Một video clip quay hình ảnh một ông Tây, vào khoảng 17 giờ ngày 2 tháng Bảy vừa qua, vất vả chạy ngược chạy xuôi chặn xe, phân làn…tại nút giao thông Trần Bình Trọng-Trần Nhân Tông (Hà Nội) vì tình trạng giao thông vô cùng lộn xộn tại đây, sau đó được đưa lên mạng. Báo Giáo dục Việt Nam nhân đó làm một loạt bài về ý thức tuân thủ luật giao thông quá kém của người dân Hà Nội. Rất nhiều bạn đọc đã vào bình phẩm, viết bài, thể hiện sự xấu hổ, bức xúc. Thậm chí có nhiều lời bình luận thẳng thắn đến mức phũ phàng kiểu như:
..."Độc giả có tên Người vùng cao là một người chưa từng về Hà Nội nhưng qua video ông Tây bức xúc ra tay phân làn giao thông đã phải công nhận một sự thật phũ phàng có thể làm nhiều người Hà Nội cảm thấy vô cùng xấu hổ: “Mình ở vùng cao chuyên đi lại bằng ngựa, nhưng quả thật ngựa ở vùng cao đi lại cũng trật tự hơn giao thông thủ đô”. ("Ở Hà Nội, tuân thủ luật giao thông bị gọi là con bò, hâm, điên” …, Báo Giáo dục Việt Nam )
Bên cạnh đó, báo Giáo dục Việt Nam cũng làm một loạt bài, hình ảnh về “Những địa chỉ “bún mắng, cháo chửi, ốc lắm mồm” nức tiếng Hà Thành”. Các báo khác cũng từng có những bài viết về cái văn hóa lạ lùng này của nhiều người bán hàng ở Hà Nội:
"Ở Hà Nội vẫn tồn tại những tiệm phở, bún, cháo rất lạ tai: “phở xếp hàng", "bún chửi", "cháo mắng"…(“Kỳ dị ẩm thực Hà Thành: Phở, cháo, bún luyện… thần kinh”, GiadinhNet).
Còn nếu vào google gõ mấy chữ “bún quát, cháo chửi” chẳng hạn, sẽ cho ra hàng lô hàng lốc kết quả!
Phải nói là không ở đâu lại có kiểu phục vụ kỳ lạ như vậy. Người Sài Gòn và miền Nam nói chung khi ra Hà Nội gặp phải những nhà hàng, quán ăn như thế này đều bị “sốc”. Có người ức đến phát khóc. Trong khi đó người Hà Nội vẫn bình thản ngồi ăn như không trong tiếng chửi, mắng khách hàng, mắng người làm xa xả của bà chủ quán, thế mới lạ. Hoặc ăn phở mà phải đứng, phải xếp hàng…rất là cực khổ.
Có thể vì người Hà Nội đã quen chịu đựng nên những cái quán kiểu như vậy mới có thể tồn tại, chứ còn ở Sài Gòn một cái quán nào, nhà hàng nào dù nấu ngon đến đâu nếu mà đối xử với khách như thế chỉ có nước dẹp tiệm sớm! Về chủ đề này trên báo Giáo dục Việt Nam, nhiều bạn đọc cũng đã viết bài, có bạn còn nói: "Tôi thách các ông chủ ở Hà Nội kinh doanh tồn tại được ở đất Sài Gòn".
Rõ ràng cung cách phục vụ khách hàng ở Sài Gòn từ những gánh hàng rong, quán ăn bình dân vỉa hè cho đến những nhà hàng sang trọng, từ anh bồi bàn cho đến người chủ quán… đều hơn hẳn Hà Nội mấy bực. Mà không chỉ trong các quán ăn, nhà hàng, nếu ghé vào các cửa hàng quần áo may sẵn, giày dép, hay các mặt hàng khác, bạn cũng có nguy cơ bị ăn chửi, bị “đốt vía” nếu hỏi hay thử mà không mua. Bản thân người viết bài này từng có nhiều kinh nghiệm không vui khi ra Hà Nội. Có những giai đoạn vì đi làm phim, hay có những công việc thường xuyên phải bay ra Hà Nội gần như mỗi tháng một lần, người viết bài rất hiểu thế nào là chuyện phải sống ở Hà Nội khi mình không phải là người ở đây. Chỉ cần nói giọng Nam thôi, là cũng dễ bị lừa, bị chặt chém các kiểu. Còn nếu là du khách, dân Việt kiều mới về nước thì càng bị nhiều vố nặng.
Từ chuyện đi taxi, biết bạn không phải là dân Hà Nội cũng không phải dân miền Bắc, thì bạn rất dễ bị các ông tài xế dở trò chạy lòng vòng cho xa, hoặc xài đồng hồ cước ăn gian để móc túi bạn, nhẹ nhất thì cũng dở trò vòi vĩnh xin thêm. Nếu đi ăn, đi mua hàng thì dễ có nguy cơ bị hét giá cao đến nỗi trả thế nào cũng bị hớ hoặc trúng các loại bún quát, cháo chửi, phở đuổi như đã nói ở trên.
Mà không chỉ một lần, tôi để ý thấy người bán hàng đối với người Việt thì coi như rác, nhưng với người nước ngoài thì lại mặt tươi như hoa, tíu tít, niềm nở, thật “nhất bên trọng, nhất bên khinh”. Không biết có phải vì cái tâm lý chuộng ngoại, cứ thấy người nước ngoài là nể nang hay không. Các dịch vụ từ gội đầu, uốn tóc, massage…nhìn chung chất lượng và cung cách phục vụ cũng kém Sài Gòn, mà giá chưa chắc đã rẻ hơn.
