Friday, August 1, 2014

CỜ ĐỎ, CỜ VÀNG, HOÀ GIẢI CÁI CHI ?

Trong bài viết gần đây mang tựa đề Cờ Đỏ, Cờ Vàng, và Hòa Giải, tác giả Huy Đức đã tóm tắt những hiểu biết của ông ta về sự “tranh đua” của hai lá cờ vàng ba sọc đỏ và cờ đỏ sao vàng tại hải ngoại và kết luận đại ý là tuy chế độ Cộng Sản tại Việt Nam độc tài phi dân chủ, các cộng đồng người Việt tại hải ngoại cũng chẳng khá gì hơn Cộng Sản khi chính họ cũng không chấp nhận sự hiện diện của lá cờ đỏ sao vàng xuất hiện tại hải ngoại.  

Ông Huy Đức khuyên chúng ta là muốn thắng Cộng Sản thì phải hơn Cộng Sản, và vì thế tại hải ngoại chúng ta nên tôn trọng quyền tự do tư tưởng của mọi thành phần cộng đồng Việt Nam, trong đó có các du sinh và những người từ trong nước ra hải ngoại kinh doanh và xem lá cờ đỏ sao vàng là biểu tượng của quê hương Việt Nam. Hay nói cách khác, ông Huy Đức cổ võ cho việc chấm dứt Chiến Dịch Cờ Vàng tại hải ngoại, cho hai cờ đỏ vàng đua nở.  

Đọc thoáng qua bài của Huy Đức và cho ông ta dẫn giắt tư tưởng thì có thể sẽ có người bị thuyết phục bởi lời kết luận của ông rằng: “Người Việt Nam, dù là cộng Sản hay quốc gia, cũng xứng đáng có quyền bày tỏ những gì mà mình tin tưởng… Bạn không thể hành động như một người tự do nếu không bắt đầu bằng tự do trong chính tư duy của bạn.” 

Thế nhưng suy nghĩ cho kỹ thì sẽ thấy tác giả Huy Đức đã cố tình làm lập lờ vấn đề. Nói đến sự kiện biểu tình chống Trần Trường tại Nam Cali năm 1999 và việc sinh viên Việt Nam yêu cầu đại học Cal State Fullerton hạ cờ đỏ sao vàng trong lễ ra trường năm 2004, ông Huy Đức cho rằng cộng đồng Việt Nam tại hải ngoại đã đạp lên quyền tự do của ông Trần Trường và các du sinh từ Việt Nam một cách phi dân chủ, không khác gì đảng Cộng Sản Việt Nam. Nhưng so sánh như thế thì cho thấy ông Huy Đức (vô tình hay cố ý) tỏ ra không hiểu gì về sự tự do, dân chủ, và cũng chẳng biết thế nào là chế độ Cộng Sản. 

Vào năm 1999, cộng đồng người Việt tại Nam Cali - nơi được xem là thủ đô của người Việt Tỵ Nạn Hải Ngoại - đã phẫn nộ với tin ông Trần Văn Trường, chủ tiệm phim đã treo hình Hồ Chí Minh và lá cờ Cộng Sản trong cửa kính của tiệm ông, ngay trên đường Bolsa, chính lộ của khu phố Little Saigon. Trước sự thách đố này, trong 53 ngày liên tiếp, cộng đồng Việt Nam đã biểu tình ngay trước cửa tiệm HiTek Video của ông Trần Văn Trưởng, phản đối hành động của ông ta. Đã có người đã nghỉ luôn việc làm để trực ngoài nơi biểu tình. Đã có phái đoàn từ các cộng đồng xa như Texas hay Virginia đến để ủng hộ. 

Cuối cùng, ông Trần Văn Trường đã phải dẹp tiệm, chẳng phải vì bị khuất phục bởi đoàn biểu tình bên ngoài, nhưng vì bị FBI bắt vì tội sang và bán những cuốn phim lậu qua một thời gian dài trong tiệm HiTek Video của ông. 

Vào năm 2004, khi biết tin ban tổ chức lễ ra trường đại học Fullerton có ý định trưng bầy lá cở đỏ sao vàng tại lễ ra trường cùng với các lá cờ quốc gia khác, để nói lên tính chất đa văn hóa của lớp tốt nghiệp năm ấy, các sinh viên và phụ huynh Việt Nam tỵ nạn đã liên lạc với đại học này yêu cầu hạ cờ đỏ và dùng cờ vàng để tượng trưng cho người Việt tỵ nạn yêu tự do. Tuy nhiên, vì trong lớp ra trường cũng có những du sinh từ Việt Nam, đại học Fullerton đã quyết định không dùng cờ nào cả để tượng trưng cho sắc dân Việt Nam. 

