Friday, May 24, 2013

PHẢI BẤT NGỜ ĐỐI PHÓ VỚI SỰ CHỐNG ĐỐI CÓ HIỆU QUẢ KHẮP NƠI, CSVN ĐÃ MẤT THẾ CÔNG, TRỞ THÀNH THẾ THỦ.


Tháng 10 năm 2012, khi bài “Những Cái Chết và Tù Đầy Cho “Tổ Quốc việt Nam” đã qua và sắp đến” gửi đến bạn đọc thì hai nhạc sĩ Việt Khang và Trần Vũ An Bình sắp bị CSVN kết án. Trong thời gian đó, hai sinh viên Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha cũng mới bị bắt và chờ ngày ra tòa. 14 thanh niên Thiên Chúa Giáo nữa cũng mới bị xét xử tháng trước: Hồ Đức Hòa, Đặng Xuân Diệu, Lê Sơn, cô Nguyễn Đặng Minh Mẫn, Nguyễn Đình Cương, Nguyễn Văn Duyệt, Nguyễn Văn Oai, Nông Hùng Anh, Nguyễn Xuân Anh, Hồ Văn Oanh, Thái Văn Dung, Trần Minh Nhật, Nguyễn Đặng Vĩnh Phúc và Đặng Ngọc Minh . Tất cả những người trẻ tuổi này, dù với mục tiêu lên tiếng nào chăng nữa, nhất là để tranh đấu cho sự vẹn toàn của đất nước hay kêu gọi CSVN hãy bảo vệ gia sản của tổ tiên, đều bị lên án là đánh phá nhà nước, đe dọa nền an ninh quốc gia.

Chỉ hơn nửa năm sau đó, tất cả những người trẻ đó cộng thêm một số người viết những bài kêu gọi CSVN bảo vệ tổ quốc đều bị kết tội và bị tù nhiều năm. Bài viết này như một phần tiếp tục của bài “Những cái chết và tù đầy cho Tổ Quốc Việt Nam” vì những người trẻ nêu trên đang bị tù đầy cho “Tổ quốc VN”.

Dựa theo quá khứ, chúng ta không ngạc nhiên về sự trừng phạt này của CSVN đối với bất cứ ai phê bình họ, nhưng nếu nhìn trên phương diện tranh đấu cho một nước Việt Nam độc lập dân chủ, thì chúng ta phải nhận thức một điều là cách phản ứng bây giờ của CSVN và của những người tranh đấu đã thay đổi một cách rõ rệt, với lợi điểm thiên về phía những người tranh đấu.

CSVN TĂNG MẠNH SỐ CÁN BỘ TÌNH BÁO, DÂN VÀ TRÍ VẬN Ở NƯỚC NGOÀI

Đầu tiên, mặc dù một số người Việt hải ngoại bi quan cho là không thể tranh đấu chống cộng từ bên ngoài nước, hay chống cộng chỉ bằng ngòi bút trên báo chí hay trên những mạng lưới computer, nhưng phản ứng của CSVN lại cho thấy là những thành phần người Việt chống cộng từ nước ngoài (NVNN) này thực sự đã gây cho CSVN những thiệt hại đáng kể.
Nguyên nhân của sự thiệt hại là NVNN đã chuyển về người Việt trong nước những tin tức, những nhận định, những bình luận, những sự ủng hộ khiến người trong nước, nhất là những thành phần có học, nhận thức được những sự sai quấy của CSVN ngay từ những năm 1940 cho đến tận ngày nay. Nếu người Việt trong nước thiếu sự nhận thức được những sai quấy mà CSVN đã bưng bít dấu kín từ trên 60 năm nay thì sẽ khó mà có sự khởi đầu cho những đòi hỏi sửa sai mà CSVN đã và đang phải đối diện. Người Việt hải ngoại đã tung ra hàng trăm ngàn bài viết nói lên sự thực về CSVN bằng tiếng Việt, và nhờ đó nguòi Việt trong nước hiểu được một cách dễ dàng những chuyện trong nước đang xẩy ra trước mắt họ. Những bài báo đã phá đổ hàng rào ngăn cách người Việt khắp nơi trên thế giới, và vì sự hiệu nghiệm đó, CSVN đã phải đương đầu với người Việt khắp năm châu mà họ gọi là “thế lực thù địch từ bên ngoài” cũng như người Việt trong nước mà họ gọi là “bị thế lực thù địch bên ngoài chiêu dụ”. Ngoài Nghị Quyết 36 để chiêu dụ người Việt hải ngoại mà chúng ta đều biết là đã không mang lại kết quả, CSVN mới đây nhất lại gia tăng mức độ tấn công cộng đồng Việt hải ngoại bằng cách tăng cường thêm cán bộ cho đến con số 10,000 để tranh đấu tình báo, dân vận và trí vận trong các quốc gia mà trên 3,000,000 nguòi Việt đang sinh sống, cộng thêm gần 900 cán bộ chỉ tranh đấu trên mạng. Nếu CSVN không đang thất bại và CSVN không thấy sự hiệu quả của trận chiến của người Việt hải ngoại đối với họ, thì CSVN đã không phản ứng quyết liệt như vậy.

Người Việt hải ngoại, với một quyết tâm không để CSVN lừa dối dân chúng, đã bằng nhiều cách, đưa ra những dẫn chứng, những dữ kiện và những lập luận phản biện lại những “thành quả” mà CSVN đưa ra, qua những nguồn thông tin của CSVN, mà thực ra chỉ là những “thành quả không thực”. Những nghiên cứu, những xếp hạng, những thống kê liên quan đến kinh tế, giáo dục, tự do, nhân quyền, lương bổng, mức sống, chính trị,... của những tổ chức độc lập trên thế giới về Việt Nam, khi so sánh với những nước tương tự khác trên thế giới hay những nước khác, đã xếp hạng Việt Nam vào những nước thấp nhất trên thế giới, mà CSVN không thể cãi hay chứng minh ngược lại được vì những con số thấp đó không phải do những người “Việt thế lực thù địch” đưa ra và được những tổ chức này thống kê một cách khoa học. Những xếp hạng nói lên sự thất bại của CSVN đã không thể che dấu được người trong nước vì dù nếu người trong nước không đọc, “thế lực thù địch” cũng dịch ra tiếng Việt và phổ biến đến Việt Nam bằng mọi phương tiện. Nói cách khác, người Việt chống cộng hải ngoại không những là những con kỳ đà cản mũi CSVN, mà còn là những thùng nước nóng dội lên đảng, để cho những trang điểm hoa hòe hoa sói bị trôi đi, lộ ra bộ mặt thật trước khi ra trước quần chúng. NVNN đã là tai mắt và tiếng nói trong nhiều năm cho người Việt trong nước, một vai trò luôn luôn cần thiết. NVNN không những là cái gai trong mắt cộng sản mà còn là quyển sách cho người dân trong nước đọc. Chúng ta cũng không quên là rất nhiều trường hợp, người Việt trong nước cũng cung cấp tin tức ra ngoài nước để được NVNN phổ biến rộng rãi hơn. Đó là sự hợp tác giữa những người Việt tranh đấu cho tự do dân chủ mà CSVN không thể xem thường.


