Có lẽ, một trong những đề tài được bàn tán sôi nổi những ngày gần đây trên các diễn đàn mạng xã hội gây chú ý là sức khỏe và tính mạng ông Nguyễn Bá Thanh - một quan chức cao cấp của Cộng sản Việt Nam đang tại vị ở một vị trí quyền lực.
Cũng có lẽ phải coi Nguyễn Bá Thanh như một hiện tượng trong
thời kỳ sản mạt ngày nay. Ít khi có một nhân vật được nhiều người ưa nhưng cũng
bị lắm kẻ ghét như Nguyễn Bá Thanh.
Khi lên voi và sự say máu quyền lực
Trong nhiều vị trí của mình, từ anh Chủ nhiệm HTX đến Chủ tịch,
Bí thư Tỉnh ủy Đà Nẵng, Nguyễn Bá Thanh đã ghi nhiều dấu ấn lên đất Đà Nẵng cho
đến ngày ra Hà Nội nhận công việc ở Trung ương. Nếu ai có điều kiện đi qua các
thành phố, các tỉnh của Việt Nam rồi ghé qua Đà Nẵng, hẳn phải thừa nhận điều
này: Đà Nẵng là một trong những thành phố đẹp về quy hoạch và phát triển, nhiều
mặt của đô thị được cải thiện hơn hẳn Hà Nội, Sài Gòn và nhiều nơi khác.
Sự khác biệt của Đà Nẵng hẳn nhiên là do nhiều yếu tố, tuy
nhiên người ta không thể không nhớ đến vai trò của một nhân vật gắn liền với Đà
Nẵng một thời gian dài: Nguyễn Bá Thanh. Thậm chí, ở đó ông làm mưa, làm gió một
thời và đã để lại những câu ca, đặc trưng: “Cắt nửa Hải Châu, cắt nửa Hành
Sơn ta làm đô thị nhỏ. Chặt đôi Thanh Khê, bẻ đôi Thanh Khê ta làm khu đô thị mới,
đưa em về, đưa em về Cẩm Lệ chiều nay… Để cùng cướp đất phân lô bán nền…” .
Vì khi đó "Trời của Thanh, đất của Thanh, con chim trên cành là của
Bá Thanh...".
Đà Nẵng về đêm, nhìn qua Sông Hàn.
Chỉ nghe những câu ca dân gian nói trên, người ta cũng đã đủ
thấy vai trò và dấu ấn Nguyễn Bá Thanh in đậm ra sao trên đất Đà Nẵng này.
Trong thời gian ông ở Đà Nẵng, nhiều thay đổi tại Thành phố Đà Nẵng để lại dấu ấn
trong lòng du khách qua đây.
Những lời đồn đoán, những hình ảnh, hoạt động của Nguyễn Bá
Thanh, có đặc tính chung của quan chức cộng sản: "Lám láo, báo cáo
hay", hoặc "nổ tung trời"... Người ta còn nhớ, trong một hội nghị,
ông ta lên án mạnh mẽ việc "con ông cháu cha" trong bộ máy nhà nước ở
một Công ty về đô thị ở Đà Nẵng, thì không lâu sau đó, em trai, con trai ông ta
được đặt vào những vị trí chỉ dành cho "con ông cháu cha". Người ta
cũng nhớ, ông càng kêu gào to lớn bao nhiêu về chống tham nhũng, về sự trong sạch,
dưỡng liêm, về tinh thần đảng viên cộng sản, thì những vụ án như Cầu Sông Hàn,
ông ta bị tố ăn hối lộ hàng tỷ đồng. Rồi sau đó xảy ra vụ án Tướng Công an Trần
Văn Thanh bị điều chuyển công tác khỏi Đà Nẵng và cuối cùng là nằm trên cáng với
đầy đủ dây truyền dịch để ra Tòa trong một vụ án nổi tiếng dư luận - ông này là
người ký quyết định bắt chủ thầu xây dựng, người bị tố đã hối lộ Nguyễn
Bá Thanh qua vụ xây cầu.
Đó chỉ là một tảng băng nổi đáng chú ý trong hàng loạt các
hoạt động của Nguyễn Bá Thanh thời kỳ "trị vì Đà Nẵng".
Người ta cũng nhớ, ông ta đưa ra nhiều câu nói "để đời"
mà ít người dám mạnh miệng như: "Không ít cán bộ có cái thói vừa ăn vừa
phá, phá tàn canh nền kinh tế”. Hoặc ông tuyên bố: "Sắp tới tôi
sẽ rà một số cái, cho hốt liền, không nói nhiều”.
Dù vậy, thì ông vẫn có những nét khác biệt của riêng mình
khó trộn lẫn vào đám quan chức Cộng sản. Đó là dám lăn lộn, dám đối mặt, và đối
mặt với ngay cả sự bất nhân không thèm che đậy.
Người ta có thể nghe trên mạng những cuộc nói chuyện điện
thoại của ông với những người bình thường gọi đến phỏng hỏi han, chất vấn. Người
ta cũng thấy ông ta sẵn sàng rời bỏ tư cách "chính trị gia" hoặc quan
chức cộng sản để ra sân đá bóng với thanh niên. Thậm chí, người ta còn thấy ông
đến thăm hoặc đối thoại với chính nạn nhân của ông ta như vụ Cồn Dầu...
Và tất cả, vẫn chỉ là sự áp đặt trắng trợn và những lời dối trá.
Cũng là một trong những đặc tính của quan chức cộng sản ở
Nguyễn Bá Thanh, đó là bệnh "máu tham, hễ thấy hơi đồng là mê". Điều
này chúng tôi có kinh nghiệm với ông ta và bộ máy dưới quyền ông ta trong vụ Cồn
Dầu. Ở đó, giáo dân Cồn Dầu và các làng xung quanh bỗng dưng bị đuổi ra khỏi
nơi chôn rau cắt rốn của mình đã sống hàng trăm năm, để lấy đất cho một nhóm có
tiền làm giàu trên chính mảnh đất bao đời của gia đình họ. Chính vì sự bất
chấp pháp luật này, mà giáo dân Cồn Dầu đã kiên trì đấu tranh hàng mấy năm trời
nhưng không thể có một quy định luật pháp nào khả dĩ để thuyết phục họ. Nhưng
Nguyễn Bá Thanh vẫn thể hiện bằng được vai trò của một "ông Trời con"
tại đây bất chấp luật pháp và lương tri. Ông dồn đuổi, đàn áp họ bằng những biện
pháp bất nhân nhất có thể thấy: Trấn áp, bao vây, đánh đập, giết người, cướp
xác, đào mồ mả... có lẽ không thiếu. Người dân Cồn Dầu còn cho chúng tôi biết,
ông tuyên bố rằng: "Nếu không lấy được Cồn Dầu, ông ta sẽ nhảy sông Cẩm
Lệ tự vẫn" để nói lên quyết tâm cướp đoạt đất Cồn Dầu.
Tan hoang Xứ đạo Cồn Dầu.
Hàng mấy ngàn con người ở Cồn Dầu đã tan cửa nát nhà, mất đất
đai vườn ruộng, chạy bán sống bán chết khỏi quê hương, đất nước bởi bàn tay
Nguyễn Bá Thanh và đồng bọn của ông ta. Hàng ngàn ngôi mộ bị đào bới, di chuyển,
hàng loạt giáo dân, người dân bị đánh đập và đánh đập đến chết.
Những điều đó, dù đã xảy ra nhiều nơi, nhưng có hệ thống và
quy mô lớn lao, thì có lẽ Cồn Dầu là một trong những địa điểm còn được nhắc đến
lâu dài.
Và, hình ảnh Nguyễn Bá Thanh đã gây dấu ấn cá nhân mình
trong tội ác lớn lao tại đó.
Và, ở đó, khi người ta say máu quyền lực và bạc tiền, họ
không nhận ra mình đã và đang gây tội ác ra sao.
Khi xuống chó và những bước suy vi
Có lẽ, Nguyễn Bá Thanh đã đúng khi nói đại ý rằng: Ông
ta chỉ có thể bơi được ở Sông Hàn mà không thể bơi được ở Sông Hồng - Một
cách bóng gió là chỉ có thể làm "trời con" ở Đà Nẵng mà không thể
ngoi ra Trung ương. Thế nhưng, cuộc sống không phải khi nào cũng chiều theo ý
người, hoặc nhiều khi sự kiềm chế tham vọng không phải khi nào cũng có thể chiến
thắng.
Trước hiện tượng đảng xuống cấp trầm trọng, mục ruỗng và bất
lực, hèn nhược và không còn sinh khí, Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư ĐCS muốn
giành lại chút quyền lực cuối cùng cho đảng bằng cách dựng lại cái gọi là Ban Nội
chính và gom về tay đảng. Để nhằm vừa đá bóng, lẫn thổi còi trong con bài quyền
lực, Nguyễn Bá Thanh được điều động ra Trung ương với chức danh Trưởng ban Nội
chính.
Ra Hà Nội, chân ướt, chân ráo chưa ngồi ấm chỗ, ông ta nổ
ngay "Sắp tới tôi sẽ rà một số cái, cho hốt liền, không nói nhiều".
Câu nói này như một lời tuyên chiến mạnh mẽ với cả bộ máy tham nhũng khổng lồ
đã ăn sâu thành nếp, đã kết thành bè, thành mảng trong hệ thống Cộng sản Việt
Nam, làm nhiều kẻ giật mình.
Và hẳn nhiên, khi đụng chạm lợi ích phe nhóm, quyền lợi sinh
tử của mình, thì đảng chẳng là gì và lý tưởng cũng vứt đi. Cũng từ đó, trong nội
bộ nhân dân âm ỉ tin tức về những cuộc đấu đá nội bộ.
Có thể nói, việc Nguyễn Bá Thanh bị ngã ngựa ngay sau khi ra
Hà Nội làm Trưởng Ban Nội chính Trung ương nhưng bị đánh trượt khỏi ghế Ủy viên
Bộ Chính trị được sắp xếp theo ý đảng từ trước, là một dấu ấn khó phai về những
cuộc "đấu tranh nội bộ" rất rõ nét của Đảng. Và như vậy, Sông Hồng
không đủ chỗ cho Nguyễn Bá Thanh vùng vẫy thi bơi.
Thế rồi, Nguyễn Bá Thanh trở thành cái bóng, âm thầm cho đến
ngày sang Mỹ chữa bệnh ung thư với muôn ngàn lời đồn đoán rằng bị suy tủy, bị đầu
độc, bị trả thù, bị ám hại... và đi sang Mỹ chữa bệnh vào ngày 16/8/2014.
Và hôm nay, khi "nền y học tư bản giãy chết" bó
tay sau gần nửa năm chữa bệnh với chi phí mỗi ngày hàng chục ngàn đola, ông
đang chờ ngày trở về để hưởng nền y tế "Hoàn toàn Việt Nam".
Những điều còn lại sau Nguyễn Bá Thanh
Khi cái chết là điều khó tránh đối với Nguyễn Bá Thanh, khi
đó mới lộ ra một điều bao năm ông che đậy: Nguyễn Bá Thanh, một đảng viên Cộng
sản theo Chủ nghĩa Mác - Lenin vô thần vô thánh, lại là một "phật tử"
có pháp danh hẳn hoi. Thậm chí, một số người đã cầu an cho ông vượt qua cái chết.
Như vậy, sức mạnh vật chất đã không thể cứu vớt được ông và giờ đây người ta hi
vọng nương nhờ vào thần thánh.
Điều này, đặt ra những câu hỏi khó có ai trả lời nổi ngoài
chính ông ta.
Ông Nguyễn Bá Thanh khi điều trị ở bệnh viện UW
Medical Center - Hoa Kỳ.
