CÁI CÒ - Hoàng Thục Linh
Cao-Đắc
Tuấn (Danlambao) - Nhạc sĩ Nguyệt Ánh viết ca khúc
"Cái Cò" nói về sự hy sinh và nỗi cực nhọc của những
người vợ chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) sau khi chồng bị bắt đi
tù cải tạo hoặc khi chồng tuẫn tiết trong trận chiến khi quân cộng
sản Bắc Việt xâm chiếm miền Nam Việt Nam vào năm 1975.
"Cái Cò" là một tác phẩm có giá trị văn chương và lịch sử cao. Là một tác phẩm văn chương, "Cái Cò" gói ghém những tinh hoa của các kỹ thuật thi ca và văn học truyền thống Việt Nam như ca dao và thành ngữ, nói lên những đức tính hy sinh, cần cù, can đảm, tháo vát, và chịu đựng của phụ nữ Việt Nam.
Là một tác phẩm lịch sử, "Cái Cò" ghi
nhận cuộc sống đen tối của dân miền Nam sau năm 1975, nhất là vào
cuối thập niên 1970 cho tới suốt thập niên 1980, và sự tàn bạo của
cộng sản Bắc Việt đối với quân cán chính VNCH và thân nhân họ sau
ngày cộng sản chiếm đóng miền Nam Việt Nam vào năm 1975.
Nguyệt Ánh biểu lộ một tài năng khác thường trong
"Cái Cò" qua kỹ thuật xếp đặt giai điệu nhẹ nhàng với
những thay đổi lên xuống thích hợp cho những hành động hy sinh và cần
cù của người vợ, và cách dùng các kỹ thuật mô tả dung hòa việc
tạo sống động và gây cảm xúc cho người nghe.
Ngoài việc dùng những ẩn dụ tuyệt vời, Nguyệt Ánh
phối hợp cách dùng từ ngữ theo kiểu thành ngữ truyền thống Việt Nam
với những từ ngữ mô tả mạnh mẽ rất hiệu quả. Qua những kỹ thuật
tinh vi, câu chuyện của những người vợ chiến sĩ VNCH được kể trung
thực rất cảm động và tạo tác dụng mạnh trên người nghe.
Tôi có dịp nói chuyện với nhạc sĩ Nguyệt Ánh qua
điện thoại vào ngày 27-4-2015. Cô chia sẻ với tôi về ca khúc "Cái
Cò" và trả lời vài câu hỏi của tôi về bài hát. Cô cho biết cô
viết "Cái Cò" trong 4 năm, từ khoảng năm 1995 cho tới năm 1999,
và đó là bài hát cô bỏ nhiều thì giờ nhất. So với những bài cô
chỉ mất 5, 10 phút để viết, 4 năm quả thật là một thời gian dài.
Nhưng ta phải hiểu điều đó không có nghĩa Nguyệt Ánh
suy nghĩ viết "Cái Cò" liên tục trong 4 năm. Những người viết
nhạc, làm thơ, viết văn, vẽ, hoặc làm những công trình sáng tạo đều
biết tầm quan trọng của cảm hứng. Không có cảm hứng, một nhạc sĩ,
thi sĩ, hoặc văn sĩ khó lòng mà tiếp tục.
Nguyệt Ánh cho tôi biết quá trình viết "Cái
Cò" thường bị gián đoạn vì cô thấy vài chỗ "không ổn"
và do đó phải sửa đổi. Cô tiếp tục thâu lượm những mẩu chuyện có
thật do những người trong cuộc, những người vợ chiến sĩ VNCH hoặc con
cháu họ, kể lại. Chính những câu chuyện có thật rất thương tâm và
cảm động này cho Nguyệt Ánh cảm hứng để viết lời cho bản nhạc.
Ngoài ra, vì "Cái Cò" ghi nhận những mẩu chuyện có thật
này, nó còn là tài liệu ghi nhận của lịch sử truyền khẩu (oral
history).
Sau đây là tiểu sử vắn tắt của tác giả.
Nhạc sĩ và ca sĩ Nguyệt Ánh tên thật là Nguyễn Thị
Nguyệt Ánh. Cô là con của Đại Tá Nguyễn Văn Y, người chỉ huy cơ quan
tình báo VNCH đầu tiên. Năm 1975 khi cộng sản chiếm đóng miền Nam Việt
Nam, cô cùng cha mẹ và anh chị em di tản bằng đường biển, sau đó qua Mỹ và
định cư tại tiểu bang Virginia (Việt Báo 2012).
Cùng với Việt Dzũng và các ca/nhạc sĩ khác, Nguyệt
Ánh tổ chức phong trào Hưng Ca tại hải ngoại, hiện có các chi nhánh
Đoàn Hưng Ca tại Âu Châu, Úc Châu, và Hoa Kỳ. Qua những hoạt động văn
nghệ trên khắp thế giới, nhạc sĩ Nguyệt Ánh tích cực tham gia nhiều
hoạt động xã hội và tranh đấu cho tự do dân chủ tại Việt Nam trong
suốt mấy chục năm qua.
Nguyệt Ánh là tác giả nhiều ca khúc đấu tranh (Xem,
Phong trào Hưng ca Việt Nam), thí dụ như: Anh Vẫn Mơ Một Ngày Về (Em Vẫn Mơ Một
Ngày Về), Cái Cò, Bài Ca Hội Ngộ, Bài Ca Nhân Bản, Bài Hát Chống Xâm
Lăng, Biển Đông Dâng Sóng Tự Do, Chào Little Sài Gòn, Coi Chừng Cái Lũ
Công An, Dậy Mà Đi, Đêm Thương Nhớ Người, Mơ Tự Do, Không Ai Ngăn Được
Lời Ca, Một Góc Quê Nhà, Mưa Trên Quê Hương Tôi (thơ: Đào Trường Phúc),
Nước Cuốn Hoa Rơi, Nước Mắt Biển Đông, Tình Ca Cho Nhau, Hát Cho Ngày Sài
Gòn Quật Khởi, Một Lần Đi, Mưa Sài Gòn Còn Buồn Không Em, Mưa Sài Gòn Nắng
Cali, Nắng Quê Hương, Nước Trôi Mồ Mẹ (thơ: Võ Đại Tôn), Sao Đành Xa Em (Sao
Đành Xa Anh, Xin Đừng Bỏ Anh), Tiến Quân, Trả Ta Sông Núi, Việt Nam Muôn Năm,
Xuống Đường, v.v...
Nguyên văn lời bài hát "Cái Cò" như sau, theo
lời hát của chính tác giả Nguyệt Ánh (Nguyệt Ánh):
Cái cò lặn lội bờ sông, gánh
gạo nuôi chồng tiếng khóc nỉ non.
Thương em dạ sắt lòng son, một
thân đơn chiếc nuôi con thăm chồng
Bàn tay ai tốt vàng ròng, bàn
tay em nứt máu hồng tuôn rơi
Nhìn nhau muốn nói vạn lời,
mà tim se thắt rối bời tâm can.
