(Đức Đạt Lai Lạt Ma, người thứ hai trong hình, 24 tuổi, đang trên
đường vượt thoát từ Tây Tạng sang Ấn Độ, tháng Ba 1959)
“Ngày 20.09.2013 khi người Việt tại Đức được vinh dự đón
Đức Dalai Lama tại chùa Viên Giác, Ngài đã kể lại 1 câu chuyện thật cảm động.
Những thập niên 50, Mao Trạch Đông xua quân vào Tây Tạng giết sư, đốt chùa và
gây ra hằng hà xa số tội ác với 1 dân tộc Tây Tạng hiền lành chịu đựng. Năm 1959
Đức Dalai Lama phải cùng dân tộc của Ngài từ bỏ quê hương lên đường tỵ nạn. TQ
lúc bấy giờ như con hổ đói, họ dùng đủ mọi cách để truy lùng …Ngài. Khoảng thời
gian đó trên thế giới ít người biết và để ý đến tình hình xảy ra ở Tây Tạng, và
cũng chẳng ai biết gì về 1 thanh niên với nụ cười thật nhân hậu đang dìu dắt
dân tộc mình lánh nạn trước mũi súng bạo tàn của Mao Trạch Đông. Ấn Độ luôn có
đụng độ với TQ về vấn đề biên giới, vi vậy họ không muốn làm tình hình căng thẳng
thêm, nên cũng chẳng tha thiết giúp đỡ đoàn người tỵ nạn đến từ Tây Tạng. Tin tức
về tình hình bi đát từ Tây Tạng chẳng được loan truyền, lại bị TQ cô lập thông
tin toàn diện, nên thế giới chẳng ai biết đến mà quan tâm. Đoàn người tỵ nạn vì
vậy thiếu thốn cơ cực đủ điều, tình hình lúc bấy giờ thật nghiệt ngã.
May thay ở vùng Đông Nam Á có 1 vị Tổng Thống cũng nhân đạo
không kém. Ông từng biết thế nào là tỵ nạn CS, vì chính ông cũng đã mở rộng
vòng tay đón tiếp và giúp đỡ hằng triệu đồng bào của ông chạy nạn CS từ Bắc vào
Nam… Đó là cố TT Ngô Đình Diệm, một vị Tổng Thống Công Giáo, đã âm thầm gửi
hàng tấn gạo để cứu khổ những người Phật Giáo Tây Tạng. Một miếng khi đói bằng
một gói khi no, Đức Dalai Lama bồi hồi khi kể lại sự giúp đỡ của cụ Diệm đối với
dân tộc của ông vào những ngày tháng khó khăn nhất”.
Vài hôm sau tôi nhận bài viết phản
bác bài viết trên với cái tựa khá dài “ĐỨC DALAI LAMA, ÔNG NGÔ ĐÌNH DIỆM VÀ MẶC CẢM
TỘI LỖI CỦA NHÓM “HOÀI NGÔ” của tác giả Nguyễn Kha. Tác giả
dành khá nhiều công sức để tìm kiếm gần như tất cả các phương tiện truyền thông
thông dụng, từ google cho đến các trang web Tây Tạng và nhất là nghe kỹ youtube
thu lại buổi thuyết pháp của Đức Đạt Lai Lạt Ma ở chùa Viên Giác.
Theo tác giả Nguyễn Kha, ngoài
ba lần nhắc đến Việt Nam trong chiến tranh, trong toàn bộ buổi thuyết pháp “Đức Dalai Lama đã không còn đả động gì đến Việt Nam nữa. Nhất là Ngài
HOÀN TOÀN KHÔNG NÓI MỘT TIẾNG “PRESIDENT DIEM” HAY MỘT TIẾNG “RICE DONATION”
NÀO CẢ. Do đó, dĩ nhiên là không có câu
chuyện hoang đường “Đức Dalai Lama bồi hồi khi kể lại sự giúp đỡ của cụ Diệm”
đã “âm thầm gửi hàng tấn gạo để cứu khổ những người Phật Giáo Tây Tạng.” như
“Chị Hoa Lan” đã gian trá phịa ra”.
