Sunday, March 16, 2014

Tình nghĩa TRỊNH CÔNG SƠN

Nhân đọc những bài của nhiều tác giả trên Việt Mercury số ra ngày thứ sáu 6-4-2001, tôi viết bài này không phải để trả lời, cũng không phải để phân trần, vì trên trang báo những tác giả bạn tôi cũng có, quen thân cũng có, quen sơ cũng có, mà chẳng quen cũng có. Tôi muốn viết cho con cháu tôi những thế hệ cần được nghe và muốn được hiểu thật đúng không tô mầu chuốc lục, và không mộng mị hóa, đễ vấn đề trở thành thời thượng.  

Có lẽ chỉ một mình tôi, trong đám bạn tập tễnh văn chương từ năm 1955, là có một lập trường hơi khác, tôi không cực đoan, càng không lãng mạng. Thực tâm mà nói đối với cộng đồng tỵ nạn, Trịnh Công Sơn chết không đáng được chiêm nghiệm, chiêu niệm như Ngọc Lan mới hôm nào qua đi. Ðám tang họ Trịnh nếu ở hải ngoại nó sẽ khác đi, vì nó không ân tình, không nghẹn ngào như ở quê nhà, việc nữ ca sĩ Khánh Ly thương mến họ Trịnh, chỉ là nhi nữ thường tình không nên bàn đến.  

30 tháng 4 năm 1975 ngày khó quên, trong ngày lúc 10 giờ Tổng Thống Dương Văn Minh kêu gọi quân nhân buông súng và ban giao cho người anh em bên kia, nghe tin này có những anh em lì lợm nhất, cũng phải bật khóc ngất, vang đâu đây tiếng lựu đạn nổ, từng chùm người ngã gục quyết tâm không buông súng, những người nặng nợ chưa vuốt mặt bạn bè xong, thì 12 giờ tiếng Trịnh Công Sơn vang vang trên làn sóng điện, có người cho rằng họ Trịnh bị bắt buộc phải lên tiếng như vậy, có đúng hay không xin quí vị hãy tiếp tục theo dõi tiếp bài này, không những vậy với lời tự phát nó có âm điệu khác với bị bắt buộc, tiếng nhạc đệm du ca xoáy giữa không trung bao la của căm hờn, tiếng thét uất hận gầm lên; Phải! có lẽ có người không nghe nên dễ quên, có người trong lúc không bị bức thiết, thì làm sao có nghẹn ngào.  

Trong cuộc chiến, khi đang đối đầu với đối phương, chúng tôi phải dùng kỹ thuật tác chiến để chiến thắng, nhưng khi chiến trường lắng đọng, chúng tôi đã từng băng bó vết thương cho tù binh, ân cần trao từng hơi thuốc lá, từng hớp nước khan hiếm giữa trường sơn cao ngất, tù binh đó nhưng tình người, tình dân tộc, đã che lấp hận thù. Hay tiếng hô nghiêm dõng dạc, động tác chào kính nghiêm trang, trước mộ chôn tập thể của những người anh em bên kia chiến tuyến, chúng tôi đã ân cần vuốt mặt lần cuối đầy tình nhân ái, tiếng súng đã ngưng, chúng tôi nhìn những anh em không may nằm xuống chỉ còn là con người với con người, không căm hận không suy tư, mà chỉ còn dùng tình người mà đối xử với nhau. Cho nên họ Trịnh sống hay chết không còn là vấn đề cần đặt ra. Chúng tôi chỉ đặt ra khi bất xứng .  

Những người cầm súng rất cương quyết, nhưng lại dễ quên và dễ tha thứ. Nhưng ngày tang của cả dân tộc mà đùa giỡn trên đau khổ được sao, chính tiếng đàn đó chúng ta đã tán thưởng, chính giọng ca đó chúng ta đã vỗ tay, nhưng nay chính thanh âm phát ra từ cuống họng đó, lại ca tụng đối phương bằng những lời lẽ mà khi chúng ta đã nghe thì nó đắng cay, nó miệt thị, để không bao giờ chúng ta có thể quên được, chính miệng họ Trịnh đã dõng dạc nói trên đỉnh nón sắt của người cầm súng ngày 30-4-75, nhiều lần lập đi, lập lại với cường điệu mỗi lúc một tăng: "Hôm nay ngày vinh quang của Dân Tộc, ngày này chúng ta đã mong đợi từ lâu, mời các bạn văn nghệ sĩ hãy về đây cùng ca với chúng tôi Nối Vòng Tay Lớn, vòng tay của anh em, của tình thương, của bẻ gẫy xích xiềng, của chống Mỹ, của diệt Ngụy" và cứ như vậy hết ca đến nói, hết nói đến ca, những tiếng đàn, những tiếng ca không phải của những người thân Cộng, càng không phải của những người ăn cơm Quốc Gia thờ ma Cộng Sản, mà là tiếng ca của quân thù dứt khoát như vậy, chắc chắn như vậy.

