Wednesday, August 22, 2012

Lưu vong trên chính quê mình


Chưa bao giờ tôi nghĩ mình là kẻ lưu vong. Tôi đang sống trên đất nước mình, nơi ông cha tôi đã sống. Thế mà nhìn kỹ lại, tôi thấy mình đúng là kẻ đang lưu vong trên chính quê hương yêu dấu của mình. Tại sao vậy?

Bởi vì, gần suốt cuộc đời trưởng thành tôi sống mà không muốn tham gia vào guồng máy chính trị xã hội hiện hữu. Bởi vì tôi hoàn toàn không đồng ý với cái thể chế cộng sản này, hoàn toàn không đồng ý với những gì họ đã và đang làm trên đất nước tôi, với dân tộc tôi. Tôi đã phải sống ở trong nó, nhưng tôi không thể thay đổi nó từ bên trong, mà nó có thể thay đổi tôi, sẽ nghiền nát tôi. Nó bắt tôi tham gia công cuộc tàn bạo phá hoại đất nước con người, dân tộc Việt của nó mà tôi không đồng ý.

Để khỏi bị thay đổi hay bị nghiền nát, tôi đã phải thoát ra khỏi nó. Và tôi đã và đang cố sống “ngoài cuộc” và “ngoài xã hội” đó (không biết có khái niệm đó hay có thể gọi như thế được không?) suốt hơn mấy chục năm qua với tư cách một người trưởng thành.

Thế nào là “cuộc sống ngoài cuộc”, “ngoài xã hội” của tôi: là tôi từ chối vào đảng hay tham gia mọi hoạt động chính trị của chính quyền từ thời sinh viên, tôi từ chối và chưa bao giờ đi bầu cử, tôi không làm việc cho cơ quan nhà nước, tôi dậy các con không vào đội vào đoàn vào đảng CS dù chúng có bị phân biệt đối xử và bị áp lực từ nhà trường, bị không được thi đại học… Có thể nói: tôi tự lưu vong cuộc sống tinh thần mình của mình và gia đình vì tôi cho rằng đó là cách tốt nhất để chúng tôi có cuộc sống tinh thần trong sạch và tự do trong xã hội CS đang thoái hoá hiện nay trên đất nước này.

Tôi chợt nhận ra, nếu nghĩ thế, cha tôi cũng là kẻ suốt đời đã lưu vong, và con gái tôi hôm nay cũng đang lưu vong phiêu bạt xứ người…

Vậy chúng tôi là ai?

Cuộc lưu vong của cha tôi

Ông bà nội tôi là nông dân miền Tây Nam bộ nghèo và đông con nên cha tôi đã phải theo chị Hai mình phiêu bạt lên Sài gòn kiếm sống từ bé. Cha tôi giúp chị bằng nghề đánh giày, đến 14 tuổi thì được vào làm thợ học việc ở Bason… Trong thời gian đó ông nội tôi bị chết trong tù do đã tham gia cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ năm 1940. Cha kể, ông nội bị bắt cùng với một cán bộ CS cấp trên và người này sau đó đã khai chính ông nội mới là cán bộ cấp trên… (điều này sau này bà nội tôi cũng nói vậy, tôi không kiểm chứng được).

Mười bảy tuổi cha trốn cô Hai tôi lên chiến khu Đồng tháp, gia nhập Tiểu đoàn 307, làm lính quân giới. Năm 1954 cha tôi tập kết ra Bắc làm công nhân cơ khí tại các nhà máy nhiệt điện ở miền Bắc, gặp và cưới mẹ chúng tôi, sau 75 đưa cả nhà tôi vào Nam…

Ông ngoại tôi là giám đốc một nhà máy lớn, một cán bộ cách mạng tiền khởi nghĩa ở miền Bắc, mến anh cán bộ miền Nam tập kết tài hoa, hiền lành mà cô đơn, nên gả con gái cho.

21 năm cha tôi sống trên đất Bắc, bây giờ tôi mới hiểu đó là cuộc sống bị lưu vong của ông. Suốt mười năm trước khi ra nước ngoài học (tử 7 đến 17 tuổi) tôi đã được sống rất gần cha, đã được chứng kiến nhiều thăng trầm của cha mà tôi khi đó chưa hiểu. Cha là người thợ cơ khí tài hoa hiếm có, có bàn tay vàng, “có thể sửa chữa mọi hư hỏng của máy móc”, cha luôn phải có mặt sau những trận bom xuống các nhà máy điện để phục hồi chúng vì cha tôi là một trong số ít người giỏi nhất…và cha tôi đã làm việc không quản ngày đêm. 21 năm đó sức lực tài năng của cha tôi đã bị vắt kiệt để lại cho ông bệnh tim bệnh lao nặng, nhưng người ta không trọng dụng cha tôi. Cha tôi bị coi là cán bộ “bất mãn” vì ông cực ghét tham nhũng, ông căm thù giả dối, ông khinh bỉ bọn cán bộ hủ hoá đạo đức giả, ông sống rất thẳng không biết thủ đoạn là gì…

Dù còn bé, tôi đã thấy cha mình đơn độc, thỉnh thoảng có mấy người bạn tâm giao thì họ cũng bị cô độc giống cha tôi. Tôi đã từng thấy cha mình nửa đêm tỉnh dậy và khóc một mình nhiều lần chỉ có tôi nghe và giả vờ đang ngủ... Tôi đã từng nghe cha cùng các bạn chửi cán bộ là “tụi nó độc ác, vô lương tâm, mất tính người…”. Tôi đã cười khi thấy cha vô cùng sợ cái rét miền Bắc mà không biết 21 năm đó cha còn có 21 mùa đông CS khác trong lòng dài và rét buốt hơn nhiều. Lớn lên, tôi không còn nghe cha tôi hát bài “Tiểu đoàn 307” nữa, mà cha tôi chỉ hát duy nhất bài “Con kênh xanh xanh”…