Đến Viên Giác, Hannover, Đức
Một lần, bạn tôi, Luật sư Nguyễn
Xuân Phước ở Dallas gọi để thảo luận về chuyện “TT Ngô Đình Diệm
tặng gạo cho dân Tây Tạng” này. Tôi nói với anh, trên quan điểm
chính trị và nhân đạo, tôi tin là có nhưng thú thật tôi không chứng minh được bằng
tài liệu nào. Biết tôi sắp đi Đức, anh Phước dặn tôi để đích thân nhờ Hòa Thượng
Thích Như Điển, Phương trượng chùa Viên Giác, Hannover xác nhận dùm chuyện
“hàng tấn gạo” này. Tôi hứa sẽ bạch với thầy.
Tôi đến Hannover chiều thứ Năm
tuần trước. Lần đầu đến viếng chùa Viên Giác, nhưng về tình cảm, với tôi đây là
chuyến trở về. Viên Giác Hannover không có bóng đa già và những mùa thu ngập lá
như Viên Giác Hội An. Viên Giác Hannover không có thằng bé ngồi nhìn bóng trăng
soi trên sân gạch mà nhớ đến mẹ mình trong những đêm rằm Vu Lan tháng Bảy như
Viên Giác Hội An. Cây đa già đã chết, thằng bé đã đi xa nhưng ký ức của một phần
đời cô đơn nhất vẫn còn nguyên vẹn trong tâm hồn nó.
Sau những chuyện riêng tư, thăm
hỏi sức khỏe, tôi bạch với Hòa thượng Thích Như Điển trong thời gian Đức Đạt
Lai Lạt Ma viếng thăm chùa Viên Giác hôm 20 tháng 9, 2013, khi ngài thuyết
pháp, khi ngài trò chuyện, khi ngài nói trong chương trình, khi ngài thăm hỏi
ngoài chương trình, có bao giờ Đức Đạt Lai Lạt Ma nhắc
đến việc “TT Ngô Đình Diệm, một vị Tổng Thống Công Giáo, đã âm thầm gửi hàng tấn
gạo để cứu khổ những người Phật Giáo Tây Tạng” không? Hòa thượng Như Điển xác định
“Không”.
Nhưng rồi hòa thượng nói tiếp,
sau khi đọc bài viết chính hòa thượng cũng thắc mắc về chuyện “hàng tấn gạo” và
bảo các đệ tử, trong đó có nhiều người tu học tại Ấn Độ truy cứu tài liệu để
tìm xem nếu Việt Nam Cộng Hòa đã từng viện trợ gạo cho nhân dân Tây Tạng. Ngày
7 tháng 8 vừa qua, hòa thượng nhận được kết quả truy cứu.
Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa đã hai lần tặng gạo cho dân tỵ
nạn Tây Tạng
Tài liệu xác nhận Việt Nam Cộng Hòa đã có cứu trợ gạo cho dân tỵ nạn Tây Tạng tại Ấn, và không chỉ cứu trợ “hàng tấn gạo”, vài chục ngàn tấn mà đã gởi hai lần tổng cộng một ngàn năm trăm tấn gạo qua trung gian chính phủ Ấn. Hòa thượng chuyển cho tôi nguyên văn tài liệu và cả đường link dẫn đến tài liệu. Ngài cũng khuyến khích tôi dịch các đoạn liên hệ đến Việt Nam để phổ biến cho công chúng. “Sự thật cần phải làm sáng tỏ”, thầy dặn tôi như thế.
Tài liệu xác nhận Việt Nam Cộng Hòa đã có cứu trợ gạo cho dân tỵ nạn Tây Tạng tại Ấn, và không chỉ cứu trợ “hàng tấn gạo”, vài chục ngàn tấn mà đã gởi hai lần tổng cộng một ngàn năm trăm tấn gạo qua trung gian chính phủ Ấn. Hòa thượng chuyển cho tôi nguyên văn tài liệu và cả đường link dẫn đến tài liệu. Ngài cũng khuyến khích tôi dịch các đoạn liên hệ đến Việt Nam để phổ biến cho công chúng. “Sự thật cần phải làm sáng tỏ”, thầy dặn tôi như thế.