Đảng CSVN không thể ngồi yên trước sự tấn công bền bỉ có hiệu quả và không ngừng cường độ của người Việt chống cộng, nên CSVN tăng cường thêm cán bộ và tiền bạc vào trận chiến với người Việt sống ngoài nước là điều chúng ta hiểu được.



CSVN THAY ĐỔI CƯỜNG ĐỘ ĐÀN ÁP NGƯỜI TRANH ĐẤU Ở TRONG NƯỚC

Sự liên đới giữa người Việt trong và ngoài nước qua những liên hệ là những nội dung trao đổi hay chỉ để thông tin trên mạng lưới điện tử hay từ những chuyến viếng thăm VN, đã tạo ra những liên lạc thông tin nhanh chóng và hữu hiệu liên quan đến những vấn đề VN, xóa tan khoảng cách không gian và thời gian giữa mọi người và kết quả là mọi người có dịp phản ứng đồng điệu và kịp thời trước mọi biến cố. Một bằng chứng cho sự hữu hiệu và không còn khoảng cách, là chỉ chưa tới một ngày sau khi sinh viên Nguyễn Phương Uyên bị kết án 6 năm tù, báo An Ninh Thủ Đô đã viết một bài báo trên trang nhất với tựa đề “Hot Girl vào tù vì tội tuyên truyền chống nhà nước”, nhưng chỉ vài tiếng sau, nhiều bài báo trên mạng điện tử khắp nơi trên thế giới đã bêu xấu bài viết hạ cấp này, và kết quả là báo đó đã phải lấy xuống, nhưng tang chứng của bài báo phỉ báng rẻ tiền một sinh viên chống họ vẫn còn bị lưu lại trên internet, mà muốn tìm ra, người ta chỉ việc search “Nguyen Phuong Uyen, Hot Girl, Anninhthudô” là biết ngay sự thật dù họ có muốn sửa đổi.

Những thông tin và những bài báo chống cộng, hay chỉ nêu ra những gian dối, thất bại của CSVN trên mạng đã tạo nên một tầng lớp dân chúng tại VN có nhiều sự hiểu biết không những về CSVN mà còn về quyền của con người, quyền của một công dân mà những người Việt sinh ra sau 1975 không thể trải qua, không được biết, vì sự bưng bít, nhồi sọ tư tuởng HCM vào trong hệ thống giáo dục hay tuyên truyền của đảng.


Làm sao những người sinh sau 1975 bị sống trong sự kiểm soát của CSVN lại hiểu thấu được nhân quyền, tự do và dân chủ nếu không có một nguồn cung cấp những giá trị này, và nguồn đó chắc phải là hàng trăm nghìn bài viết Tiếng Việt trên mạng, truyền đến VN.

Lúc gần đây, một phần kết quả của sự hiểu biết những biến cố liên quan đến CSVN là chỉ trong trên dưới một năm đã có nhiều người rất trẻ lên tiếng tranh đấu cho sự vẹn toàn lãnh thổ cũng như kết tội CSVN đã không biết cách bảo vệ đất nước. Những người trẻ này còn đòi hỏi Đảng phải đối phó giải quyết với những vấn đề nội bộ mà “tham nhũng” là một vấn đề quan trọng. Những người trẻ này không phải chỉ sống trong Hà Nội hay Sài Gòn, mà là những sinh viên đang học hay những người trẻ đang làm việc trong những thành phố nhỏ hơn mà sự bưng bít người dân đã dễ dàng thực hiện.

CSVN đã phải ngạc nhiên trước sự xuất hiện của những người rất trẻ mà sự giáo dục và kiểm soát chưa thoát vòng kiềm tỏa của đảng. Tại sao lại có sự “ra đời” của thành phần này, rải rác từ Nam ra Bắc? CSVN đã mang vấn đề này ra bàn cãi và tìm cách đối phó trong cuộc họp đảng viên lãnh đạo cũng trong tháng 5 này, và kết quả của buổi họp là sự tăng cường cán bộ để đối phó với những người phê bình chỉ trích đảng và nhà nước.

Đồng thời, kết quả của cuộc họp đảng là sau đó chỉ vài ngày, bộ Lao Động CSVN đã lên tiếng, có khoảng 80,000 cán bộ “tuyên truyền miệng trong mặt trận tư tưởng” đang và sẽ làm việc trong công tác tuyên truyền cả nước, cộng thêm vào hàng triệu công an, để đối phó với “vấn đề có thể nổi dậy”của thanh niên, học sinh, sinh viên toàn quốc, những người mà trước đây đảng đã hoàn toàn tin tưởng vào sự ngây thơ tin vào sự lãnh đạo “anh minh” của đảng của họ, mà bây giờ, theo Bùi Thế Đức, phó trưởng ban Tuyên Giáo Trung Ương, họ “có thể làm sụp đổ đảng CSVN và làm sụp đổ chế độ”.

Nói cách khác, CSVN đã tìm cách đương đầu mạnh mẽ với những người chống đối với sự có mặt của hàng ngàn cán bộ tại mỗi tỉnh để len lỏi, điều tra, đe đoạ và bắt bớ những người chống đối họ. Đàn áp người chống đối bằng võ lực và bỏ tù chưa đủ, CSVN bây giờ muốn tiêu diệt những người này trước khi họ xuất hiện. CSVN đang gia tăng tình báo trong dân chúng từ thành phố lớn đến tỉnh lỵ nhỏ, và ai cũng có thể là thế lực thù địch.

NHỮNG NGƯỜI TRANH ĐẤU ĐÃ KHÔNG SỢ UY QUYỀN CỦA GIỚI LÃNH ĐẠO

Sau khi nhạc sĩ Việt Khang và Nguyễn Vũ An Bình bị tù vì đã viết và hát những bài hát yêu nước cũng như trách cứ CSVN đã không cư xử đúng vai trò, người ta tưởng rằng những bài hát này chỉ được trình bày nơi hải ngoại,
nhưng không ngờ là bài hát này lại được hát trong những buổi sinh hoạt trong nước, hay trong cả đám cưới, mà người hát cũng như gia chủ không sợ bị bắt bớ cầm tù. Đây là một trong những dấu hiệu chứng tỏ hai điều, một là người dân thấy sự phê bình CSVN là đúng nên lên tiếng hòa đồng cùng nhạc sĩ, hai là người dân bắt đầu xem thường quyền lực của đảng CSVN.

Sự bắt bớ và bỏ tù sinh viên NPU và ĐNK không làm người Việt ngạc nhiên, mà ngạc nhiên vì phản ứng cùng với những lời tuyên bố của 2 sinh viên này. Trước khi bị ra toà, 2 sinh viên này đã nói lên ý muốn của mình là không muốn CSVN trả thù họ bằng cách làm khó dễ gia đình hai người. Họ cũng không nhận tội, cũng không xin khoan hồng khi ra toà. Họ đứng thẳng, không run sợ, không luống cuống và nói với phiên toà về mục đích hành động của họ, cũng như chấp nhận hình phạt mà chắc chắn sẽ nặng nề vì thái độ không khuất phục người cầm quyền.