Cái cò ngày nay không còn
gánh gạo
Gạo đã thành một quá khứ xa
xôi
Cái cò ngày nay xuống biển
tìm mồi
Ngô sắn khoai sùng ăn cầm chừng,
nước mắt tuôn rơi.
Cái cò lặn lội bờ ao, bán giọt
máu đào nuôi dưỡng đàn con.
Thương em lội suối trèo non,
vùng kinh tế mới nuôi con thay chồng
Biển dâu đã hóa ruộng đồng,
nhà tan nước mất vợ chồng chia ly
Chồng đi cải tạo không về, vợ
đi tay cuốc tay cày đất hoang.
Cái cò ngày nay mơ tìm chén gạo
Giọt máu đào dành để bán nuôi
con
Cái cò ngày nay gối mỏi chân
mòn
Vai gánh vai gồng đi thăm chồng,
cách núi ngăn non.
Cái cò lặn lội bờ đê, đói khổ
trăm bề nước mắt đầy vơi.
Thương em tuổi mới đôi mươi,
vì cơn quốc biến hoa trôi hương tàn
Chiều trên quốc lộ kinh
hoàng, chồng em tuẫn tiết máu tràn như sông
Chồng em chiến sĩ anh hùng,
vì dân chiến đấu thác cùng muôn dân.
Cái cò ngày nay đã thành góa
phụ
Tay dắt mẹ chồng tay dắt đàn
con
Muốn về làng quê, quê cũ
không còn
Giặc bắt lên rừng đi vào
vùng, chướng khí lam sơn.
Cái cò lặn lội bờ mương, vét
cống đào đường gió rét lạnh căm.
Chồng em giặc bắt biệt tăm,
tù Nam tù Bắc biết thăm nơi nào
Một đêm gió lộng mưa gào, được
tin anh đã đi vào thiên thu
Chồng em chết giữa ngục tù,
khổ sai đói rét cộng thù giết anh.
Cái cò một thân lên vùng đất
lạ
Đến trại tù tóc quấn vành tang
Đếm từng mồ hoang máu lệ hai
hàng
Đau xót cho chồng không mộ phần,
không khói không nhang.
Trong bài này, tôi sẽ trình bày nhận xét về nội
dung và hình thức của "Cái Cò." Ngoài ra, như trong các bài
viết về âm nhạc trước, tôi sẽ chú trọng thảo luận chi tiết về các
khía cạnh văn chương của lời nhạc. Tôi dùng "khán giả" để
chỉ người nghe, người đọc, và người xem.
A. Bối cảnh lịch sử và văn chương của
ca khúc “Cái Cò” về vợ người tù cải tạo và ý nghĩa con cò:
Ca khúc "Cái Cò" kể nỗi đau khổ và sự hy
sinh của người vợ tù nhân trong các trại tù cải tạo tại Việt Nam sau
ngày cộng sản chiếm đóng miền Nam năm 1975. Ngoài khía cạnh lịch sử
về trại tù cải tạo, bài hát còn dựa vào hình ảnh con cò để mô tả
người vợ tù nhân cải tạo. Hai khía cạnh lịch sử và văn chương này
đem những sắc thái đặc biệt cho "Cái Cò" ít thấy trong
những ca khúc khác.
1. Tù nhân trong tù cải tạo bị đối xử dã man và
vợ con họ sinh sống cực khổ vì bị kỳ thị:
Sau sự xụp đổ miền Nam Việt Nam vào ngày 30 tháng 4 năm
1975, cộng sản Bắc Việt bắt đầu chiến dịch đàn áp có hệ thống và tàn bạo trên
những người Việt Nam, đặc biệt là những người thuộc chế độ Việt Nam Cộng Hòa
(VNCH) cũ. Hàng trăm ngàn nhân viên quân sự miền Nam và công chức dân sự
chính phủ VNCH bị đưa đến các trại cải tạo, một danh từ ngụy trang cho
ngục tù, nơi từ hàng chục ngàn tới hàng trăm ngàn người chết vì đói, lạm
dụng, bệnh, và hành quyết (Courtois 1999, 572; Duiker 1995, 110; Duiker 1996,
363; Freeman 1995, 23; Sorley 1999, 383; Võ 2004, 32). Cải tạo thực hiện
bởi cộng sản Việt Nam vừa là một phương tiện trả thù vừa là một
phương pháp áp bức và nhồi sọ (Sagan và Denney 1982).
Theo Lewis Sorley (1999), một sử gia Hoa Kỳ có uy tín,
có lẽ "65.000
người bị xử tử bởi những người giải phóng họ" và "có đến
250.000 người bỏ mạng trong những trại cải tạo tàn bạo" (Sorley 1999, 383). Có hàng trăm trại tù cải
tạo, rải trên khắp toàn thể Việt Nam cả ba miền Nam, Trung, Bắc
(Nguyen 1983, 201-203). Những ước tính khác cho thấy 1 triệu nạn nhân đã bị
giam giữ không bị chính thức kết tội hay xét xử, 165.000 nạn nhân chết tại các
trại tù cải tạo, và có ít nhất 150 trại tù cải tạo sau khi Sàigòn xụp đổ (Đỗ
Ngọc Uyển; Đỗ 2010). Trong các trại tù cải tạo, tù nhân bị đối xử vô
nhân đạo qua những kỹ thuật như bỏ đói, thiếu thốn chăm sóc y khoa,
khủng bố, tra tấn, và xử tử tức khắc (Nguyen 1983, 210-217; Vo 2004,
121-126; 133-142; 151-158). "Bị thường xuyên bỏ đói và khổ sai,
những tù nhân VNCH trong các trại cải tạo chịu đựng đủ loại bệnh
hoạn, đưa đến hàng ngàn cái chết không ghi sổ" (Wiest 2008, 284).
Hành quyết tù nhân trong tù cải tạo thường xảy ra tại chỗ và không
theo thể lệ thích đáng hoặc chỉ là hình thức đại khái (Vo 2004, 139;
Hồ 2008). Việc không chôn cấ̉t người chết cũng dùng để nhục mạ gia
đình nạn nhân (Vo 2004, 141). Rất nhiều vụ hành quyết xảy ra bất hợp
pháp và luôn được che giấu. Do đó, rất nhiều tù nhân mất tích, không
rõ sống chết thế nào. Xác họ không bao giờ được trả về cho gia
đình, và khiến cho biết bao nhiều gia đình đau khổ vì nạn nhân không
được chôn cất tử tế để được cúng kiến cho siêu thoát (sđd.,
142). "Và bằng lối hành xử dã man, rừng rú này, cộng sản đã phạm 5 trong số
11 Tội Ác chống Nhân Loại (Crimes against Humanity) theo luật pháp quốc tế"
(Đỗ Ngọc Uyển).
Thành viên gia đình của những người phục vụ cho Việt Nam Cộng
Hòa hoặc QLVNCH bị đối xử như là chia tội họ (Denney 1990). Con cháu các viên
chức chính phủ và sĩ quan quân đội chế độ cũ bị kỳ thị trầm trọng (sđd.).
Các thành viên gia đình bị từ chối việc làm và con cái họ không được phép hoàn
thành cấp độ giáo dục cao hơn (Freeman 1995, 93; Nguyễn 2012, 529).
