Friday, July 27, 2012

Về một tấm hình

Caubay Thiem - Gởi các cô gái Đoàn viên thanh niên cộng sản
đi chặn biểu tình ngày 22-7-2012 tại Hà Nội...

Đêm nay về em kể gì với mẹ?
Sáng hôm nay con đi chặn biểu tình
Theo lịnh Đảng, Đoàn Thanh niên của "Bác"
Mẹ thở dài rồi ngoảnh mặt làm thinh

Trong mâm cơm em khoe gì với bố?
Sáng hôm nay con đi chặn biểu tình
Bố bỏ đũa, miếng cơm còn trong miệng
Rồi đứng lên, ra hiên đứng một mình

Tối hôm nay em kể gì cho bé?
Sáng hôm nay chị đi chặn biểu tình
"Vì sao thế?" em thơ ngơ ngác hỏi
Không trả lời, chị cúi mặt làm thinh

Lần hẹn tới kể gì cho anh nhỉ?
Cuối tuần qua em đi chặn biểu tình
Tay anh nắm bỗng buông ra hờ hững
Cả đoạn đường, hai đứa chỉ làm thinh

Năm học tới em kể gì cho bạn?
Mùa hè qua tao đi chặn biểu tình
Đám bạn bỗng ngước nhìn em xa lạ
Rồi dang ra, bỏ em lại một mình

Đi theo Đảng em được gì em nhỉ?
Thêm cô đơn bởi đi chặn biểu tình
Thêm xấu hổ đứng vào hàng phản quốc
Theo giặc Tàu, nên nhân thế mới khinh

Nhưng em ạ, nhìn hình em cúi mặt,
Tôi thương em, dẫu em chặn biểu tình
Chút tự trọng đã làm em xấu hổ
Nên cúi đầu, em buồn bã làm thinh

Em tôi ơi, màu thanh thiên thánh thiện
Nhớ lần sau đừng đi chặn biểu tình
Đừng nhẹ dạ tin theo lời của quỷ
Mà quay lưng đối mặt với dân mình

Em tôi ơi, giặc Tàu đang xâm lấn!
Xuống đường đi, cùng các bạn biểu tình
Siết tay lại cùng toàn dân ngăn giặc
Thoát đêm dài rồi sẽ tới bình minh

Em tôi ơi, quê hương cần em lắm!
Tuổi thanh xuân rường cột của nước nhà
Dùng tri thức để tìm ra lẽ phải
Đừng u mê mà thẹn với Hai Bà!

23-7-2012


Một bông hồng cho Huỳnh Thục Vy


 “Một bông hồng cho những ai đang còn mẹ”. Tôi mong bài viết này được xem như một bông hồng để mến tặng Huỳnh Thục Vy vừa có Mẹ lại, sau bao nhiêu năm cháu thiếu vắng tình mẫu tử.

Tin Huỳnh Thục Vy “có Mẹ lại”, tôi vừa nhận được tối hôm qua. Một bạn đọc có tên Nguyễn Văn H từ thành phố Everett, Washington, Mỹ, báo cho biết bằng một giọng vui mừng, rằng Huỳnh Thục Vy vừa chịu phép rửa tội và nhận Đức Mẹ làm quan thầy”. Vị độc giả này còn đề nghị tôi “viết một bài...”

Tôi cảm ơn ông đã báo tin vui của cô thiếu nữ tôi cảm phục và trân trọng như món quà hiếm quý Thượng Đế còn thương ban cho nước Việt giữa cơn nguy khốn; tệ hại hơn cả thời chiến tranh điêu tàn. Nhưng “viết một bài” về Huỳnh Thục Vy thì khó quá, vì đối chiếu những việc Thục Vy làm, nói, và viết với tuổi đời của cháu trong thời gian qua, dưới con mắt của nhiều người trong đó có ông bạn xứ cao bồi Texas Bùi Lộc thường nhấn mạnh mỗi khi nhắc đến cô gái xứ Quảng này: Huỳnh Thục Vy là một hiện tượng; bàn về một hiện tượng là việc đòi hỏi nhiều công phu, trong khi xét thấy những điều kiện mình có được còn hạn chế; thôi thì tiện nhân chỉ biết đứng lặng chiêm ngưỡng trước một hình tượng mà “nhà thơ năm chữ” Thái Bá Tân đã phác họa thật tâm đắc: 

“Cháu - cô gái xinh đẹp, 
Đẹp cả ngoài lẫn trong. 
Nhìn cháu mà cứ nghĩ 
Cái đẹp của non sông.” 
(Trích “Huỳnh Thục Vy”, của TBT) 

Cái đẹp Huỳnh Thục Vy không chỉ của một người, nhưng là cái đẹp của cả một non sông! Thế cho nên tham vọng của bài viết không dám vươn ra ngoài nội dung chia sẻ niềm vui với Huỳnh Thục Vy, chúc mừng cháu đã có lại Mẹ từ đây mãi mãi bên đời; một người Mẹ “đầy phúc lạ hơn mọi người nữ” và không bao giờ chết. 