Sau đây là 2 lời tuyên bố trong phiên toà và trước khi bị kết tội của sinh viên NPU và ĐNK:

Lời của Nguyễn Phương Uyên:
“…Chúng tôi làm để thức tỉnh mọi người trước hiểm hoạ Trung Quốc xâm lăng đất nước và cuối cùng là chúng tôi làm xuất phát từ tấm lòng yêu nước nhằm chống cái xấu để làm cho xã hội ngày càng tốt đẹp tươi sáng hơn. Tôi dùng máu viết khẩu hiệu Tàu khựa cút khỏi Biển Đông và Đi chết đi đảng cộng sản bán nước. Khẩu hiệu bị cho là phỉ báng đảng cộng sản VN là vì tôi thể hiện lòng yêu nước khi tôi căm phẩn Trung Quốc xâm chiếm VN đến tận cùng sự phẩn uất. Tôi yêu nước, tôi thể hiện lòng yêu nước. Tôi không ngờ là tôi bị bỏ tù vì thể hiện lòng yêu nước”

Và lời của Đinh Nguyên Kha:
“Tôi trước sau vẫn là một người yêu nước, yêu dân tộc tôi. Tôi không hề chống dân tộc tôi, tôi chỉ chống đảng cộng sản. Mà chống đảng cộng sản thì không phải là tội.!”

Những lời tuyên bố kể trên nói lên nhiều điều:

· Thứ nhất, nó nói lên những thực trạng tồi tệ do CSVN gây ra tại VN mà rất nhiều người trong nước chưa được biết rõ.
· Thứ hai, nó nói lên tinh thần dũng cảm của người nói, không sợ tù tội.
· Thứ ba, nó là một lời nhắn nhủ đến những nguòi đồng trang lứa là 2 người này đã làm đúng những gì họ nghĩ, tranh đấu cho dân tộc dù phải hy sinh an ninh và tính mạng
· Thứ tư, nó là lời kêu gọi dân chúng biết rằng người dân có quyền phê bình đảng CSVN và nhà nước khi đảng và nhà nước làm sai, và sự phê bình CSVN không phải là một cái tội.
Tại sao nhà nước không giải thích và chứng minh cho toàn dân biết điều hai người trẻ này nói là sai, mà lại bỏ tù bịt miệng họ.
· Thứ năm, nó nói lên cái quyền dân làm chủ đối với đảng và nhà nước; cái quyền ngang hàng với nhóm lãnh đạo, gián tiếp làm sụp đổ đi bao nhiêu những hào nhoáng, thần thánh của trên 60 năm “cách mạng”.
· Thứ sáu, nó nói lên đảng CSVN chỉ là một đảng phái (nhưng lại nắm trọn quyền cai trị toàn dân và những tổ chức cầm quyền dân chúng)

Trước đó, 2 trong 14 thanh niên Thiên Chúa giáo cũng đã chứng tỏ thái độ khinh thường nhà nước CSVN:

“Tôi không có tội nên nhà cầm quyền Việt Nam muốn bỏ tù hay làm gì thì cứ tùy thích”. (Paul Minh Nhật)


“Tôi không làm bất cứ điều gì trái với lương tâm nên dù nhà cầm quyền có dùng nhục hình và bản án nặng nề để hại tôi thì chính quyền đang dẫm đạp lên đạo lí tốt đẹp ngàn đời của dân tộc VN và đó là chuyện của họ, họ phải tự chịu trách nhiệm”(F.x Đặng Xuân Diệu)

Bên cạnh những hành động không sợ quyền lực trên, người dân còn tìm những hình thức không sợ uy quyền khác để lên tiếng. Điển hình là cũng trong thời gian này nhiều người đã tổ chức trong công viên tại Hà Nội những buổi hội thảo về “ bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền” mà CSVN ký đồng ý khi gia nhập Liên Hiệp Quốc. Mặc dù khôn khéo lựa chọn một đề tài hoàn toàn nằm trong khuôn khổ luật pháp CSVN, nhưng CSVN vẫn không thể chấp nhận cái mầm mống sẽ dẫn đến sự chống đối họ về thống kê tự do, dân chủ và nhân quyền mà thế giới đang lên án họ khắt khe nên họ đã hành hung đánh đập những người tham dự và dù bị hành hung, những cuộc hội thảo vẫn tiếp diễn. Đó là chưa kể đến những người tranh đấu trong hàng ngũ Thiên Chúa giáo đã bị CSVN cầm tù, hoặc những người đang bị tù tội vì đã tranh đấu cho sự đền bù công bằng cho tài sản của họ mà CSVN đã tịch thu. Họ đã chấp nhận vào tù, không nhận tội và không xin khoan hồng.

Tất cả những thành phần chống đối CSVN dù có vì lý do khác nhau, vẫn chứng tỏ tinh thần không còn sợ luật pháp mà những người cai trị đè lên họ nữa.

THÀNH PHẦN TRANH ĐẤU CHỐNG CSVN ĐANG ĐƯỢC MỞ RỘNG

Một điều ít ai ngờ tới là thay vì bị gia đình chỉ trích hay trách mắng, hai sinh viên NPU và ĐNK lại được gia đình đồng ý, hỗ trợ, tự hào và hãnh diện, bất chấp những hậu quả xẩy đến cho gia đình hay cho con em họ. Có lẽ CSVN cũng không ngờ phản ứng này từ gia đình 2 sinh viên. Tại sao phản ứng này lại có thể xẩy ra trong sự cùm kẹp, khủng bố và bạo hành tra tấn dã man của công an. Có phải là tình trạng tức nước vỡ bờ hay là tình trạng người dân đã xem thường đảng và nhà nước, những người đã lợi dụng danh nghĩa của đảng để bóc lột, tham nhũng làm giầu trên tài sản và sức lao động của đại đa số dân chúng, cho nên không còn sợ và nể nang giới cầm quyền nữa.

Thái độ của gia đình hai sinh viên đã gióng lên được tiếng chuông đòi hỏi công lý cho người dân và “người dân” bây giờ lại gồm cả những thành phần “bình dân”, “buôn bán chỉ đủ nuôi gia đình”.
Người dân đã và đang đòi hỏi công lý dưới nhiều hình thức, từ chuyện hai mẹ con phải trần truồng ra đường đòi xứ đúng theo công bằng, đến chuyện cả gia đình phải dùng súng ống để tự bảo vệ tài sản dù có phải chết, đến chuyện đương đầu với hàng trăm công an súng ống đầy đủ khi bị cưỡng bức phải rời khỏi nhà đất của mình.

Nhân công cũng đình công vì bị bóc lột và ngược đãi bởi chủ nhân là nhà cầm quyền, tư nhân hay người nước ngoài. CSVN nhiều năm nay cũng đã tìm cách đè bẹp có hiệu quả những sự chống đối ngay từ trứng nước của thành phần công nhân này. Mới đây, CSVN lại ngăn cấm công nhân của năm nghề không được đình công vì lý do an ninh nhà nước.