Thăm nuôi tù cải tạo rất quan trọng cho tù nhân.
Ngoài chuyện được người thân yêu "thăm," người tù còn được
thực sự "nuôi" vì người đến thăm mang theo thực phẩm (Sagan
và Denney 1982). Vợ của những người tù cải tạo thường là những
người đàn bà không có nghề nghiệp chuyên môn và là nội trợ thuần
túy. Khi chồng bị đi tù cải tạo, họ và con cái phải làm việc cực
nhọc, nhiều khi phải xin xỏ, từ thức ăn tới quần áo. Con cái họ
phải lo thân như bán báo, xin ăn, hoặc mò thùng rác. Họ làm việc cực
khổ đêm ngày tại vùng kinh tế mới cho hai bát cơm mỗi ngày (Vo 2004,
126). Với những người có khả năng ̣đi thăm nuôi, chuyến đi tới trại tù
thường nguy hiểm vì trại tù ở xa xôi, thiếu thốn đường xá và an ninh
ở vùng quê (sđd., 127).
Vùng kinh tế mới là sáng kiến của đảng cộng sản
để cô lập và kiểm soát dân. Trên lý thuyết, các vùng kinh tế mới gia
tăng sản xuất thực phẩm; nhưng trên thực tế chỉ là các trại tập
trung nằm tại các nơi núi rừng sốt rét, đất đai khó trồng trọt, và
chỉ là các dự án lao động cưỡng bách (Sagan và Denney 1982; Nguyen
1983, 222). Gia đình những người tù cải tạo bị ép buộc phải tới
vùng kinh tế mới (Sagan và Denney 1982). "Để bắt buộc dân đến vùng
kinh tế mới, đảng cộng sản Việt Nam dùng những thủ đoạn như hăm dọa
tống họ đến trại tù cải tạo, thu hồi thẻ khẩu phần để họ không
còn có thể mua nhu yếu phẩm hàng ngày như gạo và quần áo ở giá
chính thức, vả không cho phép con cái họ đi học" (Nguyen 1983,
219).
Ngoài những tài liệu nghiên cứu khách quan do các
học giả lịch sử có tên tuổi, có rất nhiều hồi ký, lời tường
thuật, của các tù nhân cải tạo và những người vợ của các tù nhân cải
tạo (Xem, thí dụ như, Chúc Thuần, Hồ 2008, Kale 2002, Nguyễn 2003, Thanh
Minh, Trần 2015) nói về cách đối xử tàn nhẫn vô nhân đạo của cộng
sản với tù nhân trong các trại tù và cuộc sống nhọc nhằn của những
người vợ tù cải tạo. Sự ngược đãi và chính sách tàn bạo của nhóm
cầm quyền cộng sản với các tù nhân cải tạo và thân nhân họ là một
sự thật không thể chối cãi được. Tuy nhiên, vào tháng tư năm 2015,
giáo sư Vũ Quang Hiển của Đại học Quốc gia Hà Nội tuyên bố rằng không có
ngược đãi các quân cán chính VNCH sau 1975 và không có tù đày tại
các trại tập trung cải tạo (BBC 2015). Sự chối bỏ một sự thật hiển
nhiên qua một sử gia quốc doanh cộng sản cho thấy tâm địa gian manh và
đầu óc ngu xuẩn của nhóm cầm quyền cộng sản tại Việt Nam hiện nay.
Gian manh vì chúng muốn ếm nhẹm và bao che tội ác chúng. Ngu xuẩn vì
việc ếm nhẹm và bao che đó có phản tác dụng mạnh mẽ, vì người dân
sẽ tự hỏi, "Với những việc hiển nhiên rõ ràng như vậy mà chúng
còn chối bỏ, thì với những việc chưa được phanh phui, chúng còn bao
che và lấp liếm như thế nào?"
2. Con cò được dùng để ám chỉ người đàn bà Việt
Nam cho sự cần cù làm việc và lòng dạ trong sạch:
Văn chương Việt Nam, nhất là ca dao tục ngữ, thường
dùng thú vật làm biểu tượng hoặc ẩn dụ cho nhân vật hoặc khái niệm
nào đó. Có những hình ảnh thông thường được nhiều dân tộc khác trên
thế giới dùng. Thí dụ như chim bồ câu tiêu biểu cho hòa bình, ong
bướm cho chuyện ái tình liên hệ tình dục trai gái, chó cho lòng trung
thành. Có những con vật đặc biệt dùng trong văn chương Việt Nam cho
các biểu tượng đặc thù. Thí dụ, con cá cho con cái trong nhà ("Cá không ăn muối cá ươn/ Con cãi cha mẹ
trăm đường con hư" ), con chim cho con gái ("Chim khôn lót ổ
lựa nhành/ Gái khôn lựa chốn trai lành gửi thân").
Tuy nhiên, một biểu tượng đặc sắc nhất trong văn
chương Việt Nam là con cò dùng làm biểu tượng cho phụ nữ Việt Nam
dưới vai trò người mẹ hoặc người vợ (Wikipedia 2015). Biểu tượng con
cò cho phụ nữ Việt rất có ý nghĩa vì nhiều lý do như sau.
Trước hết, con cò là một sinh vật thường thấy trong
vùng đồng quê Việt Nam. Do đó, con cò mang nặng hình ảnh đất nước
Việt Nam và liên hệ đến cuộc sống hàng ngày của dân Việt vì đồng
quê là phần quan trọng của đời sống dân Việt.
Thứ nhì, con cò có hai chân khẳng khiu, cánh cò mỏng
manh, thân hình nhỏ bé, cho thấy thể chất yếu đuối của người phụ
nữ. Tuy nhiên, hình ảnh mỏng manh đó tương phản với ý chí kiên trì
và nhẫn nại của cò và do đó nói lên được sức mạnh tinh thần của
người phụ nữ Việt Nam.
Thứ ba, con cò đi kiếm ăn hoặc lấy mồi nuôi con với
một mức độ kiên trì, cần cù, và nhẫn nại thật đáng kể (Sue 2014).
Cò săn mồi theo cơ hội, dò dẫm qua các vũng nước cạn nơi đồng ruộng
ao hồ, ngoặm mồi bằng mỏ nhọn. Bản chất cần cù, kiên trì thường có
với người phụ nữ Việt Nam qua việc nuôi con, tần tảo, làm lụng, trong
việc quán xuyến mọi việc trong gia đình. Người mẹ, người vợ Việt Nam
hy sinh cho con, cho chồ̀ng, cặm cụi kiếm sống, chịu đựng mọi muôn
ngàn đắng cay cho con, cho chồng như được thể hiện qua câu ca dao sau
(Wikipedia 2015):
Con cò lặn lội bờ sông,
Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc
nỉ non.
Thứ tư và đặc biệt nhất, con cò có lông màu trắng,
tượng trưng cho sự tinh khiết và trong sạch, một đặc điểm của phụ nữ
Việt Nam. Ý nghĩa này được nổi bật trong câu ca dao sau (Huy 2014;
Wikipedia 2015):
Con cò mà đi ăn đêm,
Ðậu phải cành mềm lộn cổ xuống
ao.