Tôi thật có duyên với câu chuyện
“hàng tấn gạo” này vì người đón gia đình tôi ở phi trường và cả nhà ga Berlin lại
là chị Hoa Lan. Chúng tôi không biết nhau trước. Chị ở Berlin nên Hòa thượng
Phương Trượng chùa Viên Giác nhờ chị đón chúng tôi ở phi trường, đưa sang nhà
ga đi Hannover và đón chúng tôi khi về lại Berlin. Khi chị đón tôi ở nhà ga
Berlin, trên đường về khách sạn, tôi hỏi có phải chính chị đã nghe đức Đạt Lai
Lạt Ma nói rằng “TT Ngô Đình Diệm, một vị Tổng Thống Công Giáo, đã âm thầm gửi
hàng tấn gạo để cứu khổ những người Phật Giáo Tây Tạng” hay không? Chị Hoa Lan
trả lời “Không”. Chị Hoa Lan cũng không biết ai đã dùng tên chị để đưa vào bài
viết. Vì tôi đã được hòa thượng xác nhận bằng tài liệu chính thức của chính phủ
Ấn nên việc chị Hoa Lan có nói hay không không còn là chuyện quan trọng.
Giá trị của tài liệu
Tài
liệu do Hòa thượng Như Điển chuyển dày 116 trang do Trung Tâm Nghiên Cứu Chính
Sách và Quốc Hội Tây Tạng (Tibetan Parliamentary and Policy Research Centre)
công bố năm 2006. Trung tâm đặt văn
phòng tại H-10, 2nd Floor, Lajpat Nagar – III, New Delhi – 110024, INDIA. Đây
là tổng kết các biên bản ghi lại các buổi phỏng vấn các lãnh đạo trong chính phủ
Ấn Độ. Những người được phỏng vấn có Thủ tướng Shri Jawaharlal Nehru, Bộ Trưởng
Ngoại Giao Shrimati Lakshmi Menon, Bộ trưởng Thương mại Shri D.P. Karmarkar, Thứ
trưởng Ngoại Giao Shri A.K. Chanda, Bộ trưởng Thương Mại và Kỹ Nghệ Shri T.T.
Krishnamachari và nhiều viên chức cao cấp khác có liên hệ đến tiến trình định
cư người tỵ nạn Tây Tạng tại Ấn từ năm 1952 đến năm 2005.
Phỏng vấn Thủ tướng Nehru
Ngày 19
tháng 12 năm 1960, người phỏng vấn tên Shri
Harihar Patel hỏi Thủ Tướng Shri Jawaharlal Nehru: “Thủ tướng vui lòng cho biết
tên các quốc gia, cơ quan cứu trợ tư có liên hệ đến công việc cứu giúp và định
cư người tỵ nạn Tây Tạng tại Ấn và số lượng cũng như tên các trại do các cơ
quan đó điều hành tại Ấn, Sikkim và Bhutan?”
Thủ tướng Shri Jawaharlal Nehru:
“Các chính phủ Úc, Mỹ và Tân Tây
Lan đã viện trợ 10 lakhs Rupees, 4,75,000 Rupes, 2,63,920 Rupees theo thứ tự để
chính phủ Ấn chi dùng cho các chương trình tỵ nạn Tây Tạng. Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa tặng
1300 tấn gạo” (trang 58/116).
Các cơ quan thiện nguyện tư cung
cấp thức ăn, áo quần, thuốc men v.v. gồm có
1. Co-operative for American
Relief Everywhere;
2. American Emergency Committee
for Tibetan Refugees;
3. Catholic Relief Services in
India;
4. National Christian Council of
India;
5. World Veterans’ Federation;
6. Indian Red Cross Society;
7. Junior Chamber International;
8. The Buddhist Society of
Thailand. Không có một trại tỵ nạn nào được đặt dưới sự điều hành bởi các cơ
quan từ thiện ngoại quốc.”
