Quê hương ngạo nghễ
Ðỗ Quý Toàn
“Ðường Việt Nam ôi vô cùng vô tận!” Ðó là câu đầu một bài hát thời rất trẻ. Nguyễn Ðức Quang kể đã đặt bài ca Ðường Việt Nam trong lúc đang đi, trên con đường từ Ðà Lạt xuống Sài Gòn.
Du Ca Nguyễn Ðức Quang trong một sinh hoạt âm nhạc tại Hoa Kỳ.
Với tốc độ đạp xe của
một thanh niên 21 tuổi, chuyến đi chắc phải kéo dài 15 hay 20 tiếng đồng
hồ. Ðến khi hát những câu sau cùng này, chắc chàng nhạc sĩ đã thở hào hển, đẫm
mồ hôi. Nhưng vẫn nhất định đi dựng lấy huy hoàng. Vẫn tự nhận
giống dân mình là vua đấu tranh!
Câu chuyện này là tiêu
biểu cho nguồn cảm hứng và lối sáng tác của Nguyễn Ðức Quang. Cảm hứng đến
trong khi Quang đang sống. Sống thật, sống khỏe mạnh. Sống
hết mình và sống cùng với núi sông đất nước, sống giữa bè bạn, quê hương, đồng
bào. Sống và sáng tác, đối với Nguyễn Ðức Quang, tuy hai mà một.
Năm 1964 Nguyễn Ðức
Quang hát bài “Tôi chót sinh ra làm thân nhược
tiểu...” Một
người bạn tôi nghe rồi phê bình: Tại sao lại nói “chót sinh ra”? Phải hãnh diện
được sinh ra làm người Việt Nam chứ? Nhưng Nguyễn Ðức Quang không phải là một
nhạc sĩ “lên gân.” Không tự kiểm duyệt. Không sáng tác theo một lập trường,
quan điểm, hay chủ trương giai đoạn nào cả. Không ai được chọn nơi mình sinh
ra. Người nghệ sĩ ý thức thân phận một người Việt Nam, một thanh niên lớn lên
trong một quốc gia đã bị các cường quốc bắt tay nhau đem cắt đôi, để phân chia
ảnh hưởng. Và ý thức số phận đồng bào mình đang giết nhau, quê hương bị chiến
tranh đang tàn phá. Ý thức như vậy, nhưng không để thở than, trách móc. Vì cuối
cùng, mỗi người sinh ra ở nước Việt Nam đều hãnh diện “chọn nơi này làm quê hương.” Một lựa chọn có ý thức.
Rồi ngẩng đầu lên hát “Việt
Nam Quê hương ngạo nghễ!” Bây giờ các thanh niên
người Việt ở khắp nơi vẫn còn vỗ tay mà hát: “Ta như nước dâng, dâng
chẳng có bao giờ tàn! Ðường dài ngút ngàn chỉ một trận cười vang vang!”
Thế hệ thanh niên lớn
lên ở các thành phố trong miền Nam Việt Nam trong thập niên 1960 đều chia sẻ
tâm trạng “thân nhược tiểu” này. Một dân tộc vừa giành được độc lập đã bị cắt
đôi, kẹp giữa hai khối tư bản và cộng sản. Và đang được hai khối đó đưa cho khí
giới giết lẫn nhau, nhân danh những chủ nghĩa, những thiên đường! Trong khung
cảnh đó có hai phản ứng khác nhau.
Nhiều người chỉ thở
than, tuyệt vọng, hoặc tìm lãng quên. Nguyễn Ðức Quang có một tâm hồn tích cực,
vẫn tìm thấy con đường sống lạc quan, yêu đời. Một phần có thể vì từ thuở nhỏ
Quang đã thuộc điều luật thứ 8: Hướng đạo sinh gặp nỗi khó khăn vẫn vui tươi!
Nhưng không phải chỉ có thế. Toàn thể con người Nguyễn Ðức
Quang ngập đầy sức sống; không còn chỗ nào cho những tình cảm tiêu cực chen
vào.
Sống trong cảnh “Xương sống ta đã oằn xuống” Nguyễn Ðức Quang không
chịu thua, không buông xuôi, không ủ rũ tìm nguồn vui trong mơ mộng siêu
hình. Vì bản chất Quang rất mạnh. Tâm hồn Quang tràn đầy nam tính, nam tính
chiếm hết chỗ rồi, không còn chỗ chứa những trạng thái u sầu, ủy mị nữa. Ngay
cả khi viết một điệu hát buồn, như khi nhớ đến những “đàn
bé em biến đâu rồi, này bé sao không đùa chơi,” thì Nguyễn Ðức Quang
vẫn mở đầu bài ca bằng ánh sang tin tưởng: “Trời sáng tươi đã lên
rồi! Trời sáng tươi trong lòng tôi!” Bởi vì “Cặp
mắt sâu sau đêm dài, tìm quanh đây một ngày vui!”
Một điều may mắn là
con người với bản chất tích cực như Quang lại gặp được một môi trường đúng
với bản chất tích cực lạc quan để phát triển dòng nhạc của mình.
Ðúng khi Quang bước
vào tuổi 20 thì xã hội miền Nam đang thay đổi. Từ năm 1964, một phong trào
thanh niên nổi lên ở các thành phố, họ rủ nhau đi làm công tác giúp đồng bào.