Ông ơi ông vớt tôi nao!
Tôi có lòng nào, ông hãy xáo
măng.
Có xáo thì xáo nước trong,
Ðừng xáo nước đục đau lòng cò
con.
Đã có nhiều thảo luận cho việc dùng "con"
và "cái" cho giống đực và giống cái. (Xem thí dụ như, Ngô 2009;
Nguyễn 2007; Nguyễn 2010). Tuy vẫn còn nhiều tranh cãi, thông thường,
chữ "cái" khi dùng ̣để ám chỉ giới tính thường ngụ ý phái
nữ. Tuy "con cò" là danh từ chung có thể dùng cho cả giống
đực và giống cái, "cái cò" đặc thù dùng cho giống cái một
cách nhấn mạnh.
B. Bài hát kể cuộc đời nhọc nhằn của
người vợ lính VNCH và tù cải tạo dưới sự đối xử tàn nhẫn vô nhân
đạo của cộng sản
Ca khúc "Cái Cò" kể những nỗi khổ đau và
cực nhọc của những người vợ chiến sĩ VNCH và tù nhân tại các trại
cải tạo sau năm 1975. Bài hát không nói về câu chuyện của một người
vợ nào, mà là câu chuyện tổng quát về cuộc đời những người vợ của
quân cán chính VNCH sống trong chuỗi ngày lầm than dưới sự áp bức
của nhóm cầm quyền cộng sản sau 1975.
Bài hát mở đầu bằng cuộc gặp gỡ ngắn giữa người
chồng trong tù cải tạo và người vợ đi thăm nuôi chồng. Người vợ trèo
non lội suối đi thăm nuôi chồ̀ng là tù cải tạo trong trại tù xa xôi.
Nàng thương nhớ chồng và khóc cho thân phận bị ngược đãi ("Cái cò lặn lội bờ sông, gánh gạo nuôi chồng tiếng
khóc nỉ non"). Câu mở đầu này lấy từ câu ca dao, tạo nên
nền tảng của câu chuyện về người vợ tần tảo nuôi chồng.
Gặp nhau trong giây phút ngắn ngủi, người chồng thương
xót cho vợ mình kiên tâm trì chí, chung thủy với chồng. Chỉ có một
thân một mình, nàng tận tụy nuôi con và thăm viếng chồng bị tù đày
xa xôi ("Thương em dạ sắt lòng son, một
thân đơn chiếc nuôi con thăm chồng"). Trong khi tay những
người đàn bà khác đẹp đẽ tươi tốt như vàng bạc, tay của nàng nứt
nẻ khô cằn rướm máu vì làm lụng cực khổ ("Bàn
tay ai tốt vàng ròng, bàn tay em nứt máu hồng tuôn rơi"). Hai
người nhìn nhau trong cuộc hội ngộ ngắn ngủi, muốn nói với nhau biết
bao nhiêu lời kể lể tâm sự, nhưng nỗi tái tê và hỗn loạn tâm hồn
khiến họ không nói nên lời ("Nhìn nhau
muốn nói vạn lời, mà tim se thắt rối bời tâm can").
Người vợ bây giờ không còn gánh gạo nữa vì lúa gạo
không có, là thứ xa xỉ phẩm, và thuộc về quá khứ. Nàng bòn thức ăn
từng chút một, như ngô sắn khoai sùng, để ăn sống qua ngày trong nỗi
khổ đau buồn thảm ("Cái cò ngày nay
không còn gánh gạo/ Gạo đã thành một quá khứ xa xôi/ Cái cò ngày nay xuống biển
tìm mồi/ Ngô sắn khoai sùng ăn cầm chừng nước mắt tuôn rơi").
Cảnh thiếu ăn, thiếu gạo là thực trạng xảy ra tại
Việt Nam sau ngày cộng sản Bắc Việt chiếm đóng miền Nam. Sau khi thu
chiếm miền Nam, nhóm cầm quyền cộng sản Bắc Việt phá hoại kinh tế
đất nước và đem mức sản xuất nông nghiệp của miền Nam có thời cao
nhất Đông Nam Á xuống thấp nhất, đến độ phải vay mượn thực phẩm từ
các quốc gia khác.
Trong cuối thập niên 1970 và đầu thập niên 1980, dân
Việt không còn được ăn gạo thường xuyên nữa. Tại Sài Gòn, "đô thị
lớn nhất miền Nam từ thừa mứa gạo trong suốt 300 năm qua, lần đầu phải ăn độn
khoai mì, khoai lang, kể cả bo bo, thứ hạt cứng ngắc mà Liên Xô viện trợ"
(Quốc 2015a). "Loại bo bo mà dân Việt một thời phải trệu trạo nhai để
sinh tồn còn gọi lúa miến (sorghum)" (Quốc 2015b). Khoai sùng là loại
khoai lang bị sùng ăn và phá hoại. Sùng, còn gọi là sùng đất hoặc
bọ dím, hà, là ấu trùng của bọ hung. Chúng ăn và phá ruột củ khoai
khiến củ khoai thay đổi mùi vị, trở thành đắng và không thể ăn được,
ngay cả cho gia súc.
Người vợ không quản khó nhọc, vẫn ráng làm lụng
cực khổ để nuôi đàn con nheo nhóc. Tài sản đã mất hết, không còn gì
để bán nữa, nàng chỉ còn những giọt máu đào trong cơ thể phải bán
đi để có tiền hoặc tem phiếu cho thực phẩm mang về nuôi con. Nàng bị
ép buộc phải lội suối trèo non đi tới vùng kinh tế mới xa xôi, cố
gây dựng cuộc sống nơi đất đai cằn cỗi, làm lụng thay chồng nuôi đàn
con ("Cái cò lặn lội bờ ao, bán giọt máu
đào nuôi dưỡng đàn con/ Thương em lội suối trèo non vùng kinh tế mới nuôi con
thay chồng").
Hình ảnh người dân bán máu để sinh sống không xa lạ
gì với dân Việt Nam, ngay cả hiện nay. Trong cuối thập niên 1970 và
đầu thập niên 1980, dưới thời bao cấp, cuộc sống người dân rất cực
khổ, thức ăn thiếu thốn. Do đó, dân nảy ra nhiều kế sinh nhai. Một
trong những kế sinh nhai đó là "nghề" bán máu. "Những
người bán máu là những người dân nghèo nhất; họ không còn gì khác
để bán nữa" (Thành 2002). Ngoài ra, như trình bày ở trên, các
vùng kinh tế mới chỉ là biện pháp nhóm cầm quyền cộng sản phân tán
và kiểm soát dân. Người dân, nhất là thân nhân của những tù nhân cải
tạo, bị ép buộc phải đi tới những nơi đất đai cằn cỗi, rất khó
trồng trọt. Nhiều người phải bỏ vùng kinh tế mới, trở về thành phố
đô thị, sống lây lất với người quen.