Nông dân, vì chính sách 3 Nông (Nông Nghiệp, Nông Thôn, Nông Dân) của CSVN thất bại nên sự chống đối của nông dân từ sự bất mãn với nhà cầm quyền lại đang gia tăng. CSVN cũng đang tìm cách đối phó với nông dân.

Nói rõ hơn, CSVN không phải chỉ đối phó với NVNN, một “thế lực thù địch bên ngoài” luôn luôn tiếp tế tin tức cũng như yểm trợ và khuyến khích tất cả thành phần đòi hỏi tự do dân chủ, tôn giáo, vẹn toàn chủ quyền, đền bù công bằng sự mua bán tài sản người dân, mà còn phải đối phó với những thành phần dân chúng kể trên

 


CSVN TỨ BỀ THỌ ĐỊCH, TỪ THẾ CÔNG PHẢI ĐỔI SANG THẾ THỦ
 

Theo những nhận định trên, nhiều tầng lớp dân chúng trong nước bây giờ là kẻ thù và là thế lực thù địch của đảng. Hàng triệu đảng viên, quân lính và công an bây giờ là những kẻ cầm súng đối đầu với dân chúng.

CSVN cũng nhận thức ra là những thành phần chống đối này đang trông đợi vào sự tiếp tay của người Việt khắp nơi trên thế giới. Người Việt hải ngoại, mặc dù vẫn là công dân Việt nếu họ muốn, lại là những công dân của thế giới, được quyền chọn, sống trong những nước tự do dân chủ mà lá cờ VNCH, một biểu tượng cho tinh thần nhân bản. Với những phương tiện về tiền bạc tương đối đầy đủ, kiến thức chuyên môn nhiều (CSVN công nhận người Việt nước ngoài có trên 300,000 chuyên viên cao cấp mà chỉ có khỏang 300 về giúp VN) đồng thời với sự có kinh nghiệm và yêu chuộng tự do dân chủ, NVNN đã là biểu tượng cho những giá trị và cơ hội sống đầy đủ về vật chất cũng như tinh thần mà người trong nước muốn đạt được, trong hay ngoài nước Việt Nam. Sự tiếp tay này rất cụ thể và có hiệu nghiệm vì NVNN đã dùng chính bản thân của mình để chứng minh cho giá trị của những điều mà những người trong nước muốn đạt được.

CSVN cũng biết sự mong muốn đó của ngươi dân (và của chính họ ) nhưng thay vì tìm cách cải thiện đời sống dân chúng để họ bớt mơ ước về một giấc mơ thoát ly, CSVN lại vô tình hay bất lực đã đang biến người dân thành kẻ thù của mình, và nếu biến dân thành kẻ thù của mình thì không sớm thì muộn, sẽ có những sự tranh chấp và bùng nổ khi cường độ của sự đương đầu lên đến mức không thể giải quyết ôn hòa được.

Cách hành xử của CSVN đã làm người dân không còn sợ uy quyền của mình,
và dù người dân không vượt biển ra khơi tìm tự do ồ ạt như trước đây, người dân đã và đang là những “thuyền nhân trên cạn” trong chính nơi quê hương của mình vì họ đã “lên đường ra khơi” không sợ chết sợ tù đầy nữa để đòi tự do, công lý và bình đẳng; không muốn sống trong sự kềm kẹp của công an và bóc lột từ đảng, như những thuyền nhân đã vượt biển trong những năm 1970, 1980 với cùng mục đích.

Khi người dân không sợ quyền lực của giới lãnh đạo vì họ đã tuyệt vọng chờ những thay đổi, thì sự bất chấp quyền lực đó trở thành những vũ khí tinh thần đánh đổ được những súng đạn tràn đầy của giới lãnh đạo. Trong quá khứ, CSVN đã để những thành phần mầm mống cho sự chống đối họ rời khỏi nước để thoát khỏi sự bùng dậy, nhưng lần này, những thành phần dân chúng này sẽ đi đâu, hay họ phải ở lại Việt Nam, và nếu họ phải ở lại nước, thì CSVN phải đương đầu với họ thế nào. CSVN đang ở trong thế thủ thay vì trong thế công như trước đây, đang ở trong thế phải phản ứng lại những biến đổi thay vì ở trong thế công, cái thế công mà khi họ đưa ra những luật lệ mà người dân phải tuân theo cũng như phải thi hành một cách tuyệt đối trước đó.

CSVN mặc dù đã gian manh và quỷ quyệt loại bỏ được nhiều thành phần chống đối trí thức hay có tổ chức qua vụ Bauxit, vụ Hội Chuyên Viên Trí Thức, vụ Thái Hà, Cồn Dầu, hay những tổ chức chống đối ma họ lập ra để lùa những người chống đối vào, nhưng lần này sự chống đối lại là thành phần mà CSVN không ngờ nhất, một thành phần mà CSVN gọi là nền tảng cốt yếu của xã hội chủ nghĩa, thành phần nông dân, thành phần lao động, nghèo khó mà CSVN đang biến họ thành vô sản trong khi đó đa số đảng viên lại trở thành hàng ngàn nhà triệu phú dollars, làm giầu qua hình thức kinh tế thị trường định nghĩa XHCN, một hình thức mà đảng viên làm giầu qua sự moi rút tiền từ hàng chục ngàn công ty quốc doanh cũng như hàng trăm ngân hàng có sự bảo đảm của nhà nước CSVN. (Một thí dụ điển hình cho sự tạo ra hàng ngàn triệu phú này là sự lỗ lã gần 5,000 triệu dollars của hãng VINASHIN mà nhà băng CSVN đang bỏ tiền ra để cứu vớt. Số tiền 5,000,000,000 dollars này đã đi về đâu? chắc chắn là đã đi về hàng trăm công ty tư nhân do đảng viên hay người quen biết đảng làm ăn với công ty chính VINASHIN, làm ăn thật hay giả thì nhà nước cũng bao thầu mọi sự lỗ lã cho công ty chính.). Sự có mặt của hai giới giầu nghèo quá chênh lệch qua tham nhũng và chính sách của đảng, sẽ là một trong những động cơ cho sự đổi thay sau này, dù khó khăn, - vì CSVN, với tiền bạc dư thừa, sẽ tạo ra một lớp người muốn theo và phục tùng họ và sẽ quên đi cái mục tiêu tự do dân chủ.

CSVN muốn có giai cấp vô sản để chiêu dụ, thì bây giờ VN đang có giai cấp này. CSVN muốn giai cấp này vùng lên, thì sự bùng lên đang nhen nhúm. CSVN muốn chia đều tài sản, san bằng mọi giai cấp trong xã hội, thì sự đòi chia này đang khởi lên trong sự bất mãn nơi sự làm giầu phi pháp, qua tham nhũng và lạm dụng, với sự bao bọc của đảng, của đảng viên.