Ðặc biệt là những đồng bào ở nông thôn và những nạn nhân chiến tranh. Giúp
ích, một khẩu hiệu của Hướng Ðạo, không phải là một hiện tượng mới. Ngay
trong những năm 1950, mỗi lần có đám cháy lớn ở Sài Gòn là người ta thấy từng
đoàn hướng đạo mặc đồng phục đến tiếp tay các anh “lính cứu hỏa” và giúp đỡ
các nạn nhân. Sau đó, các đoàn hướng đạo và học sinh đi xây dựng lại nhà cho
các nạn nhân; vật liệu và dụng cụ do bộ Xã Hội cung cấp. Những “công tác xã
hội” tự nguyện đó là hình thức cộng tác giữa nhà nước và xã hội công dân, gồm
các tổ chức tư hoàn toàn tự nguyện.
Trần
Đại Lộc, Phương Oanh, Nguyễn Đức Quang, Sư Phạm Sài Gòn 1970
Kể từ năm 1964, một
phong trào thanh niên bột phát. Người ta thành lập các hội đoàn, đặc biệt là
trong giới trẻ, và đặc biệt với mục đích giúp ích. Bắt đầu từ những tổ chức
thanh niên trong tôn giáo; rồi tới các hội tự nguyện của học sinh, giáo chức
và sinh viên. Rồi những thanh niên thuộc nhiều hội gặp gỡ nhau lập ra từng
chương trình chung, như “Liên hội công tác nông thôn.”
Khi bão năm Thìn đánh
vào miền Trung vào cuối năm 1964, các hội cùng nhau tổ chức chương trình “Cứu
Lụt,” đưa học sinh, sinh viên ra các tỉnh từ Bình Ðịnh ra Quảng Nam. Chính
quyền lúc đó là cụ Phan Khắc Sửu, bộ Xã Hội do Bác Sĩ Phan Quang Ðán cầm đầu,
họ tiếp các sinh viên, nghe trình bày dự án, rồi tận tâm giúp đỡ mà không đặt
một điều kiện nào cả. Không cần bộ máy chính quyền thúc đẩy hay “hướng dẫn,”
các thanh niên đi tìm cơ hội phục vụ đồng bào. Những sinh hoạt thanh niên này
cần những điệu ca tập thể mới. Nguyễn Ðức Quang đã trở thành tiếng hát của
phong trào này. “Người thanh niên Việt
Nam quay về với xóm làng, tiếng reo vui rộn trong lòng!... Cùng đi biến ruộng
hoang ra lúa thơm!.. Ta đắp bồi cho mẹ cha.”
Rồi tới Chương Trình
Hè 65, một tổ chức quy mô trên tất cả 40 tỉnh toàn quốc. Với hàng chục hội
đoàn tham dự, huynh trưởng phần lớn là các giáo sư, họ huy động hàng chục
ngàn học sinh đi giúp ích. Tất cả mọi người tham dự đều tự nguyện, không ai
được thù lao, không ai bị ép buộc. Hoàn toàn đứng ngoài chính quyền, không
thuộc một khuynh hướng chiến tranh hay tôn giáo nào (nhưng vẫn bị chính quyền
ngầm theo dõi). Chưa bao giờ có một phong trào thanh niên tự nguyện, vô vị
lợi, phi chính phủ hoạt động với quy mô lớn như vậy; và khi kết thúc chương
trình thì giải tán.
Sang năm 1966, Bộ Giáo Dục đã tiếp tục nuôi dưỡng phong
trào này với Chương Trình Phát Triển Sinh Hoạt Thanh Niên Học Ðường (viết tắt
CPS). Ngoài việc huấn luyện tính khí và phương pháp tổ chức công việc,
một mục tiêu chính của các sinh hoạt thanh niên này, là huấn luyện lối sống
dân chủ tự do cho thanh thiếu niên. Ðó
chính là một phương pháp xây dựng nền tảng cho một xã hội công dân, mà bất cứ
quốc gia tự do dân chủ nào cũng cần phát triển.
Chính khi dấn thân
trong môi trường những công tác thanh niên tự nguyện đó, Nguyễn Ðức Quang đã
có cảm hứng viết những bài ca tập thể mà chúng ta đang hát hôm nay. Khi Quang
hát “những nhát cuốc...” thì thật
sự Quang đã đi cuốc đất hay sống giữa đám bạn bè đang cuốc đất. Trong khi đổ
mồ hôi tại trại công tác tên là “Công
trường Cam Lộ” kéo dài mấy tháng ở Quảng Trị Nguyễn Ðức Quang đã hát “Ðường về công trường là đường vào quê
hương.” Trong khung cảnh tự do phục vụ đó, người thanh niên yêu đời, tự
yêu mình, và yêu đồng bào. Họ ngẩng đầu lên hát Việt Nam Quê hương Ngạo
nghễ!
Khi các bạn thanh niên
sau này hát lại những ca khúc của Nguyễn Ðức Quang, xin các bạn hãy nhớ những
thế hệ đàn anh trong thời gian 1965 đã hát những bài hát đó trong khi đi xây
dựng quê hương bằng bàn tay của mình. Hoàn
toàn tự nguyện. Hoàn toàn tự do. Không vì lợi, không vì danh, không nhắm đến
quyền hành chính trị. Những bài ca của Nguyễn Ðức Quang là tiếng nói của thế
hệ thanh niên đó. Ước chi, đó cũng là tiếng nói của các thế hệ thanh niên
Việt Nam bây giờ và mai sau. Chúng ta sẽ cùng nhau hát mãi:
|
-----ooOoo-----