Thành phố Falls Church có lẽ là một địa danh xa lạ với nhiều
người, nhưng đang trở thành tuyến đầu trên mặt trận chống cộng không tiếng súng
của Cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ, và hải ngoại.
Chương trình sinh hoạt thắp nến “Tưởng niệm 40 ngày quốc hận
30.4” diễn ra vào đêm 29 tháng Tư ngay trước tòa đại sứ Việt Nam ở Washington
DC
Tuy không được mang danh là “thủ đô của người Việt tị nạn”
như Orange County ở miền Nam California, Falls Church nằm sát cạnh Washington,
D.C., thủ đô nước Mỹ, còn được xem như thủ đô của “Thế giới Tự Do”, nơi Quốc Hội
và các cơ quan trung ương của chính quyền Hoa Kỳ tọa lạc, cùng các tòa đại sứ của
nhiều nước trên thế giới, trong đó có Cộng Hòa Xã Hội Chủ nghĩa Việt Nam. Sau
40 năm hội nhập và phát triển, Cộng đồng người Việt tị nạn tại đây đang nắm giữ
vai trò ngày càng quan trọng trong sứ mạng yểm trợ cuộc đấu tranh đòi tự do của
đồng bào trong nước.
Cách Tòa Bạch Ốc chỉ khoảng 15 phút lái xe, Trung tâm thương
mại Eden ở Falls Church có một kỳ đài rất cao và uy nghi, trên đó một lá cờ
vàng lớn phất phới tung bay suốt ngày đêm, không phải chỉ là nơi mua sắm lớn nhất
của khoảng 60 ngàn người Việt cư ngụ tại tiểu bang Virginia, tiểu bang
Maryland, Washington, D.C., và đồng hương các tiểu bang dọc theo miền Đông nước
Mỹ, mà còn là biểu tượng cho tinh thần chống cộng vững chắc của người Việt hải
ngoại.
Tinh thần ấy được thể hiện cao độ qua những cuộc biểu tình
trước tòa Đại sứ VC nằm bên Washington, D.C. thường được tổ chức vào những dịp
đặc biệt như ngày 30.4 vừa qua, phát xuất từ Khu Eden với sự tham dự không phải
chỉ người Việt ở Vùng Hoa Thịnh Đốn mà còn có sự góp mặt của nhiều người từ các
tiểu bang và thành phố khác, như New York, New Jersey, Philadelphia,
Pennsylvania, Boston, Georgia…, và từ Canada, Âu Châu, Úc Châu. Dĩ nhiên là cả
từ “thủ đô tị nạn” Orange County, như dịp 30.4 vừa qua.
Hai Nhạc sĩ Trúc Hồ và Nam Lộc đã hướng dẫn một nhóm ca sĩ từ
“thủ đô tị nạn” sang tham dự “Đêm không ngủ” trước sứ quán VC và các sinh hoạt
khác để đánh dấu ngày Quốc Hận thứ 40 do Cộng Đồng Người Việt Vùng Hoa Thịnh Đốn
(Virginia, Maryland, Washington D.C.) tổ chức, trong đó Kỳ đài trong Khu Eden
là nơi diễn ra những buỗi lễ chính.
Vào ngày 30.4, Quốc kỳ VNCH đã được hạ xuống nửa cột cờ
trong một buổi lễ long trọng để nói lên nỗi buồn đau của toàn dân, toàn quân miền
Nam Việt Nam 40 năm trước, khi QLVNCH bị trói tay và bị tan rã trước xe tăng và
đại pháo của CSBV được Cộng sản Nga Tàu chi viện tối đa.
Không khí những buổi lễ này thật ngậm ngùi, nhất là khi tưởng
niệm bao nhiêu chiến sĩ đã hy sinh để bảo vệ tự do của phần đất miền Nam VN
trong suốt hơn 20 năm, trong đó có những người đã hiên ngang nằm xuống vào giờ
phút cuối cùng, và những đồng bào đã bỏ mình trên đường đi tìm tự do sau ngày
30.4.1975.
Trời đất như cùng cảm thông với tâm tư sầu hận của những người
lưu vong tị nạn, mấy ngày trước 30.4 khí hậu trở nên xấu, mặt trời trốn đi đâu
khiến suốt ngày âm u, mưa và gió lạnh, dù thời tiết đã vào xuân.
Qua khỏi ngày 30.4, trời Vùng Hoa Thịnh Đốn rất đẹp, nắng ấm
bừng lên khắp nơi cùng với hoa lá muôn màu. Sau mấy ngày để rũ nửa cột cờ, quốc
kỳ VNCH được kéo lên trong một buổi lễ thượng kỳ trọng thể tại kỳ đài Trung tâm
Eden. Đây là một ngày Thứ bảy nên Khu Eden như một ngày hội lớn với những bãi đậu
xe không còn chỗ trống. Nhìn những cựu quân nhân với lễ phục thẳng nếp, nhịp bước
thẳng hàng cùng những tiếng hô vang dội, ít ai nghĩ rằng đây là những người
lính đã buông súng từ 40 năm trước, nếu không nhìn thấy những mái tóc bạc trên
đầu họ. Những sợi tóc bạc ấy đã ghi dấu biết bao đổi thay trong suốt 40 năm qua
nhưng dường như đã không làm hao mòn ý chí của họ: cuộc chiến bằng súng đạn đã
ngưng từ 40 năm trước, nhưng chưa chấm dứt và họ vẫn còn hiện diện trên một mặt
trận khác, mặt trận không tiếng súng...