Tuy nhiên, dù CSVN ở thế công hay thế thủ, Tự Do, Dân Chủ, Nhân Bản và Nhân Quyền sẽ là những giá trị có sự chiến thắng sau cùng cho dân tộc. Đó sẽ là cái nền tảng nhân sinh cho mọi chế độ, mọi quốc gia trong thế kỷ này. Để đạt được mục tiêu này cho dân tộc Việt Nam, mọi người dân Việt hãy bắt đầu bằng cách quảng bá sự hy sinh và tranh đấu của những người yêu nước yêu dân tộc này đến mọi tầng lớp dân chúng, từng người một. Người Việt tranh đấu cho tự do dân chủ đang ở thế công và CSVN đang ở thế bị động. CSVN cho hàng ngàn cán bộ len lỏi vào những trang diễn đàn chống cộng trên mạng, thì NVNN cũng có thể ghi tên và đăng bài, nhất là những bài về NPU và ĐNK, lên hàng trăm trang mạng trong nước (vào google.com.vn để tìm được 100 trang mạng hàng đầu hay của những trường trung học, nơi học sinh ít biết về tình trạng tại VN). Chúng ta cần làm điều gì dù rất nhỏ để đóng góp vào sự mở rộng sự hiểu biết của người Việt trong nước về thực trạng của đất nước đang bị CSVN bưng bít.

Giá trị của những câu nói đầy khí thái và hiệu quả của Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha và của những người dân dám lên tiếng phê bình đảng và nhà nước CSVN sẽ không còn nữa nếu không được người trong nước biết đến.


Bùi Hồng Lĩnh
5/22/2013

 



NEVER LOSE THE LIGHT - KHÔNG ĐÁNH MẤT LỬA TIN


 
CỜ ĐỎ ĐANG BAY CAO
TRÊN NÚI ĐỒI ĐẤT QUÊ TÔI
TỦI

HỜN TIẾNG DÂN TÔI,
TRẦM UẤT KHÓC THƯƠNG ĐAU

NGƯỜI TƯỞNG LÀ TRỜI CAO
TRÊN TAY MÌNH LUÔN SÚNG DAO
NGƯỜI GIEO BAO NGHIỆT NGÃ
TỔ QUỐC TÔI BÌNH YÊN

NÀO CHỊ ANH EM HỠI
ĐỨNG LÊN CHO NHÂN QUYỀN
CÔNG LÝ SẼ ĐƯA TA ĐẾN
KHÔNG ĐÁNH MẤT LỬA TIN

TA MÃI HÁT CÂU CA
AN BÌNH VỚI YÊU THƯƠNG
THÙ HẬN CHẴNG AI MONG
GIỌT NƯỚC MẮT THÔI RƠI

NGƯỜI CƯỜI NHẠO BÁNG TÔI
DÙNG CỰC HÌNH TRA TẤN TÔI
NGƯỜI SẼ THẤY RỒI ĐÂY
NÀO CÓ GIẾT ĐƯỢC TÔI
 
NÀY CHỊ ANH EM HỠI
ĐỨNG LÊN CHO NHÂN QUYỀN
CÔNG LÝ SẼ ĐƯA TA ĐẾN
KHÔNG ĐÁNH MẤT LỬA TIN

NÀO CHỊ ANH EM HỠI
ĐỨNG LÊN ĐỂ CÙNG NHAU
ĐỨNG

LÊN CHO QUYỀN SỐNG
ĐỨNG LÊN CHO TỰ DO

BROTHERS AND SISTERS
STAND UP FOR YOUR RIGHT
STAND UP FOR YOUR RIGHT
STAND UP FOR YOUR RIGHT
 
JUSTICE WILL GUIDE US
NEVER LOSE THE LIGHT
NEVER LOSE THE LIGHT


 
Mong là một ngày nào đó, nguòi dân Việt cũng có được tự do, nhân quyền thật sự trên chính đất nước chúng ta.

Sunday, May 19, 2013

THÁI HÀ: ĐỐI MẶT VỚI NẠN CƯỚP PHÁ TU VIỆN VÀ TÀI SẢN, LỬA THÁI HÀ LẠI CHÁY



Từ mấy năm nay, chương trình cướp chiếm đối với Dòng Chúa Cứu Thế Thái Hà đã liên tục diễn ra, đặt giáo xứ vào một con đường đấu tranh đòi công lý dai dẳng và kiên trì như bao năm qua đã đi. 

Bất chấp sự phỉ nhổ của dư luận trong và ngoài nước, bất chấp luật pháp và điều tối thiểu nhất là hệ thống pháp luật do chính nhà nước này đưa ra, để cướp chiếm khu đất của Giáo xứ Thái Hà, Dòng Chúa Cứu thế Hà Nội. Sau khi không thể thực hiện được dự án chia chác được khu vực 14.000 mét vuông đất vàng giữa thủ đô của Dòng Chúa Cứu thế Hà Nội thành 28 khu biệt thự cao cấp, trước sự đấu tranh đoàn kết và mạnh mẽ làm rung chuyển hệ thống chính trị Hà Nội, nhà cầm quyền đã buộc phải làm “Vườn hoa”.   

Thế nhưng, những âm mưu của nhà cầm quyền Hà Nội vẫn không dừng lại ở đó. 

Tu viện Dòng Chúa Cứu thế Hà Nội được xây dựng từ 1928-1931, bỗng nhiên bị “mượn”. Thế rồi từ “mượn” đến chây lỳ không trả bao nhiêu năm nay, kể từ năm 1996, giáo dân Thái Hà đã có đơn yêu cầu trả lại. Thế nhưng, liên tục các bài cùn từ phía “Chính quyền”.

Điều hài hước ở việc xử lý của Hà Nội trong vấn đề cướp chiếm đất đai tôn giáo ở cơ sở này, là mỗi lần giáo dân có ý kiến, lập tức hàng loạt công an, an ninh, dân phòng và thậm chí là cả côn đồ được huy động đến đây.

  Gần đây, họ còn đưa một cơ sở phát thuốc HIV-AISD đến ngay cạnh nhà thờ để cấp thuốc cho các con nghiện. Lượng con nghiện tăng vụt xung quanh nhà thờ, vốn là nơi có hàng chục ngàn người đến tham dự Thánh lễ. Hệ thống loa được dùng chĩa vào nhà thờ, khiêu khích và nhiều khi làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến Thánh lễ của giáo dân bằng những lời vu cáo và lăng mạ.

Khi giáo dân đòi hỏi ráo riết, nhà cầm quyền Hà Nội đã giở nhiều chiêu bài rất hài hước và… cùn mà có lẽ lịch sử nhà nước trên thế giới này chưa có nơi nào sử dụng những con bài như thế. Nhà cầm quyền đã thể hiện sự loanh quanh, lúng túng mà không thể giải thích được câu hỏi: Tu viện Dòng Chúa Cứu Thế có phải là cơ sở tôn giáo không? Là cơ sở tôn giáo được bảo hộ của Pháp luật, cớ sao lại vào tay nhà nước, bằng văn bản nào hợp luật? Nếu nhà nước không thể có chỗ nào khác buộc phải lấy Tu viện, yêu cầu nhà nước có một quyết định: Tịch thu hoặc cướp cơ sở tôn giáo này.