Theo lời chỉ dẫn của người đưa tin vui trên, tôi vào trang Nữ Vương Công Lý, đọc tin Huỳnh Thục Vy “theo đạo” với hình ảnh cháu chụp trong và sau khi chịu phép Rửa Tội theo nghi thức đạo Công Giáo, tôi thấy lòng mình hân hoan. Điều gây ấn tượng nhất cho tôi là lời phát biểu của cháu - “Con tin rằng cuộc đời con người không phải do con người quyết định mà được. Lúc con bị bắt, con tự nhiên thấy mình luôn được chở che. Con chưa hiểu vì sao con lại có cảm giác ấy. Nhưng con hy vọng nếu có một Đấng cao vời mà con chưa từng biết thì con mong các cha giúp cho con một cơ hội để bước vào con đường nhận biết Ngài. Đó là những lời con nói thật lòng mình”. 

Cha Giuse Đính Hữu Thoại, C.Ss.R ban bí tích thanh tẩy 
cho Blogger Huỳnh Thục Vi tại nhà thờ Tam Kỳ (ảnh Nữ Vương Công Lý)

Lời của cháu Huỳnh Thục Vy trên đây làm tôi xúc động vì chính bản thân tôi thực sự đã trải nghiệm qua nhiều lần như cháu. Con tự nhiên thấy mình luôn được chở che.” Tôi đã đi qua chinh chiến trong bảy năm trời cộng với xấp xỉ ngần ấy thời gian lưu đày trong ngục tù CS và đã sống sót trở về. Chỉ có Ơn Trên che chở tôi mới thoát chết nhiều lần một cách kỳ lạ trong chiến tranh, và rõ ràng Đức Mẹ Maria đã cứu sống tôi khi mình đã kiệt lực tưởng chừng ngã quỵ và trút hơi thở cuối cùng vì không thể nào cất thêm một bước nữa để di chuyển, theo đoàn tù binh. Cái thân thể phạc phờ râu tóc võ vàng da dẻ ấn nơi đâu cũng bọng nước lúc đó đang vừa chịu trận trên hai vai một gánh cây sắn mì, vốn đã nặng lại còn vướng víu cây rừng chằng chịt giữa đường mòn Trường Sơn lắt lẻo cheo leo, vừa bị nòng súng dí sau lưng với lời quát tháo “không đi sẽ bị bắn bỏ”. Khi đó tôi nghĩ mình sắp chết nhưng vẫn muốn sống và thành khẩn lâm râm Mẹ Maria ơi! chỉ có Đức Mẹ mới cứu được con”. Bỗng dưng tôi thấy cơ thể mình tràn ngập thần khí và phơi phới trên con đường trở lại trại tù mang bí số “Trại 51” thuộc Tổng trại 5 Tù Binh, dài 27(?) cây số với gánh cây hom mì thườn thượt ngủng ngoẳng lắc lư trên vai của một thân thể sinh tồn hằng ngày bằng những hạt gạo lũng ruột vì mọt gọi là cơm, cỏng những lát khoai sắn mì mốc hôi với nước muối, và vài lát thịt gầy guộc dịp Tết nhất hay vào những “ngày lễ lớn”.

Cháu Hoàng Thục Vy ơi, bác đi trên con đường lao động của một người tù khổ sai chỉ mang trên vai gánh hom sắn mì từ nông trường về lại nhà tù, mà còn được Mẹ che chở. Trong khi Cháu thì đang đi trên con đường tranh đấu vai mang khát vọng dân chủ tự do nhân quyền cho cả dân tộc mong chờ, chắc chắn càng được Ơn Trên quan phòng. 

Người viết nguyện ước những dòng trên đây kết thành bông hồng tặng cô anh thư Huỳnh Thục Vy vừa có lại Mẹ, Mẹ Maria đầy ơn phúc hơn mọi người nữ.



Khát khao công lý sẽ gặp Chúa

VRNs (24.07.2012) – Sài Gòn – Ngục tù không làm chị nản lòng, khổ đau không làm các em chậm chân bước. Sức mạnh của chúng ta là sự thật, là tình thương, là công lý. Chưa bao giờ chị hoảng sợ khi đối diện với sự gian tà và giả dối, chị luôn nhìn thấy Chúa mỉm cười gọi chị bước đi. Chúng ta cùng nhau cám ơn Chúa, cám ơn Đức Mẹ, cám ơn Giáo Hội đã cho chúng ta niềm tin và sự sống, đặc biệt chị muốn cám ơn các tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế đã làm cầu nối để chúng ta đến được với Chúa. Bất cứ ai tha thiết với công lý, sự thật và tình thương đều có thể gặp được Chúa, qua kinh nghiệm của chúng ta, chị tin như thế.