Trong 40 năm qua, cuộc chiến không tiếng súng đã dài gấp đôi
cuộc chiến thứ hai trong lửa đạn, có thể gọi “Cuộc Chiến tranh VN thứ III”, và
có dấu hiệu cho thấy những kẻ chiến thắng năm 1975 đang đi dần tới ngày cuối
cùng không xa.
Ngay sau lễ thượng kỳ ở Khu Eden, tại Thư Viện Thomas
Jefferson ở Falls Church cũng đã diễn ra buổi lễ hoàn thành giai đoạn chót của
Dự án Đường đến Tự do (Gateway to Freedom Project) với sự đóng góp tài chánh của
người Việt trong vùng để yểm trợ Thư viện làm con đường lát gạch dẫn vào cổng
chính. Qua sự vận động của Tổ chức Cộng Đồng Việt Nam với sự tiếp tay của một số
Hội đoàn trong vùng, đợt đầu đã thu được 48,000.00 Mỹ kim, đợt II được thêm
38,000.00 Mỹ kim. Chi phiếu này đã được trao cho Thư viện Thomas Jefferson
trong một buổi lễ với sự tham dự của nhiều viên chức thuộc chánh quyền Faifax
và một số người Việt mà ban tổ chức đã chọn ngày này để đánh dấu 40 năm tái định
cư của người Việt tị nạn tại Hoa Kỳ.
Trong buổi lễ này sự xuất hiện của hai thiếu nữ thuộc thế hệ
thứ hai người Việt trên đất Mỹ được mọi người chú ý: Cô Jennifer Nguyễn hát bài
quốc ca Hoa Kỳ rất hay và Cô Elizabeth Nguyễn, học sinh lớp 7 Trường Trung cấp
Luther Jackson, phát biểu bằng tiếng Việt rất giỏi.
Những viên gạch có khắc tên người mua, lát trên lối đi chính
dẫn vào Thomas Jefferson Library
Ban vận động gây quỹ cho “Gateway to Freedom Project” cho biết
Thư viện Thomas Jefferson có một phòng đọc sách Việt ngữ hiện có khoảng 8,000
cuốn sách chữ Việt đủ mọi thể loại và đang tăng trưởng mỗi ngày, nhưng cần có
người tới đọc hay mượn sách vì những cuốn sách sẽ bị loại ra nếu không có người
mượn đọc trong vòng 6 tháng.
Từ nhiều nơi, thù cũng như bạn, đang nhìn vào sinh hoạt của
Cộng đồng người Việt Vùng Hoa Thịnh Đốn, đặc biệt là tại Falls Church, để nhận
định xem những gì sẽ diễn ra trên mặt trận không tiếng súng ở hải ngoại.
Hỏi muốn nói gì thêm sau những sinh hoạt dồn dập trong dịp
30.4 vừa qua, Chủ tịch Cộng Đồng VN Vùng Hoa Thịnh Đốn, ông Đoàn Hữu Định, một
người làm nhiều hơn nói, chỉ đơn giản gửi lời cảm ơn những người đã tới tham dự.
Thật ra, những gì đã diễn ra trong mấy ngày qua tại đây chỉ
là mặt nổi, những gì đang âm thầm diễn ra giữa chính quyền Hoa Kỳ và người Mỹ gốc
Việt trong địa hạt Falls Church mới là những yếu tố sẽ đưa tới những biến chuyển
trên “mặt trận không tiếng súng”, mà ngày 11.5 hàng năm được Quốc Hội Hoa Kỳ
chi định là “Ngày Nhân Quyền cho Việt Nam” (Vietnam Human Rights Day) là một chứng
minh. Với sự vận động của Tổ chức Quốc tế Yểm trợ Cao trào Nhân bản, trụ sở tại
Falls Church, quyết nghị này đã được Quốc Hội Hoa Kỳ thông qua năm 1994 mà cho
đến nay vẫn được tổ chức trọng thể mỗi năm như một yểm trợ tích cực cho cuộc
tranh đấu cho tự do, nhân quyền tại Việt Nam.
Và, cùng với Ngày Nhân Quyền cho Việt Nam 11.5, người ta
đang hướng về chuyến đi Hoa Thịnh Đốn sắp tới của Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư
Đảng Cộng sản VN, với những cuộc “dàn chào” xuất phát từ Falls Church.
Sơn Tùng (BM’s Blog)