ta đã đưa vào một sinh khí mới. ’’
(Stephen Pan & Daniel Lyons, “Vietnam Crisis’’ Twin Circle Publishing Co. ,
New York 1966, trang 86).
Ðầu
tháng 1 năm 1956, tuần báo ôn hòa và trung lập của nước Anh là tờ The Economist
viết: “Từ một tình thế
dường như tuyệt vọng trước đó 18 tháng, Tổng Thống Ngô Ðình Diệm đã mang lại được
một trật tự và một sự yên ổn có thể làm cho Miến Ðiện, Nam Dương và ngay cả Mã
Lai nữa, thèm muốn. Nhưng công việc còn phải làm sẽ rất nhiều và gian nan. ’’(Vietnam
Crisis, trang 80)
Tháng
6 năm 1956, tại diễn đàn Hội Những Người Mỹ Bạn Của Việt Nam, Nghị Sĩ John F.
Kennedy khuyến cáo nước Mỹ “hãy mau lẹ cung cấp viện trợ quân sự và kinh tế nhiều hơn nữa cho Tổng
Thống Diệm, vì Chính Phủ của ông ta đã thực hiện những bước sinh tử đầu tiên để
tiến tới dân chủ thực sự. Ở nơi mà trước đây, thực dân và cộng sản giành ngôi
bá chủ, đã có được một Nước Cộng Hòa Tự Do và Ðộc Lập, được trên 40 Quốc Gia của
Thế Giới Tự Do thừa nhận. ’’ (Hans Morgenthau, “America Stake in
Vietnam’’ New York 1956, trang 69)
Tên
ký giả thực dân và xấc láo của Mỹ là David Halberstam sau này hung hăng chống lại
sự trợ giúp của Mỹ cho Nam Việt Nam mà hồi ấy cũng phải trầm trồ ca tụng là “…Diệm đã hành động rất đúng và
rất can đảm trong những năm đầu tiên của Chính Phủ của ông ta.’’
(William Colby, “Honorable Men, My Life In The CIA’’ Simon & Schuster, New
York 1978, trang 158).
Trên
đây chỉ là sự trích dẫn một vài lời trong nhiều lời ca tụng nồng nhiệt đầy kính
trọng mà nhiều Quốc Gia đã dành cho Chính Quyền Diệm những năm đầu của Chính
Quyền ấy. Lời lẽ trong những lời ca tụng ấy đã tạm đủ để cho người Việt Quốc
Gia hiểu rằng không thể tự nhiên mà được Cộng Ðồng Quốc Tế ban cho những lời ca
tụng ấy và không phải bất cứ người Việt Quốc Gia nào cũng có cơ hội được hưởng
những lời ca tụng ấy.
Bốn
mươi lăm của Chính Phủ Hội Viên của Tổ Chức Liên Hiệp Quốc đã thừa nhận Chính
Phủ Diệm và lập quan hệ ngoại giao chính thức với Chính Phủ ấy. Chính Phủ Diệm
cũng còn được hưởng quy chế quan sát viên thường trực tại Liên Hiệp Quốc.
Nhiều
Cường Quốc và nhiều Quốc Gia Tự Do đã mời ông Ngô Ðình Diệm tới thăm chính thức
tại nước họ để được nghe ông Diệm nói về triển vọng xây dựng một miền Nam Việt
Nam Tự Do và Dân Chủ. Cử chỉ mời ông Diệm tới thăm chính thức cũng là một hình
thức để các Quốc Gia thân hữu ấy chứng tỏ cho Thế Giới biết rằng không phải họ
chỉ có gởi tới ông Diệm những lời ca tụng xuông mà thôi.
Có
theo dõi những buổi thuyết trình, chiếu lại hình ảnh những khi ông Diệm đọc diễn
văn trước các Cơ Quan Hiến Ðịnh cao nhất của các Quốc Gia thân hữu ấy, có quan
sát sự kính nể mà các Nhà Lãnh Ðạo Quốc Gia ấy dành cho ông Diệm và có nhìn thấy
thái độ tự trọng, tự tin và rất trang nghiêm đầy tinh thần Kẻ Sĩ Ðông Phương của
ông Diệm trong cương vị đại diện chính thức cho Dân Tộc Việt Nam, người ta lại
càng thêm tin rằng quả thật lòng yêu nước nhiệt thành và Tinh Thần Quốc Gia cao
độ của ông Diệm đã mang lại cho ông sự kính nể và ngưỡng mộ của Thế Giới bên
ngoài.
Sau
khi ông Diệm bị giết hại rồi, từ đó về sau, cho tới ngày miền Nam Việt Nam sụp
đổ vào cuối tháng 4 năm 1975, Chính Quyền Quốc Gia của Nam Việt Nam không bao
giờ có được một người lãnh đạo có hào quang tối thiểu để được Cộng Ðồng Quốc Tế
kính trọng nữa.
Chính Quyền Ngô Ðình Diệm là Chính
Quyền duy nhất của người Việt Quốc Gia tạo được Chính Danh, Chính Thống và
Chính Nghĩa cho công cuộc chống cộng của người Việt Nam.
CHIẾN DỊCH TỐ CỘNG
Một
trong những thành tích được nhắc nhở nhiều của Chính Quyền Ngô Ðình Diệm là Chiến
Dịch Tố Cộng. Ðể tránh dùng những chữ lớn, ta hãy lượng định kết quả Chiến Dịch
ấy bằng một tiêu chuẩn thiết thực, đó là cuộc trắc nghiệm để xem người dân miền
Nam Việt Nam ủng hộ Chính quyền Diệm tới mức nào và nếu có sự ủng hộ đó thì sự
vạch mặt chỉ tên những tên cộng sản nằm vùng sẽ là cái thước để đo sự ủng hộ ấy.
Cho tới năm 1959, kết quả thâu được cho Chiến Dịch ấy thật là tốt đẹp, người
dân miền Nam đã sốt sắng chỉ chỗ ẩn núp, cho tên tuổi những tên cộng sản nằm
vùng để Chính Quyền Quốc Gia theo dõi hoặc bắt giữ.
Cũng
nên nhắc lại là từ năm 1954 cho tới 1956, tập đoàn lãnh đạo Hà Nội ung dung ngồi
chờ Chính Phủ Diệm sụp đổ. Sau năm 1956, Chính Phủ Diệm không những đã không chết
mà lại vững mạnh hơn rất nhiều và nhất là Chiến Dịch Tố Cộng bắt đầu tàn phá
hàng ngũ nằm vùng của cộng sản thì Hà Nội thật sự lo ngại.
Năm
1956, Hà Nội phái Lê Duẩn vào miền Nam để làm sống lại cơ cấu nằm vùng của cộng
sản tại miền Nam. Người ta biết rằng Duẩn đã ở lại miền Nam từ 1956-1958.
Trong
khoảng thời gian hai năm này, cộng sản ở miền Nam Việt Nam đã khóc lóc để van
xin Hà Nội cứu giúp, vì chiến dịch Tố Cộng của Chính Phủ Diệm gây tai hại quá sức
chịu đựng của bọn cộng sản nằm vùng ở miền Nam rồi.