Sau 1975, trở lại Sài gòn với “tư thế người chiến thắng” mà tôi thấy cha mình luôn buồn rười rượi. Cha bỏ bao công sức đi bảo lãnh, đi cứu những người bạn bè, bà con “ở phía bên kia” khỏi sự trả thù tàn ác của các “đồng chí” của cha – những kẻ cha nguyền rủa. Cha tôi sớm ra đi sau một cơn đau tim gây nên bởi cuộc đấu tranh chống tham nhũng của ông chống những người đồng chí của mình. Hơn chục năm “sống trong chiến thắng” với cha tôi tiếp tục là chiến bại trong lòng. Cha tôi đã từ bỏ lý tưởng cộng sản ít lâu trước khi mất, cha tôi đã rất đau khổ vì đã góp phần làm đất nước mình đau khổ. Vậy là cha tôi suốt đời lưu vong, trên đất Bắc rồi lại trên chính đất Sài gòn nơi bà nội và cô Hai đã nuôi cha lớn…

Cuộc sống lưu vong trên chính quê hương mình của tôi

17 tuổi, tôi được chế độ cộng sản cho đi du học Đông Âu vì lý lịch tốt (cha ông cộng sản) và thành tích học tập tốt. Nhưng ở Đông Âu tôi đã nhanh chóng nhận ra bộ mặt thật thiếu tính người của các chế độ cộng sản, như cha tôi đã nhận ra trong 21 năm ông cùng các bạn tâm giao bị lưu vong trên miền Bắc.

Tôi từ chối vào đảng từ thời sinh viên đó. Sau hơn 10 năm du học nghiêm túc với vài bằng cấp đại học và sau đại học, tôi được nhận vào làm nhân viên đại sứ quán VN tại Đông Âu, nhưng tôi lại chọn trở về vì muốn được cống hiến cho đất nước đã cho tôi đi học (dù sao tôi cũng là “sản phẩm tốt” của mái trường XHCN!). Nhưng sau 10 năm tận tụy “cống hiến”, tôi nhận ra mình càng cố gắng làm việc nhiều và càng làm tốt bao nhiêu thì mình càng vô tình càng làm hại nước hại dân nhiều hơn. Ở cơ quan, người ta muốn tôi vào đảng, người ta muốn tôi vào “dây lợi ích” thì người ta sẽ cho tôi làm giám đốc, tổng giám đốc (vì tôi có đủ mọi điều kiện) và tôi “sẽ có mọi thứ”, mà tôi chỉ muốn là một giám đốc kỹ thuật đứng ngoài đảng… vì những thất vọng về đảng CS của cha tôi đã được tôi tự kiểm chứng là đúng.

“Một giám đốc kỹ thuật kiên quyết không vào đảng” như tôi trở thành cái gai của chế độ, dù tôi có làm việc tốt đến thế nào họ - cả một bộ máy tổ chức - cũng luôn cố tình hãm hại tôi. Cuối cùng, tôi thấy cách cống hiến cho dân nước tốt nhất và an toàn của một công dân là đừng tham gia vào bộ máy hại nước hại dân. Và đó là điều tôi đã lựa chọn: an toàn cho mình và vợ con, tôi bỏ nhà nước.
10 năm đầu làm cho nhà nước, tôi cô đơn và chỉ có công việc làm niềm vui. Gần 20 năm sau ra ngoài làm ăn và kiên quyết không dính vào bọn nhà nước với các dây tham nhũng của chúng, tôi càng tiếp tục cô đơn hơn và tất nhiên rất khó làm giàu. Nhưng tôi được tự do tinh thần và tư tuỏng, được giữ lương tâm trong sạch, tấm lòng thanh thản…Chúng tôi đã mất gần 20 năm để (hai kẻ trí thức) tay trắng làm lại tất cả trên thị trường tư nhân “tự do nửa với” này: nuôi hai con, lập và tập làm doanh nghiệp, giữ mình, dạy con, kinh doanh và sống theo ý mình cho là đúng là tốt…

Cảm giác xã hội chung của tôi những năm qua vẫn là cô đơn, sống bên ngoài xã hội, nhưng chúng tôi tự do và thanh thản và tất nhiên là rất hạnh phúc trong gia đình!

Cô đơn bởi vì tôi thậm chí không có bạn tâm giao mà chia sẻ như cha tôi. Với tôi đó là sự nguy hiểm. Tôi chỉ thấy bớt cô đơn khi mình lên mạng và tìm được nhiều người bạn ảo tâm đầu ý hợp. Tôi cũng buồn vui theo cuộc sống trên mạng của mình. Nhưng tôi tin ở trong nước, những người đang sống và “tự lưu vong chính trị” như tôi rất nhiều. Có khi họ là hàng xóm của tôi mà tôi không biết.

Thế đấy, ngoài đời thật, đúng là tôi có cuộc sống tự lưu vong chính trị hoàn toàn trên chính quê hương mình. Tôi cảm thấy mình đang đợi những người bạn tâm giao. Chúng tôi đã tự đến với nhau, trên mạng. Một ngày tới, chúng tôi sẽ gặp nhau trên quê hương.

Cuộc lưu vong giáo dục của con tôi

Cũng 17 tuổi, con gái tôi khoác balô du học Mỹ theo học bổng cháu tự thi được, không có sự hỗ trợ nào của cha mẹ. Trước đó cháu không hề nghĩ học xong sẽ ở lại. Thế mà, sau khi học MBA về nước cháu nhận ra quê hương thân yêu không phải môi trường sống phù hợp cho mình. Cháu không muốn tham gia vào bất cứ việc gì của chế độ CS này. Cháu chọn nước Mỹ để đi làm, để sống, để tiến thân. Rồi cháu lập gia đình và gia nhập quốc tịch bển. Thế là cháu sẽ lưu vong hoàn toàn?

Tôi không biết, có lẽ không hẳn thế. Dù sao, con gái tôi cũng đã được tự do lựa chọn nơi sống và cách sống của mình. Nhưng vô tình đó lại là một cuộc sống lưu vong, bắt đầu từ “lưu vong giáo dục” để không phải sống lưu vong trên chính quê hương mình như ông cha cháu. Nhưng tôi rất tin một ngày không xa  cháu sẽ trở về lập nghiệp trên quê hương mình mà sẽ không phải sống “lưu vong” như tôi đang sống nữa.

