Khu vực giám sát trường học lớn nhất Canada đã bỏ phiếu về
việc cắt đứt với Viện Khổng Tử của Trung Cộng. Trước đó nhiều trường đại học ở
Mỹ cũng đã làm vậy. Một giáo sư cho rằng Viện Khổng Tử đang được nhìn nhận như
chủ nghĩa đế quốc về văn hóa của nước này.
Cựu Chủ tịch Trung Cộng Hồ Cẩm Đào thăm một Viện Khổng Tử ở
Chicago (Mỹ) năm 2011
Ngày 30.10, các ủy viên của Hội đồng Trường học khu vực
Toronto (TDSB) - nơi giám sát các trường học công với 232.000 học sinh - đã tiến
hành cuộc bỏ phiếu về việc cắt đứt quan hệ với Viện Khổng Tử của Trung Cộng,
sau khi các phụ huynh, giáo viên và học sinh phản đối bất kỳ sự liên quan nào của
Chính phủ Trung Cộng vào các trường học ở Canada. Là một cơ quan phi lợi nhuận
do Chính phủ TC tài trợ, Viện Khổng Tử đã được hy vọng là cầu nối trao đổi văn
hóa và ngôn ngữ, nhưng TDSB đã nhận thấy “mối quan hệ đối tác này không phù hợp
với các giá trị của cộng đồng” - như lời ủy viên TDSB Pamela Gough phát biểu.
Cho dù chỉ vài ngày nữa là tới chuyến thăm của Thủ tướng
Canada Stephen Harper tới Bắc Kinh và hành động nói trên sẽ khiến Trung Cộng
không hài lòng, song TDSB vẫn tiến hành cuộc bỏ phiếu.
Trước đó, tại Mỹ, đầu tháng 10 vừa qua, Đại học Tổng hợp
bang Pennsylvania đã chấm dứt mối quan hệ kéo dài 5 năm với Viện Khổng Tử
với lý do khác biệt giữa hai bên. Đại học Tổng hợp Chicago cũng cắt đứt
quan hệ với viện này hồi tháng 9.
Trong bài viết với tựa đề “Trung Cộng có phạm tội chủ nghĩa
đế quốc văn hóa” trên CNN hôm 21.10, ông Tao Xie - giáo sư khoa học chính trị tại
Trường Anh ngữ và Nghiên cứu Quốc tế, Đại học Nghiên cứu nước ngoài Bắc Kinh -
cho biết, “đến cuối năm 2013, đã có 440 Viện Khổng Tử và 646 lớp học Khổng Tử ở
120 nước. Kể từ khi thành lập Viện Khổng Tử đầu tiên ở Hàn Quốc năm 2004, con số
này thực sự là “bước đại nhảy vọt” về văn hóa nhằm vào người nước ngoài” - Giáo
sư Tao Xie viết.
Tuy nhiên, ông Tao Xie nhấn mạnh: “Cho dù giới thiệu văn hóa
và ngôn ngữ là một ý tưởng tốt, song các nỗ lực ồ ạt khi làm như vậy qua Viện
Khổng Tử đã đem lại ấn tượng rằng TC đang thực hiện một chiến dịch về hệ tư tưởng
trên toàn cầu”.
Bài viết của ông Tao Xie cho biết: “Các quan chức TC có vẻ
quan tâm đến quan điểm cho rằng, mặc dầu TC đã sở hữu sức mạnh cứng đáng sợ - về
mặt kinh tế và quân sự - song họ sẽ không được xem là một cường quốc toàn cầu
thực sự giống như Mỹ, cho tới khi họ sở hữu cả sức mạnh mềm cũng to lớn như vậy.
Các yếu tố của sức mạnh mềm TC thường được người nước ngoài
nhắc tới là Vạn Lý Trường Thành, Tử Cấm Thành, gấu trúc, võ kung fu, và Nhà hát
Bắc Kinh. Nhưng ngoại trừ gấu trúc, thì tất cả những thứ còn lại đều là sản phẩm
văn hóa của TC cổ. Cái TC thực sự thiếu không phải là văn hóa, mà là văn hóa hiện
đại để có thể giao tiếp với người dân trên khắp thế giới”.
Ông Tao Xie cũng nhận ra rằng, việc thúc đẩy Viện Khổng Tử
đã gây nhiều tranh cãi và bị xem là “dấu hiệu của chủ nghĩa thực dân văn hóa của
một TC đang lên”.
Với cái nhìn từ trong nước chiếu ra nước ngoài, ông Tao Xie
nhận xét: Một số giá trị cốt lõi của Khổng giáo - chẳng hạn như sự quan trọng
vượt bậc của nhà nước so với cá nhân, một xã hội thứ bậc, sự sùng bái chính quyền
- tất cả đều không khớp với những xu hướng đang nổi trội của thế giới hiện đại.
Ông Tao Xie cũng cho rằng, cốt lõi của sức mạnh mềm của TC
là phải hiện đại hóa nền văn hóa thay vì tiếp thị di sản văn hóa cổ của họ. Sự
hiện đại hóa văn hóa đó bao gồm không chỉ các sản phẩm văn hóa hấp dẫn hơn và sự
đổi mới kinh doanh, mà còn là cải cách cơ bản trong các cơ quan chính trị của
TC. Ông Tao Xie còn viết, các nhà lãnh đạo TC nên ít lo ngại về việc có ít sức
mạnh mềm ở nước ngoài hơn, mà nên chú trọng hơn đến việc xây dựng một xã hội
công bằng, tự do và thịnh vượng trong nước.
Các quan sát khác cho rằng, Viện Khổng Tử gây lo ngại ở nhiều
nước không chỉ vì “ấn tượng” mà công việc của viện này tạo ra, như trong cách
nhìn của Giáo sư Tao Xie. Reuters cho biết, việc đóng cửa ở Mỹ và Canada là do
lo ngại Viện Khổng Tử đã hạn chế tự do học thuật, giám sát sinh viên Trung Cộng
ở nước ngoài và quảng bá các mục đích chính trị của Trung Cộng.
Vĩnh Nguyên
BM’s Blog