Chính sách vắt chanh bỏ vỏ là chính sách rất xưa của đỉnh cao trí tuệ miền Bắc, họ không tin ai, thà giết lầm hơn bỏ sót. Thiên bất dung gian, những tên 30 tháng 4, ngay cả những tên Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, sau khi gạn lọc, cả một nhóm người mới hôm qua huyênh hoang, nhưng nay bị cho về vườn, hoặc bị thanh toán, hoặc bị đi tù, hoặc bị đi kinh tế mới, lúc này họ Trịnh cũng cùng chung số phận với bọn 30-4, bọn Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, trong đó có cả các tướng như Trần văn Trà chẳng hạn .v.v.  

Trịnh Công Sơn trong lúc đang làm tại dài phát thanh cảm thấy bị loại trừ nên trốn ra Phú Cam, Huế tháng 11 năm 1975, nhưng làm sao thoát khỏi, họ Trịnh không hề bị đi cải tạo 4 năm như nhiều người lầm tưởng, mà họ Trịnh cũng không bị đi kinh tế mới tới 4 năm, họ Trịnh có bị đi kinh tế mới ở Khe Sanh, Quảng Trị từ tháng 12 năm 1975 đến cuối năm 1977. Thật đáng đời, trong giai đoạn này, một bức thư của họ Trịnh gừi cho Khánh Ly có đoạn như sau : Anh kể cho Mai (tên ca sĩ Khánh Ly) nghe, bây giờ anh giỏi hơn Mai nhiều, anh biết trồng khoai, trồng sắn ...”  

Cũng phản bội anh em chiến binh Hoa Kỳ, nhưng cô ca sĩ Joan Baez, dù không xin lỗi, cũng còn biết thốt lên “the wrong side won the War”; Cô đào rực lửa Jane Fonda thì tỉnh táo hơn còn biết xin lỗi các cựu chiến binh Hoa Kỳ về hành động phản bội của mình, tất cả đều được tha thứ. Trong khi đó có lúc nào họ Trịnh xin lỗi Quân Dân Miền Nam hay không? Tuy đang sống ở kinh tế mới họ Trịnh còn sáng tác :  

MỖI NGÀY TÔI CHỌN MỘT NIỀM VUI
Mỗi ngày tôi chọn ngồi thật yên
Nhìn rõ quê hương ngồi nghĩ lại mình
Tôi chợt biết rằng vì sao tôi song
Vì đất nước cần một trái tim
Và như thế tôi sống vui từng ngày  

Họ Trịnh thấm đòn nhưng không một lời nhận việc làm của mình là sai trái, vì họ Trịnh vẫn còn hy vọng, có dịp sáng tác bày tỏ lập trường, họ Trịnh còn cố gắng sáng tác, để thân phận đang bị quên lãng may ra còn lọt tròng mắt của cấp lãnh đạo miền Bắc, cho nên họ Trịnh cố vùng vẫy, cố phấn đấu với cửa quyền. Quả như vậy đầu năm 1978 họ Trịnh hân hoan sáng tác tại Sài Gòn nhạc phẩm :  

EM CÒN NHỚ HAY EM ÐÃ QUÊN
Em ra đi nơi này vẫn thế
Vẫn có em trong tim của mẹ
Thành phố vẫn có những ước mơ
Vẫn sống thiết tha
...................................
Vẫn lấp lánh hoa trên đường đi      

Bài hát này sáng tác trong lúc, quân cán chính của Miền Nam đang bị tù đầy khốn khổ , trong lúc gia đình ly tán, thây người trôi nổi trên biển Ðông, trong lúc nhà cầm quyền Hà Nội đang muốn thay đổi cách xưng hô với đồng bào tỵ nạn Cộng Sản từ : Họ Trịnh nhắn rằng: Các anh các chị bỏ quê hương ra đi, nhưng quê hương ta vẫn huy hoàng, vẫn lấp lánh hoa trên đường đi, Ðây cũng chính là lúc nhà cầm quyền muốn, đồng bào tỵ nạn Cộng Sản ở Hải Ngoại gửi quà thật nhiều về quê hương, để đồng bào ở quê nhà bớt đói khổ, vơi đi niềm uất hận, không vùng dậy chống đối chế độ hà khắc; Như vậy họ Trịnh sau khi bị đi Kinh Tế Mới, nay được trở về, đã đi đúng đường của chính quyền Cộng Sản Hà Nội  