Các em Huỳnh Thục Vy, Nguyễn Hoàng Vi và Trịnh Kim Tiến thương mến.
Chị xin được xưng là “chị” và gọi các em là “em” vì: Các em “sinh ra làm con của Chúa” sau chị. Các em có biết được là chị mừng như thế nào khi được tin các em chịu phép thanh tẩy để theo Chúa không? Trong ngục tối mà lòng chị sáng rực, trong hoàn cảnh con người lạnh lùng với nhau mà lòng chị ấm áp, trong nỗi cô đơn buồn phiền mà tâm chị hân hoan.

Huỳnh Thục Vy

Chị tưởng tượng ra niềm vui và hạnh phúc mà các em vừa được tận hưởng, nghĩ mà chị trào nước mắt. Thục Vy thật diễm kiều rạng rỡ trong ngôi nhà thờ quê hương của em, từ nay em có tên trong danh sách những người con của Tam Kỳ có Đức Tin, tràn đầy sự sống. Hoàng Vi sung sướng bên người mẹ đỡ đầu nhân hậu, chị biết bà và quí mến bà từ lâu, một phụ nữ trung trinh, kiên cường, đơn sơ và quảng đại, em thật có phước, chị “ghen”với em đó. Chúa Nhật tới này đến lượt Kim Tiến, em đi hết một dọc đất nước để tìm kiếm Chúa, em đi loanh quanh bao nhiêu vòng thủ đô bất hạnh của chúng mình để cuối cùng gặp được Chúa trong nỗi đau cao ngất đời em, rồi em sẽ tiếp tục theo Chúa trong hành trình đi tìm sự công bằng cho bố em, chị nghe nói người vú đỡ đầu cho em là một phụ nữ hiểu biết và can trường của Đức Tin, chúc mừng em.
Bốn chị em mình mỗi người được gặp Chúa theo nhiều kiểu khác nhau. Chị khác các em, chị bước ra từ vũng lầy của tuổi trẻ sai định hướng, chị đến với Chúa trong một cuộc gặp gỡ tình cờ, tuổi xuân của chị có quá nhiều sai lầm mà ngày ấy chị ngỡ tưởng mình đúng hướng. Hăng say cuồng nhiệt trong công việc, chị như con ngựa bị bịt hết các hướng nhìn, tự hào một cách lố bịch ngu ngốc, tưởng mình có lý tưởng, tưởng mình có lập trường đúng đắn, chị đã sai lầm. Ngày bước chân vào trường luật, chị ngu xuẩn nghe người ta nhồi sọ, chị hời hợt theo chúng bạn nhạo báng tôn giáo, ngôi trường chị học là ngôi nhà thờ Công giáo, các phòng chức năng dành cho việc lễ nghi tôn giáo, các tượng ảnh của nhà thờ dùng trong việc thờ phượng, người ta tước đoạt một cách thô bạo, báng bổ niềm tin của người khác, đánh lừa tuổi trẻ tụi chị theo sự báng bổ họ tuyên truyền. Chị thật xấu hổ khi nghĩ đến những hành vi dại khờ ngày ấy, đùa nghịch một cách vô ý thức trên các tượng ảnh. Lạy Chúa rất nhân từ, lạy Mẹ Maria giàu xót thương, tha thứ cho con, tha thứ cho tuổi xuân dại khờ ngu ngốc của con.

Nguyễn Hoàng Vi

Rồi một ngày vì nghề nghiệp, chị có dịp nghiên cứu hồ sơ của “vụ án Thái Hà”, chị có dịp gặp gỡ những người Công giáo xưa nay là rẻ mạt đáng khinh dưới con mắt của chị, chị còn có dịp gặp cả “bọn cha cố cần phải loại bỏ” của đạo Công giáo, chị gặp được cả cái “đạo thuốc phiện lừa bịp nhân loại”. Mắt chị bừng mở, chị như người mù vừa được sáng mắt, chị thấy được cả hai mặt thiện ác của cuộc đời và chị nhận thức rõ đâu thiện đâu ác, đâu tà đâu chánh, đâu sai đâu đúng. Chị bị choáng ngợp và bắt đầu thay đổi cuộc đời.
Các em cũng như chị, mỗi người trong chúng ta được gặp Chúa bằng nhiều cách khác nhau, nhưng hình như có cùng một quá trình cuộc sống. Tất cả chúng ta đều được gặp Chúa trong hành trình tìm kiếm chân lý, sự thật và công bằng. Thục Vy chỉ đơn giản trình bày quan điểm của mình trên trang blog, nhưng người ta vây đánh em vì người ta không cho phép ai được quyền nói khác cái người ta nói, thô bạo và hèn nhát khi bạo lực với một người con gái chân yếu tay mềm như em. Hoàng Vi chạm mặt với thực tế, với sự bất công và gian dối, không chấp nhận hèn mạt, em bị người ta đày đọa. Kim Tiến mong manh như trang giấy trắng vào đời, ngờ đâu sự độc ác xô đẩy em đứng dậy chỉ thẳng vào mặt bọn giả dối cường quyền, thét lên tiếng kêu gào yêu nước thương nòi Việt Nam. Trước sự thất vọng lớn lao của bọn mình, Chúa xuất hiện mang lại niềm vui cho dù chúng ta đã và sẽ còn phải đánh đổi rất nhiều thứ để có niềm vui đó. Chúa củng cố niềm tin của chị em mình, Chúa ban cho chúng mình sức mạnh để đi tới.

