Thursday, January 23, 2014

HƯƠNG CẢNG: BÀI HỌC "CHỐNG CỘNG CỰC ĐOAN"

Giữa mùa hè năm nay, trong vòng chưa đầy hai tháng, người dân Hương Cảng đã xuống đường đến ba lần. Lần nào cũng rầm rộ, xôm tụ. So với những cuộc biểu tình trong cùng thời gian vừa qua tại Việt Nam, nếu mức độ đồ sộ ấy được hình dung bằng thành ngữ cửu ngưu nhất mao thì cũng chẳng ngoa tí nào. Nhưng e rằng sự khác biệt không chỉ dừng lại trong phạm vi so sánh về mặt số lượng. Qua những cuộc biểu tình này, người Hương Cảng còn triển hiện một ý thức sâu sắc về mặt đạo đức chính trị. Họ vạch rõ chiến tuyến giữa thiện và ác. Vì tương lai của Hương Cảng, vì tự do và hạnh phúc của toàn thể nhân dân Trung Hoa, họ mạnh dạn dấn thân và cương quyết đấu tranh cho đến cùng để giải thể chế độ độc tài chuyên chính của Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ). 

Lục Tứ 2012: "Như Biển Cả Tràn Trề Tình Yêu Và Lương Tri"

Hơn 180.000 người dân Hương Cảng đổ về công viên Victoria, thắp nến và thức suốt đêm mồng 4 tháng 6 năm 2012 để tưởng niệm nạn nhân bị ĐCSTQ tàn sát tại quảng trường Thiên An Môn vào ngày này 23 năm về trước - một biến cố được họ gọi tắt là Lục Tứ. Dưới ánh trăng rằm, bên bìa rừng nhà chọc trời ngạo nghễ, hàng vạn ngọn nến chi chít bên nhau tạo thành một quanh cảnh hết sức hoành tráng. Nhưng đối với anh Phương Chính, một nạn nhân bị xe tăng của Giải Phóng Quân Trung Cộng cán nát hai ống chân trong ngày Lục Tứ, thì: "Ánh nến đêm nay như biển cả tràn trề tình yêu và lương tri."

Tình yêu của những cụ già tuổi quá 70 nhưng hằng năm vẫn đến đây - đã 23 lần, chưa lỡ một lần nào - như để làm tròn một bổn phận thiêng liêng. Tình yêu của vô số thanh thiếu niên và nhi đồng thậm chí chưa lọt lòng mẹ khi biến cố Lục Tứ xảy ra. Hãy nghe lời giải bày mộc mạc nhưng dạt dào nhân ái của một bé gái 7 tuổi: "Nhiều người đã chết nên em đến đây để tỏ lòng kính trọng." Tình yêu của những người lặn lội từ Trung Quốc đến (vì ở đó họ không được phép nói đến Lục Tứ) để cùng với hàng trăm ngàn người Hương Cảng nhắc nhở nhau và toàn thể nhân loại: "Đừng Quên Lục Tứ."

Lương tri là cương quyết đòi hỏi công lý cho những người bị cường quyền sát hại chỉ vì họ đã dũng cảm xuống đường đấu tranh cho lý tưởng tự do và dân chủ. Rừng biểu ngữ và tiếng hô hào vang dội:
"Bình Phản Lục Tứ," "Kiên Trì Đến Cùng" "Thiên Diệt Trung Cộng" chẳng khác gì một bản tiến hành khúc hào hùng. Lương tri là mạnh dạn đối đầu với những kẻ vô lương tri, như quyết tâm của một thanh niên 17 tuổi: "Tuy lúc đó tôi chưa ra đời, nhưng chúng ta cần phải chủ động đứng lên để bảo vệ quyền lợi của mình và bộc bạch với nhân dân rằng chúng ta có trách nhiệm nói không với Đảng Cộng Sản Trung Quốc."