Có một điều thú vị bất ngờ của cuộc sống, đó là người mà cháu chọn gắn kết cuộc đời lại là con trai một gia đình công chức VNCH cao cấp đã phải bỏ đất nước ra đi sau 1975 vì “chiến thắng” của ông nội ông ngoại cháu và các đồng chí của ông, giống như con gái TT Dũng lấy chồng Việt kiều vậy. Chỉ có điều chàng rể Việt kiều của tôi không giúp cha vợ và vợ xây dựng chế độ cộng sản để vơ vét mà thôi…

Và thử rút ra kết luận

Như thế, ba thế hệ chúng tôi đều đã phải hoặc tự chọn cuộc sống lưu vong theo cách nào đó.

21 năm lưu vong của cha tôi và các đồng chí mình là lưu vong CS, lưu vong “đỏ”, đã góp phần làm nên cuộc tan rã và ly tán của dân tộc trên một đất nước “thống nhất’. Cha tôi đã lưu vong vì nhìn nhận ra cái sai trái của con đường CS mình lỡ đã theo.

Cuộc sống tự lưu vong chính trị của tôi mấy chục năm qua là hậu quả trực tiếp từ thế hệ ông cha tôi: chúng tôi đã bị mất hướng đi và niềm tin, không tìm thấy chỗ đứng của mình trên chính quê hương mình và chấp nhận tự lưu vong “trắng” để không sai lầm tiếp như cha ông. Tôi nghĩ có rất nhiều người thế hệ tôi không chịu hợp tác với chế độ cộng sản như tôi và chấp nhận cưộc đời lưu vong trắng, dù cha anh chúng tôi đã ở bên nào cuộc chiến trước đó.

Cuộc lưu vong thế hệ thứ ba của con gái tôi với con con trai “những cựu kẻ thù” của cha tôi là để hàn gắn sai lầm và hậu quả của cuộc lưu vong “đỏ” thứ nhất. Đó có thể gọi là cuộc lưu vong màu xanh, lưu vong của hy vọng, sau “lưu vong giáo dục”. Rằng một ngày gần đây dân tộc ta sẽ lại hoà hợp lại để mọi con em mọi thế hệ Việt không còn phải sống lưu vong trên đất nước mình hay nơi xa xứ nữa.

Đó sẽ là cuộc hoà hợp dân tộc trong nền Dân chủ tự do, không cộng sản, tôi tin thế.

Sài gòn, ngày 14/2/2012.

Phan Châu Thành

18 Ý kiến:
1.     người LVFeb 15, 2012 03:58 AM
không phải một mình bạn lưu vong trên chính đất nước mình đâu,tôi chia xẽ với bạn,và chính tôi cũng là một kẽ lưu vong trên đất nước mình,và tôi biết chắc có rất nhiều thân phận lưu vong trên đất nước này lắm,cám ơn bạn đã nói thay lời dùm những kẻ lưu vong,nhưng thân phận chúng ta còn thoải mái hơn những anh hùng lưu vong trên đất nước bị đày ải trong lao tù vì không chấp nhận đời lưu vong.Kiếp lưu vong của những người Việt lưu vong trên đất nước mình sẽ mãi bị dày vò hay sao!
Chào Phan Châu Thành. Đọc bài viết của bạn đến hai lần rồi.Tôi cảm thông hoàn cảnh ra đời và lớn lên của bạn.Chúng ta mỗi người đều có hoàn cảnh khác nhau ,tuy nhiên,sớm nhận ra chân lý và sống đúng nghĩa "con người";thật không dễ.Cha của bạn,một người công chính,thì làm sao sống chung được với cộng sản.Nhưng tôi cũng rất khâm phục ông vì những gì ông đã làm(...).Theo tôi, bạn mới là kết quả vĩ đại nhất của ông.Bạn để lại trong tôi suy nghĩ :Dòng máu Việt Nam bất khuất nhưng hiền hòa,khổ đau nhưng can đảm...
Bạn ơi!Bạn không cô đơn đâu!Chúng tôi cần bạn,chúng tôi yêu quý bạn.
3.     backy54Feb 15, 2012 05:32 AM
chắc anh Phan Châu Thành biết tại sao có những cuộc di cư lớn của những người Việt Nam? Hầu hết dân Bắc kỳ 54 chúng tôi là dân lưu vong đó anh.
4.     thuyquanlucchienFeb 15, 2012 06:16 AM
Cs giải phóng Miền Bắc 1954 - miền bắc bỏ mồ mả ,bỏ nhà cửa ruộng đất chạy lấy thân
CS giải phóng Miền Năm 1975 - Miền nam còn bỏ gia đình , bỏ người chồng người cha đang trong tù cải tạo- bỏ người con gái trong cái ngục Vùng Kinh Tế mới
===> tư cách là giải phóng con người phải bỏ chạy ( Chạy Sản )
5.     em saigonFeb 15, 2012 06:31 AM
tôi cũng la kẻ lưu vong ngay trên quê hương yêu dấu của mình
từ dạo ấy...1954
xin dược chào thương cảm đến mọi người đang sống trong nỗi niềm tâm trạng là kẻ lưu vong
mong một ngảy đất nước thay đổi . chúng ta sẽ nắm tay nhau , nhìn nhau rất rõ..
6.     chờ ngày chớp giật sét đánhFeb 15, 2012 07:09 AM
Anh PCT còn có cơ hội để đi ra nước ngoài chứ như tôi đây đi đại học rồi bị băt đi lính ( QĐNDVN ). Càng về cuối đời càng thấy chế độ này thối nát đến không thể chấp nhận được . Mong chế độ nay sớm sụp đổ . ngày đó những người lính như chúng tôi sẽ bỏ ra cả tuần để ăn mừng cơ đấy
7.     trantheFeb 15, 2012 07:21 AM
Nếu bạn Phan Châu Thành nghĩ mình đã chọn lựa đúng thì cũng chớ nên “băn khoăn” với từ ngữ nặng nề, lưu vong hay không lưu vong, và lưu vong ở đâu…
Hiện có rất nhiều người trong nước đã chọn cách sống “ngoài cuộc”, nói chính xác là không tham gia vào guồng máy chế độ. Họ biết đang phải sống ở một giai đoạn khó khăn, với nhiều ưu tư trăn trở cùng niềm tin ở tương lai.
Với người trong nước đó là một cách sống riêng để không tự hủy mình, rất cần thiết và đáng trân trọng.
8.     Cafe cóc, xe ôm là tui.Feb 15, 2012 07:29 AM
Không sai:"Nhưng tôi tin ở trong nước, những người đang sống và “tự lưu vong chính trị” như tôi rất nhiều".
Chẳng hạn như tui, cũng vì chẳng thể chấp nhận và chịu nổi guồng máy đỏ của chế độ CSVN nên tuy có chút kiến thức mọn nhưng rồi tự thấy vui khi ra ngoài chạy xe ôm, bán cafe cóc kiếm sống qua ngày mà lòng thấy thanh thản vì không chấp nhận guồng máy cai trị này.
9.     Mien TrungFeb 15, 2012 08:18 AM
Cháu cũng lưu vong bac Thành ơi, vi o quê mien trung dau co viec de lam dau, phai vao Sai Gon kiem song qua ngay bac ah
10.                         Hoài NamFeb 15, 2012 08:32 AM
Tui cũng lưu vong. Cả trong công việc, trong tinh thần.
11.                         ckFeb 15, 2012 08:38 AM
Các bác viết ra thế không thấy mình hèn hạ sao, cái thiêng liêng nhất của con người là tổ quốc mà các bác để cướp mất thế còn gì là người.