Cuộc đời dâu bể bây giờ biến thành cuộc đời sống
còn. Đất nước đã bị cộng phỉ chiếm đóng, nhà cửa, tài sản bị
chúng cướp đoạt, vợ chồng ly tán. Chồng bị bắt đi tù cải tạo biết
bao nhiêu năm không thấy về. Vợ bị ép buộc đi vùng kinh tế xa xôi hẻo
lánh, cày sâu cuốc bẫm đất đai cằn cỗi hoang vu, cố gắng trồng trọt ("Biển dâu đã hóa ruộng đồng, nhà tan nước mất vợ
chồng chia ly/ Chồng đi cải tạo không về, vợ đi tay cuốc tay cày đất
hoang").
Nàng bây giờ chỉ ước mơ có được chén cơm bát gạo
để nuôi con và sống qua ngày. Nàng phải lấy sức, để dành giọt máu
đào để bán khi cần phải nuôi con. Nhưmg cuộc sống quá gian nan, nàng
kiệt lực vì làm lụng vất vả, bây giờ đầu gối chân và gót chân mòn
mỏi vì phải lê bước khắp nơi. Thêm vào đó, nàng phải gồng gánh gói
kiện thức ăn mang đến thăm nuôi chồng đi qua những nơi xa xôi hiểm trở,
núi non ngăn trở ("Cái cò ngày nay mơ tìm
chén gạo/ Giọt máu đào dành để bán nuôi con/ Cái cò ngày nay gối mỏi chân mòn/
Vai gánh vai gồng đi thăm chồng cách núi ngăn non").
Nàng kéo lê cuộc đời cực khổ đói khát với nỗi đau
buổn tức tưởi. Nàng còn quá trẻ, chỉ mới đôi mươi mà phải trải qua
biết bao nhiêu đau thương trong cuộc đời vì biến cố quốc gia khiến
cuộc đời nàng trôi nổi lầm than, nhan sắc phai tàn ("Cái cò lặn lội bờ đê, đói khổ trăm bề nước mắt
đầy vơi/ Thương em tuổi mới đôi mươi, vì cơn quốc biến hoa trôi hương
tàn").
Nàng tiêu biểu cho những người vợ của chiến sĩ VNCH
đã anh dũng hy sinh cho tổ quốc hoặc bị cộng sản bắt giam trong những
trại tù cải tạo tàn bạo sau ngày 30 tháng 4 năm 1975.
Chồng nàng là người chiến sĩ tuẫn tiết trên quốc
lộ khi chống trả quân thù, không chịu đầu hàng trước lũ giặc xâm
lăng. Máu anh tuôn ra lai láng như nước sông lan tràn. Anh ngã gục chết
cùng với hàng ngàn người dân mà anh cố bảo vệ ("Chiều
trên quốc lộ kinh hoàng, chồng em tuẫn tiết máu tràn như sông/ Chồng em chiến
sĩ anh hùng, vì dân chiến đấu thác cùng muôn dân"). Hình ảnh
người lính VNCH tuẫn tiết không đầu hàng giặc cộng sản là hình ảnh
oai hùng nhất trong cuộc chiến, vì họ bảo tồn Danh Dự họ, theo đúng
ba điều Trách Nhiệm, Danh Dự, và Tổ Quốc của QLVNCH.
Trong cuộc chiến, có rất nhiều trường hợp lính VNCH
tuẫn tiết trong trận. Bài hát "Anh không chết đâu anh"của Trần
Thiện Thanh nói đến viên đạn cuối cùng mà trung úy Nhảy Dù Nguyễn Văn
Đương dùng để tuẫn tiết năm 1971. Vào những ngày cuối cùng của miền
Nam Việt Nam, biết bao nhiêu chiến sĩ VNCH đã tuẫn tiết, từ binh sĩ
tới năm vị tướng (Nguyễn 2015a; Nguyễn 2015b).
Chồng chết, nàng trở thành góa phụ, nhưng nàng vẫn
không quên bổn phận làm dâu và người mẹ. Nàng dắt díu mẹ chồng và
các con đi về quê. Nhưng quê nàng đã tan hoang. Nhà cửa tài sản đã bị
lũ cộng sản chiếm đoạt. Nàng bị ép buộc đi lên nơi rừng sâu nước độc
vùng kinh tế mới ("Cái cò ngày nay đã
thành góa phụ/ Tay dắt mẹ chồng tay dắt đàn con/ Muốn về làng quê, quê cũ không
còn/ Giặc bắt lên rừng đi vào vùng chướng khí lam sơn").
Nàng là thiếu phụ lặn lội kiếm ăn, vét cống đào
đường làm lụng cực nhọc, trong cơn gió lạnh rét căm căm. Chồng nàng
bị giặc cộng sản bắt đi tù cải tạo, thay đổi trại tù từ Nam ra Bắc
biệt tăm tin tức, khiến nàng không biết anh ở đâu để đi thăm nuôi ("Cái cò lặn lội bờ mương, vét cống đào đường cái
rét lạnh căm/ Chồng em giặc bắt biệt tăm, tù Nam tù Bắc biết thăm nơi nào").
Thế rồi, vào một đêm mưa giông bão tố, có người đến báo cho
nàng một hung tin. Chổng nàng bị giặc cộng giết trong trại tù khi anh
bị đói rét lao động cực hình ("Một
đêm gió lộng mưa gào, được tin anh đã đi vào thiên thu/ Chồng em chết giữa ngục
tù, khổ sai đói rét cộng thù giết anh").
Chuyện tù cải tạo bị giết trong tù được biết rõ.
Những vụ giết người có đủ mọi lý do: tù nhân trốn thoát, tù nhân
làm loạn, theo dự tính trước với những tù nhân không có hành động
phản kháng, bắn giết khơi khơi không có lý do (Vo 2004, 139-140).
Đau đớn cùng cực, nàng đi tới trại tù xa xôi, nơi
vùng đất xa lạ. Đầu quấn khăn tang, nàng cố tìm mộ chồng. Nàng đi
qua từng ngôi mộ hoang, hy vọng tìm được mộ bia khắc tên chồng, nhưng
không tìm được mộ anh. Nước mắt dầm dề, nàng thương xót cho người
chồng bất hạnh, chết đi mà không được chôn cất mộ phần để được khói
nhang thờ phụng ("Cái cò một thân lên
vùng đất lạ/ Đến trại tù tóc quấn vành tang/ Đếm từng mồ hoang máu lệ hai hàng/
Đau xót cho chồng không mộ phần không khói không nhang"). Đối
với truyền thống văn hóa Việt Nam, không có mộ phần, nhang khói cho
người chết là một nỗi đau đớn tủi nhục nhất cho thân nhân người quá
cố. Như đã trình bày trên, có rất nhiều vụ hành quyết xảy ra tại
trại tù và xác nạn nhân thường không được trả về cho thân nhân. Đây
là một hành động tàn ác nhất của cộng sản, tạo đau thương cho gia
đình nạn nhân cho biết bao năm.