Trịnh kim Tiến

Các em thân mến, ngục tù không làm chị nản lòng, khổ đau không làm các em chậm chân bước. Sức mạnh của chúng ta là sự thật, là tình thương, là công lý. Chưa bao giờ chị hoảng sợ khi đối diện với sự gian tà và giả dối, chị luôn nhìn thấy Chúa mỉm cười gọi chị bước đi. Chúng ta cùng nhau cám ơn Chúa, cám ơn Đức Mẹ, cám ơn Giáo Hội đã cho chúng ta niềm tin và sự sống, đặc biệt chị muốn cám ơn các tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế đã làm cầu nối để chúng ta đến được với Chúa. Bất cứ ai tha thiết với công lý, sự thật và tình thương đều có thể gặp được Chúa, qua kinh nghiệm của chúng ta, chị tin như thế.

Hiệp thông với các em, cầu nguyện cho chị.
24 tháng 7 năm 2012
Những ngày trong ngục tối,


Niềm tin vượt thắng bất an xã hội


VRNs (23.07.2012) – Sài Gòn – Đây là kinh nghiệm của bảy học viên lớp giáo lý Dự Tòng đặc biệt do chúng tôi phụ trách. Một người đã rửa tội từ cuối tháng 6 vừa qua (Maria Lê Diễm Mi), một người vừa được cha Giuse Đinh Hữu Thoại rửa tội tại Tam Kỳ, Quảng Nam (Mary Huỳnh Thục Vy). Sáng hôm qua, chúng tôi rửa tội cho bốn người (Matthew Rchơm Sơ, Maria Đỗ Thị Mỹ Hạnh, Geradina Lê Thị Bích Vân và Maria Nguyễn Hoàng Vi). Rồi tuần sau, nếu không có gì thay đổi, chúng tôi sẽ rửa tội cho Monica Trịnh Kim Tiến.
Đối với Maria Diễm Mi, việc rửa tội là đương nhiên, vì nhiều năm nay cô đã đi lễ đều đặn hàng tuần. Việc gặp gỡ Chúa đã làm cho cô được giải thoát trước biết bao nhiêu nguy nan trong cuộc sống. Còn đối với Monica Kim Tiến thì chúng tôi muốn giữ bí mật để kể chuyện vào kỳ sau.
Kỳ này, chúng tôi chỉ kể về năm người kia.

Lý do theo đạo?
Trước khi lãnh nhận bí tích rửa tội hai tuần, Huỳnh Thục Vy viết cho chúng tôi: “Con tin rằng cuộc đời con người không phải do con người quyết định mà được. Lúc con bị bắt, con tự nhiên thấy mình luôn được chở che. Con chưa hiểu vì sao con lại có cảm giác ấy. Nhưng con hy vọng nếu có một Đấng cao vời mà con chưa từng biết thì con mong các cha giúp cho con một cơ hội để bước vào con đường nhận biết Ngài. Đó là những lời con nói thật lòng mình”.

Sau khi Thanh Tẩy, cha Thoại đang chuẩn bị ban bí tích
Thêm Sức cho Mary Huỳnh Thục Vy

Còn Nguyễn Hoàng Vi thì cho biết muốn theo đạo là muốn chu toàn đạo hiếu với ba: “Lúc đầu, con tìm về với Chúa chỉ vì muốn hoàn thành tâm nguyện của ba con ngày còn sống (vì ba con là người có đạo, mẹ thì không và con cũng không có đạo) chứ không hề có một cảm nhận gì về Chúa. Con chỉ nhớ ngày còn sống mỗi sáng mùng Một Tết hàng năm, ba vẫn thường một mình lặng lẽ dẫn con đi nhà thờ và có đôi lần ba đã nhắc nhở gia đình rằng: ‘Chỉ có con người bỏ Chúa chứ không bao giờ Chúa bỏ con người’. Lúc ba hấp hối, tâm nguyện của ba là mong các con mình tìm về với Chúa. Một ngày, khi đã mệt mỏi với những bon chen của cuộc sống, con dừng lại và mong muốn tìm về với Chúa để hoàn thành tâm nguyện của ba nhen nhóm lên trong suy nghĩ con một cách rất tự nhiên”.

Nghi thức tiếp nhận 4 Dự tòng đầu lễ, tại Sài Gòn, ngày 22.07.2012

Mỗi người mỗi cảnh, anh Rchơm Sơ thì cả gia đình đã theo đạo từ lâu, đến giờ học đại học ở Sài Gòn mới thấy mình phải tìm Chúa, thế là xin học đạo.
Cô dược sĩ Lê Thị Bích Vân là mẫu người khát khao tìm lẽ sống mãnh liệt. Cô nhận xét cuộc sống của mình: “Mâu thuẫn. Đấu tranh. Dục vọng và Lí trí. Đúng và sai. Nên và không nên. Luôn gồng mình lên để sống, đôi lúc tôi tưởng chừng như người điên. Và tôi luôn tìm, tìm kiếm hạnh phúc, sự bình yên trong tâm hồn. Hy vọng một nơi nào đó, một ai đó hoặc thậm chí là bất kì một thứ gì mở lối thoát cho tôi. Vì tôi muốn sống như đúng nghĩa là một cuộc sống”.