Xin lỗi vì đã quá lời, cũng chỉ vì các bác là trí thức mà tệ thế thì làm sao người dân đen có cơ hội ngửng đầu với thiên hạ.

Dựa vào pháp luật thì các bác mang tội đồng loã, vì thấy biết tội phạm mà không tố giác.

Thôi chắc em không dám nói thêm nhiều làm mấy bác thêm khổ tâm, chỉ cầu mong sao trong cuộc đấu tranh đòi tự do dân chủ cho đất nước, các bác sẽ không là người đứng ngoài cuộc.
12.                         Nặc danhFeb 15, 2012 10:02 AM
Anh Thành mến,
Những người còn có lương tri thì phải chọn cách tránh xa đảng cộng sản mà thôi. Nhưng chúng ta không thể cứ để dân tộc của mình mãi bị cộng sản dối gạt và bốc lột mãi.
Trời ơi ! xin cứu dân tộc chúng ta.
Nguyễn Bình Định.
13.                         Lê dủ ChânFeb 15, 2012 10:50 AM
Chẳng có trời nào cứu được dân tộc và bản thân mình nếu dân tộc và bản thân mình không TỰ CỨU trước.
14.                         giật sập cộng sản việt gianFeb 15, 2012 10:50 AM
Tôi nghĩ bản thân anh PCT hiện tại chỉ là lưu vong cấp độ 1 (nhưng CHƯA ĐẦY ĐỦ) thôi: anh có "lý lịch" tốt, được đi LX học và có cơ hội thăng tiến trong guồng máy cộng sản nhưng may mắn là anh đã nhận ra được sự xấu xa của chế độ cộng sản. Anh tránh xa các hoạt động chính trị-xã hội của chế độ: ko làm cho nhà nước, ko đi bầu cử, cấm con cái tham gia đoàn hội tncs,... những việc làm này rất tốt nhưng chưa đủ; vì anh có thành lập doanh nghiệp tư nhân riêng tức là có đăng ký kinh doanh với chế độ cs, đóng thuế nhiều (THỎA HIỆP) cho bọn chúng để bọn chúng dùng tiền đó nuôi lũ công an để bảo vệ sự tồn tại của chế độ. Tôi nghĩ anh chống cộng sản chưa triệt để, không biết có phải vì vô tình hay sao mà anh lại thỏa hiệp với cs.

Tôi định nghĩa lại các cấp độ sống lưu vong (ngay tại quê hương VN), bà con tham khảo chơi:

Lưu vong cấp độ 1: có ý thức chính trị rõ ràng là ko chấp nhận sự cai trị của cộng sản, ko tham gia vào guồng máy chính trị-xã hội của cộng sản ở mức độ tương đối (như anh PCT ở trên), có làm CMND, có nhà (hoặc ko), có một hoặc nhiều bằng cấp từ cấp độ tiểu học cho đến tiến sĩ do nền giáo dục cộng sản cấp, tham gia hoạt động kinh tế tư nhân với vai trò là người làm công ăn lương, thu nhập chỉ đủ sống và tích lũy chút đỉnh vì ko muốn bon chen gian dối như những kẻ khác đang sống thỏa hiệp với chế độ. Những người này nói chung vô tình (hoặc bất đắc dĩ) có đóng thuế nuôi chế độ cộng sản dàn áp dân lành.

Lưu vong cấp độ 2: có ý thức chính trị rõ ràng là ko chấp nhận sự cai trị của cộng sản, ko tham gia vào guồng máy chính trị-xã hội của cộng sản ở mức độ tương đối (như anh PCT ở trên), ở nhà thuê (hoặc có thể có nhà), có làm CMND do cs cấp, học ít (cao nhất là tốt nghiệp THPT), kiếm sống bằng các công việc tay chân, buôn bán nhỏ ở thành thị hay làm nông qui mô nhỏ ở nông thôn. Những người này nói chung ít hoặc ko đóng thuế nuôi chế độ cộng sản.

Lưu vong cấp độ 3: là những người sống bên bề xã hội cộng sản,có ý thức chính trị rõ ràng là ko chấp nhận sự cai trị của cộng sản,
ko làm CMND do cs cấp, ko nhà, sống lang thang ko nơi cố định (vì ko có CMND nên khó thuê phòng được), làm các công việc chân tay để kiếm sống.

Ps: ở đây tôi chỉ đề cập những người ghét cộng sản sống âm thầm lặng lẽ trong xã hội cộng sản, ko đề cập đến người đấu tranh công khai, đang ở tù hoặc bị sách nhiễu cũng như bè lũ cơ hội sống thỏa hiệp với cộng sản để làm giàu.
15.                         giật sập cộng sản việt gianFeb 15, 2012 11:11 AM
Thêm nữa, sự phân biệt giữa lưu vong cấp độ 1 (LVCD1) và cấp độ 2 là ở vấn đề "mức độ đóng góp cho chế độ cộng sản".