Họ đưa ra các văn bản Luật đất đai 2003 nhằm bao biện, nhưng họ không trả lời được rằng giáo dân đã khiếu nại từ năm 1996 mà họ đã cố chây ỳ nhằm lấp liếm không giải quyết thì lý do vì sao. Họ càng không trả lời được: Đất đai nhà nước quản lý, vậy thì quản lý đâu phải là quyền sử dụng hoặc sở hữu? Đồng thời, tài sản của giáo xứ, tu viện của Nhà Dòng nằm trong điều luật nào là nhà nước được phép chiếm, cướp?

Đã nhiều lần, giáo dân Thái Hà yêu cầu làm rõ, nhưng nhà cầm quyền Hà Nội đều áp dụng luật pháp theo kiểu “Chợ giời”, nghĩa là cứ lỳ mặt và dùng bạo lực để trấn áp.

Mấy năm gần đây, nhà cầm quyền Hà Nội âm mưu cướp chiếm lâu dài Tu viện Dòng Chúa Cứu thế Hà Nội bằng cách đập phá, làm biến dạng tu viện để… xóa dấu tích. Giáo dân Thái Hà đã hết sức cảnh giác và họ đã lên tiếng.

  Sau khi bày trò “Dự án nước thải” năm 2011 nhằm lừa bịp dư luận để đưa quân vào đập phá Tu viện, nhà cầm quyền Hà Nội đã cho đập phá Tu viện thời gian qua. Giáo dân Thái Hà đã lập tức có nhiều đơn từ gửi đến các cơ quan có thẩm quyền. Thế nhưng, một mặt họ tiếp tục chây ỳ, mặt khác tìm mọi cách đập phá xóa các dấu tích của Tu viện này.

Ngày 13/5/2013, nhà cầm quyền Hà Nội mời Giáo xứ Thái Hà lên gặp Thanh tra Thành phố. Đây là lần thứ 3 Thanh tra Hà Nội, Quận Đống Đa bày trò này. Nhưng mỗi lần giáo dân đến là áp đặt theo cách cả vú lấp miệng em. Nhưng, chiều ngày 12/5, đột ngột nhà cầm quyền Hà Nội báo hoãn cuộc gặp giữa Giáo xứ và Thanh tra. Mặt khác, đội quân đập phá tiếp tục tăng cường việc đập phá tài sản của Giáo xứ, của Nhà dòng.

Ngay ngày hôm đó, giáo dân đã sang bệnh viện kiểm tra tài sản của mình đang bị phá hoại. Gặp gỡ đại diện giáo dân, Giám đốc Bệnh viện Đống Đa không thể trả lời được câu hỏi nào ngoài việc: Sẽ báo cáo. Nhưng việc đập phá đã không dừng lại.
 
 
 
 
 
Giáo dân Thái Hà đến kiểm tra Tu viện của mình đang bị đập phá 
 
Những ngày gần đây, sự phẫn uất của giáo dân đã lên cao độ, với quyết tâm của mình đã được thử thách qua bao năm tháng với đủ mọi trò đê hèn nhưng họ đã không khuất phục, họ quyết tâm đòi lại tu viện, cơ sở được xây dựng bằng mồ hồi, nước mắt và máu của cha ông, của bao thế hệ đi trước và hiện nay.
Tối ngày 18/5 và chiều 19/5/2013 giáo dân Thái Hà đã lũ lượt rước Đức Mẹ vòng quanh tài sản của mình đang bị cướp phá.
 
 
 
 
 
Rước Kiệu Đức Mẹ vòng quanh tài sản của Giáo xứ Thái Hà. 
 
Tối 19/5/2013, một Thánh lễ và buổi thắp nến cầu nguyện cho Sự thật – Công lý – Hòa bình và cầu nguyện cho nhà cầm quyền Hà Nội biết sống vì dân mà tỉnh táo, sáng suốt trả lại tài sản của Giáo xứ.
Đêm thắp nến cũng cầu nguyện cho các nạn nhân đang bị bách hại, cầm tù vì phản đối Trung Quốc xâm lược như Điếu Cày, Tạ Phong Tần và các Thanh niên Yêu nước sắp phải ra Tòa phúc thẩm. Cầu nguyện cho hai nạn nhân mới nhất là Nguyễn Phương Uyên, Đinh Nguyên Kha vì tấm lòng yêu nước mà bị xét xử bất minh, cầm tù vô lý. Thánh lễ cầu nguyện cũng cầu cho các nạn nhân bị mất đất, các dân oan đang ngày đêm đi kiện tụng, khiếu nại trong vô vọng khi bị cướp đoạt tài sản, đất đai là nguồn sống của mình. 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Thánh lễ cầu nguyện cho Sự Thật - Công Lý - Hòa Bình,
cho đất nước và các nạn nhân đêm 19/5/2013
 
Đêm hè Hà Nội nóng nực càng nóng hơn, bởi những ánh nến rực cháy như chính tấm lòng phẫn uất của giáo dân Hà Nội trước những bất công, oan trái hiện diện trên đất nước này.
Như vậy, một lần nữa nhà cầm quyền Hà Nội đã lại phát động lên ngọn lửa Thái Hà.
Hà Nội, Ngày 19/5/2013 
J.B Nguyễn Hữu Vinh
 
 
 

 
 
 
 


MỘT THẾ HỆ KHÔNG CÚI ĐẦU


Ngô Nhân Dụng

Tìm đọc trên các tờ báo ở trong nước bản tin về phiên tòa xử hai sinh viên Ðinh Nguyên Kha, Nguyễn Phương Uyên, thấy mấy báo này đều không đăng tên họ của các vị quan tòa cũng như tên người biện lý buộc tội. Nhà báo cẩn thận như vậy, chắc vì tội nghiệp cho các viên chức này.

Họ được lệnh của đảng Cộng sản Việt Nam phải kết án hai sinh viên trẻ tuổi, mà có thể trong lòng chính họ cũng nghĩ rằng cả hai thực ra chẳng có tội nào cả. Hoặc các tờ báo được lệnh trên không loan báo tên tuổi quan chánh án, để các vị đồng nghiệp của họ sẽ không tìm cách từ chối khi được cấp trên ra lệnh ngồi xử những vụ tương tự.

Người ta sẽ ngần ngại đóng vai quan tòa bù nhìn xử một bản án rồi mang tiếng xấu suốt đời; mà cũng vì không ai muốn bị lịch sử ghi tên, không ai muốn con cháu mình sau này phải chia sẻ niềm xấu hổ vì cha ông mình đã chủ tọa một phiên tòa ô nhục. Giống như nhiều người Việt còn nhớ tên họ ông Poulet Osier, người ngồi ghế chánh án trong phiên tòa tại Yên Bái xử các liệt sĩ Việt Nam Quốc Dân Ðảng vào Tháng Ba năm 1930. Ông Osier đã tuyên bố 29 bản án tử hình và 33 người khổ sai chung thân. Sau đó, tổng thống Pháp ân xá, chỉ còn 13 liệt sĩ bị hành quyết, nhưng người Việt Nam cũng không bao giờ quên tên ông chánh án Tây này. Khi gặp một người Pháp mang tên Osier thì nhiều người Việt bây giờ vẫn có khi thắc mắc không hiểu ông, bà này có phải là con cháu cụ Poulet Osier ngày xưa hay không! Nếu như ông Osier là người Việt Nam thì chắc con cháu ông ta nhiều người sẽ đổi họ.