Thanh tẩy cho Geradina Lê Thị Bích Vân

Chị Đỗ Thị Mỹ Hạnh là mẹ của hai người con, một đã đi làm, một đang học công nghệ thông tin. Chị là con của gia đình theo đạo Cao Đài, rồi khi lấy chồng thì về gia đình theo truyền thống Phật giáo. Đạo Cao Đài cũng tôn kính Đức Mẹ Maria, nên ngay từ bé chị đã thường cầu nguyện với Đức Mẹ. Đến khi có chồng có con, lúc hạnh phúc lúc buồn tủi, chị tìm đến với Đức Mẹ và mong muốn mình theo đạo nào mà có Đức Mẹ. Người em út của chị giới thiệu cho chị làm quen với những người Công giáo.
Động lực theo đạo nơi năm người này không ai giống ai, nhất là bốn trong năm trường hợp theo đạo không vì bổn phận của hôn nhân, mà thực sự muốn tìm một giá trị sống.

Niềm xác tín
Maria Nguyễn Hoàng Vi viết: “Một ngày, con bỏ ngang việc học giáo lý để xuất cảnh, kiếm kế mưu sinh cho gia đình thì con lại bị chính quyền cấm con xuất cảnh với lý do hết sức vớ vẩn. Ngay khi ấy, con tin rằng đó là ý định của Chúa muốn con trở về với tình yêu thương của Ngài. Những lúc lòng con cảm thấy bất an, bối rối nếu là trước đây con sẽ rơi vào tình trạng không lối thoát nhưng bây giờ qua lời dạy của cha, con cảm nhận được sự dạy bảo, chở che, ủi an của Chúa mà lòng lại cảm thấy bình an”.
Hoàng Vi, từ hơn một năm qua đã bị công an mật vụ vô cớ tấn công ba lần. Họ đẩy cô từ một người không quan tâm gì đến xã hội, đến truyền thông phải nhập cuộc để bảo vệ chính mình. Maria Nguyễn Hoàng Vi viết: “Mỗi khi đứng trước thế lực ma quỷ, con cảm nhận được nguồn sức mạnh vô cùng to lớn mà Chúa đã ban tặng cho con, giúp con vượt qua một cách an vui, không sợ hãi. Với những thủ đoạn và việc làm xấu xa mà chính quyền cộng sản làm với con chỉ vì con đòi hỏi tự do, dân chủ và nhân quyền. Trước khi đến với Chúa, con luôn sống trong lo sợ. Nhưng giờ đây mỗi khi họ làm việc xấu với con, làm cho con mất tất cả, cuộc sống bấp bênh, tính mạng luôn trong tình trạng nguy hiểm, họ tưởng rằng họ đã chiến thắng. Nhưng không! Đứng trước những gì họ đối xử với con, con lại cảm thấy bình an một cách lạ thường”.

Thân mẫu cha Thoại mặc áo trắng cho Hoàng Vi, sau khi rửa tội
Hôm nay Vi vui lắm vì được làm em cha Thoại cùng mẹ

Đối với Geradina Lê Thị Bích Vân, một dược sĩ, thì việc theo đạo đối với cô không phải lần đầu. Trước đây cô đã học, những sau đó không cảm thấy gì khá hơn, nên bỏ. Một thời gian sau, nhờ người chị, cô lại đến với lớp giáo lý đặc biệt của chúng tôi. Cô kể: “Những buổi học đầu tiên tôi không thỏa mãn về những điều mình được học. Hai tuần, tôi vẫn chưa có cái gì vào đầu”. 
Phải hướng dẫn những người như thế này đối với chúng tôi thật là thú vị, chẳng phải nhờ họ mà chúng tôi đào sâu thêm hiểu biết của mình đâu, nhưng với kinh nghiệm, chúng tôi biết thế nào Chúa cũng làm một điều bất ngờ cho họ và đó là cách Chúa dạy chúng tôi về đức tin. Bích vân nói: “Ngày 16.05.2012, có một thứ đã làm tôi thay đổi – “Chúa YÊSU của con, con đã hiểu…” – tôi hiểu vì sao Người lại yêu thương chúng ta đến vậy, vì sao Người lại lấy thân mình để cứu chuộc chúng ta… Chúa của tôi, tôi yêu Người, yêu vô cùng. Nhìn Người trên thập giá tôi thấy lòng mình đau nhói”.
Đến giờ phút này, chúng tôi không thể nhớ đã nói gì, để rồi cái giây phút đó khiến Vân phải nhớ cả ngày tháng, như là cột mốc không thể quên trong cuộc đời, vì đã nhận ra Chúa Yêsu.
Chị Maria Đỗ Thị Mỹ Hạnh có kinh nghiệm khác hẳn các cô Vi và Vân. Chị kể: “Con chiêm bao thấy hình Mẹ có ánh hào quang. Con kể cho người em út nghe, và em con lại đem kể cho một chị có đạo, đó là chị Dung, hiện giờ chị trong lớp Kinh Thánh ở Mai Khôi và chị ấy đã dẫn con vào giờ sống nhóm ở nhà thờ Mai Khôi và con được chị Thu nhóm trưởng cho học giáo lý ở nhà thờ Chợ Quán. Học xong sắp rửa tội, thì con bị chồng mình cản trở, thế là con không được rửa tội vào đạo, lúc đó con buồn lắm nhưng nhờ các chị khuyên, cầu nguyện phó thác, chương trình của Chúa cứ dâng lên và xin một ngày đẹp lòng Chúa sẽ cho và con cũng làm theo”.