Tóm lại, "Cái Cò" không phải là một câu
chuyện đặc biệt về một người vợ lính VNCH nào đó, mà là các câu
chuyện tiêu biểu cho những người vợ chiến sĩ VNCH. Những người vợ
này phải làm việc cần cù, thăm nuôi chồng nơi tù cải tạo xa xôi, đi
tới các vùng kinh tế mới với đất đai hoang dã, nuôi đàn con và săn
sóc cha mẹ chồng, làm tròn bổn phận của người con dâu, người vợ, và
người mẹ. Họ phải chịu đựng nhọc nhằn, đói lạnh, và nỗi thống khổ
khi người chồng chết trong chiến trận hoặc bị cộng sản giết trong
ngục tù cải tạo.
C. Bài hát có giai điệu chậm buồn
nhưng thay đổi, và lời ca có cấu trúc thăng bằng với cách dùng chữ
có hiệu quả:
Ca khúc "Cái Cò" là lời kể cuộc đời cực
khổ lầm than của người vợ chiến sĩ VNCH. Bài hát thể hiện nỗi niềm
thê lương này với giai điệu chậm buồn, được đưa đẩy khéo léo qua vần
điệu của thể loại thơ lục bát, và có những đoạn thơ theo thể thức
cố định tạo nên âm điệu và tiết tấu thay đổi.
Một đặc điểm của "Cái Cò" là cách dùng
điệp ngữ để nhắc đi nhắc lại lời ca đi sâu vào tâm trí khán giả. Đây
là hình thức của tiểu điệp khúc (refrain), rất thường dùng trong
nhạc và thơ khi một hình ảnh quan trọng nào đó được nhắc đi nhắc
lại nhiều lần. Tiểu điệp khúc là một hay hai câu trong một phiên
khúc, thường nằm ở cuối hoặc ở giữa phiên khúc, và được lập lại
để tạo một tác dụng nào đó (thí dụ, tóm tắt, nhấn mạnh, vần
điệu) cho phiên khúc đó. Tiểu điệp khúc không mang ý chính của toàn thể
bài hát như điệp khúc, và thường chỉ có tác dụng trên phiên khúc đó
mà thôi.
Bài hát gồm có bốn phiên khúc chính. Mỗi phiên khúc
có hai phần. Mỗi phần khởi đầu bằng "cái cò" cho thấy hình
ảnh con cò xuất hiện liên tục, khiến âm hưởng này được vang vang trên
khắp bài và khán giả liên tục duy trì hình ảnh này trong suốt bài
hát. Hình ảnh cái cò lặn lội săn mồi cũng được lập đi lập lại
nhiều lần: "lặn lội bờ sông,"
"lặn lội bờ ao," "lặn lội bờ đê," và "lặn lội bờ mương." Trong
cách dùng tiểu điệp khúc này, Nguyệt Ánh cho chút thay đổi, giúp cho
hình ảnh được linh hoạt: con cò không bỏ sót chỗ nước nông nào để
tìm thức ăn: sông, ao đê, mương. Con cò đi tìm thức ăn ở khắp nơi, nói
lên sự cực nhọc của người vợ, lội suối trèo non, đi thăm nuôi chồng,
đi làm lụng ở vùng kinh tế mới.
Bốn phiên khúc của bài hát theo quy luật khá chặt
chẽ.
Phần đầu của mỗi phiên khúc là tám câu thơ lục bát.
Câu thứ hai (câu tám chữ) của tám câu này phá luật gieo vần lục bát:
vần gieo vào chữ thứ tư thay vì chữ thứ sáu:
Cái cò lặn lội bờ sông,
gánh gạo nuôi chồng tiếng
khóc nỉ non.
...
Cái cò lặn lội bờ ao,
bán giọt máu đào nuôi
dưỡng đàn con.
...
Cái cò lặn lội bờ đê,
đói khổ trăm bề nước mắt
đầy vơi.
...
Cái cò lặn lội bờ mương,
vét cống đào đường gió
rét lạnh căm.
Cách gieo vần biến thể này giúp cho âm điệu bài hát
thêm phần linh động và tránh sự buồn tẻ đều đều khi mô tả những
hoạt động đi kiếm ăn, làm lụng của con cò. Các câu thơ lục bát sau
đó trong phiên khúc đa số gieo vần rất chỉnh, không gượng ép, giúp
hình ảnh mô tả được trôi chảy một cách tự nhiên.
Phần thứ hai của mỗi phiên khúc là bốn câu với thể
thức cố định: ba câu đầu có bảy hoặc tám chữ/ âm tiết có cùng
trường độ và câu thứ tư có mười một chữ/ âm tiết. Thể thức cố định
này tạo nên cấu trúc đặc thù cho bài hát và giúp cho giai điệu có
được sự thay đổi để tránh âm điệu đều đều buồn tẻ. Ta biết những ca
khúc được phổ thành nhạc từ thơ thường mắc phải một vấn đề là có
tiết điệu đều đều, thiếu linh động, và do đó chỉ thích hợp cho một
số câu chuyện hoặc tình tiết. Khi bài thơ gốc là thơ theo thể loại
lục bát, vấn đề này lại càng trầm trọng hơn. Một thí dụ điển hình
là ca khúc "Tưởng Như Còn Người Yêu" ("Ngày
mai đi nhận xác chồng/ Say đi để thấy mình không là mình...") do
Phạm Duy phổ nhạc từ bài thơ lục bát của thi sĩ Lê Thị Ý (Đinh
2009). Bài hát này có tiết điệu đều đều, thích hợp với lời than
khóc của một thiếu phụ mất chồng. Ngược lại, ca khúc "Cái
Cò" không phải là lời than vãn thở than của người vợ có chồng
đi tù cải tạo mà là câu chuyện về cuộc đời cực khổ và những hy sinh
lớn lao của người vợ chiến sĩ VNCH. Câu chuyện đó cần có những sắc
thái linh động và giai điệu thay đổi để vẽ ra hình ảnh sống động
của người vợ. Do đó, phần hai của mỗi phiên khúc cho nét thay đổi đó
và giúp câu chuyện thêm phần xúc động.
Câu chót của phần hai là câu dài, gồm 11 chữ/ âm
tiết. Nguyệt Ánh dùng câu dài này để diễn tả ý tưởng có chút phức
tạp, giúp giai điệu thêm linh động và tiết tấu kéo dài tạo âm hưởng
lan rộng. Ta hãy nghe âm hưởng của các câu dài này:
Ngô sắn khoai sùng ăn cầm chừng,
nước mắt tuôn rơi.
...
Vai gánh vai gồng đi thăm chồng,
cách núi ngăn non.
...
Giặc bắt lên rừng đi vào
vùng, chướng khí lam sơn.
...
Đau xót cho chồng không mộ phần,
không khói không nhang.
Trong mỗi câu, 7 chữ đầu mô tả hành động hoặc cảm
xúc, 4 chữ sau đưa ra một khía cạnh tổng quát của hành động hoặc
cảm xúc đó như ̣để tóm tắt. Do đó, 4 chữ này có tiết tấu kéo dài
vì tác dụng là tạo âm hưởng trên người nghe. Thí dụ, câu 7 chữ "Ngô sắn khoai sùng ăn cầm chừng" mô
tả hành động ăn cầm chừng ngô sắn khoai sùng. Câu 4 chữ "nước mắt tuôn rơi" cho thấy hình ảnh tổng quát về hành động
đó, và câu này cần được tạo tác dụng trên người nghe nên được kéo
dài.