Trong cả hai trường hợp này, kể cả nhiều lần khác trong “Chiến Dịch Cờ Vàng”, người Việt Nam tỵ nạn tại hải ngoại đã hành xử ôn hòa và đúng cách, tận dụng những quy luật chung của một xã hội văn minh dân chủ. Trong vụ biểu tình Trần Trường, cộng đồng người Việt đã tỏ thái độ với ông Trần Trường, nhưng đã không vi phạm vào quyền tự do của ông Trần Trường. Ông Trần Trường đã có quyền thách thức cộng đồng, và cộng đồng đã có quyền phản ứng và tẩy chay. Cuối cùng ông Trần Trường đã bị FBI bắt vì những tội lỗi của ông, nhưng dù không bị xử giam, với thời gian, sau nhiều ngày không ai chịu mua hoặc mướn phim từ tiệm ông, Trần Trường cũng phải dẹp tiệm thôi. 

Trong trường hợp đại học Fullerton, cộng đồng tỵ nạn đã giải thích với đại học là lá cờ đỏ không tượng trưng cho họ, mà lại tượng trưng cho một chế độ độc tài họ đã mạo hiểm thoát khỏi để mới có được cơ hội tốt nghiệp tại Fullerton. Nếu trong lể ra trường mà đại học trưng bầy cờ Cộng Sản Việt Nam thì sẽ làm mất vui cộng đồng người Việt tỵ nạn và các sinh viên Việt Nam tỵ nạn sẽ không tham gia. Nhưng cuối cùng sự quyết định vẫn nằm với trường học và trường học đã quyết định là không dùng cờ nào cả, vì không muốn làm mất lòng một thành phần sinh viên nào cả. 

Và trong nhiều trường hợp khác, khi các cộng đồng Việt tỵ nạn đã thông qua các nghị quyết cờ vàng ở cấp thành phố, quận, hay tiểu bang, công nhận lá cờ vàng ba sọc đỏ là biểu tượng cho người Mỹ gốc Việt yêu chuộng tự do, họ cũng đã phải trải qua cả một quá trình tiếp xúc, thuyết phục, và vận động đủ số dân biểu để thông qua các nghị quyết này, chứ không phải ép buộc ai cả. 

Trong mọi trường hợp, cộng đồng Việt Nam đã tận dụng quyền làm dân của mình trên đất Mỹ để đưa lên quan điểm của mình và vận động những đối tượng cần có để sự việc được theo ý mình. Lạc quan thì có thể xem đây là dấu hiệu của sự đoàn kết của cộng đồng hải ngoại. Nhưng ít nhất, nó biểu hiện quan điểm quyết liệt chống chế độ cộng Sản tội ác Việt Nam. 

Những thành phần đối ngược với cộng đồng Việt Nam tỵ nạn, trong các trường hợp này, có thể đã mất cơ hội làm mờ đi lành ranh quốc-cộng, tung bay cờ đỏ tại một số địa điểm công cộng để lừa người Mỹ và các sắc dân bạn tưởng rằng cờ đỏ là biểu tượng của tất cả mọi người Việt Nam. Nhưng họ đã không mất quyền tự do cá nhân đối với cờ đỏ; họ vẫn có thể treo cờ ấy trong hoặc trên mái nhà của họ, họ có thể chào cờ đó mỗi sáng nếu muốn, họ có thể xuống đường đi tới đi lui với lá cờ đỏ trong tay một cách thoải mái… nhưng họ chỉ không được dùng cờ đỏ để đại diện cho cộng đồng người Việt hải ngoại trong những sinh hoạt chính thức của cộng đồng thôi. 

Hơn nữa, những người ủng hộ lá cờ đỏ sao vàng đã không bị công an đến nhà hành hạ, không bị lôi ra tòa để đối phó với những cáo buộc hoàn toàn giả dối, và họ đã không bị bỏ tù vì tội phản quốc gia như các bạn Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha gần đây, và nhiều người nữa trước đây. Họ đã không phải đối phó với những đe dọa này, vì họ đang hiện diện trên đất Mỹ, chứ không phải xứ Việt Nam ngày nay đang bị cai trị bởi đảng cộng Sản độc tài, phi luật lệ. 

Khác với cái mà ông Huy Đức tưởng, hai ý niệm dân chủ và tự do là hai ý niệm sâu sắc và phức tạp, chứ không phải đơn giản. Dân chủ không có nghĩa là đa số được trấn áp thiểu số. Tự do không có nghĩa là muốn làm gì làm, bất kể ý kiến của người khác, xúc phạm người khác. Trong một xã hội dân chủ và tự do đích thực, những quyền lợi của một cá nhân sẽ nhất thiết bị giới hạn bởi nhu cầu giữ an ninh và trật tự của tập thể, nhưng sự giới hạn đó sẽ không được quá lố, mà phải vừa đủ để giữ trật tự thôi.