Chị Maria Đỗ Thị Mỹ Hạnh lãnh bí tích Thêm Sức

Riêng đối với Matthew Rchơm Sơ, anh này chọn ngay câu Lời Chúa của Chúa Yêsu nói trong vườn cây dầu, lúc sắp chịu nạn làm hướng sống: “Anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện để khỏi lâm vào cơn cám dỗ. Vì tinh thần thì hăng hái; nhưng xác thịt lại yếu đuối” (Mt 26, 41). Rồi anh nói: “Tôi vẫn âm thầm cầu nguyện và ở đó ánh hào quang xuất hiện trong tôi mà tôi không hề hay. Chúa luôn mời gọi tôi, Ngài luôn chỉ đường và khuyên bảo trong bước đường tôi đi, những lúc gian nan nguy khó hay ốm đau thì Ngài luôn ở bên cạnh để bảo vệ tôi như thể tôi thấy được tiếng nói của Ngài. Từ đó tôi nhận ra rằng tôi phải đến với Ngài, đến với Hội thánh Chúa, đến cảm nghiệm cuộc sống trong Ngài”.

Matthew Rchơm Sơ cùng các tân tòng rước Mình Máu Thánh Chúa Yêsu

Đức tin lớn lên
Trong thánh lễ cử hành tại Tam Kỳ, cha Giuse Đinh Hữu Thoại đã chia sẻ với cộng đoàn và chính Mary Huỳnh Thục Vy như sau:
“Đây là thời điểm khó khăn cho đời sống cá nhân cũng như đời sống quốc gia, chúng ta phải biết cậy dựa vào sức mạnh của Thiên Chúa để chiến thắng ác thần (x. Ep 6, 12).
Với nước rửa tội, chúng ta chết cho tội lỗi, mặc cảm và những vướng bận với sự huỷ hoại trong cái chết của Người Công Chính – Yêsu Kitô, và tức khắc mang lấy sự sống mới của Thụ Tạo Mới – Yêsu Kitô. Đau đớn, khổ nhục và sự chết chỉ có thể đe doạ những ai còn quyến luyến với tội lỗi và còn muốn quy phục sự ác. Còn những ai tin vào sự sống mới – sự sống ấy đã đến rồi, mà hôm nay chúng ta chứng kiến trong người chị em sẽ được thanh tẩy – thì sẽ không còn sợ hãi, nhất là sợ những đe doạ của thế lực ác thần, dù núp dưới bất cứ danh hiệu nào.
Lời cầu nguyện và chúc lành của Kitô hữu không chỉ hữu hiệu cho những người đã tin, mà còn cho mọi người mà mình muốn hướng đến. Đó là ông bà, là mẹ, là những người thân yêu đã tạ thế lâu ngày tháng, và cả những người đang sống đang yêu thương mình. Người Kitô hữu có trách nhiệm hàng ngày dâng của lễ cầu nguyện và chúc lành cho mọi người và cho thế giới”.
Còn trong thánh lễ tại Sài Gòn sáng hôm qua, chúng tôi mời gọi mọi người nhìn lại hạt giống đức tin tiềm ẩn trong cuộc đời mỗi người trong nhân loại này. Hạt đức tin được gieo lúc thuận tiện cũng như khi không thuận tiện. Hạt đức tin lớn lên không ai hay biết cho đến lúc bừng sáng thì ai cũng ngạc nhiên. Bốn anh chị em đón nhận các bí tích gia nhập Kitô giáo hôm nay đều có kinh nghiệm đó.

An Thanh, CSsR
Ảnh:  Vũ Sỹ Hoàng

Friday, July 20, 2012

Vài lời với lãnh đạo công an Sài Gòn trước lời kêu gọi tổng biểu tình ngày 22/7/2012


Nguyễn Chí Đức - Đối với một người có lý trí tối thiểu, lòng tự trọng khiêm tốn, bất kì ai dù có hâm mộ cuồng nhiệt Hồ Chí Minh cỡ nào cũng nên đồng ý với tôi rằng: tên tuổi cụ Hồ không nên và không thể được đặt cho bất kì một tỉnh lỵ nào trên lãnh thổ Việt Nam...