Phỏng vấn Bộ Trưởng Ngoại Giao Shrimati Lakshmi Menon
Ngày 30 tháng Tư, 1962, người phỏng
vấn tên Shri N. Sri Rama Reddy phỏng vấn Bộ Trưởng Ngoại Giao Ấn Shrimati
Lakshmi Menon: “Thủ tưởng có vui lòng cho biết
đúng hay không rằng Chính phủ Nam Việt
Nam đã đề nghị tặng 200 tấn gạo
để cứu giúp người tỵ nạn Tây Tạng tại Ấn Độ”. Bộ trưởng Ngoại Giao Ấn Shrimati Lakshmi Menon đáp “Đúng vậy, thưa ông”. (trang 71/116).
Như vậy, việc
chính phủ Việt Nam Cộng Hòa không chỉ một lần mà hai lần và cũng không chỉ vài
ngàn mà hàng ngàn tấn gạo là chuyện that.
Người xác nhận nghĩa cử cao quý
của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa không phải là một viên chức cấp thấp chăm lo
công việc cứu trợ hay một phóng viên báo chí góp nhặt tin tức đó đây mà chính từ lời phát ngôn trang trọng của cố Thủ Tướng Shri Jawaharlal
Nehru, người có thẩm quyền cao nhất của chính phủ Ấn và cũng là nhà kiến trúc
nên quốc gia dân chủ Ấn Độ hiện đại ngày nay.
Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa tặng
gạo cả hai lần đều qua trung gian của chính phủ Ấn và các trại tỵ nạn Tây Tạng
ngày đó như Thủ Tướng Shri Jawaharlal Nehru xác nhận, đều đặt dưới quyền điều
hành của các cơ quan xã hội Ấn nên đức Đạt Lai Lạt Ma có thể không biết.
Lý do không “hoang đường” mà rất đơn giản và dễ hiểu.
Về mặt nhân đạo, việc cố Tổng thống
Ngô Đình Diệm tặng gạo cho nhân dân Tây Tạng phát xuất từ tình người. TT Ngô
Đình Diệm đâu cần phải vượt qua hàng rào tôn giáo như người viết bài gán ghép
cho cố tổng thống. TT Ngô Đình Diệm cũng không phải “âm thầm” giúp đở chỉ vì
ngài là “Tổng Thống Công Giáo” mà lại giúp đở “những người Phật Giáo Tây Tạng”.
Đạo Công Giáo chẳng những không
cấm cản mà còn khuyến khích con cái Chúa giúp đở những người khó khăn, đói
khát, chịu đựng không cùng tôn giáo. Hình ảnh Mẹ Teresa sẽ mãi mãi như ánh
trăng thương yêu soi sáng sông Hằng Hindu Ấn Độ. Hàng triệu người Việt tỵ nạn Cộng Sản sau 1975 đã vượt
qua được chặng đường đầu đầy khó khăn phần lớn cũng nhờ vào bàn tay cứu giúp của
những người không cùng tôn giáo.
Về mặt chính trị, cố Tổng thống
Ngô Đình Diệm chắc chắn biết rằng Việt Nam Cộng Hòa và Tây Tạng có nhiều điểm
giống nhau về hoàn cảnh lịch sử và địa lý chính trị. Hai dân tộc từng chịu đựng
dưới ách thống trị của phong kiến Trung Hoa, hai quốc gia nhỏ chịu số phận vùng
trái độn sát biên giới Trung Cộng, hai cuộc di dân tìm tự do trong đói khát, chịu
đựng, viện trợ gạo, do đó, là một cách để thế giới thấy rằng Việt Nam Cộng Hòa
luôn đứng về phía những người cùng chiến tuyến tự do. Tổng thống Ngô Đình Diệm
không làm việc đó trong “âm thầm” mà đã chính thức thông báo cho Thủ tướng Ấn Độ
Shri Jawaharlal Nehru biết và được thủ tướng vui mừng đón nhận. Ngày nay rất
nhiều quốc gia có cảm tình với Tây Tạng nhưng trong thời điểm 1960 chỉ vỏn vẹn
bốn quốc gia, trong đó có Việt Nam Cộng Hòa đã đóng góp trực tiếp vào việc cứu
trợ dân tỵ nạn Tây Tạng. Và trong số bốn quốc gia, Việt Nam Cộng Hòa có thể là
nước nghèo nhất về của cải nhưng giàu hơn nhiều cường quốc về lòng nhân đạo.