Hơn 180.000 người thắp nến thức đêm để tưởng niệm và đòi hỏi làm sáng tỏ biến cố Lục Tứ
tại Công viên Victoria, Hương Cảng, đêm mồng 4 tháng 6, 2012

Thất Nhất 2012: "Giải Thể Trung Cộng, Phục Hưng Trung Hoa"

Mồng 1 tháng 7, 2012 đánh dấu 15 năm sau ngày Hương Cảng được Anh Quốc trả lại cho Trung Quốc khi tá ước nhượng địa 99 năm ký kết với Thanh Triều đáo hạn vào ngày 30 tháng 6 năm 1997. Nhân dịp này Hồ Cẩm Đào đã đến Hương Cảng để dự lễ kỷ niệm "hồi quy" lần thứ 15 và chủ trì nghi thức tuyên thệ nhậm chức cho ông Lương Chấn Anh vừa mới được chọn làm "Trưởng Quan" của Đặc Khu Hành Chính Hương Cảng (tuy "Trưởng Quan" là danh xưng chính thức của người đứng đầu chính phủ Hương Cảng, nhưng người dân địa phương ưa dùng tên gọi không chính thức là "Đặc Thủ" tức là từ viết tắt của cụm "Thủ Trưởng Đặc Khu," tương đương với chức Tổng Đốc dưới thời Anh thuộc). Hệ thống bảo an được triển khai chặt chẽ tại hội trường và chỉ có những khách mời được chọn lọc kỹ lưỡng mới đủ tư cách tham gia buổi lễ này. Tuy nhiên vẫn có một khán giả đột ngột đứng lên cật vấn Hồ Cẩm Đào về vụ Lục Tứ trong lúc ông ta đang đọc diễn văn, và dĩ nhiên "kẻ phá đám" đã được cảnh sát nhanh chóng tống ra khỏi hội trường. Nhưng ngoài vụ trục trặc bất ngờ này, nói chung mọi chuyện đều được tiến hành suôn sẻ theo kịch bản.

Nhưng tình hình bên ngoài thì hoàn toàn khác hẳn.
Gần 400.000 (vâng, bốn trăm ngàn) người đã rầm rộ xuống đường để "đón tiếp" Hồ Chủ Tịch với vô số biểu ngữ chẳng mấy khách khí như:
Kiến Thiết Trung Quốc Dân Chủ
Thiên Diệt Trung Cộng
Đả Đảo Đảng Cộng Sản
Giải Phóng Trung Quốc, Cộng Phỉ Tất Vong
Thối Xuất Ác Đảng, Giải Thể Trung Cộng
Một Hữu Cộng Sản Đảng, Tài Hữu Tân Trung Quốc (Không Còn Đảng Cộng Sản Mới Có Tân Trung Quốc)
Khảm Đầu Dã Bất Hồi Đầu (Dẫu Bị Chém Đầu Cũng Chẳng Quay Đầu [Theo Trung Cộng])
We Need A Hong Kong Spring (Chúng Ta Cần Một Mùa Xuân Hương Cảng)
Beijing, Fuck Off
(Bắc Kinh, Cút Đi)
 
Đấu tranh đến cùng - "Dẫu bị chém đầu cũng chẳng quay đầu."
 
Nhiều người mặc tang phục trắng đen và khiêng những chiếc quan tài có dòng chữ Hương Cảng Hung Tố Cát Thiểu in đậm bên hông. Đối với người dân Hương Cảng, mồng 1 tháng 7, 1997 càng ngày càng giống như 30 tháng 4, 1975 của Việt Nam: Thời khắc hắc ám đánh dấu sự lan tràn của thảm họa cộng sản đến phần đất nước đã từng được hưởng tự do. Cũng như ngày "Quốc Hận" của chúng ta, người Hương Cảng xem "hồi quy" là ngày "Cảng Hận" cần phải để tang, như tiếng than oán của nhiều người biểu tình tại hiện trường và trên không gian mạng: "Ai điệu Hương Cảng luân hãm thập ngũ niên" ("Thương xót Hương Cảng rơi vào tay giặc đã 15 năm"). Bởi vậy, họ chỉ dương cờ Hương Cảng thời Anh thuộc, cờ Đài Loan, ảnh Tưởng Giới Thạch, và thậm chí cả cờ Anh Quốc nữa, nhưng tuyệt nhiên chẳng có ai cầm cờ Trung Quốc hay cờ Hương Cảng hiện thời.

