Monday, June 15, 2015

MÔI TRƯỜNG VIỆT NAM: THẢM HỌA ĐÁNG NGẠI

TS.Mai Thanh Truyết
 
Người dân đeo khẩu trang để chống ô nhiễm
khi lái xe trên đường phố ở VN 

Ô nhiễm môi trường tại Việt Nam là nguy cơ đe dọa trực tiếp sức khỏe và đời sống của dân chúng, theo khuyến cáo của giới chuyên môn. 

Trao đổi với VOA Việt ngữ nhân Ngày Môi trường Thế giới 5/6 năm nay, một chuyên gia về môi trường, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hội Khoa học-Kỹ thuật Việt Nam tại hải ngoại, và cũng là tác giả nhiều ấn phẩm nghiên cứu về môi trường và chính sách phát triển của Việt Nam – TS mai Thanh Truyết – nhấn mạnh các tác hại môi trường ngắn và dài hạn đối với sự phát triển kinh tế-xã hội Việt Nam đang leo thang tới mức báo động và rằng nếu không có biện pháp cấp bách cải thiện chính sách quản lý môi trường, cái giá phải trả trong tương lai gần là không thể đo lường.

 
Tiến sĩ Mai Thanh Truyết
Về tình trạng môi trường Việt Nam, trong suốt 20 năm qua, chúng tôi đặt vấn đề về đất, nước, rác sinh hoạt phế thải, và không khí. Trong những yếu tố đó, hiểm họa nhất là hiểm họa nước. Từ khi Việt Nam phát triển từ năm 1986, sự phát triển đó không đặt trọng tâm vào việc bảo vệ môi trường. Cho nên, sau 20 năm phát triển, những dòng sông từ Bắc chí Nam đều bị ô nhiễm, người dân càng ngày càng chịu áp lực nặng nề về nguồn nước sinh hoạt vì gia tăng dân số, gia tăng phát triển. Việt Nam hiện có hơn 265 khu công nghiệp, đặc biệt tại Sài Gòn có hơn 20 ngàn cơ sở sản xuất hóa chất mà hầu hết không có hệ thống quản lý, xử lý, thanh lọc nước thải. Yếu tố làm ô nhiễm nước thứ hai là bãi rác, với độ gia tăng dân số, chẳng hạn Sài Gòn trên 7 triệu dân hằng ngày sản xuất khoảng 10 ngàn tấn chất thải sinh hoạt thì làm ô nhiễm bao nhiêu hệ thống nước. Cái mức ô nhiễm đó càng ngày càng trầm trọng. 

VOA: Ngoài yếu tố dân số, theo Tiến sĩ, còn những yếu tố nào khác góp phần làm gia tăng ô nhiễm môi trường nước tại Việt Nam?

 
Tiến sĩ Mai Thanh Truyết: Những yếu tố về cả khách quan lẫn chủ quan, chẳng hạn như tình trạng phá rừng làm nước không còn được thanh lọc tự nhiên từ trong rừng. Thứ hai là việc xây đập thủy điện, đập chứa nước vô tội vạ, không nghiên cứu tác động môi trường. Chính đó làm cho nguồn nước càng ngày càng tệ hại hơn. Nhưng cái quan trọng nhất là chính sách quản lý môi trường nước và quản lý môi trường nói chung, dù có trên luật, nhưng người thừa hành không thực hiện được vì qua cái cơ chế tạo ra một hệ thống không thể kiểm soát . Vấn đề chúng tôiđặt ra là lãnh đạo Việt Namhiện tại có xem môi trường là vấn đề mấu chốt, vấn đề an toàn của các thế hệhay không. 

VOA: Là chuyên gia về môi trường tại đất nước bảo vệ môi trường hàng đầu là Mỹ, về những mặt được trong nỗ lực bảo vệ-cải thiện môi trường nước ở Việt Nam, Tiến sĩ nhìn thấy những gì? Có những gì đáng ghi nhận?

 
Chuyên gia về môi trường, Tiến sĩ Mai Thanh Truyết 
Tiến sĩ Mai Thanh Truyết: Những nguy cơ về ô nhiễm nguồn nước và mực nước mặn gia tăng do lượng nước sông chảy ra biển không còn đủ để đẩy lùi nhiễm mặn, việc phá rừng đặc biệt là rừng tràm-rừng đước để nuôi tôm hay cá ba sa cùng tất cả các nguy cơ về nước hoặc rác phế thải đều được những nhà chuyên môn, giới khoa học ở Việt Nam cảnh báo, nhưng tiến độ giải quyết không thể đáp ứng được nhu cầu bảo vệ môi trường. Chúng tôi nghĩ rằng nhà cầm quyền chưa đặt đây là mối nguy cơ hàng đầu, chưa đặt đây là trọng tâm của việc chuẩn bị cho một thếhệ tương lai.
 
VOA: Với những gì đang diễn ra hiện nay, nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời sẽdẫn tới những tác hại và những nguy cơ có thể trông thấy thế nào?

 
Tiến sĩ Mai Thanh Truyết: Nhìn Trung Cộng chẳng hạn, chúng ta thấy rõ ràng là hôm nay môi trường không khí ở thành phố Bắc Kinh, dân chúng có những ngày không thấy ánh mặt trời và bệnh phổi càng ngày càng tăng. Trở lại tình trạng Việt Nam, Việt Nam đang trên đà tiếp nhận các hậu quả của việc phát triển không đặt trọng tâm bảo vệ môi trường.

 
Hôm nay, chúng ta nhìn thấy các dòng sông ở ngoài Bắc không còn là sông nữa mà đã trở thành các dòng sông đen. Nếu không có phương pháp giải quyết đểchặn đứng, trong một thời gian nữa, các dòng sông ở miền Nam không đủ khả năng điều tiết phế thải của dân chúng sẽ trở thành những dòng sông đen. Tình trạng này sẽ xảy ra trong một tương lai không xa, một vấn đề thoái hóa môi trường rất trầm trọng cho tương lai. 

VOA: Trước những cảnh báo vừa nêu, giải pháp nào có thể giúp cải thiện điều kiện môi trường nước tại Việt Nam hiện nay?

 
Tiến sĩ Mai Thanh Truyết: Thứ nhất, kiểm soát tất cả các nguồn phế thải từ các nhà máy sản xuất và các khu công nghiệp đặc biệt là phế thải lỏng. Thứ hai, đối với miền Namchẳng hạn, hạn chế việc phá rừng tràm rừng đước nuôi cá basa và nuôi tôm ở vùng ngập mặn. Hình ảnh vệ tinh năm 2008 cho thấy vùng đó bị tàn phá, bị khai thác hơn 250 ngàn mẫu, gần 100 ngàn mẫu đã trở thành những chấm đen sau 3-4 mùa nuôi tôm.


Việc phá rừng tràm, rừng đước ảnh hưởng tới thời tiết vì các khu rừng đó là nơi chắn gió tránh bão lụt, hấp thụ nhiễm phèn và chặn bớt nước mặn đi vào lục địa. Ngày nay 4 ưu điểm của rừng tràm, rừng đước bị mất. Do đó, kế hoạch trồng rừng, trồng tràm đước, hạn chế phá rừng là một trong những phương pháp giải quyết nạn ô nhiễm nước. 

VOA: Xin chân thành cảm ơn Tiến sĩ Mai Thanh Truyết đã dành thời gian cho cuộc trao đổi hôm nay. 

Trà Mi