Nguyệt Ánh dung hòa kỹ thuật "cho thấy" và
"kể" một cách điêu luyện, khiến khán giả vửa được lôi cuốn
vào câu chuyện vừa có cảm xúc mạnh mẽ. Những từ ngữ "cho
thấy" súc tích nhưng rất sống động, khiến câu ca càng tạo tác
dụng mạnh mẽ trên khán giả. Thí dụ, "lặn lội," "tay . .
.nứt," "tuôn rơi," "se thắt," "rối bời,"
"lội suối trèo non," "tay cuốc tay cày," "vai gánh vai
gồng," "tuẫn tiết," "máu tràn," "tay dắt,"
"vét cống đào đường," "biệt tăm," "gió lộng mưa
gào,"và "máu lệ hai hàng." Bên cạnh những từ ngữ
"cho thấy" này, những từ ngữ "kể" giúp dung hòa
hình ảnh và tạo nên giao động lên xuống một cách cân bằng cho người
nghe: "đói khổ trăm bề," "kinh
hoàng," "thác cùng muôn dân," "đi vào thiên thu."
Ngoài ra, Nguyệt Ánh vận dụng nhóm chữ có bốn chữ
có hai vế đối chiếu, thông dụng trong thành ngữ tiếng Việt, tạo nên
hương vị dân tộc của lời ca, giúp khán giả liên tưởng ý nghĩa của
con cò trong ca dao và tục ngữ. Các nhóm chữ bốn chữ này còn giúp
câu thơ trôi chảy và tượng hình: "dạ sắt
lòng son," "lội suối trèo non," "nhà tan nước mất,"
"tay cuốc tay cày," "gối mỏi chân mòn," "vai gánh vai gồng,"
"cách núi ngăn non," "hoa trôi hương tàn," "chướng khí
lam sơn," "vét cống đào đường," "gió lộng mưa
gào."
Nguyệt Ánh dùng mỹ từ rất hiệu quả. Với ẩn dụ
cái cò cho người vợ bao trùm cả bài hát, Nguyệt Ánh khéo léo tiếp
tục dùng những hoạt động của con cò là ẩn dụ cho các hành động
của người vợ. Thí dụ, "xuống biển
tìm mồi" cho thấ́y sự táo bạo của con cò,
thường chỉ săn mồi nơi vùng nước cạn, đi săn tới tận biển là nơi rất
khó kiếm mồi. Câu đó là ẩn dụ cho sự liều mạng của người vợ lao
đầu vào những nơi khó khăn kiếm sống vì bị quẫn túng. Các ẩn dụ
khác cũng rất có tác dụng mạnh. Thí dụ "hoa
trôi" cho cuộc đời trôi
nổi, "hương tàn" cho nhan
sắc tàn phai.
Nguyệt Ánh có biệt tài dùng ngôn từ đơn giản nhưng
mạnh mẽ, gây cảm xúc mãnh liệt trên khán giả. Những từ ngữ này gợi
hình và vẽ ra những hình ảnh quen thuộc. Thí dụ như "Vai gánh vai gồng," "Tay dắt mẹ chồng tay
dắt đàn con," "tù Nam tù Bắc biết thăm nơi nào," "Đếm từng
mồ hoang." Với những nhóm
chữ đơn giản nhưng gợi hình tạo cảm xúc mãnh liệt, người nghe tưởng
tượng hình ảnh nàng dắt mẹ chồng và đàn con, hai vai gồng gánh,
chạy đôn chạy đáo từ Nam tới Bắc, bước đi đếm từng ngôi mộ hoang, hai
hàng lệ rơi lả chả. "Cái Cò" khiến người nghe cảm thấy mũi
lòng, xót thương cho người vợ, và ngậm ngùi cho cuộc sống đau thương
của nàng.
Tóm lại, các phiên khúc trong "Cái Cò" có
cấu trúc thăng bằng, xen lẫn các câu có âm tiết và thể thức không
đồng đều với các câu lục bát êm ái, tạo nên nét linh hoạt và sống
động cho câu chuyện buồn thảm cảm động của những người vợ lính VNCH
có chồng hy sinh anh dũng hoặc bị bắt làm tù cải tạo. Kỹ thuật dung
hòa giữa "cho thấy" và "kể," cách dùng chữ mạnh
mẽ và những nhóm bốn chữ, tạo nên một bức tranh sống động bộc lộ
hình ảnh người vợ miền Nam Việt Nam cần cù, hy sinh cho chồng con.
Những câu chuyện có thật của những người vợ chiến
sĩ VNCH được kể qua ca khúc "Cái Cò" một cách rất cảm
động. Qua những chi tiết rõ rệt và mạnh mẽ, khán giả không thể không
bùi ngùi và xúc động về cuộc đời đau thương và sự hy sinh to tát
của những thiếu phụ miền Nam sống dưới sự đối xử tàn bạo của nhóm
cầm quyền cộng sản.
D. Kết Luận:
Ca khúc "Cái Cò" nói lên các đức tính hy
sinh, cần cù, tháo vát, và chịu đựng của những người vợ lính VNCH
qua cuộc sống nhọc nhằn của họ trong việc làm lụng nuôi con khi không
có chồng vì chồng chết trong chiến trận hoặc bị đi tù cải tạo. Bài
hát ca ngợi lòng dạ sắt son chung thủy của những thiếu phụ chờ
chồng trong ngục tù, và những cực khổ trong việc thăm nuôi chồng trong
tù cải tạo xa xôi. Bài hát diễn tả ý tưởng hữu hiệu qua giai điệu
êm ả nhẹ nhàng gây cảm xúc, cấu trúc thăng bằng, và cách dùng chữ linh
động.
Tuy có những người vợ bỏ chồng vì không đủ kiên
nhẫn chờ đợi hoặc vì có những cám dỗ khác, đa số người vợ miền
Nam chờ đợi chồng trong tù đày, làm lụng nuôi con, và chăm lo cha mẹ
chồng. Những hy sinh to tát này thường không được biết ơn đầy đủ và
không được nhắc nhở nhiều. Ca khúc "Cái Cò" đem lại những
công lao thường bị bỏ quên đó và là lời chứng cho một quãng thời
gian đen tối nhất trong lịch sử Việt Nam dưới sự đàn áp vô nhân đạo
của nhóm cầm quyền cộng sản Bắc Việt.
CẢM TẠ
Tôi xin có lời cảm tạ nhạc sĩ Nguyệt Ánh đã bỏ
thì giờ quý báu trong lúc bận rộn với các hoạt động văn nghệ để
chia sẻ với tôi về việc viết ca khúc "Cái Cò" và trả lời
những câu hỏi của tôi. Ngoài ra, tôi cám ơn các bạn trên trang mạng Dân
Làm Báo đã có lời khích lệ trong các bài về âm nhạc trước và giúp
tôi có ý định viết bài này, đặc biệt là lời yêu cầu của bạn Thanh
niên Việt.
Tài Liệu Tham Khảo:
BBC. 2015. 'Không có ngược đãi sau 30/4'.