Thấy Nguyễn Phương Uyên và Ðinh Nguyên Kha tuổi còn trẻ lại nhớ các vị anh hùng Quốc Dân Ðảng năm 1930. Ðinh Nguyên Kha tuổi 25, còn Nguyễn Phương Uyên mới có 21. Các liệt sĩ Yên Bái cũng trẻ như họ. Nguyễn Thái Học khi khởi nghĩa cũng chỉ hơn Ðinh Nguyên Kha bây giờ hai tuổi. Phó Ðức Chính hơn Phương Uyên hai tuổi; khi bị tử hình ông không ký tên xin phúc thẩm, còn nói: “Ðại sự đã không thành! Chống án làm gì vô ích!” Hai phụ nữ tham gia phong trào thời đó, cô Giang và Cô Bắc bắt đầu hoạt động cách mạng từ năm 16, 18 tuổi. Ðời trước hay đời nay, tuổi trẻ nước ta không bao giờ thiếu người hào kiệt.


Nhìn hình ảnh hai bị cáo mặc đồng phục áo trắng, quần xanh như các học sinh, ai cũng cảm phục thái độ bình tĩnh của hai bạn trẻ đứng giữa rừng công an, trong phiên tòa cộng sản. Bà Nguyễn Thị Kim Liên, mẹ của Ðinh Nguyên Kha kể rằng, “Các con rất thoải mái, hiên ngang, ngẩng cao đầu. Hai con ngồi nhìn thẳng lên thẩm phán, không cúi mặt.” Họ đúng là thế hệ thanh niên không cúi đầu, làm đúng như câu thơ của Nguyễn Ðắc Kiên: “Hãy ngẩng mặt!” Bà Liên cho biết Kha thản nhiên “nói nó chống Ðảng thì không phạm tội... bản cáo trạng xem việc chống Ðảng là phạm tội thì nó không biết, vì không có luật nào nói như vậy.”

Bà Nguyễn Thị Nhung kể cô Phương Uyên, con gái bà, tự biện hộ nói rằng, “Tôi là một sinh viên có lòng yêu nước. Nếu phiên tòa hôm nay kết tội tôi, thì mọi người trẻ sẽ sợ hãi và không còn dám bảo vệ chủ quyền của đất nước!” Bà Nhung cho biết cô con gái đã giải thích, “Chúng tôi làm để thức tỉnh mọi người trước hiểm họa Trung Quốc xâm lược đất nước.” Nhưng cô cũng nói, hành động của cô “xuất phát từ cái tấm lòng yêu nước nhằm chống cái xấu để làm cho xã hội ngày càng tốt đẹp tươi sáng hơn.”

Riêng thái độ hiên ngang của hai bạn trẻ trước tòa án cũng đã “giúp cho xã hội tốt đẹp, tươi sáng hơn.” Thanh niên Việt Nam từ nay có thể nhìn thấy tấm gương của họ để tự hỏi chính mình phải làm gì giúp cho xã hội tốt đẹp hơn.

Ðinh Nguyên Kha và Nguyễn Phương Uyên chắc chưa có dịp đọc lịch sử phiên tòa xử các chiến sĩ Việt Nam Quốc Dân Ðảng năm 1930. Các vị liệt sĩ đời xưa đã chọn con đường bạo động nhưng trước tòa án thực dân Pháp họ cũng thản nhiên và khẳng khái như vậy. Một người nói: “Tôi chẳng có chân trong hội kín, hội hở nào cả! Tôi chỉ là người Việt Nam! Tôi có bổn phận phải đánh đuổi người Pháp để khôi phục lại nền độc lập cho tổ quốc tôi.” Chẳng khác gì Ðinh Nguyên Kha nói “Tôi không chống dân tộc, tôi chỉ chống Ðảng Cộng sản.” Một đảng viên Quốc Dân Ðảng khác còn nói: “Tôi không được tham dự vào cuộc tấn công đó, vì tôi đau mắt; nếu tôi không bị đau mắt nặng, thì tôi nhất định cũng làm như mọi người khác.” Một bị cáo mới 15 tuổi được gọi ra, đã khai: “Tôi giúp anh tôi làm một điều theo công lý.”

Ngày nay, các bạn trẻ không chọn con đường bạo động, vì phương pháp bất bạo động sẽ có hiệu quả hơn. Những luật sư Nguyễn Văn Ðài, Lê Thị Công Nhân, hay các bạn trẻ Huỳnh Thục Vi, Lê Công Ðịnh, Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Thăng Long, Nguyễn Tiến Trung, Phạm Chí Dũng đều chọn con đường tấn công ách chuyên chế bằng lý luận, bằng vận động người chung quanh, và sử dụng ngay hệ thống luật pháp của chế độ để thay đổi chế độ. Các luật sư của Ðinh Nguyên Kha và Nguyễn Phương Uyên đã dùng lý lẽ để bắt buộc ủy viên chính phủ phải rút lại “tội chống Trung Quốc” trong bản buộc tội. Bằng hành động này, người ta đã chứng minh cho cả nước thấy Cộng sản Việt Nam đã coi việc “chống Trung Quốc” tức là “chống Ðảng,” không khác gì họ tự nhận chỉ là một chi nhánh của Ðảng Cộng sản Trung Hoa!

Ðiều đặc biệt là trong phiên tòa ở Long An vừa qua, chính quyền đã không dám trưng ra những “tang vật” dùng để buộc tội hai sinh viên Ðinh Nguyên Kha và Nguyễn Phương Uyên. Tang vật rõ ràng nhất là những bản truyền đơn ngắn mà các sinh viên này đã in ra để phân phát. Chính quyền cộng sản không dám cho đọc trước tòa án những lời kêu gọi của “Tuổi Trẻ Yêu Nước” như các lời sau đây:

“Hỡi đồng bào Việt Nam hãy đứng lên chống lại bạo quyền độc tài Cộng sản Việt Nam... hãy đứng lên vì Tự Do, Nhân Quyền và Chân Lý!... Dậy mà đi hỡi đồng bào ơi!”“Trung Quốc đang từng bước thôn tính nước ta, bọn chúng đang chiếm dần biển đảo của ta... Ðảng Cộng sản Việt Nam dâng hiến Ải Nam Quan, Thác Bản Giốc và hàng ngàn cây số vuông đất biên giới cho Trung Quốc... Tổ quốc đang lâm nguy! Toàn dân hãy đứng lên cứu nước!”

Chắc chắn các tờ báo trong nước không dám đăng lại những lời tố cáo và kêu gọi này, dù đó là “tang vật” dùng để kết tội hai sinh viên từ 6 đến 8 năm tù!