Hà
Nội họp đại hội đảng khoáng đại vào đầu năm 1959 để nghiên cứu cách cứu bọn đàn
em ở miền Nam. Từ phiên họp khoáng đại này, Hà Nội đi tới quyết định là dùng võ
lực để chiếm miền Nam Việt Nam.
Tuy
trước đó, Hà Nội vẫn đều đều xâm nhập người và vũ khí từ miền Bắc vào miền Nam,
nhưng mức xâm nhập ấy chỉ để nuôi sống bọn đàn em ở miền Nam, chứ không đủ để
mong lật đổ Chính Quyền Quốc Gia của ông Diệm. Ðơn vị xâm nhập quy mô đầu tiên
mang bí số là 559, gồm trên 20.000 người (binh lính, cán bộ và lao công). Bắt đầu
xâm nhập vào miền Nam từ tháng 5 năm 1959. Số 559 là bí số bắt nguồn từ thời điểm
“tháng 5 năm 1959’’). Tên Võ Bầm là sĩ quan cao cấp đầu tiên của quân đội Hà Nội
được chỉ định điều khiển đoàn xâm nhập 559.
Ngày
25.2.1983, Tuần Báo The Economist của nước Anh ghi lại cuộc phỏng vấn Võ Bầm do
Ðài Truyền Hình Pháp, chương trình phim tài liệu thực hiện, với Phái viên
Jérôme Kanapa phỏng vấn. Võ Bầm đã thú nhận rằng sự xâm nhập quy mô đã bắt đầu
ngay từ năm 1959, nghĩa là hai năm trước khi Tổng Thống Kennedy bắt đầu đẩy mạnh
sự viện trợ quân sự cho miền Nam Việt Nam.
Vậy
thì cho tới năm 1959, ít ra, quảng đại quần chúng của miền Nam Việt Nam chưa bị
các sự tuyên truyền phá hoại từ nhiều phía đầu độc sự suy tưởng của họ và họ đã
để Chính Quyền Diệm có cơ hội hành động.
Những
hậu quả đầu tiên của sự xâm nhập quy mô từ miền bắc đã để lại chết chóc gia
tăng rất sớm. Thống kê về những sự ám sát Viên Chức Xã Ấp tại miền Nam Việt Nam
từ 1957 tới 1959 cho thấy rõ mức độ tàn phá gia tăng của sự xâm nhập ấy. Thí dụ
trong trọn năm 1958, có tất cả 193 vụ ám sát Viên Chức Xã Ấp ở miền Nam Việt
Nam, trong khi chỉ riêng bốn tháng cuối của năm 1959, đã có tới 119 vụ ám sát
tương tự (William Colby, “Honorable Men…trang 158).
Chính
Phủ Úc là một trong vài Quốc Gia sáng suốt và khôn ngoan nên đã sớm hiểu các
khó khăn của ông Diệm, và nhất là hiểu tại sao từ 1959 trở về sau, Chính Quyền ấy
càng ngày càng phải cứng rắn hơn trước khi đối phó với cộng sản. Chính Phủ Úc
nhân dịp này đã gửi cho Thế Giới một lời khuyên thiết thực, đầy khôn ngoan để
Thế Giới ấy biết cách đánh giá hiệu năng của Chính Quyền Ngô Ðình Diệm. Nhắc nhở
Thế Giới là hãy đánh giá Chính Phủ Diệm theo tiêu chuẩn Á Ðông và theo thực tế
của tình hình, hơn là theo cách đánh giá của Tây phương, Ngoại Trưởng Úc R. G.
Casey viết: “Hai sự việc cần được mọi người ghi nhớ khi muốn chỉ trích Chính
Quyền Nam Việt Nam.
Thứ
nhất, Việt Nam đang ở tuyến đầu Chiến Tranh Lạnh. Chính Phủ của Xứ ấy không thể
để lộ một sơ hở nào khả dĩ cho đối phương khai thác. Một sơ hở nào lộ ra cũng sẽ
cực kỳ nguy hiểm, không những cho Việt Nam mà còn cho tự do cả Ðông Nam Á nữa.
Thứ
hai, sự thực hiện dân chủ ở Cấp Bộ Quốc Gia là một quan niệm hoàn toàn mới mẽ tại
Việt Nam và cần phải có thời giờ để phát triển các định chế, các truyền thông,
các tập tục hầu thực hiện các quyền dân chủ theo đường lối xây dựng và hữu
trách. ’’ (Richard Lindhelm, “Vietnam The First Five Years’’Ann Arbor, Michigan
1959, trang 344).
Ngày
27.1.1960, tại Trảng Sụp, gần biên giới Việt Miên trong Tỉnh Tây Ninh, cộng
quân đã đánh úp và gây thiệt hại rất nặng nề cho Hậu Trạm một Trung Ðoàn Bộ
Binh Việt Nam Cộng Hòa. Trận đánh úp này coi như chính thức mở màn cuộc chiến
tranh Ðông Dương II và cho thấy mức độ xâm nhập của cộng sản vào miền Nam đã tới
thời kỳ đe dọa sự tồn tại của miền Nam tự do.
Tháng 5.1960, Hà Nội họp tập đoàn lãnh đạo,
rồi công khai tuyên bố tại phiên họp ấy rằng “…đã đến lúc kiên trì chiến đấu dũng cảm để diệt Chính Phủ
Diệm.’’(William Colby, “Honorable Men… trang159).
Thêm
một dấu vết rõ rệt nữa để chứng tỏ sự hữu hiệu của Chiến Dịch Tố Cộng. Ðó là lời
của hai tác giả Pháp thân cộng, Jean Lacouture và Bernard Fall. Hai tên này chạy
tội cho Hà Nội bằng cách nói rằng vì bị Chính Quyền Diệm săn đuổi, lùng diệt dữ
quá nên cộng sản “đành phải đánh trả để khỏi bị tiêu diệt’’. Mặc dù đây là lời
chạy tội cho phía cộng sản, nhưng lời chạy tội ấy lại có một tác dụng dội ngược
không ngờ là đã trực tiếp nhìn nhận rằng quả thật Chiến Dịch Tố Cộng của Chính
Quyền Diệm đã đánh trúng huyệt của cộng sản.
Tháng 9 năm
1960,
Hà Nội họp đại hội đảng lần thứ 3 để thông qua nghị quyết tiến đánh chiếm miền
Nam Việt Nam và để lừa gạt dư luận thế giới. Công cụ ấy được mệnh danh là Mặt trận giải phóng miền
Nam.
Trước
khi Hà Nội khai sinh công cụ nói trên, có hai biến cố tại Nam Việt Nam diễn ra
theo chiều hướng bất lợi cho cuộc chiến đấu tự vệ của Nam Việt Nam. Thứ nhất là
“tối hậu thư’’ của “nhóm Caravelle’’gửi ông Diệm và thứ hai là cuộc đảo
chính bất thành của một số sĩ quan cấp Tá đêm 11.11.1960.
Nhóm
Caravelle (dân chúng còn dùng danh từ mỉa mai “nhóm trí thức Caravelle’’ để tặng nhóm này nữa) gồm gần hai
chục nhà “trí thức “Việt Nam họp nhau
tại Nhà Hàng Caravelle, là Nhà Hàng sang trọng nhất Sài Gòn thời ấy để bàn “quốc
sự’’. Sau bữa tiệc linh đình, với rượu ngon, gái đẹp, các vị trí
thức ấy đã gửi tối hậu thư đòi Ông Diệm phải cải tổ Chính Phủ và thay đổi đường
lối lãnh đạo.
Trong
điều kiện sinh hoạt chính trị bình thường, hiểu là không bị cộng sản đe dọa,
thì yêu cầu ấy thật hợp lý. Tiếc rằng các nhà trí thức kia đã không đếm xỉa đến
lời cảnh cáo thật ý nghĩa của Ngoại Trưởng Úc R. G. Casey. Nói nôm na là họ đòi
ông Diệm chia ghế lãnh đạo với họ.
Nhưng
nguy hơn nữa là nhóm trí thức ấy không nhìn thấy nguy cơ của cộng sản càng ngày
càng lan rộng, càng đè nặng lên miền Nam Việt Nam. Theo sự suy luận của nhóm trí thức ấy thì chỉ cần
ông Diệm chia cho họ một số ghế trong Chính Phủ thì nguy cơ cộng sản sẽ tự
nhiên tan biến như một phép lạ. Người ta có thể chỉ trích ông Diệm về
nhiều điều, nhưng không thể phê bình ông về cái nhìn sắc bén cũng như thiết thực
về nguy cơ của cộng sản. Hãy cứ tưởng tượng sự lãnh đạo miền Nam được trao vào
tay gần hai chục nhà đại trí thức ngây thơ thuộc nhóm Caravelle thì sự sống còn
của miền Nam Việt Nam trong tự do sẽ đếm được bao nhiêu ngày sau đó ?
Cuộc đảo chính đêm 11.11.1960 diễn ra một cách rất tài tử, hay dùng chữ
chính xác hơn nữa, một cách ngu xuẩn. Chưa tới hai chục sĩ quan cấp Tá, lớn nhất là cấp bậc
Trung Tá, nhờ móc nối được với một vài Ðơn Vị Dù đồn trú gần Sài Gòn, đã mưu lật
đổ Chính Phủ Diệm.
Có
hai nét nổi bật về thân thế đa số sĩ quan chủ mưu cuộc đảo chánh ấy.
Thứ nhất phần lớn đều xuất thân từ quân đội thực dân Pháp. Ý niệm yêu nước, độc lập
và chống cộng của họ đã bị người Pháp uốn nắn nên đã trở thành rất lờ mờ.
Thứ hai, đa số là Huấn Luyện Viên tại Trường Ðại Học Quân Sự (Trường này trước năm 1955 là Viện
Nghiên Cứu Quân Sự của Pháp tại Việt Nam. Khi Pháp rút hết thì Trường ấy trao lại
cho Chính Phủ Việt Nam Cộng Hòa, được đổi tên là Trường Ðại Học Quân Sự, rồi đến
giai đoạn chót, trước khi Nam Việt Nam sụp đổ, được cải danh thành Trường Chỉ
Huy và Tham Mưu).
Tất
cả đám chủ mưu này không ai có thành tích tranh đấu về chính trị và chưa bao giờ
tham chính. Người duy nhất giữ được tư cách và khí phách là Trung Tá Nguyễn Triệu
Hồng và ông ta là người chết đầu tiên khi cầm đầu một đám đàn em xung phong chiếm
Tổng Nha Cảnh Sát.
Ða số kẻ chủ mưu cuộc đảo chánh này đã theo đường bộ trốn thoát sang Cao
Mên. Trong số này, có Đại úy thi sĩ Phan
Lạc Tuyên, tác giả nhiều bài thơ tình cảm dân tộc rất được ưa chuộng, đã bị cộng sản tại Cao Mên móc nối, hứa hẹn trời biển sao
đó mà ông ta đã bỏ hàng ngũ Quốc Gia để gia nhập vào quân đội cộng sản. Chúng
đã phong cho ông ta tới chức Trung đoàn trưởng (có được thật sự chỉ huy một
Trung đoàn hay không là điều không cần bàn ở đây) và nghe nói việt cộng mang
tên tuổi ông ta dùng vào việc tuyên truyền sách động quần chúng trong cuộc Tổng
tấn công Tết Mậu Thân 1968.
Sau
cuộc đảo chính bất thành ấy, khi nghe thuộc hạ báo cáo về xuất xứ thành phần “Phản
loạn’’ phần lớn là sĩ quan Huấn Luyện Viên của Trường Ðại Học Quân Sự, ông Diệm
đã gọi Trường ấy là “Trường phản loạn’’ và ít ngày sau đó ông ra lệnh đuổi Trường
ấy lên Thành Phố Cao Nguyên Ðà Lạt.
Vài
nét vắn tắt về Trường Quân Sự này sẽ không vô ích, vì nó giúp người đọc hiểu
thêm chút nữa về lý do khiến cho một số Quân Nhân miền Nam Việt Nam thù hận ông
Diệm. Khi gọi Trường ấy là “Trường phản loạn’’, có thể ông Diệm không ngờ rằng
chính cái chính sách dùng người của ông ta đã cung cấp chất liệu để dần dần, tạo
thành tinh thần phản loạn tại Trường ấy.
Ông
Diệm đi tiên phong chính sách dùng người “theo tín nhiệm hơn là theo khả năng’’
nhiều Sĩ Quan Tỉnh Trưởng hoặc Quận Trưởng được thăng cấp rất mau, được ban thưởng
hậu hĩ, nhưng cũng có thể bị cất chức rất mau. Một số đông quý vị sĩ quan từng
được ân sủng như thế đã được tuyên chuyển về làm Huấn Luyện Viên Trường Ðại Học
Quân Sự.
Vì
lúc ấy, miền Nam chưa có Trường Cao Ðẳng Quốc Phòng nên Trường Ðại Học Quân Sự
là Trường Cao Cấp nhất của Nam Việt Nam. Là Quân Trường cao cấp nhất, nhưng Trường
ấy lại chứa nhiều kẻ bất mãn nhất trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Chưa có Ðơn
Vị Quân Ðội nào lại chứa nhiều kẻ thất sủng đến như vậy, đa số Huấn Luyện Viên
tới lớp dạy học thường vẫn còn phô trương cái thuở vàng son quá khứ của họ khi
vênh váo kể cho các Sĩ Quan Khóa Sinh nghe thời kỳ họ còn cai trị ở Tỉnh này, ở
Quận kia v.v…
Ngoài
sự căm thù ông Diệm đã cất chức họ, nhiều Sĩ Quan của Trường Ðại Học Quân Sự lại
có một lý do khác nữa, chẳng cao quý gì, để thù hận ông Diệm thêm. Trong những
lúc rãnh rỗi, họp nhau tại Câu Lạc Bộ của Trường, hoặc tụ họp nhau để ăn nhậu
say sưa tại một hàng quán sang trọng nào đó, đám Sĩ Quan này thường chửi rủa
ông Diệm vì ông đã “ngăn cản không
cho họ được sống xa hoa, trụy lạc bừa bãi”.