Hai lý do đó chẳng “hoang đường”
nhưng rất đơn giản và dễ hiểu mà vị lãnh đạo một quốc gia cùng số phận với Tây
Tạng hẳn phải biết.
Cố Tổng thống Ngô Đình Diệm có đức
tính sống cao cả hơn và có một tâm hồn trong sáng hơn nhiều người đang “ca tụng”
hay “vinh danh” ngài. Nếu biết kính trọng, hãy để ngài là cố Tổng Thống Việt
Nam Cộng Hòa, đừng cô lập ngài thành một vị “Tổng Thống Công Giáo”. Lịch sử để
lại nhiều vết thương đau nhưng không có vết thương đau nào là của riêng Công
Giáo hay Phật Giáo mà là vết thương đau của dân tộc.
Phản bác bài viết “Câu chuyện thật
cảm động của đức ĐẠT LẠI LẠT MA nói về ĐỆ NHẤT VNCH”, tác giả của bài “ĐỨC
DALAI LAMA, ÔNG NGÔ ĐÌNH DIỆM VÀ MẶC CẢM TỘI LỖI CỦA NHÓM “HOÀI NGÔ” cũng chẳng
xây dựng hay tích cực gì hơn. Thái độ hiềm khích, hằn học thể
hiện ngay trong cách dùng từ, đặt tựa.
Không thể đánh giá một con người
đã sống, một biến cố đã xảy ra hơn nửa thế kỷ bằng tiêu chuẩn ngày nay. Phương
pháp đó thiếu đặc tính khách quan và lịch sử. Dân chủ là một tiến trình từ thấp
đến cao, từ non trẻ đến trưởng thành chứ không phải là một sản phẩm được chế tạo
theo một công thức, mẫu mực nhất định hay được nhập từ một quốc gia nào. Nền
dân chủ Mỹ trả giá bằng sinh mạng của sáu trăm ngàn người lính hai miền trong
năm năm nội chiến. Nền dân chủ Nam Hàn cũng phải chịu đựng ám sát, đảo chính, độc
tài, tham nhũng trước khi trở thành một trong G20 của thế giới ngày nay.
Việt Nam Cộng Hòa, sau hiệp định
Geneva, từ một thường dân cho đến nguyên thủ quốc gia đều bắt đầu hành trình
dân chủ đầy gai góc bằng hai bàn tay trắng, vừa học vừa hành trong máu và nước
mắt. Không ai muốn nhưng đã để lại những hố sâu, những vết nứt trên đường đi của
các thế hệ hôm nay. Một người Việt Nam có trách nhiệm, nếu không giúp lấp lại
những cách ngăn, không giúp xoa dịu nỗi đau, không giúp bắt một nhịp cầu cảm
thông thì cũng không nên đào sâu thêm hố hận thù, chia rẽ trong lòng một dân tộc
đang quá khao khát thương yêu và đoàn kết.
Trần Trung Đạo
(Trên xe lửa từ Berlin đi Prague, chiều 26-8-2014)
(Trên xe lửa từ Berlin đi Prague, chiều 26-8-2014)
THAM KHẢO:
– Indian Parliament on the issue of Tibet RAJYA SABHA
DEBATES 1952 -2005 http://www.tpprc.org/publication/rajya_sabha_debates_on_tibet-2006.pdf