Từ trước đến nay, mỗi khi dư luận phàn nàn về những cái xấu, dở của người Hà Nội, những người bênh vực thường hay bảo những hiện tượng đó không phải là bản chất của người Hà Nội, rằng người Hà Nội gốc không thế, rằng dân ngoại tỉnh đã làm “bẩn” Hà Nội. Nhưng nếu công bằng mà xét, Sài Gòn có số dân cư 8-9 triệu người hoặc hơn trong khi Hà Nội chỉ khoảng 5 triệu. Dân Sài Gòn còn là dân tứ xứ hơn dân Hà Nội nhiều. Thực tế rất nhiều người miền Bắc vào Sài Gòn làm ăn sinh sống, rồi dân vùng quê ở miền Trung, miền Nam…Trong khi đó ở Hà Nội rất ít người từ miền Nam, miền Trung ra làm việc và sinh sống lâu dài. Như vậy dân Sài Gòn phải đa dạng hơn, trong đó dân nhập cư, dân tỉnh lẻ chiếm đa số, thế nhưng vì sao cách sống, cách phục vụ khách vẫn tốt hơn?
Ở Sài Gòn bây giờ cũng rất ít người Sài Gòn gốc. Từ hồi nào tới giờ thành phố này vốn là nơi đất lành chim đậu, người ở đâu đến cũng có thể làm giàu, thành đạt nếu chịu khó, và chẳng bị phân biệt gì. Ít nghe người sống ở Sài Gòn đổ thừa cái này cái kia là do dân nhập cư, dân tỉnh lẻ chứ người Sài Gòn gốc không thế.
Xem ra cái tự hào Hà Nội là thủ đô, người Hà Nội là dân thủ đô vẫn còn in đậm trong suy nghĩ của nhiểu người. Từ trường học, sách giáo khoa cho đến mọi bài báo, bài viết, mọi lời phát biểu của ai đó cũng luôn luôn có những cụm từ “Hà Nội là đất ngàn năm văn vật”, “Hà Nội là cái nôi văn hóa, là trung tâm văn hóa của cả nước”, “người Tràng An-Hà Nội thanh lịch” v.v…Nhưng nhiều hiện tượng trong thực tế cho thấy Hà Nội đã không chứng tỏ được như vậy.
Sài Gòn tổ chức Hội hoa Xuân, phố hoa Xuân vào dịp Tết từ bao nhiêu năm nay thì không sao, nhưng đến khi Hà Nội tổ chức thì cứ xảy ra nạn vặt hoa, bẻ cành, giẫm lên cỏ, thậm chí cướp cả chậu hoa mang về nhà, buộc lòng bao nhiêu bảo vệ phải canh giữ lom lom....Lễ hội ngàn năm Thăng Long vừa xong thì khắp các đường phố là cả bãi rác, đủ loại rác vứt bừa bãi khắp nơi. Con gái Hà Nội rất xinh nhưng thú thực, nhiều cô cứ mở miệng ra là chửi tục như hát hay, nghe mà "choáng".
Sài Gòn chưa bao giờ được tiếng là cái nôi văn hóa, nhưng trong thực tế, lại là nơi mà tỷ lệ người dân bỏ tiền ra thưởng thức các hoạt động văn hóa nghệ thuật nhiều hơn hẳn so với các thành phố lớn khác trong cả nước. Từ số lượng sách được bán ra mỗi lần Hội chợ triển lãm sách cho đến các sân khấu luôn luôn sáng đèn quanh năm, rạp chiếu phim có số lượng vé bán ra nhiều hơn ngoài Hà Nội, các phòng trà ca nhạc với giá vé không hề rẻ nhưng vẫn sống được, vẫn mời được những ca sĩ hàng đầu từ ngoài Hà Nội vào hay từ hải ngoại về với cát xê rất cao để bà con thưởng thức…Các Nhà văn hóa quận, Nhà văn hóa Thanh Niên, Nhà văn hóa Phụ Nữ…luôn luôn tấp nập người từ sáng đến tối đến hoạt động, vui chơi, ghi danh học cái này học cái kia, trong khi những nhà văn hóa kiểu này ở Hà Nội thì vắng hoe vắng ngắt.
Nói tất cả những điều này không phải để chê bai Hà Nội, đề cao Sài Gòn theo kiểu “địa phương chủ nghĩa”, gây mất đoàn kết. Nhưng nói những điều này để người Hà Nội xem lại, chính quyền thành phố Hà Nội xem lại và điều chỉnh những gì chưa hay chưa đẹp. Bởi vì dẫu sao, Hà Nội là thủ đô, thì không nên có những hình ảnh xấu xí như vậy cứ tồn tại mãi, khiến người dân cả nước mất cảm tình mà quan trọng hơn, là du khách nước ngoài, nếu du lịch hoặc sinh sống, làm việc ở Hà Nội, họ sẽ có những suy nghĩ như thế nào.
Tự hào là thủ đô, là người thủ đô, không phải để cứ mỗi cái xấu cái dở lại đổ thừa cho dân nhập cư hoặc nuối tiếc về cái thời nào xa lắm “Hà Nội đâu có như thế”. Tự hào về Hà Nội cũng không phải cứ cố mà mở rộng thủ đô cho to, xây thêm nhiều công trình “thế kỷ”, hay tổ chức lễ hội ngàn năm Thăng Long Hà Nội quá tốn kém, mà nên tập trung chấn chỉnh từng cái cái xấu cái dở, xây dựng phong cách sống sao cho lịch sự, văn minh để tạo nên ấn tượng đẹp trong mắt người nước ngoài. Và để Hà Nội đúng nghĩa là "trái tim của cả nước".
Tue, 07/10/2012 - 12:00 — Songchi