Vụ
nhóm “trí thức” Caravelle được nhà báo Tây phương ác cảm với Chính Quyền Diệm
thổi phồng thành một lý do để đám nhà báo ấy kết án Chính Quyền Diệm là “thiếu
căn bản dân chủ’’. Vụ đảo chính bất thành 11.11.1960 được bọn nhà báo ấy
suy diễn là “Quân Ðội Nam Việt Nam không tín nhiệm ông Diệm và không muốn ủng hộ
ông ta nữa.’’ Dĩ nhiên, hai điều này đã được Hà Nội tận tình khai thác.
Nhưng chúng vẫn chưa thấy là đủ để dùng đòn độc hạ thủ ông Diệm. Chất liệu độc
thủ ấy đã được một số người thuộc thành phần “trí thức” miền Nam dâng cho Hà Nội
để từ đó, đẻ ra cái quái thai chính trị gọi là “Mặt trận giải phóng miền Nam”.
Cái
quái thai chính trị này là lá bài then chốt của Hà Nội để che mắt thế giới hầu
đẩy mạnh cuộc xâm lược võ trang chiếm miền Nam sau này. Từ 1960 là thời điểm Hà
Nội khai sinh tổ chức gọi là “Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam” cho chúng. Ngày
chúng chiếm được Nam Việt Nam vào cuối tháng 4.1975, cái đám trí thức miền Nam
nói trên đây, vừa ngu dại, kiêu căng lại vừa thiển cận đã đắc lực giúp Hà Nội
trên mặt trận quốc tế vận cũng như trên mặt trận dụ dỗ người nông dân miền Nam
Việt Nam.
Năm
1961 có hai biến chuyển lớn. Một là sự tái đắc cử của ông Diệm vào tháng 4 năm ấy
và hai là việc Nghị Sĩ trẻ tuổi John F. Kenedy nhận chức Tổng Thống Mỹ. Ngay
sau khi biết ông Diệm tái đắc cử, cộng sản biết rõ rằng trong những năm tới,
chúng còn khốn đốn hơn nữa vì chủ trương triệt để chống cộng của ông Diệm. Do
đó, cộng sản quốc tế la làng rằng ông Diệm “…là kẻ thù của nhân dân Á Châu và là chướng ngại chính cho sự bành trướng
của chủ nghĩa cộng sản tại Á Châu.’’ (Vietnam Crisis trang 110).
ẤP CHIẾN LƯỢC
Dầu
cho kế hoạch lập Ấp Chiến Lược của Chính Quyền Ngô Ðình Diệm được ca tụng hay bị
chê bai thì kế hoạch ấy cũng là một trong những điều được chú ý nhiều.
Kế
hoạch gom dân lại để tách họ khỏi sự khủng bố của cộng sản và cũng để cộng sản
không bám được vào dân mà kiếm lương thực, không phải là sáng kiến mới mẻ gì của
miền Nam Việt Nam. Phi Luật Tân và Mã Lai đã dùng công thức ấy để chống cộng sản
và hai xứ ấy đã thành công, nhất là Mã Lai.
Công
thức này làm cho người dân gần với nhau hơn và làm cho người dân gần gũi với
chính quyền hơn. Khi còn ở lẻ tẻ, rải rác, cách xa nhau, họ dễ làm mồi cho cộng
quân giết hại. Nếu vào trong một Ấp rồi thì người dân sẽ cảm thấy tự tin hơn vì
biết rằng cộng quân sẽ phải đánh lớn nếu muốn giết hại dân và nếu muốn cướp thực
phẩm của dân.
Kế
hoạch gom dân như thế đã thành công tại Phi Luật Tân và tại Mã Lai nhờ người
dân ở hai xứ ấy đã sớm hiểu được hai điều sinh tử trong cuộc chiến chống cộng sản.
Một là người dân hai xứ ấy, tuy không cần phải có trình độ học thức cao, nhưng
đã sớm hiểu rằng họ bắt buộc phải hy sinh một phần tự do cá nhân của họ để đổi
lấy sự bảo vệ của
Chính
Quyền Quốc Gia. Ðiều thứ hai còn quan trọng hơn nữa, là họ hiểu rằng trong cuộc
chiến tranh tệ hại như chiến tranh chống cộng, nếu người dân không chịu hợp tác
với Chính Quyền rồi thì trước sau, người dân cũng sẽ trở thành nô lệ cho cộng sản.
Khi ấy thì không một sức mạnh quân sự nào của Chính Quyền Quốc Gia hoặc của một
Cường Quốc bạn nào khác có thể giải thoát được họ nữa.
Tại
Nam Việt Nam, từ 1962 cho tới tháng 5 năm 1963, Chính quyền Diệm đẩy mạnh việc
lập các Ấp Chiến Lược và gọi kế hoạch ấy là “Quốc sách’’. Kết quả sơ khởi rất tốt
đẹp. Chỉ nói riêng về Tỉnh Long An, Chính Quyền Tỉnh ấy đã gom được dân vào 220
Ấp Chiến Lược và trong thời gian gần một năm, chính quyền Long An đã dồn được
các phần tử việt cộng vào 35 Ấp còn lại. Sự cô lập các phần tử việt cộng tại
các Tỉnh khác cũng được ghi nhận là khả quan. Nói một cách khác, kế hoạch lập Ấp
Chiến Lược đe dọa sự sống còn của cộng sản ở miền Nam Việt Nam.
Kể
từ lúc ông Diệm tái đắc cử, Hà Nội đã đặt ưu tiên cao nhất là việc phải hạ bệ
ông Diệm cho bằng được. Hà Nội còn phải vùng vẫy để thoát khỏi gọng kìm tai hại
của kế hoạch Ấp Chiến Lược. Một cái bẫy thật lớn được Hà Nội tung ra để mưu loại ông Diệm. Không phải
vì tình cờ mà kế hoạch phá các Ấp Chiến Lược do Hà Nội phát động lại đồng thời
với cuộc khủng hoảng Phật Giáo tại miền Nam Việt Nam.
Nếu
chỉ hoàn toàn dựa vào chém giết và khủng bố thì có thể Hà Nội rốt cuộc sẽ làm
cho nông dân vì khiếp sợ quá mà quay lại chống trả bọn chúng. Phải có một chiêu
bài khác để vừa dụ nông dân miền Nam, vừa lừa bịp được thế giới bên ngoài. Nên
khen Hà Nội có tài dụ dỗ giỏi để đưa được một đám trí thức miền Nam vào cái bẫy
sập, hay là nên ngậm ngùi rằng miền Nam lại có thể sản xuất được một số trí thức
ngu xuẩn đến mức độ làm tay sai cho một bọn phản quốc có hạng mà lại cứ tưởng rằng
mình khôn ngoan lắm và yêu nước lắm?
Có
lẽ nên nghĩ tới sự ngậm ngùi cho đám trí thức ấy thì đúng hơn, vì khen cộng sản
lừa bịp giỏi là làm một việc vô ích.
Từ lúc kế hoạch lập Ấp Chiến Lược bắt đầu được thi hành cho đến khi bùng nổ
cuộc khủng hoảng về Phật Giáo tại Nam Việt Nam, thời gian trôi qua chưa tới một
năm. Ðó là một khoảng thời gian
chưa đủ để lượng định về kết quả của một kế hoạch có tầm mức chiến lược như vậy.