Ngôn từ tuyên truyền theo chiều hướng dân tộc tính như "tổ quốc," "thống nhất," và "hồi quy" của Trung Cộng và Cảng Cộng hầu như đã hoàn toàn mất sức thuyết phục vì đại đa số người dân Hương Cảng bác bỏ khái niệm tổ quốc theo kiểu "Trung Quốc đồng nghĩa với Trung Cộng" của Bắc Kinh. Theo một cuộc thăm dò dân ý do Đại Học Hương Cảng thực hiện vào đầu năm nay thì đến 83,4% người Hương Cảng không chịu thừa nhận danh xưng "công dân Trung Quốc" mà chỉ muốn tự gọi mình là "người Hương Cảng" — một sự phân biệt tuyệt đối cần thiết vì nó tiêu biểu cho giá trị tự do, dân chủ, và đa nguyên mà họ đã gầy dựng trong nhiều thế hệ qua và hiện tại đang bị chính quyền Trung Quốc hăm he muốn hủy diệt. Đương nhiên, người Hương Cảng vẫn duy trì và tuyên dương văn hóa Trung Hoa, nhưng nếu muốn họ đi theo con đường cộng sản hay thậm chí chỉ làm tay sai cho cộng sản thì "dẫu bị chém đầu cũng chẳng quay đầu." Bởi lẽ "ái quốc" không có nghĩa là "ái đảng" mà ngược lại yêu nước là phải "giải thể ác đảng" để "phục hưng Trung Hoa." Bởi lẽ: "Không còn Đảng Cộng Sản thì mới có tân Trung Quốc" ("Một hữu Cộng Sản Đảng, tài hữu tân Trung Quốc").

Biểu hiện rõ rệt nhất trong chiến lược Beijing, Fuck Off của người Hương Cảng là phong trào "khứ cộng" (tiêu trừ cộng sản) tại chính trường địa phương, tức là nỗ lực đả phá âm mưu "Đảng trị Cảng" (ĐCSTQ thống trị Hương Cảng) nhằm duy trì thể chế "Cảng nhân trị Cảng" (người Hương Cảng quản trị Hương Cảng) theo quy định nhất quốc lưỡng chế trong kỳ hạn 50 năm mà chính phủ Trung Quốc đã thỏa thuận với chính phủ Anh Quốc trước khi Hương Cảng hồi quy. Bởi vậy ngay trong ngày nhậm chức, Lương Chấn Anh đã bị người dân Hương Cảng xuống đường yêu cầu "hạ đài" vì họ tin rằng y là một đảng viên bí mật của ĐCSTQ. Ngoài ra, họ còn đòi hỏi quyền tuyển cử phổ biến (gọi tắt là "phổ tuyển" tức là đầu phiếu theo nguyên tắc một người, một phiếu) để xây dựng cơ chế dân chủ toàn diện. Hiện tại, Đặc Thủ do Ủy Ban Tuyển Cử (chỉ gồm 1.200 đại biểu của các ngành nghề và đoàn thể) bầu chọn, và 35 trong tổng số 70 đại biểu của Lập Pháp Hội (cơ quan lập pháp của Hương Cảng) do cử tri trong 35 ngành nghề bầu chọn. Chỉ có 35 đại biểu của Lập Pháp Hội được bầu chọn theo nguyên tắc phổ tuyển.