18-4-2015.
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/multimedia/2015/04/150418_vuquanghien_vietnamwar
(truy cập 26-4-2015).
Chúc Thuần. Không rõ ngày. Tâm Sự Của Một Người Vợ Tù
Nhân "Cải Tạo". Không rõ ngày.
http://www.machsongmedia.com/lichsu/chuyenho/50-tam-s-ca-mt-ngi-v-tu-nhan-qci-toq.html
(truy cập 25-4-2015).
Courtois, Stéphane et al. 1999. The Black Book of
Communism, Crimes, Terror, Repression, translated by Jonathan Murphy and
Mark Kramer, Harvard University Press, Massachusetts, U.S.A.
Denney, Stephen. 1990. Human Rights and Daily Life in
Vietnam.
Duiker, William J. 1995. Vietnam: Revolution in
Transition, Second Edition, Westview Press, Colorado, U.S.A.
_________. 1996. The Communist Road to Power in Vietnam,
Second Edition, Westview Press, Colorado, U.S.A.
Đinh Quang Anh Thái. 2009. Lê Thị Ý: Tác giả 'Ngày mai đi
nhận xác chồng'. 10/7/2009. http://www.dactrung.com/Bai-bv-2842-Le_Thi_y_Tac_gia_%27Ngay_mai_di_nhan_xac_chong%27.aspx
(truy cập 26-4-2015).
Đỗ Ngọc Uyển. Không rõ ngày. Tù Cải Tạo: Tội ác chống
nhân loại của Cộng sản VN. Không rõ ngày.
_________. 2010. Tội Ác Thủ Tiêu Mất Tích 165,000 Quân
Dân Cán Chính Việt Nam Cộng Hòa. 1-2010.
http://vietnamdefence.info/toa-an-hinh-su-quoc-te-ve-vn-tq/toi-ac-vc-thu-tieu-165-ngan-quan-dan-can-chinh-vnch.htm
(truy cập 28-4-2015).
Freeman, James M. 1995. Changing Identities: Vietnamese
Americans, 1975-1995. Allyn and Bacon, Massachusetts, U.S.A.
Hồ Phú Bông. 2008. Cái Chết Của Chiến Sĩ.
28-10-2008.
https://vuonque.wordpress.com/2008/10/28/cai-ch%E1%BA%BFt-c%E1%BB%A7a-chi%E1%BA%BFn-si/
(truy cập 26-4-2015).
Huy Phương. 2014. Bài thơ Con Cò và luận điệu áp đặt của
văn học miền Bắc. 21-12-2014.
Kale. 2002. Hồi Ký Tù Cải Tạo - 17 năm trong các trại Tù
Cải Tạo của Cộng Sản Việt Nam. 21-3-2014.
Ngô Nguyên Dũng. 2009. Nỗi băn khoăn của "con"
và "cái" trong tiếng Việt. 19-11-2009.
http://damau.org/archives/10011
(truy cập 11-4-2015).
Nguyen Van Canh. 1983. Vietnam Under Communism, 1975-1982.
Hoover Institution Press, California, U.S.A.
Nguyễn Công Luận. 2012. Nationalist in the Viet Nam
Wars: Memoirs of a Victim Turned Soldier. Indiana University Press,
Indiana, U.S.A.
Nguyễn Hưng Quốc. 2010. Tiếng Việt: Cái và Con.
11-5-2010.
http://www.voatiengviet.com/content/cai-va-con-05-11-2010-93436379/863577.html
(truy cập 11-4-2015).
Nguyễn Hữu Lễ. 2003. Tôi Phải Sống.
http://giaocam.saigonline.com/TacPhamMainTR/TacPhamToiPhaiSong/TacPhamMainTListingToiPhaiSong.php
(truy cập 26-4-2015).
Nguyễn Lộc Yên. 2015a. Chiến Sĩ VNCH, dù tử danh bất tử
(Phần 1). 17-4-2015.
http://danlambaovn.blogspot.com/2015/04/chien-si-vnch-du-tu-danh-bat-tu-phan-1.html
(truy cập 28-4-2015).
_________. 2015b. Chiến Sĩ VNCH, dù tử danh bất tử (Phần
2). 21-4-2015.
http://danlambaovn.blogspot.com/2015/04/chien-si-vnch-du-tu-danh-bat-tu-phan-2.html (truy cập 28-4-2015).
http://danlambaovn.blogspot.com/2015/04/chien-si-vnch-du-tu-danh-bat-tu-phan-2.html (truy cập 28-4-2015).
Nguyễn Sơn Hà. 2007. Cái Cò và Con Cò.
28-6-2007.
Nguyệt Ánh. Không rõ ngày. Cái Cò.
Phong trào Hưng ca Việt Nam. Không rõ ngày. Vườn
Nhạc. Không rõ ngày.
Quốc Việt. 2015a. Nỗi ám ảnh... bo bo trong "đêm
dài" đói kém. 4-4-2015.
http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/phong-su-ky-su/20150404/noi-am-anh-bo-bo-trong-dem-dai-doi-kem/729467.html
(truy cập 26-4-2015).
_________. 2015b. Bo bo từ đâu ra? 8-4-2015. Tuổi
Trẻ On-line.
http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/phong-su-ky-su/20150408/bo-bo-tu-dau-ra/731006.html
(truy cập 26-4-2015).
Sagan, Ginetta và Denney, Stephen. 1982. Re-education in
unliberated Vietnam: loneliness, suffering, and death. The
Indochina-Newsletter, October-November 1982.
Sorley, Lewis. 1999. A Better War - The unexamined
Victories and final tragedy of America’s last years in Vietnam. Hartcourt,
Florida, U.S.A.
Sue. 2014. The patient hunter. 6-9-2014.
Thanh Minh. Không rõ ngày. Thân Phận Vợ Của Một
"Tù Cải Tạo". Không rõ ngày.
Thành Văn. 2002. Nghề Lạ Ở Sài-gòn sau 75.
31-1-2002.
Trần Văn Giang. 2015. Đi thăm Chồng.
25-4-2015.
Việt Báo. 2012. Người Chỉ Huy Cơ Quan Tình Báo VNCH Đầu
Tiên Đã Qua Đời. 8-2-2012.
http://vietbao.com/a183590/nguoi-chi-huy-co-quan-tinh-bao-vnch-dau-tien-da-qua-doi
(truy cập 26-4-2015).
Vo, Nghia M. 2004. The Bamboo Gulag: Political Imprisonment
in Communist Vietnam, McFarland & Co Inc, North Carolina, U.S.A.
Wiest, Andrew. 2008. Vietnam's Forgotten Army - Heroism
and Betrayal in the ARVN. New York University Press, New York, U.S.A.
Wikipedia. 2015. Hình tượng con Cò trong văn hóa.
Thay đổi chót: 7-4-2015.
http://vi.wikipedia.org/wiki/H%C3%ACnh_t%C6%B0%E1%BB%A3ng_con_C%C3%B2_trong_v%C4%83n_h%C3%B3a
(truy cập 25-4-2015).
Cao-Đắc Tuấn