Dầu sao, người ta cũng đã thấy những nhược điểm lớn nhất của kế hoạch hiện ra.
Nhược điểm đầu tiên là kế hoạch ấy được thảo bởi hai nhân vật rất ít hiểu
biết về tình hình chiến tranh khuynh đảo của cộng sản quốc tế. Staley là một người Mỹ chưa từng có một chút kinh nghiệm nào về
chiến tranh dấy loạn. Vũ Quốc Thúc là một Nhà Trí Thức Việt
Nam chưa bao giờ được coi là người có kiến thức tối thiểu về chiến tranh du
kích. Người ta hiểu rằng hai người vừa kể ít ra cũng đã có “tham khảo’’ một số
người, có thể là đã tham khảo luôn cả Cố Vấn Phản Du Kích của Chính Phủ Mã Lai
là ông Robert Thonpson, nhưng bấy nhiêu chưa đủ. Một điều nguy hại cho kế hoạch ấy ngay từ khởi điểm
là Staley/Thúc có vẻ như đã tin rằng kế hoạch gom dân để tách họ ra khỏi quân
phiến loạn đã thành công tại Mã Lai và tại Phi Luật Tân thì cũng sẽ thành công
tại Nam Việt Nam.
Như
đã ghi ở đoạn trên, kế hoạch gom dân tại hai nước bạn thành công vì người dân ở
hai xứ ấy khôn ngoan hơn người dân miền Nam Việt Nam. Vì khôn ngoan nên họ chấp
nhận hy sinh một phần các quyền tự do hàng ngày của họ, biết rằng sự hy sinh ấy
không vô ích, vì nếu để cho cộng sản cướp được chính quyền thì họ sẽ chẳng còn
được hưởng chút tự do nào nữa.
Vì không có được sự khôn ngoan bình dân ấy ngay từ đầu nên người nông dân
miền Nam Việt Nam không tha thiết với việc ra khỏi ruộng vườn nhỏ bé của họ để
vào sống trong Tổ Chức Ấp Võ Trang Tự Vệ.
Thêm
vào cái tâm lý tiêu cực vừa kể, ít ra cũng còn ba điều khác nữa làm cho người
nông dân miền Nam Việt Nam càng thêm tiêu cực với kế hoạch lập Ấp Chiến Lược.
Thứ
nhất là kinh nghiệm của họ với nền hành chánh thời Pháp thuộc. Họ đã bị đày đọa
quá nhiều vì thực dân và vì đám người Việt làm tay sai cho thực dân như đám Ðốc
Phủ Sứ, đám Huyện, đám Cai Tổng v.v…
Người
ta có thể hiểu tâm trạng thất vọng não nề của những nông dân ấy khi phải sống
dưới một chính quyền chỉ biết bóc lột dân và không hề có chút kính trọng tối
thiểu đến đời sống của người dân.
Nỗi
thất vọng chồng chất ấy được giải tỏa khi nông dân tin rằng những người cộng sản
sẽ mang lại cho họ no ấm, tự do và sự kính trọng. Sự tin tưởng lãng mạn ấy đưa
họ đến một kết luận vội vàng là giữa chính quyền của thực dân và chính quyền cộng
sản, không có một thứ nào ở giữa. Người nông dân ấy không nghĩ được rằng có thể
có một chính quyền không cộng sản và không tồi tệ như chính quyền thực dân ngày
trước.
Ðiều
thứ ba là sự ngu dại của đám “trí thức” miền Nam thuộc thành phần gọi là Nhóm
Liên Trường. Nếu trí thức miền Bắc Việt Nam nổi bật vì sự khiếp nhược thì trí
thức miền Nam Việt Nam nổi bật vì sự tự cao và tự tin trong ngu dại. Không biết
đám trí thức miền Nam này học được ở đâu mà tự nuôi cái ảo tưởng rằng có thể
thuyết phục được cộng sản Hà Nội để cho miền Nam được sống yên ổn với một quy
chế tự trị.
Từ
cái ý niệm sơ khởi vừa dại dột lại vừa tai hại ấy, đám trí thức nói trên đã rất
đắc lực tiếp tay với Hà Nội trong kế hoạch làm sụp đổ Chính Quyền Ngô Ðình Diệm.
Hà
Nội thảo ra kế hoạch ba mặt giáp công để hạ Chính Quyền của ông Diệm.
Mặt
thứ nhất là khai sinh công cụ chính trị và tuyên truyền gọi là Mặt trận giải
phóng miền Nam.
Mặt
thứ hai là sách động dân quê miền Nam để họ chống lại kế hoạch gom dân vào Ấp
Chiến Lược.
Mặt
thứ ba là dùng Tôn Giáo để cô lập Chính Quyền Diệm với Cộng Ðồng Quốc Tế, nhất
là cô lập miền Nam với nước Mỹ.
Người
ta đã biết rằng cầm đầu đám “trí thức” miền Nam thời ấy là tên Trương như Tảng.
Vì có mặt của hắn và của một số trí thức khác của miền Nam cũng ngu dại như hắn
nằm trong cái gọi là “Mặt trận giải phóng miền Nam Việt Nam”, nên một phần lớn
thế giới bên ngoài đã tin rằng cái tổ chức ấy không lệ thuộc cộng sản Hà Nội.
Sự
tin tưởng ấy đã kéo theo vô số nạn nhân trong đám trí thức Tây phương (Âu Châu,
Mỹ Châu, Canada). Những thiệt hại về sinh mạng của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa
không nguy hại cho sự sống còn của Việt Nam Cộng Hòa bằng những lời ca của Joan
Baez, những lời tuyên bố của nữ tài tử Jane Fonda và chồng của y thị là Tom
Hayden, những bài báo và những lời tuyên bố của Jean Paul Sartre, Oliver Todd,
Jean Lacouture, Jean Lartéguy, Pierre Darcourt…Tóm lại, Trương như Tảng và đồng
bọn đã lập được công lớn giúp Hà Nội ru ngủ và lừa bịp được thế giới bên ngoài
trong suốt cuộc chiến tranh Việt Nam.
Ở mặt
trận thứ hai, một đám “trí thức” khác của miền Nam (cũng trong cái gọi là Nhóm
Liên Trường) đắc lực giúp Hà Nội bằng chiến thuật nằm vùng. Khí giới của bọn
này là báo chí và luôn cả sự tự do mà chế độ Cộng Hòa của Nam Việt Nam để cho
chúng được hưởng rộng rãi. Chủ lực của đám trí thức này là những tên thuộc
thành phần “ngựa non háu đá’’và “điếc không sợ súng’’ như Lý quý Chung, Nguyễn
hữu Chung, Hồ ngọc Nhuận v.v…
Những
tên vừa kể mở hai chiến dịch. Thứ nhất là chiến dịch gây thù hận giữa nông dân
miền Nam và Chính Quyền Diệm. Thứ hai là chiến dịch chia rẽ Nam và Bắc (đây là
hậu thân của thủ đoạn chia rẽ Nam Bắc do thực dân Pháp đẻ ra ngày trước).