Đưa tang trong ngày "Cảng Hận"
Thất Nhị Cửu 2012: "Không Cần Tẩy Não, Chớ Làm Cộng Nô"

Dư chấn của cuộc biểu tình Thất Nhất đồ sộ chưa dứt, ngày 29 tháng 7, bất chấp nắng hạ như thiêu như đốt, người Hương Cảng lại rầm rộ kéo nhau xuống đường. Ban tổ chức dự tính sẽ có khoảng 10.000 người tham gia, nhưng kết quả đã thu hút hơn 90.000 người. Lần này họ xuống đường để chống đối kế hoạch đưa bộ môn giáo dục quốc dân vào chương trình giảng dạy ở bậc tiểu học và trung học của Cục Giáo Dục Hương Cảng. Vì thấy khó bề thuyết phục những người sinh ra và lớn lên dưới thời Anh thuộc, ĐCSTQ chuyển dịch mục tiêu tuyên truyền sang thế hệ "hậu hồi quy" với những biện pháp đầu độc giới trẻ tương tự như những gì Bắc Kinh đã và đang áp dụng tại Đại Lục.

Bất luận là người bản địa hay dân di cư từ những nơi khác đến, bất luận là vì thế hệ con em của chính mình hay của người khác, 90.000 người Hương Cảng xuống đường với một tâm nguyện chung là lập tức vô hiệu hóa chính sách tẩy não của Trung Cộng. Họ phẫn nộ vì môn học vốn có mục đích nhân bản và đạo đức này đang bị biến thành một công cụ chính trị. Họ phẫn nộ vì chính quyền Lương Chấn Anh đang tìm mọi cách để thi hành cái mà họ gọi là "nhiệm vụ chính trị" theo mệnh lệnh của ĐCSTQ. Để phụ họa với quyết định của chính quyền Lương Chấn Anh, những tổ chức tự xưng là độc lập nhưng thực chất là do Bắc Kinh chi phối và được chính phủ Hương Cảng tài trợ đã ấn hành một cuốn sổ tay mang tên Mô Thức Trung Quốc để làm tài liệu hướng dẫn việc giảng dạy bộ môn giáo dục quốc dân tại nhà trường. Hầu như toàn bộ nội dung tài liệu này chỉ nhắm vào mục đích ca tụng ĐCSTQ và che dấu mọi hành vi xấu xa của họ. ĐCSTQ được tuyên truyền là một "tập đoàn chấp chính tiến bộ, vô tư, và đoàn kết" trong khi đó chế độ đa đảng của phương Tây bị bôi nhọ là nguyên nhân gây chia rẽ xã hội và tai ương làm hại quần chúng: "Chính đảng ác đấu, nhân dân đương tai." Nhưng người Hương Cảng thấy rõ đây chỉ là ngôn từ ngụy biện và thủ đoạn dối trá. Bởi vậy họ phản bác ngay bằng biểu ngữ: "Nhất đảng chuyên chính, nhân dân đương tai." Họ cương quyết đẩy lùi làn sóng giáo dục "đỏ như máu" đang hăm he tràn vào bờ để đầu độc tư duy trong trắng thơ ngây của con cháu họ. Đối với họ, giáo dục quốc dân bản chất là giáo dục ngu dân, bởi vậy họ tuyệt đối không để cho thế hệ sau bị "nhiễm hồng" hay "xích hóa" rồi mai một mất lương tri. Một người cha bồng con gái chưa đầy 2 tuổi trên tay chia sẻ lý do anh tham gia biểu tình:
Tôi không hy vọng khi lớn lên con gái tôi sẽ tin rằng nhất đảng chuyên chính là tốt, không hy vọng con gái tôi sẽ tin rằng chẳng có ai bị giết hại trong biến cố Lục Tứ, và Đảng Cộng Sản là đồng nghĩa với Trung Quốc. Tôi sợ rằng sau này con gái tôi sẽ không biết đâu là sự thật, không biết đâu là lịch sử, không có năng lực tư duy độc lập, không biết phân biện phải trái.