Trở lại hai lá cờ vàng, đỏ, tại xứ tự do Mỹ này, không thiếu gì cơ hội cho những ai yêu chuộng lá cờ Cộng Sản Việt Nam thấy lá cờ mình được trưng bầy một cách công khai. Trong sách vở, nghiên cứu về Việt Nam thì sẽ thấy cờ đỏ là lá cờ chính thức của quốc gia Việt Nam. Khi xem hoặc đọc tin về Việt Nam, thường các đài truyền hình hay báo chí sẽ có hình ảnh lá cờ đỏ đâu đó. Cờ đỏ cũng được tung cao trên tòa đại sứ Việt Nam tại Hoa Thịnh Đốn, và hai tòa lãnh sự Việt Nam tại San Francisco và Houston. Thỉnh thoảng ra ngoài đường cũng gặp thấy một ai đó mới đi du lịch Việt Nam về, mang một áo thun đỏ với sao vàng ngay trên ngực một cách thản nhiên. Trong mọi trường hợp này, cộng đồng Việt Nam quốc gia chẳng đả động hay lến tiếng gì để “hạ cờ đỏ.” 

Chủ yếu, cộng đồng Việt Nam tỵ nạn tại hải ngoại chỉ chú trọng vào việc bảo vệ một quyền lợi của chính họ. Đó là quyền không bị thế giới hiểu lầm là lá cờ đỏ sao vàng đại diện cho quê hương, ước vọng, hay chính phủ của họ. Thế thôi. Vì thế, trong mọi trường hợp mà có thể có sự hiểu lầm này xẩy ra, cộng đồng Việt Nam hải ngoại phải hạ cờ đỏ một cách công khai và chỉ đến lá cờ vàng ba sọc đỏ và giải thích đây chính mới là biểu tượng của người Mỹ gốc Việt. Làm như thế để nói rõ với thế giới rằng cái đảng độc quyền Cộng Sản Việt Nam không xứng đáng lãnh đạo quê hương của chúng tôi, và dù nay đã sống tại Mỹ, chúng tôi không thể ủng hộ chế độ đó và những gì mà lá cờ đỏ đó tượng trưng. Thay vào đó, người Mỹ gốc Việt đã chọn lá cờ vàng ba sọc đỏ để tượng trưng cho chúng tôi và những ý niệm chúng tôi yêu chuộng, như tự do, dân chủ, và không chấp nhận chế độ Cộng Sản toàn trị. 

Trong những xứ tự do dân chủ, người dân phải có quan điểm, phải có thái độ mới tham gia trong trò chơi dân chủ được. Quan điểm và thái độ của người Việt quốc gia là chống độc tài, chống chế độ cộng Sản toàn trị Việt Nam, dù nó có biến thái thành bất cứ hình dạng nào. Chúng ta không ngu gì bỏ đi quan điểm này vì bị một ông Huy Đức thách đố chúng ta hãy chứng minh là mình hơn Cộng sản bằng cách chấp nhận lá cờ đỏ tại hải ngoại trong khi cờ vàng chưa thể xuất hiện tại Việt Nam. 

Chúng ta không ham lấy cái mẽ là quân tử, để cho lá cờ đỏ lấn ra trên đất cộng đồng của chúng ta, vì lời nói khích của ông Huy Đức, để mà được ông cán bộ tuyên vận Cộng Sản tu nghiệp ở Mỹ này khen ngợi là tự do dân chủ hơn Cộng Sản. Chế độ Cộng Sản hay dở tốt xấu người ta biết cả rồi, khi mà chính những kẻ lãnh đạo và con cháu cũng đang mắt trước mắt sau chuyển tiền ra ngoại quốc để có ngày bỏ nước ra sống ở nước ngoài. Không kể đến trường hợp vô số phụ nữ sẵn sàng bán mình cho bất cứ ai, kể cả cho những kẻ tàn tật, ở nước ngoài để hy vọng được thoát cảnh kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa của những nhà lãnh đạo “đỉnh cao trí tuệ” Cộng Sản biến thái. 

Cái kỹ thuật quỷ biện học được ở Mỹ mà ông Huy Đức xử dụng trong các bài viết mới đây có thể giúp ông tương lai trở thành một nhà lãnh đạo tuyên truyền của chế độ, tương tự như những loại Nguyễn Thiện Nhân và các chuyên gia mới nổi từ khi Cộng Sản mở cửa ra ngoài, giúp cho chế độ biến thái từ toàn trị Cộng Sản sang dân chủ hình thức tư bản. Nhưng nó không thể thuyết phục được những người hiểu biết thực tế về Cộng Sản Việt Nam và có chút suy nghĩ.
 

Vũ Nhân Phong Tâm Thức Việt Nam