Người
ta đã được đọc những bài báo do đám “trí thức” dại dột này viết về Ấp Chiến Lược.
Trong những bài ấy, chúng gợi trong lòng người nông dân miền Nam tình yêu Thôn Ấp
và gợi ý tưởng căm thù những ai muốn tách họ ra khỏi Thôn xóm của họ. Là thành
phần thiếu hiểu biết, ít suy nghĩ người nông dân miền Nam Việt Nam đã dễ dàng
rơi vào cái bẫy của đám trí thức tay sai cho cộng sản Hà Nội kia.
Khi còn cai trị Việt Nam, thực dân Pháp đã từng tung ra chiến dịch gây căm
thù giữa người miền Bắc và người miền Nam. Thời ấy, đã có những kẻ ngu xuẩn ở
miền Nam hăng hái thi hành kế hoạch chia rẽ hiểm độc và bần tiện của thực dân.
Thêm vào đó, lúc nào cũng có ở miền Nam Việt Nam một khuynh hướng coi miền Nam
không phải là một phần lãnh thổ của nước Việt Nam. Phần lớn những kẻ có khuynh
hướng này đều là nô lệ cho thực dân và được quan thầy Pháp ban thưởng cho cái
ân huệ ô nhục là được “Vào dân Tây’’.
Bọn
trí thức “ngựa non háu đá’’ tuy có được cắp sách đến trường nhưng không chịu mở
mắt để học về Lịch Sử của Dân Tộc Việt. Chúng trân tráo lớn tiếng nhục mạ những
“người
Bắc di cư’’ trên mặt báo và tại những nơi Công Cộng. Trong sự dại dột ấu
trĩ, bọn chúng tưởng gây hận thù và chia rẽ như vậy thì sau này chắc chắn sẽ được
cộng sản Hà Nội để cho yên với chủ trương “miền Nam của người Nam’’
Ngoài
ra, còn hai điều khác nữa, một thuộc về quân sự và một thuộc về tâm lý, làm cho
kế hoạch lập Ấp Chiến Lược không thành công được. Về quân sự, khi Ấp Chiến Lược
đầu tiên được tổ chức xong thì cộng quân ở miền Nam đã có khả năng mở cuộc tấn
công đến cấp trung đoàn và cao hơn nữa. Về chiến lược và chiến thuật, cộng quân
có thể tập trung đông đảo quân số để đạt ưu thế tạm thời rồi tấn công ồ ạt vào
một vị trí cố thủ của quân chính phủ. Trước quan niệm chiến lược vận động chiến
của cộng quân, quan niệm cố thủ bằng đồn bót và pháo lũy là quan niệm tất bại.
Áp
dụng quan niệm ấy cho Ấp Chiến Lược làm sao có thể đánh bại được cộng quân?
Những
người điều khiển lập Ấp Chiến Lược có một cái nhìn rất lạc quan và rất chủ quan
về khả năng của một Ấp Chiến Lược. Theo họ thì một khi Ấp đã được cấp phát một
số vũ khí thì dân trong Ấp có đủ khả năng đẩy lui mọi cuộc tấn công quân sự của
cộng quân.
Không
cần phải dùng nhiều lời cũng có thể chứng minh rằng cái nhìn ấy quá sai lầm và
bệnh hoạn. Các đồn bót của quân đội Pháp trong trận chiến tranh Ðông Dương
1946-1954 và các đồn bót của Quân Ðội Việt Nam Cộng Hòa sau năm 1954 đều không
giữ được nếu cộng quân quyết định trả giá cao để diệt đồn.
Trong
khi đó, ngoài số vũ khí sơ sài và chỉ gồm vũ khí nhẹ, dân trong Ấp lại không huấn
luyện về quân sự. Nhưng nguy hại hơn nữa là dân trong Ấp không có tinh thần tha
thiết sống chết với Ấp. Một khi họ đã không tha thiết cố thủ thì kế hoạch Ấp
Chiến Lược chắc chắn sẽ thất bại. Ðã thế, dân trong Ấp còn được bọn “trí thức”
tay sai của Hà Nội ngày đêm nhồi vào đầu họ cái ý nghĩ căm thù Chính Quyền Quốc
Gia, vì đã “cưỡng bắt họ từ bỏ ruộng vườn để vào Ấp sống như trong một trại tập
trung”.
Một
Ấp Chiến Lược nào đó bị cộng quân đánh tan sẽ là một lý do để nông dân miền Nam
trốn khỏi Ấp để trở về nhà cũ.
Ðiều
thứ hai là tinh thần Cán Bộ Dân Sự và Quân Sự của miền Nam trong việc thi hành
kế hoạch lập Ấp Chiến Lược. Người viết sách này ghi nhận được nhiều điều bi hài
trong thời kỳ có các Khóa Huấn Luyện về Ấp Chiến Lược tại Trung Tâm Suối Lồ Ô
(gần Biên Hòa).
Những
người được cử đi học, đều mang sẵn trong đầu tâm trạng bị động và chủ bại. Một
điều đáng buồn cần ghi ở đây là trong suốt thời T.T. Ngô Ðình Diệm cũng như sau
đó, hàng ngũ người Quốc Gia rất ít có Cán Bộ nhiệt tình và tận tụy cho Chính
Nghĩa Quốc Gia. Do đó, kế hoạch và chính sách có hay đến đâu cũng không hy vọng
thành công. Cán Bộ Ấp Chiến Lược đi học với một tâm trạng bất mãn thì làm sao
còn hăng hái sống chết với dân trong Ấp?
TRỤC XUẤT KÝ GIẢ BÁO CHÍ
Người
viết sách này luôn luôn kính phục sự hiên ngang của ông Ngô Ðình Diệm trong tác
phong làm người Lãnh Ðạo Quốc Gia của ông. Sự hiên ngang ấy được chứng tỏ nhiều
lần và càng được chứng tỏ trong vụ Phật Giáo miền Trung năm 1963. Bọn nhà báo
truyền hình Mỹ thù ghét ông vì ông đã dậy cho chúng một bài học về sự lễ độ đối
với người cầm đầu của một Quốc Gia. Bọn ấy tuy thù ghét ông, nhưng chắc chắn là
chúng không thể coi thường ông, như chúng đã quen coi thường người lãnh đạo của
nhiều nước nhược tiểu lệ thuộc vào viện trợ của nước Mỹ.
Người
ta không ngạc nhiên khi thấy nhiều tờ báo lớn của Mỹ, nhất là tờ New York Times
và Hãng thông tấn Accociated Press hằn học hàng ngày chỉ trích thậm tệ và cay
cú bôi bẩn Chế Ðộ Ngô Ðình Diệm. Bọn ấy chỉ trích quá lố đến nỗi một tác giả
lương thiện của nước Mỹ là Richard Tregakis phải lên tiếng than rằng “Kennedy
chịu ảnh hưởng của tờ New York Times qua David Halberstam nhiều hơn ảnh hưởng của
bất cứ một giới chức nào trong chính quyền Mỹ. ’’(Vietnam Crisis, trang
125)
Trước
thái độ thù nghịch phi lý ấy của bọn báo chí Mỹ, ông Diệm không còn cách nào
khác hơn là bảo vệ danh dự của người Lãnh Ðạo Việt Nam Cộng Hòa. Ðó là điều tối
thiểu mà ông ta phải làm, nếu không muốn bị chính người dân Việt coi thường.