+ LVCD1 đi làm các công việc có trình độ đại học trở lên có thu nhập khá kha nên bất đắc dĩ phải đóng thuế nuôi chế độ, đồng thời họ cũng góp phần làm cho GDP nền kinh tế của cộng sản phát triển, thành quả này được cộng sản mang đi rêu rao với quốc tế đề xin tiền. CS lợi dụng đc nhiều ở tầng lớp này.

+ LVCD2: làm các công việc chân tay, thu nhập thấp, ít hoăc ko đóng thuế cho cs, hoạt động kinh tế chủ yếu là kinh tế ngầm nên ko có thống kê vào tăng trưởng GDP. CS ko lợi dụng đc nhiều ở tầng lớp này.

Nhìn chung LVCD2 có vai trò to lớn trong công cuộc giành lại tự do cho nhân dân VN, đó là họ làm kiềm hãm sự phát triển của nền kinh tế csvn, do đó cs ko có cơ hội rêu rao thành tựu để xin tiền quốc tế nữa.
16.                         hợp tanFeb 15, 2012 11:15 AM
như là mưa rơi chảy trên sông như bước chân đi như từng hơi thở
ta đến điạ cầu làm nơi ở
nơi biển chạy lên nuí đứng đơị chờ
nơi tình nở nuôi đồng bào trăm họ
những bước ban đầu đã giưả hợp tan
17.                         vuongFeb 15, 2012 02:46 PM
Cũng trời đất đấy cũng hít thở
cũng ăn ở lại là lưu vong
có khác chi kẻ hờn vong quốc
đau như người sống kiếp tha hương .
18.                         AdminFeb 15, 2012 04:12 PM
Phải nói một từ là HÈN. Biết như vậy tại sao không biến "niềm tin" thành hành động đi để chúng ta cùng nhau đạt được những gì mình muốn???


Monday, August 20, 2012

Còn thác loạn đến thế nào nữa?

Đã có biết bao nhiêu chuyện quái gở xảy trong nhũng năm gần đây, báo hiệu một nền luân lý đạo đức xuống cấp trầm trọng, tưởng không thể xuống cấp hơn được nữa. Chuyện bằng giả, bằng mua, bằng thi thuê, thi giùm cho sếp chỉ còn là chuyện vặt. Đã có bao nhiêu sếp xài bằng giả bị lật tẩy không đếm được. Giám khảo coi thi, mang bài giải vào tận trường thi cho thí sinh là chuyện từ “thượng cổ” tới nay chưa từng thấy… Nền giáo dục VN đang cảnh báo những hồi chuông nghiêm trọng.

Từ người lớn đến trẻ con

Về lối sống, đạo đức luân lý, gần đây dư luận đã kinh hoàng về vụ 3 ông bà bác sĩ cùng lảm việc ở một cơ quan, ngoại tình “ngon lành” rồi bà bác sĩ tự quay phim cảnh ái ân của mình và tình nhân là sếp của mình, đưa cho chồng vừa “chiêm ngưỡng” vừa làm bằng cớ, tung ra trước các báo chí cho cả làng cùng xem, sau đó kiện sếp đã quyến rũ, bắt ép vợ mình “quan hệ”. Kết quả cuối cùng hai ông bà trí thức ngoại tình bị thuyên chuyển đi mỗi người một nơi, kể như xong. Sự sa đọa và lối giải quyết “nửa chừng xuân” ấy như chỉ làm cho có, làm cho xong, đối phó với dư luận. Nhưng thực ra là họ đã đối phó, thách thức, nhạo báng với cả một nền luân lý truyền thống của ông cha ta để lại.

Người trí thức tạm gọi là “thành đạt” đã có một cuộc sống khá giả, vậy mà vẫn nổi loạn.  Làm gương xấu cho lớp trẻ mới lớn. Điển hình là câu chuyện quái gở tôi đã tường thuật với bạn đọc về hai cô cậu chỉ ngồi “chat” với nhau qua mạng internet, để rồi hẹn hò đưa nhau vào khách sạn, thực hiện những gì đã học được suốt một tuần lễ liền đến phờ phạc ngớ ngẩn khiến cả hai gia đình đều không còn nhận ra con mình nữa. Chúng trở thành những “quái thai thời đại”, chẳng biết tương lai ra sao.

Đó chỉ là 2 câu chuyện điển hình, của một hai năm trước. Tưởng rằng đó là tột mức của những thác loạn. Nhưng những ngày gần đây, sự sa đọa còn có nguy cơ… tiến bộ hơn, “vượt thời gian và không gian”. Nó quái đản đến nỗi có giàu óc tưởng tượng cũng không hình dung ra.

Ra mắt bố mẹ chồng bằng slogan…quái gở

Mời bạn đọc hàng tin ngắn này:

“Trong lần ra mắt gia đình người yêu, Thanh Hương (23 tuổi, quê Nghệ An - một "tín đồ" của áo thun slogan) chẳng ngại mặc chiếc áo với dòng chữ: “Đu theo xe rác, lượm xác người yêu”. Lần đầu, ba mẹ người yêu tưởng cô bé chỉ mặc một lần cho vui, nhưng lần khác đến chơi, cô bận ngay chiếc áo với dòng slogan còn sốc hơn: “Bỗng dưng muốn ấy...”. Cứ mỗi lần đến, cô lại “gắn” trên ngực áo một câu dữ dội khiến ba mẹ người yêu tưởng mình hoa mắt. Chắc chắn ông bà này phải chạy dài, vừa chay vừa vái “cô con dâu tương lai” kia đến nhà khác làm dâu, đừng bén mảng tới nhà bà, kẻo con trai bà chết sớm.

Những slogan được giới trẻ yêu thích

Không cần bình luận gì thêm, bạn đã thấy được sự thác loạn của tuổi trẻ ở đây bây giờ lên đến “cao trào” nào.

Kiểu mặc áo thun có những slogan trên ngực là chuyện thường thấy. Hầu hết là những hàng chữ rất dễ thương hoặc gây đôi chút tò mò với người xung quanh hoặc muốn bày tỏ một điều gì đó như mơ ước, ý thích của riêng mình. Ở VN cũng vậy, có những hàng chữ như “Phản đối đào đường”, “Tôi ghét kẹt xe”... Hoặc slogan có thể tạm chấp nhận được, mang tính hài hước như : “ăn chơi sợ gì mưa rơi, “bó tay con gà quay”, “đói như con sói”...