Nhưng các người quan sát phiên tòa Long An vừa qua cũng nhận thấy nhiều điều bất thường trong cung cách của những người nắm quyền tại địa phương. Có người nhận thấy “nhà cầm quyền Long An tỏ ra ‘dễ chịu’ hơn các nơi như ở Sài Gòn, Hà Nội...” Thí dụ, “Luật sư có nhiều thời gian hơn, gia đình gặp được người thân bị giam giữ trước khi ra tòa... Lần đầu tiên ở Việt Nam kiểm soát viên chấp nhận đuối lý trước luật sư và rút lại việc truy tố 2 nạn nhận tội 'chống Trung Quốc'.” Ngoài ra, “dù có bắt bớ một số người dự tính tham dự phiên tòa nhưng lần này có vẻ như là công an Long An không dám tàn độc như công an Sài Gòn hay ở Hà Nội.” Chính những người đang nắm quyền cũng biết chế độ đang “đuối lý;” và mặc dù phải theo lệnh tuyên án nặng nề, họ cũng không muốn mang tiếng nhơ trong lịch sử! Ðây cũng là một dấu hiệu cho thấy chế độ đang dần dần suy sụp ngay từ bên trong. Khi nào chính lực lượng công an cũng từ chối không tham dự các cuộc cướp đất, không đàn áp biểu tình vì yêu nước, thì dấu hiệu càng rõ ràng hơn.

Chúng ta vừa mới có dịp tưởng nhớ những anh hùng tuẫn tiết ngày 30 Tháng Tư năm 1975. Hồn thiêng Hải quân Ðại tá Ngụy Văn Thà, các vị liệt sĩ bảo vệ Hoàng Sa năm 1974, và các vị Tướng Phạm Văn Phú, Nguyễn Khoa Nam, Lê Nguyên Vĩ, Trần Văn Hai, Lê Văn Hưng có thể ngậm cười nơi chín suối khi biết thế hệ thanh niên sinh sau năm 1975 vẫn giữ vững tinh thần yêu nước, yêu tự do, bất khuất và hiên ngang trước bạo quyền. Những liệt sĩ Phó Ðức Chính, Nguyễn Thái Học, Cô Giang và Cô Bắc cũng phải hãnh diện về đám con cháu đời sau vẫn theo gương sáng của tổ tiên. Ðúng như Nguyễn Trãi khẳng định, nước Ðại Việt chúng ta “Dẫu mạnh yếu có lúc khác nhau, nhưng hào kiệt đời nào cũng có.” Chúng ta có thể vững lòng tin tưởng rằng thế hệ trẻ ngày nay không phải là một “thế hệ cúi đầu” chịu nhục.
 

 

Saturday, May 18, 2013

TÔI THẤY EM - CA KHÚC CỦA TRÚC HỒ DÀNH TẶNG CHO PHƯƠNG UYÊN VÀ ĐINH NGUYÊN KHA



Tôi thấy em thấp thoáng áo về

Tôi thấy em
Thấp thoáng áo mẹ về
Tà áo dài trắng mẹ may
Họ không cho em mặc
Nhưng em đứng đó, thẳng người, nghiêm trang
Như em học trò muôn thuở hiền lành, lễ phép, nề nếp
Và hiên ngang
Nếp áo của mẹ, của cha, của thầy, của cô, của trường lớp
Nếp áo vinh quang của quê hương bốn ngàn năm
Áo hình chữ S đi suốt những chặng đường lịch sử
Mà chưa hề lấm bẩn
Quê hương mình bây giờ rách rưới
Em học trò đứng lên giữa hỗn mang cuộc đời
Đem lại một nụ cười tươi
Quê hương hôm nay hãnh diện có các em
Phương Uyên ơi, Nguyên Kha ơi
Đứng thẳng lên các em nhé
Áo trắng dân chủ
Thấp thoáng về trên đôi vai các em
 
Hạ Huyên 72
danlambaovn.blogspot.com
 
==============================================================
 
Kênh Youtube của đài truyền hình SBTN vừa cho phổ biến bài hát 'Tôi thấy em', một sáng tác mới nhất của nhạc sỹ Trúc Hồ dành tặng cho 2 sinh viên yêu nước Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha.
 
Nhạc sỹ Trúc Hồ cho biết, ca khúc này được phổ nhạc dựa theo ý của bài thơ 'Tôi thấy em thấp thoáng áo về' của tác giả Hạ Huyên 72 được đăng trên Danlambao vào đúng ngày diễn ra phiên tòa kết án 2 sinh viên yêu nước, 16/5/2013. Ca khúc này sau đó đã nhanh chóng được trình diễn qua giọng hát của ba ca sĩ Nguyên Khang, Nguyễn Hồng Nhung, Mai Thanh Sơn.
 
Trúc Hồ là nhạc sỹ đã sáng tác rất nhiều ca khúc có nội dung kêu gọi dân chủ, nhân quyền cho Việt Nam. Anh hiện là giám đốc kỹ thuật của trung tâm ca nhạc Asia, nơi được xem là thành trì kiên cố trên mặt trận văn hóa tại hải ngoại.
 
Vì các sáng tác cũng như các hoạt động đấu tranh dân chủ cho VN, các bài hát của Trúc Hồ bị nhà cầm quyền CS cấm phổ biến. Điển hình là lệnh cấm gần đây của UBND TP.HCM đối với bộ đĩa ASIA 71, trong đó có bài hát 'Triệu con tim' của Trúc Hồ.
 
Dưới đây là lời giới thiệu của kênh Youtube SBTN về bài hát 'Tôi thấy em' của Trúc Hồ dành tặng 2 sinh viên yêu nước Uyên và Kha:
 
Ngày 16/5/2013 tại Việt Nam, Tòa án tỉnh Long An đã diễn ra phiên tòa xử hai sinh viên yêu nước đó là Đinh Nguyên Kha và Nguyễn Phương Uyên. Hai em đều là những thanh niên trăn trở với vận mệnh đất nước và không chấp nhận hành vi xâm lược của Trung Quốc. Họ cùng những bạn bè của mình xuống đường và lên tiếng chống lại thái độ bá quyền của Trung Quốc trên lãnh thổ Việt Nam. Họ cũng lên tiếng chống lại những bất công xã hội.
 
Nhưng trước tòa án của nhà cầm quyền CSVN, họ đã bị kết tội với những bản án thật nặng nề: Nguyên Kha bị kết án 8 năm tù giam, 3 năm quản chế và 2 năm tù giam nữa về một tội khác trong quá khứ bất ngờ được nêu lên; Nguyễn Phương Uyên bị kết án 6 năm tù giam, 3 năm quản chế.
 
Nhạc phẩm Tôi Thấy Em do nhạc sĩ Trúc Hồ sáng tác sau phiên tòa xử hai sinh viên yêu nước Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha. Bài hát được lấy ý thơ từ một bài thơ của tác giả Hạ Huyên gởi đăng trên Blog Dân Làm Báo, do nhạc sĩ Trúc Hồ tình cờ đọc được trong khi đang tìm đọc tin tức về phiên tòa. (http://danlambaovn.blogspot.com/2013/...)
 
Bài hát được thâu live qua tiếng hát của ba ca sĩ Nguyên Khang, Nguyễn Hồng Nhung, và Mai Thanh Sơn. Mời các bạn cùng chia sẻ với nhạc sĩ Trúc Hồ qua sáng tác mới nhất của anh viết tặng hai sinh viên yêu nước Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha.