Tue, 04/30/2013
Song Chi.
Lướt qua các trang blog, trang mạng xã hội facebook những ngày tháng Tư năm nay, có thể nhận ra một điều, ngày càng nhiều người Việt trong và ngoài nước, sinh ra và lớn lên ở miền Nam hay miền Bắc, trước hay sau khi cuộc chiến tranh VN kết thúc...nhận ra sự thật về cái ngày 30 tháng Tư 1975, mục đích, tên gọi của cuộc chiến cũng như cái bi kịch mà cả dân tộc đang phải tiếp tục gánh chịu suốt 38 năm qua. Rất nhiều người đã viết, nói lên những suy nghĩ sâu sắc, chân thành của mình trước số phận đau thương của đất nước tưởng chừng đã kết thúc vào cái ngày 30 tháng Tư ấy, nhưng hóa ra bi kịch chỉ mới thật sự bắt đầu kể từ đó, đối với toàn bộ dân tộc VN.
Trong số những bài viết, những câu phát biểu ấy không hiếm người từng một thời ở bên thắng cuộc, bên phản chiến hay những người hoàn toàn lớn lên dưới chế độ cộng sản. Đó là nhà thơ Bùi Minh Quốc, nhà văn Đào Hiếu, nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh, nhà báo Huy Đức, nhà báo Nguyễn Thông, nhà văn Thùy Linh, luật sư Nguyễn Văn Đài, tác giả Ngô Minh, blogger Người Buôn Gió tức Bùi Thanh Hiếu, blogger Phương Bích, blogger Huỳnh Thục Vy…v.v…và v.v…
Cho đến bây giờ, đối với những người đã nhìn ra sự thật, không ai còn cảm thấy vui mừng vì đảng cộng sản đã chiến thắng vào cái ngày cách đây 38 năm, ngược lại đều hiểu rằng nếu cái kết thúc của cuộc chiến khác đi thì số phận của đất nước và dân tộc bây giờ đã khác xa. Luật sư bất đồng chính kiến Nguyễn Văn Đài, người đã từng bị nhà nước cộng sản kết án 5 năm tù, viết trong bài “Nếu VNCH chiến thắng?” gửi đến BBC từ Hà Nội:
“Một chế độ dân chủ và văn minh đã thua một chế độ độc đảng toàn trị và lạc hậu. Cái ác đã chiến thắng. Còn cảm xúc thì buồn và nuối tiếc cho chế độ Việt Nam Cộng Hòa, bởi tôi và rất nhiều người đều cho rằng nếu ngày 30-4-1975, bên chiến thắng là Việt Nam Cộng Hòa thì giờ đây trong khu vực châu Á, Việt Nam có thể chỉ thua duy nhất Nhật Bản về kinh tế, còn chắc chắn sẽ ngang bằng hoặc hơn Hàn Quốc về cả kinh tế và quân sự.”
Trong một bài báo đăng trên tờ New York Times ngày 24.4 dưới tiêu đề ‘Những lúc khó khăn cũng là lúc bất đồng và trấn áp công khai nở rộ ở Việt Nam’ ("In Hard Times, Open Dissent and Repression Rise in Vietnam") của tác giả Thomas Fuller, được BBC dẫn lại trong bài “Bất mãn chưa từng thấy?” đề cập đến sự bất mãn, mất lòng tin, sự phản đối ngày càng mạnh mẽ của người dân VN đối với nhà cầm quyền. Bài báo cũng đăng một số ý kiến phản hồi của độc giả, trong đó đáng nói có ý kiến của “Charles ở Slough, Vương quốc Anh, tự vấn phong trào phản đối chiến tranh ở Việt Nam. Độc giả này viết:
“Những người chúng ta đã từng tham gia vào phong trào phản chiến trong những năm 60 và 70 nên cúi đầu xấu hổ trước người dân Việt Nam. Với việc ủng hộ phe cộng sản và gây sức ép lên Quốc hội cắt đứt mọi viện trợ cho miền Nam Việt Nam thì chúng ta đã góp phần đảm bảo cho chiến thắng của ông Hồ Chí Minh và Đảng của ông ta.
Lại nữa, hãy thử nghĩ xem nếu không có cuộc cách mạng này thì ngày nay Việt Nam đã tốt hơn như thế nào? Ba mươi năm chiến tranh, số người chết không kể xiết, thiệt hại và đau thương vô cùng lớn – tất cả chỉ để đem đến kết cục là một chế độ kinh tế Marxist không khả thi do một Đảng cộng sản suy đồi và tàn bạo lãnh đạo.
Hãy nghĩ xem giờ này Việt Nam sẽ như thế nào nếu họ trải qua 60 năm thị trường tự do giống như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan và Singapore. Chắc chắn là không hoàn hảo nhưng sẽ tốt hơn nhiều và lại không có chết chóc hay tàn phá.” ("Bất mãn chưa từng thấy?", BBC)
Người ngoài cuộc cũng còn nhìn ra, nói gì chúng ta.
Chiến thắng của đảng cộng sản cách đây 38 năm có thể sẽ không là một sai lầm, một nỗi oan trái của lịch sử nếu sau đó, ứng xử của những người chiến thắng với phe chiến bại và đồng bào miền Nam khác đi, nếu nhà cầm quyền không đi từ sai lầm này đến sai lầm khác trong điều hành quản lý đất nước để đến ngày hôm nay, đất nước lạc hậu thua kém các nước láng giềng hàng chục, hàng trăm năm, người dân hoàn toàn không có tự do dân chủ, đời sống của đại đa số vẫn phải chạy ăn từng bữa…Và rồi dân VN lại tiếp tục bỏ nước ra đi, như đã từng lũ lượt ra đi làm nên cơn sóng thuyền nhân khiến cả thế giới bàng hoàng vào thập niên 70-80-90. Chỉ có điều, bây giờ người Việt ra đi bằng muôn vàn cách khác nhau, đi lao động xuất khẩu, đi lấy chồng xa xứ, đi du học rồi ở lại, đi du lịch trốn ở lại, và cũng đâu đã hết, hiện tượng thuyền nhân Việt tiếp tục vượt biển, lần này là tìm cách cập bến vào nước Úc! ("Return of Vietnamese boat people", ("Sự trở lại của thuyền nhân Việt Nam"), The World Today)
Chiến thắng của đảng cộng sản cách đây 38 năm có thể cuối cùng sẽ được thừa nhận ở cả hai phía, nếu đảng cộng sản làm được những điều mà mọi chính quyền đều phải làm nếu thật sự vì dân vì nước: giữ được toàn vẹn lãnh thổ lãnh hải và độc lập chủ quyền, đưa VN trở thành một nước giàu mạnh, người dân được sống trong tự do, no ấm. Nhưng họ đã không làm được điều đó, trái lại, còn đem đến cho người VN một hiện tại luôn bị dằn vặt bởi sự nuối tiếc đã góp phần vào sự tồn tại của chế độ này và một tương lai đen tối hơn bao giờ hết trong lịch sử hơn 4000 năm của dân tộc, khi tài nguyên thiên nhiên của đất nước đã bị đào bới bán sạch, những món nợ khổng lồ đè nặng lên vai, một phần lãnh thổ lãnh hải bị mất đồng thời có nguy cơ bị lệ thuộc vào nước khác, thậm chí bị mất nước vĩnh viễn.
Nếu hơn 38 năm trước, mỗi một người dân VN được nhìn thấy cái hiện thực đất nước ngày hôm nay, tôi tin rằng tất cả sẽ hành xử khác đi, sẽ làm tất cả để cái ngày 30 tháng Tư 1975 không xảy ra hoặc cuộc chiến sẽ có một cái kết thúc khác.
Chúng ta không thể thay đổi được quá khứ của chính mình hay quá khứ của một dân tộc. Nhưng có thể thay đổi được tương lai.
Bắt đầu bằng sự sám hối. Chỉ khi nào người VN thực sự sám hối vì đã mê muội, thờ ơ, vô cảm với số phận của đất nước, của dân tộc và của chính mình nên mới để cho một chế độ như chế độ do đảng cộng sản lãnh đạo có điều kiện giành chính quyền và tồn tại quá lâu.
Chỉ khi nào người Việt thật sự thấy nhục cho sự lạc hậu của đất nước, nhục vì hai chữ VN bây giờ chỉ gợi lên toàn những điều không lấy gì làm tốt đẹp trong mắt thế giới, nhục vì đi đâu cũng thấy nước người ta hơn nước mình, dân người ta hạnh phúc hơn dân mình. Chỉ khi nào người Việt thật sự thấy đau, đau từ nỗi đau của người dân oan mất đất, người lao động bỏ xứ đi làm thuê chịu trăm điều vất vả thua thiệt, người con gái Việt vì muốn có tiền giúp đỡ gia đình đã đem thân đi lấy chồng xa nhưng chịu không nổi sự bạo hành của chồng, gia đình chồng mà phải tự tử, nỗi đau của một người mẹ, người vợ phải tìm cách tự tử để cho chồng con có chút tiền phúng điếu và chính quyền xét cho gia đình là hộ nghèo để đi vay ngân hàng cho con đi học, những người ngư dân bị tàu TQ đánh đuổi cướp hết ngư cụ hải sản ngay trên lãnh hải của mình v.v và v.v…
Chỉ khi ấy, chúng ta mới quyết tâm giành lấy quyền quyết định tương lai đất nước thay vì ngồi chờ cho thời thế thay đổi, nhà nước này tự thay đổi…
Khác với cái thời điểm trước ngày 30 tháng Tư 1975, khi ấy không phải ai cũng sáng suốt nhìn thấy trước tương lai đất nước, không khó gì để người VN hiện nay hình dung nếu đảng cộng sản VN cứ tiếp tục lãnh đạo chừng 5, 10 năm nữa thì vận mệnh đất nước sẽ như thế nào. Chúng ta sẽ mất nước không cần một cuộc chiến nữa xảy ra, không cần TQ phải động binh, nhưng với tình trạng kinh tế tồi tệ như thế này, nợ ngày càng ngập đầu ngập cổ thì nhà cầm quyền chỉ có nước bán nước mà trả nợ, mà giữ chế độ.
Liệu người Việt hôm nay có để cho cái tương lai bi đát ấy xảy ra?
Nguồn: Songchi's blog