“Hàng độc” ở đâu ra?

Nhưng cũng có những dòng slogan với ngôn từ nhố nhăng như “Chán như con gián”, “Không bao giờ bán đứng bạn bè nếu... chưa được giá”, “Chúng ta rồi cũng sẽ già, sẽ lên nóc tủ ngắm gà khỏa thân”. “Bầu ơi thương lấy bí cùng, mai sau có lúc nấu chung một nồi”, “không say không về”… Qua những slogan ấy, các cô các cậu học trò còn muốn chứng tỏ “đẳng cấp” của mình trong giới ăn chơi. Vì thế cần phải có những slogan được coi là “hàng độc”, nhiều hàng chữ được các “tuổi teen” sáng tạo ra rồi các cửa hàng chuyên in áo thung tiếp sức sáng tác ra thêm những “phiên bản” mới, độc hơn, dữ dằn hơn. Đó chính là các người lớn khuyến khích cho trẻ em bước dần vào những trò chơi thác loạn mà không một cơ quan văn hóa nào thèm để mắt tới.

Vì thế sự phát triển của những trò chơi trẻ trung này thành trò thác loạn rất nhanh, chỉ trong vòng vài tháng gần đây là nó “biến thái” như vết dầu loang trên biển. Nếu không nhanh tay ngăn chặn, không hiểu đường phố và tuổi trẻ VN sẽ biến thành cái gì. Cái chợ cổ động cho những trò chơi trụy lạc!

Ngăn chặn “vết dầu loang”

Hãy nhìn vào thực tế, quanh các khu công nghiệp Đồng An, Sóng Thần (Bình Dương), khu chế xuất Linh Trung I, II (Thủ Đức, TP Sài Gòn), nhan nhản các bạn trẻ áo quần lòe loẹt với đủ loại xanh, đỏ, tím, vàng.

Nhiều cô cậu đi xe đời mới, dùng điện thoại xịn nhưng lại khoác chiếc áo với dòng chữ to tướng “Tui nghèo kệ tui” bởi “Nghèo không phải là cái tội mà là phong cách sống”. Đó là cách khoe của kiểu mới. Rồi giới học sinh, sinh viên cũng gây sốc với slogan: “Học đi đôi với hành, hành đi đôi với... tỏi”, “Yêu là việc nhỏ, học là việc lớn. Không làm được việc nhỏ, sao làm được việc lớn”, “Học. Học nữa. Học mãi. Đuổi... nghỉ”.

Một cửa hàng áo quần gần khu công nghiệp Đồng An treo đủ loại áo thun in nhan nhản slogan nhảm nhí với giá bán chỉ 30.000 - 50.000 đồng. Người bán hàng còn lôi trong túi ra một lô hàng với các hình ảnh sexy và nói: “Mấy mẫu này bữa nay hút lắm, không có hàng lấy về bán luôn”. Đấy là chưa kể những mẫu áo với những tấm hình và câu chữ “quái dị” hơn, chủ cửa hàng chỉ dành cho khách quen hoặc khách lạ với giá cắt cổ. Những của hàng ở Bình Dương hay Thủ Đức kiếm ăn được, tất nhiên những của hàng ở ngay TP Sài Gòn cũng nhanh chóng vào cuộc, rồi Hanoi, Hải Phòng cũng cứ thế “phát huy” thêm.

Tôi cho rằng đây là trách nhiệm của nhà trường, của gia đình và các tổ chức xã hội. Các cơ quan văn hóa VN cần phải phối hợp với các cơ quan khác, ngăn chặn ngay những cô cậu mang những slogan nhảm nhí này. Có thể nói đây là những hành động không khác gì “công súc tu sỉ’ như trước đây chúng ta có luật cấm và phạt những kẻ vi phạm. Không thể để cho một lớp trẻ thiếu văn hóa, thiếu ý thức tôn trọng cộng đồng cứ nhởn nhơ như thế mãi được. Đã phạt những ca sĩ “khoe của” trên sân khấu thì cũng nên phạt những kẻ bôi nhọ thành phố, làm bại hoại thuần phong mỹ tục. Sự thờ ơ của những người có trách nhiệm khiến người dân vô cùng ngạc nhiên.

Cô gái trẻ đang buồn muốn gì?

Đấy là tảng băng nổi, tảng băng chìm con nguy hại hơn nhiều. Mới đây, trên Faceboook, một cô gái rất trẻ nữ đang sống ở Hà Nội (theo thông tin trên facebook) đã đăng dòng status với nội dung “đang rất buồn và muốn quan hệ tình dục” và cung cấp số điện thoại để những ai có nhu cầu liên hệ. Đáng tiếc hơn nữa là đây lại là sinh viên của một trường Cao đẳng và mới chỉ sinh năm 1993.

Cô gái trẻ tung hình trên Faceboook với những lời lẽ thô tục

Chỉ trong một thời gian ngắn, status này đã thực sự thu hút cộng đồng mạng với hàng trăm lượt chia sẻ. Ngoài ra, cô bạn này còn thản nhiên bình luận dòng status của mình với những lời lẽ hết sức thô tục, lại còn kể thêm cả các “chiến tích” mà mình đã đạt được từ khi đi học.

Hành động của cô gái này trên mạng xã hội khẳng định thêm về một lối sống quá sa đọa của không ít các cô cậu “tuổi teen” ở VN hiện nay.
Rùng mình kinh hãi vì thái độ “hồn nhiên” của hung thủ 16 tuổi

Đó là chuyện cô gái trẻ, chuyện của các cậu trai mới lớn còn nguy hiểm hơn, chưa đầy 16 tuổi đã hiếp dâm, giết người cướp của.

Mới tuần trước đây thôi, vào đêm 11-8, một Lê Văn Luyện thứ 2 ở Thanh Hóa hiếp rồi giết dã man nữ sinh lớp 11. Kẻ giết người Lê Tuấn Anh tự nhận là “em” của Lê Văn Luyện.