Nhiều tên ký giả thù nghịch với Nam Việt Nam bị trục xuất. Bị trục xuất rồi, bọn
ấy lại càng thù nghịch hơn, càng phá hoại nhiều hơn nữa.
Thái
độ thù nghịch ấy phơi ra ánh sáng căn bệnh tệ hại trầm trọng mà bọn làm báo và
viết báo ở bất cứ chân trời nào cũng mắc phải. Nếu có khác nhau thì chỉ là ở mức
độ cao và thấp. Căn bệnh ấy là sự hống hách và sa đọa của bọn ký giả, nhất là
những tên ký giả có đôi chút danh tiếng. Trong khi tự phong cho mình cái vai
trò “điều tra’’thì những tên ký giả ấy thường chờ đợi những người lãnh đạo Quốc
Gia, những người làm chính trị tỏ vẻ sợ hãi và phải o bế chúng.
Không
thiếu gì chánh khách vì quá sợ bị chúng xuyên tạc và bôi bẩn nên đã phải lo lót
chúng bằng ân huệ và bằng sự sợ sệt, nhiều khi khúm núm trước mặt bọn chúng nữa.
Bọn nhà báo dám xấc láo như vậy chỉ vì từ lâu nay, chúng quen chửi bới và vu
cáo những người khác, nhưng đến khi chính bọn chúng phạm tội thì không bao giờ
chúng có sự lương thiện tối thiểu để tự thú nhận.
Rất
ít khi thấy có trường hợp một tờ báo lớn của Tây Phương phanh phui tội lỗi của
bọn ký giả ở một tờ báo khác làm bậy, làm nhục thanh danh của người cầm bút.
Ngày
18.2.1963, khi phái viên của Tuần Báo Mỹ US News & World Report tại Sài Gòn
hỏi ông Diệm tại sao ông trục xuất nhiều ký giả ngoại quốc như vậy, ông Diệm
bình thảm trả lời: “Họ đã ngang nhiên
nhục mạ và bôi bẩn chúng tôi, trong khi chúng tôi đang theo đuổi một cuộc chiến
quyết liệt cho sự sống còn và cho sự bảo vệ một vùng biên giới sinh tử của Thế
Giới Tự Do.’’
Sự
hằn học của báo chí Mỹ đối với Chính Quyền Diệm càng ngày càng tệ hại, nhất là
từ khi bùng nổ cuộc khủng hoảng về Tôn Giáo do bọn Trí Quang gây ra,
đến nỗi Linh Mục De Jaegher phải nói thẳng vào mặt tên Malcolm Browne là kẻ được
coi là “hung thần’’ của Hãng Accociated Press tại Sài Gòn: “Quý vị đang bóp méo sự thật trong vụ Phật Giáo. Nếu cứ
tiếp tục, quý vị có thể hạ được ông Diệm. Quý vị có sức mạnh để làm được việc ấy.
Nhưng nếu làm điều ấy rồi thì nhiều thanh niên Mỹ sẽ phải tới Việt Nam để thay
thế và những thanh niên ấy sẽ chết tại Việt Nam.’’ (Vietnam
Crisis trang 104).
Lời
cảnh cáo của Linh Mục De Jaegher cũng là lời tiên tri được nghiệm rất đúng sau
khi ông Diện bị hạ sát.
Phải
chờ mãi tới sau năm 1975, thế giới bên ngoài mới tìm được giải đáp cho thái độ
thù nghịch đến phi lý của bọn báo chí Mỹ. Ðó là sự tiết lộ động trời của ông
Denis Warner, một Nhà Báo lão thành quốc tịch Úc và là người đã theo sát chính
trị của Ðông Nam Á từ năm 1945.
Bí ẩn
về sự thù nghịch kia được làm sáng tỏ, khi ông Warner cho biết rằng trong cuộc chiến tranh Việt Nam,
cộng sản quốc tế đã dùng một ngân khoảng không giới hạn để tài trợ mặt trận
tuyên truyền. Ngân khoảng ấy được mở tại một trương mục mang số 5210-10-045-34
thuộc Ngân Hàng Skandinaviska Banken ở Thủ Ðô Stokholm của Thủy Ðiển.
Trương
mục này xuất tiền cho những kẻ chửi thuê, khen mướn theo chỉ thị của cộng sản
quốc tế, với mục đích tối hậu là làm cho nước Mỹ bỏ cuộc tại Việt Nam (Denis
Warner, “Not With Guns
Alone: How Hanoi Won The War’’ Hutchinson Group of Australia
1977, trang 183).
Một
tháng sau khi ông Diệm bị hạ sát, tên David Halberstam của báo New York Times
và tên Malcolm Browne của Hãng thông tấn Associated Press nhận lãnh giải thưởng
báo chí Pulitzer vì đã có công “xuất sắc tường trình về cuộc khủng hoảng Phật
Giáo tại Nam Việt Nam.’’. Trước cảnh lãnh giải thưởng vô liêm sỉ ấy, Tướng
hồi hưu của Quân Lực Mỹ là Thomas A. Lane viết trong cuốn sách về sự nghiệp của
Tổng Thống Kennedy rằng: “giải thưởng ấy nên được trao tặng tại Ðiện Cẩm Linh của đế quốc Xô viết
và trước sự dàn chào của hồng quân Nga. ’’.
CHÍNH PHỦ MỸ VÀ CÁI CHẾT CỦA TỔNG THỐNG NGÔ ĐÌNH DIỆM
Ông
Diệm chết nhưng chết vì sự phản bội của Ðồng Minh Mỹ. Sự phản bội ấy chỉ được
hoàn thành sau khi người Mỹ thuê mướn được một đám Tướng lãnh của Nam Việt Nam
cúi mặt làm cái việc hèn hạ nhất là “giết mướn’’ người lãnh đạo hợp pháp
duy nhất của miền Nam tự do.
Sau khi ông Diệm chết, chính quyền Kennedy nhiều lần cố gắng thanh minh với
Thế Giới rằng nước Mỹ không dính líu gì tới vụ giết ông Diệm, nhưng những lời
thanh minh ấy không thuyết phục được Thế Giới bên ngoài. Thế Giới ấy gần như nhất trí với
nhau trong ý nghĩ là quả thật nước Mỹ đã đối xử thiếu văn minh với một đồng
minh nhỏ bé của mình trong lúc Ðồng Minh ấy phải đương đầu với những khó khăn
ghê gớm trong nội bộ.
Chung
cuộc, Quốc Hội của nước Mỹ đã định lượng thế nào về cách đối xử tiểu nhân ấy ?
Thoạt
đầu, cái Quốc Hội ấy ngập ngừng, chưa biết phải lên tiếng ra sao. Nhưng rồi trước
sự soi mói của thế giới, Quốc Hội ấy đành phải lên tiếng. Hai Nghị Sĩ có tiếng
nói mạnh của Quốc Hội Mỹ là William Fulbright và Everett Dirksen nói rằng “Quyết định hạ sát ông Diệm là một sự sai lầm.’’