Một cụ già cho biết cụ tham gia cũng vì cháu gái mới 3 tuổi:
Tôi không muốn cháu gái tôi bị giáo dục quốc dân đầu độc, bởi vậy chúng tôi phải xuống đường phản đối. Hiện tại ở Đại Lục có biết bao nhiêu tham quan ô lại, biết bao nhiêu sữa độc, biết bao nhiêu thứ độc khác nữa nhưng họ chẳng nói. Họ chỉ nói chuyện lên trời xuống đất, chuyện tốt thôi, còn chuyện xấu không nói. Thế làm sao tôi phục được? Nếu chúng ta không lên tiếng những cái xấu ấy sẽ đến đầu độc mình. Hiện tại không phải người Hương Cảng trị Hương Cảng mà Trung Cộng trị Hương Cảng. Bởi vậy tôi hy vọng mọi người dùng chân để bỏ phiếu, đạp đổ nó đi.

Trong khi đó dòng người biểu tình như sóng Trường Giang cuồn cuộn trên đường phố Hương Cảng dương cao biểu ngữ chống đối âm mưu đầu độc con cháu họ và kiên quyết đòi hỏi chính phủ phải hủy bỏ kế hoạch giáo dục quốc dân: 

Yêu Nước: Không Cần Dạy — Yêu Đảng: Phải Tẩy Chay
Yêu Tổ Quốc ≠ Yêu Đảng Cộng Sản
Thiên Diệt Trung Cộng: Đó Mới Là Giáo Dục Quốc Dân Chân Chính
Phản Đối Thực Dân Tẩy Não
Đừng Dạy Cho Tôi Hư[
Chớ Cho Tôi Uống Thuốc Độc
Đừng Phá Hoại Con Tôi
Tiêu Diệt Quốc Dân Giáo Dục
Tiêu Diệt Trung Cộng Chấp Pháp
Tiêu Diệt Đảng Cộng Sản
Đình Chỉ Giáo Dục Tẩy Não
"Chống Cộng Cực Đoan"

Trước thái độ không nhân nhượng ấy của người Hương Cảng, những kẻ có lợi ích gắn bó với chế độ độc tài đỏ tại Trung Quốc chắc chắn sẽ la ó lên: "Cực đoan! Cực đoan!" So với những cuộc biểu tình chống cộng của người Việt tỵ nạn khắp nơi trên thế giới, mức độ "cực đoan" của người Hương Cảng, nếu không vượt trội, thì hiển nhiên là chẳng thua kém tí nào. Trong cộng đồng người Việt hải ngoại, chiêu thức "chống cộng cực đoan" cũng được Việt Cộng (và đàn em) tung ra đã từ lâu, nhưng trong những năm gần đây tần suất, cường độ, và phạm vi của nó được gia tăng mãnh liệt. Về bản chất, đây là loại ngôn từ được dùng theo chiều hướng biếm nghĩa nhằm chụp mũ và bôi xấu những ai muốn giải thể chế độ độc tài đảng trị để xây dựng xã hội tự do, dân chủ, và pháp trị tại Việt Nam.