Nếu nhiều tác giả (tôi thật sự không muốn nêu tên, tôi cho rằng đó chỉ là hứng thú sau tuần trà dư tửu hậu) cho rằng, họ Trịnh chỉ chống chiến tranh mà thôi chứ không chống gì người Quốc Gia, cứ cho là lập luận này đúng đi. Vậy thử hỏi cuộc chiến đẫm máu năm 1979 giữa hai nước Cộng Sản anh em Việt Nam và Campuchia, tại sao Trịnh Công Sơn không chống? Cuộc chiến này có chính nghĩa hay sao? Ðể hàng ngàn anh em vô tội phải bỏ xác bên xứ Chùa Tháp. Rồi nhạc phẩm cho một người nằm xuống, họ Trịnh không thương yêu gì Ðại Tá Lưu Kim Cương, cũng không phải thương nước yêu nòi, mà sáng tác do đơn đặt hàng, sự thật như vậy, anh em cầm viết thời đó không ai xa lạ gì. Có người còn cho rằng họ Trịnh được giới chức Hoa Kỳ, đã hứa cho máy bay bốc, đại gia đình họ Trịnh trên 50 người, nhưng giờ phút chót bị hủy bỏ, nếu không họ Trịnh cũng có mặt ở ngoại quốc như chúng ta. Xin thưa Hoa Kỳ là một nước pháp trị, mọi giới chức làm việc phải tuân theo luật lệ Hoa Kỳ, cho nên nếu họ Trịnh được một giới chức nào đó thuận cho đi, nếu có thật thì chỉ được thuận cho, cha mẹ vợ con mà thôi, nếu họ Trịnh lúc đó có quốc tịch Hoa Kỳ thì cũng chỉ thêm anh em ruột, vì vậy tin trên là tin "vịt cồ". 

Gần đây họ Trịnh bầy tỏ rõ ràng minh bạch như 2 với 2 là 4 , không nên lầm:  

TÌNH KHÚC Ơ BAI
Tôi đi bằng nhịp điệu một hai ba bốn năm
Em đi bằng nhịp điệu sáu bẩy tám chín mười
Ta đi bằng nhịp điệu không giống nhau
Ta đi bằng nhịp điệu sao khác mầu  

Họ Trịnh xác định rằng ông đi bằng một nhịp điệu khác , khác hẳn với người Tỵ Nạn Cộng Sản, một nhịp điệu khác mầu, mầu gì vậy? Xin thưa mầu Ðỏ phải khác với mầu Trắng giống sao cho được, ông muốn xác định rằng đường ai người nấy đi, nhận xét đích thực một nghệ sĩ, đứng đắn nhất là nhìn vào tác phẩm của ho, không nên bẻ qua khía cạnh tên tuổi, không nên bẻ qua tác phẩm hay dở, không nên thấy tên tuổi của họ được nhiều người biết đến mà quên đi chủ đích của họ, không nên có thiên kiến mà hãy thật thà với chính mình, đừng vì người sang bắt quàng làm họ, xin hãy nhìn xem tác phẩm ấy có lợi cho ai và bất lợi cho ai. 

Nếu nói những người có tên tuổi thơ, văn, nhạc, tôi thấy những vần thơ Xuân Diệu, Tố Hữu cũng hay vậy, tôi đã được nghe một ngâm sĩ miền bắc ngâm thơ Xuân Diệu, quả thật hay đáo để, rồi bài thơ của họ Nguyễn, được phổ nhạc :  

Nếu là chim tôi sẽ là chim bồ câu trắng
Nếu là người tôi sẽ chết cho quê hương tôi 

Nay mai chúng ta có thể sẽ vinh danh những vần thơ này, những tác giả này được không nhỉ? Năm 1980 chính ca sĩ Bùi Thiện đã dõng dạc ca, bài của họ Nguyễn tại San Jose Convention Center. Nếu ngày đó chúng ta im lặng, thì tình trạng cũ có thể nó lại xẩy ra; Tôi còn nhớ khi nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam, tích cực kêu gọi cứu nguy chế độ bằng cách kêu gọi: Cộng đồng tỵ nạn Cộng Sản hãy hà hơi tiếp sức cho chế độ, một trong cách hà hơi đó là hãy về "Thăm Quê Hương", mang càng nhiều Tiền về càng tốt, nằm trong chiến dịch đó, năm 1987 chúng cho phổ biến nhạc phẩm :  