Lê Tuấn Anh vẫn hồn nhiên khi khai nhận tội ác man rợ của mình

Nạn nhân, em Nguyễn Thị Bích Ngọc, sinh năm 1995 (hiện là học sinh lớp 11 T1 trường THPT Quảng Xương III) đã bị hung thủ giết, hiếp sau đó ném xác xuống sông thuộc địa phận xã Quảng Châu (huyện Quảng Xương- Thanh Hóa).

Khi bị bắt, hung thủ man rợ này còn “hồn nhiên” nói rằng “Cháu có họ hàng với anh Lê Văn Luyện nên cháu phải làm một điều gì đấy giống anh ấy”.

Điều đáng sợ ở đây, không chỉ là tội ác của lứa tuổi 16 mà chính là thái độ “hồn nhiên” của cậu học trò ấy. Câu trả lời kiểu “vì tôi có họ hàng với anh Luyện” nên cũng hành động như Luyện đã làm rùng mình những người sắt đá nhất. Nhưng đó cũng là câu trả lời “thật nhất” của hung thủ. Những tội phạm vị thành niên, tội phạm mới lớn đã từng đọc, từng nghe, từng xem đâu đó những hành vi tàn độc ở một thời điểm nào đó. Nguy hại hơn nữa, từ thời Lê Văn Luyện được một số giới trẻ VN xem như “người hùng” và làm thơ, viết nhạc ca ngợi tên sát nhân này!!!

Trở về với đời sống thời kỳ bán khai, hồng hoang nào đó

Tờ Dân Trí đã viết: “Liên tiếp những tội ác man rợ khiến người ta có thể ngỡ ngàng như thể xã hội đã bị đưa về với thời kỳ bán khai, hồng hoang nào đó. Luật pháp xã hội dường như không còn tác dụng răn đe khi hết xử những vụ giết người man rợ này lại xuất hiện trọng án khác.

Điều này cho thấy, điều nguy hiểm cho xã hội không chỉ ở những kẻ thủ ác mà chính là một hệ thống truyền thông “hồn nhiên” vô tình tiếp tay cho tội ác lan tràn.

Một nhà văn đã nói: càng “hồn nhiên” với tội ác - dưới bất kỳ hình thức nào - là càng góp sức mở đường cho tội ác tràn lan.

Theo luồng ý kiến này, độc giả Minh Thành cho rằng: “Kể từ sau vụ Lê Văn Luyện, ngày càng xuất hiện nhiều tên tội phạm tuổi teen. Nhất là tội phạm đặc biệt nguy hiểm như cướp của, giết người, hiếp dâm. Bọn chúng lập băng nhóm và tự xưng là “đàn em” Lê Văn Luyện để gây tội ác khắp nơi”.

Môi trường sống không cải thiện thì còn nhiều đứa trẻ phát triển tâm lý cực đoan chán đời và sẵn sàng thực hiện tội ác”.

Môi trường sống đó ở xã hội VN phải cải thiện như thế nào là một dấu hỏi lớn. Khi đồng tiền và thú vui hưởng thụ là lẽ sống của một số rất lớn “đàn anh, đàn chị” và kể cả “các chú, các bác” thì “đàn em, đàn cháu” bất chấp chuyện gì cũng có thể làm được cho bằng các anh các chị là điều dễ hiểu.

Có đúng là bề trong xã hội đang trở về với cuộc sống thuở hồng hoang như tờ báo Dân Trí đã mô tả? Quả là sự tụt xuống đáy dốc thê thảm.

Lời kể chuyện của một cô giáo

Một cô giáo trẻ đang dạy trung học tại Hà Nội đã viết qua e mail cho một tờ báo kể lại những chuyện mắt thấy tai nghe của cô về “sự yêu đương” của học sinh lớp 6, lớp 7 ngay trong chính lớp cô dạy, khiến chúng ta lại phải giật mình lần nữa trước lối sống buông thả của không ít teen thành phố bây giờ. Xin trích nguyên văn những gì cô giáo đã kể lại:

“…Tôi đọc đựơc những lời hẹn hò tình tứ, những câu yêu thưng rất “người lớn” trong lá thư của hai cô cậu học trò nhí của mình. Đọc thư, tôi thật sự bàng hoàng.

Bạn có tưởng tượng được không khi mà ở tuổi đó các em viết thư cho nhau với những lời lẽ mà sau khi đọc chúng ta phải giật mình. Tôi xin trích nguyên văn một đoạn như thế này: “Chồng iu quý của em! Tối qua, chồng hok đến gặp em như đã hẹn, có fải chồng đi “chơi” với con khác hok? Em bắt đền chồng, tối thứ 7 tuần này chồng fải đền cho em nhìu hơn đấy nhé! Mà lần này hok ra bụi chuối hôm nọ nữa đâu, ở đó bẩn lắm lại nhìu muỗi nữa. Chồng cố chơi lấy con lô để cuối tuần hai vợ chồng mình đi nhà nghỉ cho nó máu nhé! Vợ chồng cái Thương nó toàn đi nhà nghỉ mà chồng…”

Một lá thư khác thì có nội dung thế này: "Chồng" à! tí nữa em ra nhà vệ sinh trc rùi 5' sau "chồng" ra sau nhé, chúng mình sẽ làm "kiểu đứng" như trong phim hôm nọ em xem, em sẽ dạy "chồng" kiểu đó, hay lắm!..."

Hành động “thực tế” ngay tại trường

Cô giáo kể tiếp: “Tại lớp 6A, đang trong giờ học, cả lớp say sưa nghe giảng và sôi nổi học tập thì một em nữ học sinh xin phép tôi ra ngoài đi vệ sinh. Lẽ tất nhiên tôi cho phép em ra ngoài và không quên dặn dò: “Em hãy quay lại lớp ngay nhé”. Nhưng chưa đầy 3 phút sau thì một học sinh nam tiếp tục xin phép ra ngoài và cũng là ra nhà vệ sinh.

Và rồi 5 phút, 10 phút tôi không thấy hai học sinh đó quay về lớp, tôi bắt đầu sinh nghi và trong khi học sinh làm bài tập, tôi bước vội ra nhà vệ sinh để kiểm tra tình hình, thì …tôi giật bắn người. Hai học sinh của tôi đang hôn nhau và làm những việc vượt quá lứa tuổi học trò của các em. Tôi chững lại, rồi như chợt nhận ra tôi đang đứng nhìn, hai học sinh vội cúi mặt.