Nếu Việt Nam mất biển, mất đảo thì chính công an, quân đội CSVN sẽ tự rệu rã, làm loạn xã hội dẫn đến đảo chính chứ không phải nhân dân, không phải là các Hội-Đoàn-Đảng không được ĐCSVN và Hiến Pháp nước CHXHCNVN thừa nhận. Gần đây những thuật ngữ như “diễn biến hòa bình“, “thế lực thù địch” chỉ là tuyên truyền láo, nhằm dọa ma những người yếu bóng vía mà thôi...

Nhân lời kêu gọi Tổng biểu tình trên toàn quốc của blog danoan2012, trong đó có đoạn: 

“Chúng tôi, những người điều hành trang này kêu gọi đồng bào hãy xuống đường tổng biểu tình phản đối Trung Quốc xâm lược trên toàn quốc! 

Thời gian: 9h sáng chủ nhật ngày 22/7/2012 

Địa điểm:
- Hà Nội: Trước cửa Nhà Hát Lớn
- Sài Gòn: Công viên 30/4
- Đà Nẵng: hồ phun nước góc đường Quang Trung – Ông Ích Khiêm – Trần Cao Vân
- Huế: vườn tượng quốc tế bên sông Hương
- Vinh: quảng trường Hồ Chí Minh"

Tôi xin chia sẻ một vài suy nghĩ dành cho lãnh đạo công an Sài Gòn nếu như họ cắt cử cấp dưới vào các blog điểm tin, lề dân để nghe ngóng, nắm bắt tình hình: 

Thực ra đúng văn bản hình thức thì phải gọi là Công An thành phố Hồ Chí Minh mới phải lẽ. Nhưng quả thật đứng ở góc độ một người yêu nước thuần túy và có lý trí, tôi thấy từ cổ chí kim của dân tộc Việt Nam, chưa từng có một anh hùng dân tộc, một nhà tư tưởng nào được đặt tên cho một thành phố lớn thứ nhì cả nước về mặt chính trị, đứng thứ nhất về kinh tế như cụ Hồ Chí Minh. Thậm chí ngay cả truyền thuyết về vua Hùng Vương (Quốc Tổ) cũng chỉ khiêm tốn được đặt tên đường, tên trường học làng nhàng rải rác khắp nơi mà thôi. 

Câu chuyện “cái gì của Xêda hãy trả lại cho Xêda” về địa danh Sài Gòn-Gia Định chỉ là vấn đề thời gian. Đối với một người có lý trí tối thiểu, lòng tự trọng khiêm tốn, bất kì ai dù có hâm mộ cuồng nhiệt Hồ Chí Minh cỡ nào cũng nên đồng ý với tôi rằng: tên tuổi cụ Hồ không nên và không thể được đặt cho bất kì một tỉnh lỵ nào trên lãnh thổ Việt Nam. 

Nhưng tại sao tôi lại lôi cụ Hồ Chí Minh vào chuyện biểu tình yêu nước này? 

Bởi vì cụ Hồ đã từng đề cập đến danh từ “đồng bào” trong nhiều bài viết, đã từng gây xúc động với câu nóiTôi nói, đồng bào nghe rõ không? trong ngày 2/9/1945 khi đọc bản Tuyên ngôn độc lập, ra mắt chính phủ lâm thời của nước VNDCCH. Nhưng trong thực tế khái niệm “đồng bào” mà Hồ Chí Minh sử dụng chỉ có mục đích tuyên truyền. Bởi vì sau này những đồng bào nào mà không liên quan hoặc không giúp đỡ cho CS (người quốc gia) sẽ bị riềng tới nơi tới chốn, kể cả những đồng bào theo kháng chiến, ủng hộ Việt Minh cũng bị chia rẽ có hệ thống qua phân loại về giai cấp, tôn giáo, lý lịch nhằm gây mâu thuẫn giữa đồng bào với nhau. 

Điều này khác hẳn với quan điểm vận động đoàn kết của chí sĩ Phan Bội Châu cũng thường dùng danh từ “đồng bào” với một sự thành thực qua việc cổ võ đoàn kết 10 hạng người, không phân biệt thành phần xuất thân, tôn giáo thậm chí cả những người Việt đi lính, làm công chức cho thực dân Pháp thì cụ Phan Bội Châu cũng nhắc đến trong các bài viết cổ động yêu nước nhằm thức tỉnh tinh thần dân tộc cho họ. 

Sở dĩ tôi phải đề cập 2 vấn đề trên vì tôi được biết và cảm nhận công an Sài Gòn rất cứng rắn và khá thô bỉ ổi đối với những người đi biểu tình yêu nước. Trong khi thành phần những người đi biểu tình này rất đa dạng. 

Tôi xin hỏi các Ông lãnh đạo vài câu như sau: 

Nước Việt Nam có phải của riêng ĐCSVN không?