Khi hành xử trên đỉnh cao quyền lực của một "ông trời
con", xua tay chân ép dân, đánh đập đến chết người, tra tấn, đàn áp, đào mồ
động mả của người dân, ông ta có nghĩ mình cũng có một "pháp danh"?
Khi chung tay với những nhóm lợi ích, cướp đất đai, tài sản,
nhà cửa của dân lành, đẩy họ đến chốn thảm cảnh... ông có khi nào nghĩ rằng những
đồng tiền có được từ đó, sẽ dành để trả cho những bệnh viện với mỗi ngày hàng
chục ngàn đola và khi đã hết hàng triệu đola thì ra về trong thất vọng để chờ đợi
trong vô vọng cái chết nặng nề đang đến với mình?
Có lẽ, những điều đó chỉ có ý nghĩa đối với người sống, nhất
là những quan chức cộng sản còn lại đang tiếp tục say máu quyền lực và bạo tàn
đối với đồng loại, đối với nhân dân.
Và những cái mả
Thông thường, trên đời ai cũng có một con đường từ khi sinh
ra với điểm cuối là cái chết. Cuối cùng, thì con đường đi của mỗi người đều đến
một đích chung: Cái mả. Một nhân vật của Nam Cao đã nói rằng: “Có giàu có sang,
có làm nên ông cả bà lớn nữa, chết cũng không ai gọi là cụ lớn mả! Lão sống có
đến hơn năm mươi năm rồi mà chưa thấy một cụ lớn mả nào sốt! Chỉ có cái mả, cái
mả đất...?”
Khi những ngôi mộ ở Cồn Dầu bị đập phá, bị cướp xác, đằng
sau là những tin đồn, những sự cảnh báo. Nhưng chẳng ai thèm nghe.
Từng nghe, một viên tướng CS sau khi chết đã được đưa về
quê, khu mộ được xây và sau khi đặt xác, phía trên đổ bằng xe bê tông tươi
thành một khối bê tông khổng lồ cho chắc chắn, xung quanh xây hàng rào có người
canh.
Chợt nhớ, trước khi chết, Tào Tháo buộc phải xây 72 cái mả
giống nhau ở ngoại thành, không cho bất cứ ai biết cái nào có xác của ông ta thật.
Việc này nhằm chống bị trả thù bằng việc đào bới mồ mả sau khi ông ta chết. Hẳn
là ông ta đã biết thân phận mình và thái độ của người đời đối với ông ta ngay
khi còn song.
Chợt nghĩ, ngày mai lại có những ngôi mộ đổ nhiều lớp bê
tông, lại có những ngôi mộ có người bảo vệ, lại có những con người chưa chết đã
biết mình vẫn tiếp tục là tội nhân ngay cả khi không còn quyền lực, thậm chí đã
đi "theo cụ Các mác, cụ Lenin".
Đội quân đất nung bảo vệ lăng mộ Tần Thủy
Hoàng.
Thì ra: Đó là những cái chết, mà người chết biết trước rằng:
"Chết chưa phải là đã hết".
Những cái mả càng được làm chắc chắn, càng được canh gác cẩn
mật, thì điều người đời hiểu rất rõ sau những hàng lính canh, bảo vệ hẳn là người
nằm trong đó càng lắm nợ với đời và người chết nằm trong đó vẫn không hề được
yên.
Làm sao có thể yên, khi chính họ đã gây cho lòng dân cuộn
sóng và người đời phải nguyền rủa.
Chợt nhớ, bộ phim Tam Quốc diễn nghĩa, khi hình ảnh Tào Tháo
hiện lên là khi có bài thơ sau đây:
Trường Giang cuồn cuộn chảy về đâu
Bạc đầu ngọn sóng cuộn anh hùng
Thị phi, thành bại theo dòng nước
Sừng sững cơ đồ, bỗng tay không...
(Tam Quốc diễn nghĩa).
Hà Nội, Ngày 7/1/2015
J.B Nguyễn Hữu Vinh
J.B Nguyễn Hữu Vinh
Nguồn: Dân làm báo Blog.