Băn khoăn, tôi tìm gặp, trò chuyện với các chị lao công thì được hay rằng, khi dọn vệ sinh họ thường lượm được rất nhiều vỏ bao cao su nhét trong bồn toa let.

Chồng - vợ là những câu xưng hô mà đến như tôi, một người đã có chồng mỗi khi gọi : chồng ơi cũng thấy một chút ngượng ngùng, vậy mà cách xưng hô chồng vợ dường như lại đang trở thành mốt của không ít cô cậu tuổi teen ngày nay.

Bạn có thể nghe thấy hoặc bắt gặp một cô nàng tóc vàng hoe, mặt búng ra sữa đi đường gọi một anh chàng đang vừa đi vừa đọc truyện tranh một câu rất ngọt tai như thế này: “Chồng ơi! chờ em với”.

Chúng ta không nên chỉ nên án những hành vi thiếu lành mạnh đó của các em mà đồng thời ta phi tìm hiểu được nguyên nhân sau xa, gốc gác của những hành vi ấy. Vậy ai, cái gì là nguyên nhân gây ra và tiếp tay cho những suy nghĩ và hành động như vậy ở lứa tuổi các em? Câu trả lời xin dành lại cho tất cả những ai là người lớn trong xã hội chúng ta.”

Ai trả lời cho cô giáo những điều này? Và trả lời rồi có làm thay đổi được gì cho xã hội sáng sủa hơn không? Câu hỏi còn bỏ ngỏ. Lại xin dành cho các nhà làm văn hóa, giáo dục của thế hệ này trả lời giùm.

Đến chuyện một cô giáo “cuồng dâm” đáng thương hay đáng giận?

Trên đây là chuyện của học trò. Ngay cả chuyện của cô giáo cũng có những mâu thuẫn oái oăm.

Nhắc đến chuyện cuồng yêu, bạo dâm hay những câu chuyện về cai nghiện tình dục, bác sĩ Tô Thanh Phương – Trưởng khoa 6 (Bệnh viện Tâm thần Trung Ương 1) nhớ ngay đến trường hợp bệnh nhân N.T.T sinh năm 1982. Được biết, người phụ nữ tên T – nạn nhân của chứng cuồng yêu này đã được gia đình cho nhập bệnh viện Tâm thần hôm 13-7 vừa qua.

Khi mới được đưa vào BV, T. luôn trong tình trạng mệt lả, mất sức, bị rối loạn tâm thần. Cô luôn buồn chán, khóc lóc, lúc lại hoang tưởng vì bị quan hệ tình dục quá nhiều lần chỉ trong 1 đêm.

Cô T. sinh ra ở Mộc Châu (Sơn La), cô có bằng Đại học Sư phạm, dạy tại một ngôi trường trong tỉnh. T. xinh đẹp, nhưng lấy chồng 2 năm thì ly dị. Cô ra Hà Nội, tìm được công việc là giáo viên hợp đồng dạy học cho một Trung tâm giáo dục thường xuyên và cũng được nhiều thanh niên theo đuổi. Nhưng cô vẫn treo cáo giá ngọc không để y đến ai.

Cho tới khi T gặp D – một thanh niên trí thức người Hà Nội. Thấy D hiền lành, nói năng khiêm nhường và cũng có một công việc ổn định nên T cũng thầm mến D từ khi nào không biết. Nhiều lần ở bên nhau, D cũng đòi T cho “quan hệ” nhưng T vẫn quyết giữ gìn.

Khi cái giá ngọc rơi xuống

Cho tới một ngày không hiểu sao T lại dễ dãi đồng ý đi vào nhà nghỉ (khách sạn) với D. Vừa vào đến phòng, D đã khóa trái cửa lại. Mặc T chống cự, D liên tiếp quan hệ với T hùng hục suốt đêm mà chẳng có lấy một phút nghỉ ngơi.

Ngoài chuyện bắt “yêu” suốt đêm, D thản nhiên bắt T quan hệ tình dục ở đủ các tư thế. Cứ thế, suốt 1 đêm ròng bị yêu thô bạo, T mệt mỏi và sợ hãi đến loạn thần.

Cô giáo T. loạn thần đang nằm trong bệnh viện vì bị “hành” suốt đêm,
nhưng lại vẫn muốn gặp người đàn ông ấy.

Bác sĩ  Tô Thanh Phương – người đang trực tiếp điều trị cho T cho biết: “Ngày đầu vào BV, T mệt mỏi, hay khóc lóc và buồn chán. T tâm sự rằng vừa sợ cậu bạn trai quan hệ thô bạo suốt đêm kia nhưng lại vừa thích được yêu như thế và cũng thích gặp lại người đàn ông ấy”.

Luồng gió độc từ đời sống ngoài xã hội

Vừa sợ hãi lại vừa mong gặp lại người đàn ông “cuồng bạo” đó chính lá cái mâu thuẫn lớn nhất và là một bi kịch trong con người cô giáo. Nó mở toang cái cánh cửa thật sự của những ẩn ức, dồn nén, thèm khát của con người “treo cao giá ngọc”, sống “khép kín” nhưng làn gió độc từ ngoài cuôc đời thật, hàng ngày vẫn đè nặng lên tâm trí cô. Cái “giá ngọc” đã rơi xuống vỡ toang. Không ai có thể biết được trong những lúc cô đơn, cô giáo đã làm những gì, đã chui vào những trang web nào, đã xem những phim gì, đã học được những gì qua những trang sách báo nhan nhản những chuyện tình, những hình ảnh gợi cảm của những cuộc thi hoa khôi hoa hậu, thi hát xướng, nhảy nhót tưng bừng trên màn ảnh… Tất cả những thứ đó đã âm ỷ cháy trong tâm tưởng cô giáo như thùng thuốc súng chỉ chờ một ngòi nổ. Và cái ngòi nổ ấy đã đến. Nhưng nếu nó đến từ từ như những “cuộc nổi loạn” khác có lẽ cô giáo không bị loạn tâm thần như bây giờ, Song lúc này chính là lúc cô giáo sống thật nhất với mình.

Không biết cô T đáng thương hay đáng giận? Tùy bạn đọc phán xét.

Văn Quang