Dựa vào điều luật nào mà công an Sài Gòn trấn áp rất mạnh tay, vô cớ đối với những người đi biểu tình yêu nước?

ĐCSVN xuất xứ những anh tài, hào kiệt trong nhân dân mà ra hay từ trên trời rơi xuống?

Nước Việt Nam nếu không có Hồ Chí Minh thì có thoát được họa ngoại xâm hay không?

Cách mạng tháng 8/1945, thực tế ĐCSVN cướp chính quyền từ chính phủ Trần Trọng Kim (quốc hiệu Đế Quốc Việt Nam) hay ĐCSVN khai sáng ra nền độc lập cho nước Việt Nam mới? 

Mấy câu hỏi về lịch sử này có thể gây xôn xao, làm khó chịu lãnh đạo công an Sài Gòn và một số độc giả bảo thủ là cựu quan chức/tướng lãnh/chiến binh CS, vậy tôi sẽ đề cập vấn đề cụ thể sát sườn hơn. 

Nếu nước Việt Nam bị giặc Tàu chiếm trọn quần đảo Trường Sa thì ai sẽ bị thiệt hại nhiều nhất? Xin nhắc lại: thiệt hại nhiều nhất? 

Có phải là những ngư dân đánh cá?
Xin thưa: Sai lầm. Thiệt hại nhiều nhất chính là Quân Đội & Công An Cộng Sản Việt Nam. 

Nguồn thu to lớn từ dầu khí và những tài nguyên-khoáng sản khác, thuế má của nhân dân lao động chủ yếu để trả lương cho bộ máy chính quyền công kềnh, kém hiệu quả do ĐCSVN lãnh đạo trong đó có Quân đội & Công An. Bộ máy này giúp nước, bảo vệ dân thì ít hiệu quả mà hành dân, ngu dân, hút tiền bạc để tồn tại & chương phình ra thì nhiều. 

Tôi cũng xin nói thêm một điều cực kì quan trọng: nếu Việt Nam mất biển, mất đảo thì chính công an, quân đội CSVN sẽ tự rệu rã, làm loạn xã hội dẫn đến đảo chính chứ không phải nhân dân, không phải là các Hội-Đoàn-Đảng không được ĐCSVN và Hiến Pháp nước CHXHCNVN thừa nhận. Gần đây những thuật ngữ như “diễn biến hòa bình“, “thế lực thù địch” chỉ là tuyên truyền láo, nhằm dọa ma những người yếu bóng vía mà thôi. Đó là sự thật! Tôi xin cam kết đó là sự thật! 

Thật trớ trêu và cay đắng làm sao cho đất nước Việt Nam thân yêu của chúng ta! 

Nhân dân Việt Nam có đi biểu tình cũng xuất phát từ tình cảm dân tộc, từ quyền lợi thuần túy về tinh thần, tâm tưởng vô hình về tài sản của Quốc gia do các tiền nhân khai phá và để lại. Còn lợi ích cụ thể chính là việc trả lương cho các cán bộ, chiến sỹ trong các lực lượng vũ trang, cho lãnh đạo hội họp-du hí-ăn nhậu, cho các kế hoạch ma (tham nhũng) nhằn đàn áp những người muốn cải cách chính trị, tìm cách giảm thiểu bất công trong xã hội… 

Nếu lãnh đạo công an Sài Gòn quyết tâm đàn áp, khủng bố những người biểu tình yêu nước thì quả thật rất bất nhân, bất nghĩa và hết sức phản động. Lúc này giặc Tàu đã vào cửa ngõ biển Việt Nam rồi chứ không còn lớn tiếng nạt nộ, khiêu khích như những lần trước đây. Lúc này chúng ta cần đoàn kết thực lòng, yêu thương chân thành, bỏ qua những dị biệt giữa nhóm người này với người kia về mặt chính trị/lịch sử/tôn giáo trước một kẻ thù truyền kiếp đầy dã tâm và nham hiểm. 

Tôi không muốn viết dài lê thê thêm nữa, tôi tin rằng lãnh đạo công an Sài Gòn thừa hiểu những gì tôi viết ở trên. Nếu các Ông nhất nhất cho rằng việc đàn áp, khủng bố người đi biểu tình yêu nước là đúng, là cần thiết thì chính các Ông mới là những người có tội với dân tộc Việt Nam. Không bao lâu nữa lịch sử sẽ phát xét chuyện này, cố nhiên những kẻ chịu trách nhiệm sau cùng và rốt ráo chính là những vị trong TW, BCT của ĐCSVN. 

Những lúc thế này lãnh đạo công an Sài Gòn nói riêng, toàn quốc nói chung hãy để các cuộc biểu tình yêu nước diễn ra khắp nơi và thật sự đông đảo nhằm chuyển đến thông điệp cho chính quyền Bắc Kinh hiểu rằng ý chí của dân tộc Việt Nam không bao giờ bị khuất phục trước họa ngoại xâm. Không bao giờ! 

Chúng ta cùng chờ diễn biến vào sáng chủ nhật ngày 22/7/2012 sẽ diễn ra như thế nào?