(Hình hồ sơ RFA: Paris. Đại
lộ Gay Lussac, 3 giờ chiều ngày 27/4/1975,
sinh viên các Đại học Paris, Đại học Orsey đeo tang diễu hành....
Việt Nam mất vào tay Cộng sản 3 ngày sau đó.)
sinh viên các Đại học Paris, Đại học Orsey đeo tang diễu hành....
Việt Nam mất vào tay Cộng sản 3 ngày sau đó.)
Ngày thống nhất đất nước cũng là ngày bắt đầu những chia lìa, những bắt bớ, sợ hãi, nghi ngờ và cả một chuỗi tang thương nối tiếp. Kính mời quý vị cùng chúng tôi sống lại một ngày của kinh hoàng, của tiếng cười chìm sâu trong tiếng khóc qua hồi tưởng của một số nhân chứng tại Âu châu.
Nỗi Đau và Ngày Tháng Kinh Hoàng
Anh
Lê Như Quốc Khánh, một Kỹ sư Tin học, hiện cư ngụ tại Pháp, có cha là một sĩ
quan cao cấp trong quân đội Việt Nam Cộng Hòa, hồi tưởng lại nỗi sợ hãi
và mất mát của chàng trai tuổi đời còn rất trẻ ở thời điểm 30/4:
“Khi 30/4 tôi còn nhớ mãi: Khi Cộng sản họ vào thì
Bố tôi ngủ say, nên Mẹ tôi rất là sợ, sợ Bố tôi tự tử. Tại vì trong nhà Bố tôi
có 1 cây súng M16 và 1 cây colt 45. Sau đó, vấn đề đầu tiên là phải đi dấu 2
cây súng. Đó cũng là một kỷ niệm kinh khủng, tôi nhớ là khi tôi đem hai cây
súng ra thùng rác để quăng, tôi còn nhớ mãi là tôi quăng cái Bảo quốc Huân
chương của Bố tôi, tôi rất là đau lòng vì Bố tôi rất quý cái Bảo quốc Huân
chương. Khi mà mình cầm nó mình bỏ vào thùng rác thì có cái gì đó làm mình rất,
rất là đau lòng.
Mình nhìn về biến cố của một đất nước, mình không
nhìn vào vấn đề chiến tranh mà mình nhìn vào định mệnh của một đất nước, tôi
thì tôi rất tin vào định mệnh, cái destin (số mệnh) của một con người”.
Với
chị Tuyết Lê, một thuyền nhân, hiện định cư tại Hòa Lan thì đó là một ấn tượng
kinh khủng trong đời. Bản tuyên bố của Tổng Thống Dương Văn Minh cũng là bản
tuyên án cho đời sống yên bình của người con gái Cần Thơ. Chị Tuyết Lê hồi tưởng
lại:
“Sau khi nghe ông Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng
cái cảm giác đầu tiên của chị là cả bầu trời sụp đỗ, không ăn không ngủ suốt 48
tiếng đồng hồ, những ngày sau đó chị sống như 1 cái xác biết cử động, không biết
làm sao tâm thần tê liệt, không phải vì sợ hãi mà không thể chấp nhận được sự
việc vừa xảy ra. Sau những ngày kinh khủng đó thì chị nghĩ chắc chắn là mình phải
đi tìm tự do, thà chết trên biển khơi, không thể nào sống với Cộng sản. Tại vì
gia đình chị đã trốn chạy Cộng sản từ Bắc vào Nam, thì bây giờ có thêm 1 lần nữa
cũng chẳng sao.
Chuyến vượt biên của chị thật ra cũng có nhiều trở
ngại, chiếc ghe dài 12 mét, rộng 4 mét, tất cả gồm 65 người kể cả trẻ con lẫn
người lớn, lạc phương hướng, 2 đêm 3 ngày lênh đênh trên biển. Bây giờ nhớ lại ấn
tượng hãi hùng ngày 30/4 thì nó sẽ mãi mãi là niềm đau của chị”.
Những
năm đầu tiên sau ngày 30/4, anh Trần Tử Miễn đã không chọn con đường vượt thoát
mà đã ở lại để tiếp tục chiến đấu cho đến ngày được Hội Ân Xá Quốc Tế đưa qua
Pháp năm 1981, trong khi đó ba của anh, một thành viên nồng cốt của Việt
Nam Quốc Dân đảng đã bị bắt vào trại cải tạo. Trong ký ức của anh, sự thất thủ
của miền Nam là một sự thật khó chấp nhận:
“Lúc Việt cộng vô, nói là Mỹ thua, thì nó làm cho
tôi bàng hoàng, không bao giờ tôi chấp nhận mình thua, đó là tâm trạng của tôi.
Cái sự thù hận của tôi là đối với những đứa mà nó giết hại thời đó, chứ còn đối
với lớp sau thì tôi không thù hận ai cả”.
Từ
thành phố Stuggard, Đức Quốc, anh Trần Huê cho biết ngày 30/4 với một số sinh
viên du học tại đó là nỗi buồn, còn với một số sinh viên theo Cộng sản lại là
niềm vui. Và theo lời anh Trần Huê, ngay tại Đức, đã xuất hiện những “sinh viên
30/4” nắm quyền trong giai đoạn chao đảo ấy. Bác sĩ Trần Huê lúc đó đã bắt tay
vào việc giúp những người thuyền nhân tị nạn sớm nhất.