"QUÊ HƯƠNG"
Quê hương là chùm khế ngọt
...............................................
Quê hương là con diều biếc
Tuổi thơ em thả trên đồng
.............................................
Quê hương nếu ai không nhớ
Sẽ không khôn lớn thành người  

Bản nhạc này hay quá phải không ạ, trong chiến dịch kêu gọi chúng ta về thăm quê nhà không hay sao được!!! Chúng ta biết nhưng im lặng, rồi trước năm 1990 một vị Ca Nhạc Sĩ không hiểu vô tình hay cố ý, hưởng ứng phổ biến bản nhạc này trong băng của mình đem bán, nhưng đồng bào âm thầm tẩy chay, băng nhạc này phải bầy bán, trong số 5 cuốn 10 dollars; Thật sự tôi không muốn nêu tên tuổi, tôi vẫn còn muốn anh trở về, với dòng thác Dân Tộc .  

Tôi xin thưa rằng bên phương trời bên kia, chúng ta có thể thấy một tác phẩm hay, một tác giả nào đó hay, cứ việc thưởng thức riêng tư, nhưng không bao giờ nên ca tụng trên báo chí, trên làn sóng phát thanh, hay giúp phổ biến; Nếu tiếp tay cho đối phương là chúng ta có tội với bằng hữu. Hỡi ai! Vì tôi chì giám nói với anh em tôi; Tôi tin tưởng rằng tôi còn nhiều anh em; Những người đã có lập trường dứt khoát, chúng ta có thể phản bội lại những ngưỡi anh em của chúng ta đã hy sinh hay sao?  

Họ đã hy sinh cho cuộc chiến bảo vệ tự do cho miền Nam, họ đã chết trong lao tù Cộng Sản, hay gục chết trên đường tìm tự do, hay đắng cay, tủi hận tự kết thúc cuộc đời vì chính nghĩa Quốc Gia Dân Tộc. Tất cả chỉ vì không bao giờ chịu đứng chung chiến tuyến với những người say mê, quên cả tình người, một điều khẳng quyết rằng, không bao giờ những người chúng ta quí mến, khi chết đi, lại được nhà cầm quyền Việt Nam Cộng Sản, cho tổ chức đám tang linh đình, và ngược lại!!!

Người chết là hết, nhưng xin đừng ca tụng một người khác nhịp tim với chúng ta ...

Tháng 4 năm 2001
Bùi Ðức Lạc

----ooOoo---- 


 

Xin mời tuổi trẻ VN hãy nghe lại một trong những ca khúc TCS đã viết hơn 40 năm trước để kêu gọi tuổi trẻ miền Nam VN nổi lên chống lại chính quyền VNCH (sic).
Giờ đây khi nghe lại mình nghĩ là TCS đã viết ca khúc nầy cho tuổi trẽ VN trong nước bây giờ thì có lẽ đúng hơn. Xin mời nghe…và suy nghĩ xem có đúng không.  Hãy tự hỏi mình sẽ phải làm gì đây..???
           
         

Đi Tìm Quê Hương
 
1. Người nô lệ da vàng ngủ quên
Ngủ quên trong căn nhà nhỏ
Đèn thắp thì mờ
Ngủ quên quên đã bao năm
Ngủ quên không thấy quê hương
Bao giờ đập tan gông cùm
Xiềng xích vô hình trói buộc dân ta
Bao giờ đập tan gông cùm
Xiềng xích vô hình trói buộc tự do
 
Người nô lệ da vàng bước đi bước đi
Đi về đầu non
Người nô lệ da vàng bước đi bước đi
Đi về biển xanh
Đi khâu vá con sông
Việt Nam hai mươi năm liền
Thịt xương phơi trên đôi miền
Đi cho thấy quê hương.
 
2. Người nô lệ da vàng ngồi yên
Ngồi yên trong căn nhà nhỏ
Đèn thắp thì mờ
Ngồi yên quên nước quên non
Ngồi yên xin áo xin cơm
Bao giờ đập tan gông cùm
Xiềng xích vô hình trói buộc đôi chân
Bao giờ đập tan gông cùm
Xiềng xích vô hình trói buộc hờn căm 
 
Người nô lệ da vàng bước đi bước đi
Đi về ruộng nương
Người nô lệ da vàng bước đi bước đi
Đi về đồi hoang
Đi nói với anh em
Đòi cho quê hương thanh bình
Dựng xây tương lai Tiên Rồng
 
Đi cho thấy quê hương
Đi cho thấy quê hương
Đi cho thấy quê hương
Đi cho thấy quê hương