Ngày
3 tháng 1 năm 1965, Nghị Sĩ Mike Mansfield tuyên bố với hai Tác giả Stephen Pan
và Daniel Lyons: “Chúng tôi đã đền
tội vì đã loại trừ ông Diệm.’’. Rồi đến ngày 26.1.1966, cũng Nghị
Sĩ ấy lại nói với hai Tác giả kể trên rằng “…Lỗi lầm tồi tệ nhất của chúng tôi là đã hạ sát ông Diệm.’’
(Vietnam Crisis, trang 133).
Tài
liệu của Ngũ Giác Ðài phổ biến về sau này còn ghi rõ hơn nữa về trách nhiệm
không thể chối cãi được của nước Mỹ trong sự bức tử người Lãnh Ðạo Việt Nam Cộng
Hòa. Tài liệu ấy viết:
“Về cuộc đảo chính quân sự chống
lại Ngô Ðình Diệm, nước Mỹ phải nhận hoàn toàn trách nhiệm của mình trong đó.
Từ đầu tháng 8 năm 1963, chúng ta đã lần lượt, khi thì cho phép, khi thì cản lại,
khi thì khuyến khích đám Tướng lãnh Nam Việt Nam và đề nghị sẽ hoàn toàn ủng hộ
một chính phủ thay thế. Ðến tháng 10, chúng ta cắt viện trợ để làm áp lực trực
tiếp vào Diệm, do đó chúng ta bật đèn xanh cho đám Tướng lãnh. Chúng ta lén lút
duy trì liên lạc với đám Tướng lãnh ấy, tán thành việc lập kế hoạch và sự thi
hành cuộc đảo chính ấy, duyệt xét các kế hoạch của họ và đề nghị một chính phủ
mới.
Vậy triều đại chín năm của Ngô Ðình Diệm chấm dứt
bằng một sự kết thúc đẫm máu. Sự đồng lõa của chúng ta trong việc lật đổ ông ta
làm tăng trách nhiệm của chúng ta vào một nước Việt Nam không có lãnh đạo nữa.’’ (The Pentagon Papers,
Senator Gravel Edition 1975, Volume II, trang 207).
Sau
khi tuyên thệ thay thế ông Kennedy bị ám sát ba tuần sau cái chết của ông Diệm,
Tân Tổng Thống Mỹ Lyndon B. Johnson tâm sự với báo chí Mỹ về cái chết của ông
Diệm: “Việc giết ông Diệm là một trong các thảm kịch lớn nhất của thời đại
chúng ta.’’ (Vietnam Crisis trang 133).
William
Colby, trùm CIA của Mỹ thì nói thẳng ra cái trách nhiệm của nước Mỹ về cái chết
của ông Diệm:
“Ðây là một cuộc
đảo chính của Tướng lãnh Nam Việt Nam đúng thế, nhưng tôi nghĩ rằng những điều
căn bản của cuộc đảo chính ấy đã được định đoạt tại Bạch Cung của chúng ta.’’ (Michael Mc. Lear, “The Ten
Thousand Day War’’ St. Martin Press, New York 1981, trang 66).
Trong
tác phẩm vừa được viện dẫn, trùm CIA Colby còn nêu rõ cái khoảng trống lãnh đạo
bi thảm chắc chắn sẽ diễn ra khi ông Diệm không còn Lãnh Ðạo Nam Việt Nam nữa.
Colby ghi rằng trong suốt năm 1963, nói đúng hơn là cho tới ngày ông Diệm bị hạ
sát, các Cố Vấn của Kennedy chia làm hai phe, với hai chủ trương khác nhau.
Một
phe cho rằng nước Mỹ sẽ không thể thắng nổi nếu còn ủng hộ Chính Quyền Diệm.
Phe kia thì chủ trương phải thay thế ông Diệm. Cố vấn quân sự cao nhất của
Kennedy lúc ấy là Tướng Maxwell Taylor tuy không ngã hẳn về phe nào, nhưng ông
ta đã làm một việc rất thiết thực là đặt câu hỏi then chốt cho cả hai phe: “Có
thể chúng ta không thắng được với sự ủng hộ Diệm, nhưng nếu không có Diệm thì
có ai ?’’Sau câu hỏi đó, chỉ có một sự im lặng nặng nề tiếp theo.
Trên
tuần báo Mỹ Time đề ngày 1.1.1965, Bình Luận Gia Joseph Alsop đưa ra lời phê
bình nghiêm khắc nhất nhắm vào những kẻ đã hung hãn chỉ trích chính quyền Diệm:
“Gần giống như là
sự ngu xuẩn một cách hài hước khi người ta đòi tổ chức một Chính Phủ ở Việt Nam
để làm vừa lòng những kẻ viết bình luận cho báo chí Mỹ, là những kẻ không hiểu
biết gì về Á Châu và những kẻ ấy lại luôn luôn quên rằng nếu thay thế thì chỉ
còn có chủ nghĩa cộng sản hung ác cho Á Châu. Chẳng còn cách nào khác hơn là phải
đối phó với chiến tranh trước đã, rồi sau hãy nói tới các vẫn đề chính trị. Ðối
phó với chiến tranh là con đường duy nhất để tạo các điều kiện thiết yếu cho một
chính phủ tương đối ổn định. Chính phủ bất ổn chính vì chiến tranh diễn ra tồi
tệ. ’’
Chín
tuần sau khi Alsop viết bài bình luận trên đây thì Lữ Ðoàn Thủy Quân Lục Chiến
Mỹ đầu tiên đổ bộ lên Hải Cảng Ðà Nẵng, mở đường cho cuộc đổ bộ trên nửa triệu
Quân Mỹ vào Nam Việt Nam.
Từ
đây trở về sau, Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa sẽ phải chiến đấu trong hoàn cảnh và
khung cảnh khó hơn thời Ngô Ðình Diệm rất nhiều, họ sẽ phải tự tìm lại khí giới
tinh thần để giúp họ giữ vững ngọn lửa hăng say và quyết liệt chống cộng. Chỉ mới
vài tháng sau cái chết của ông Diệm, Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã sớm thấy rõ
tầm vóc cái khoảng trống lãnh đạo vô cùng tai hại đang chờ đợi họ trước mặt.
Khi nằm xuống, ông Diệm đã mang theo cùng với ông ba điều căn bản thiết yếu
để được Cộng Ðồng Quốc Tế kinh nể là:
CHÍNH NGHĨA, CHÍNH DANH VÀ CHÍNH THỐNG
Những kẻ thù ghét ông Diệm muốn nói gì thì nói, nhưng chúng không thể chối
cãi rằng chỉ có ông Ngô Ðình Diệm mới có uy tín quốc tế để phá vỡ huyền thoại Hồ
Chí Minh.
Chỉ
cần đặt một câu hỏi, một câu hỏi thôi: Sau khi bọn Tướng lãnh của Nam Việt Nam
nhận lệnh của quan thầy Mỹ để hạ sát ông Diệm một cách hèn nhát thì sau đó, miền
Nam Việt Nam được lãnh đạo như thế nào và chung cuộc số phận của miền Nam Việt
Nam tự do ra sao???
Phạm Kim Vinh