Song song với chiến thuật mạ lị những người kiên quyết đấu tranh, chính quyền Việt Nam xúc tiến thêm kế hoạch "dụ khị" những kẻ sẵn sàng bán rẻ lương tri ở hải ngoại, lôi kéo họ "trở về bên nhau, cùng nhau xây dựng" bằng chiêu bài "hòa hợp hòa giải." Nhưng điều kiện cơ bản mà Việt Cộng tuyệt đối không bao giờ chịu "hòa hợp hòa giải" hay thỏa hiệp là quyền lãnh đạo tuyệt đối, toàn diện, và vĩnh viễn của họ, như được ghi trong Điều 4 của Hiến Pháp. Bởi vậy "hòa hợp hòa giải" thực chất chỉ là thủ đoạn dùng để chiêu hồi những kẻ chống đối họ nhằm nâng cao giá trị tuyên truyền cho chiến lược củng cố và duy trì chế độ độc tài đảng trị. "Hòa hợp hòa giải" sẽ không có ý nghĩa và sức thuyết phục quần chúng nếu không được xây dựng trên nền tảng của những giá trị phổ quát như dân chủ, pháp trị, và đa nguyên đa đảng. Tuy đại đa số người Việt tỵ nạn ở hải ngoại đều thấy rõ và quyết tâm đập tan mưu toan này, nhưng một bộ phận thiểu số đã không ngần ngại bỏ rơi chính nghĩa và quay lưng lại với khát vọng tự do và bình đẳng của dân tộc. Nguyên nhân chính là vì họ không đủ định lực kháng cự sức cám dỗ của những lợi ích vật chất và đặc quyền mà Việt Cộng đưa ra làm mồi nhử. Người Hương Cảng cũng gọi là những kẻ như thế là "cộng nô" và họ cũng biết chắc giáo dục quốc dân chỉ là phương tiện đào tạo những thế hệ tay sai cho ĐCSTQ. Bởi thế họ phải cảnh cáo Trung Cộng và khuyến dụ đồng bào: Không Cần Tẩy Não, Chớ Làm Cộng Nô. Nếu tư tưởng và hành động được triển hiện qua những biểu ngữ tương tự khác mà họ đã hùng dũng dương cao trong các cuộc biểu tình này, chẳng hạn như:
 
Trung Cộng Thị Vạn Ác Chi Nguyên
Giải Thể Ác Đảng, Chương Hiển Lương Tri
Kết Thúc Nhất Đảng Chuyên Chính
Quyền Lực Quy Ư Nhân Dân
Cộng Phỉ Tất Vong
Bình Phản Lục Tứ, Hoàn Chính Ư Dân
Full Democracy Now
One Person, One Vote
We Don't Need No Thought Control
 

cũng bị gán nhãn "cực đoan" thì người Hương Cảng sẽ thản nhiên khẳng định: "就這樣吧!" Và trong trường hợp bạn không hiểu tiếng Quảng Đông, có lẽ họ sẽ giải thích bằng một giọng trịnh trọng Ăng-lê hết sức khả ố: "So be it!" 
 
         

Trong bài diễn văn tiếp nhận quyết định của Đảng Cộng Hòa đề cử mình làm ứng cử viên tổng thống vào năm 1964, Thượng Nghị Sĩ Barry Goldwater đã từng nhắc nhở nhân dân Hoa Kỳ rằng: "Extremism in the defence of liberty is no vice; moderation in the pursuit of justice is no virtue." ("Cực đoan để bảo vệ tự do không phải là tật xấu; ôn hòa trong việc mưu cầu công lý chẳng phải là tính tốt.") Vào thời điểm đó, hiểm họa của làn sóng đỏ đang lan tràn khắp thế giới. Nhưng nhờ vào quyết tâm diệt trừ tận gốc rễ chủ nghĩa cộng sản vô nhân, Liên Xô và các nước Đông Âu đã thoát khỏi ách lầm than và đang vững bước trên hành trình xây dựng tự do và thịnh vượng. Bốn mươi tám năm sau, người Hương Cảng vẫn không quên lời khuyên nhủ của ông Goldwater và ý nghĩa của bài học Đông Âu-Liên Xô: Công cuộc đấu tranh vì tự do và công lý không thể thực hiện nửa vời, mà phải quyết liệt, triệt đễ. Những cuộc biểu tình chống Trung Cộng và Cảng Cộng của họ là một tấm gương sáng về phẩm chất "tri hành hợp nhất" cũng như dũng khí "tọa ngôn, khởi hành" — nói xong, đứng dậy làm, làm đến nơi, đến chốn, đến lúc... không còn hiểm họa đỏ đọa đày thế nhân.

"Dẫu bị chém đầu cũng chẳng quay đầu."

Nam Hải Trường Sơn
2 tháng 9, 2012