“Phải nói là tất cả anh em bị shock trong khi những
người theo Cộng sản hội Đoàn Kết thì họ hồ hởi họ lên phá Tòa Đại Sứ Việt
Nam Cộng Hòa ở Bonn, họ hồ hởi ăn mừng. Lúc đó, sau khi ra trường tôi đi làm ở
vùng Stuggart, trong số 30.000 thuyền nhân thì họ nhận 4.000 người. Mùa thu năm
79, họ cần gấp một Bác sĩ Việt Nam biết tiếng Việt chăm sóc cho người tị
nạn. Khi tôi nghe đề nghị như vậy thì tôi thích quá, sau giờ làm việc ở nhà
thương của tôi làm thì tôi chạy tới để gặp người tị nạn Việt Nam”.
Chiến Dịch Cứu Vớt Người Vượt Biển
Sau
khi những buồn bã, thất vọng vì niềm đau mất nước đã tạm lắng xuống là bắt đầu
cuộc vận động cứu vớt thuyền nhân. Những nỗ lực để đánh động lương tâm thế giới
trước những con thuyền mong manh giữa đại dương bắt đầu đã có kết quả, Pháp với
con tàu Ile de Lumière và Đức với con tàu Cap Anamur đã bắt đầu công việc cứu vớt
thuyền nhân, từ Pháp Quốc, anh Nguyễn Sơn Hà kể lại:
“Sau 30/4/1975, Anh Bá (Trần Văn Bá. RFA) kêu Hà
và một số thanh niên Âu châu liên lạc với thầy Thích Minh Tâm, Cha Y, Cha Vân
cùng đi qua Thuỵ Sĩ tuyệt thực để mà vận động Liên Hiệp Quốc cứu thuyền
nhân Việt Nam. Vận động ròng rã suốt nhiều năm liên tục thì đến năm 1977
mới có tàu Ile de Lumière (bên Pháp) và đến năm 1979 mới có tàu Cap Anamur (bên
Đức)”.
Vượt
qua nhiều trở ngại từ phía chính quyền, Tàu Cap Anamur của Đức cũng đã được
hình thành và đã vớt được khoảng 30.000 thuyền nhân. Anh Trần Huê cho biết:
“Khoảng 1978, ông Alfred, thủ hiến của tiểu bang
Niederschachen tuyên bố là ổng sẵn sàng nhận 1000 người Việt Nam sang tiểu
bang của ông ấy, thì cái quyết định của Doctor Alfred đã mở cửa để các quyết định
tiếp theo nó dễ dàng hơn. Buổi tối, giờ tin tức để giúp cho “Một con tàu
cho Việt Nam “ thì ngày hôm sau tiền triệu vô.…Ông tiến sĩ Neudeck có
liên hệ với ông Jean Paul Sartre cho nên ổng nhận lảnh chương trình đó qua Đức.
Con tàu Cap Anamur có được sự tài trợ của các thành phần xã hội Đức cởi mở, tiến
bộ để tiếp tục chương trình cứu vớt thuyền nhân”.
Trên
con đường di tản, người con gái 16 tuổi lúc đó lạc mất Mẹ Cha. Chị Phương
Khanh nhớ lại lúc mới đến Pháp năm 1975, cái Tết đầu tiên của chị với Tổng Hội
Sinh Viên sau ngày mất nước là một hồi ức không thể phai nhòa. Chị kể lại:
“Cái sinh hoạt đầu tiên mà tôi đến với Tổng hội
Sinh viên là cái Tết “Ta Còn Sống Đây” Rạp Maulbert hơn 2000 người chật cứng
trong đó. Từ lúc bài quốc ca trổi lên trong hội trường thì rất là lắng đọng, rất
là nhiều người khóc, nhiều người đứng sững. Lần đầu tiên tôi nghe hát quốc ca
trên xứ người, nhìn lại lá cờ vàng ba sọc đỏ, lúc đó tôi không biết mình đang đứng
đâu và mình làm cái gì nữa, chỉ có biết khóc, và khóc và khóc thôi! Rồi sau đó
đến diễn văn của Chủ Tịch Trần văn Bá thì nó có một cái gì đó rất là thiêng
liêng, nó vỡ òa lên trong phòng hội đó. Nó có một cái gì đó đánh động cái lương
tâm của mình, cái ý chí đấu tranh của mình, nó bắt mình không được ngồi yên,
không được ru ngủ mình với những cái gì mà mình đang có được ở bên Pháp”.
Cuộc
di tản 40 năm về trước mãi mãi là một cơn mộng dữ. Những cơn mộng có thể phai mờ
nhưng không bao giờ mất dấu. Có lẽ ai cũng đồng ý rằng hồi tưởng về quá khứ
không có nghĩa là ở lại mãi với ngày tháng đó mà nhớ về quá khứ để không quên
mình là ai. Nhớ về quá khứ để chuẩn bị một tương lai, trong đó, những lỗi lầm của
ngày hôm qua sẽ không phải lập lại.
Tường An, thông tín viên RFA, Paris