Friday, March 22, 2013

“Ðường của ta đưa ta về thanh bình”

Mùa hè năm 1965 đã có một cuộc vận động rất lớn để gây nên một phong trào hoạt động thanh niên tại miền Nam Việt Nam, đó là Chương trình Công Tác Hè 1965 dành cho thanh niên, sinh viên, học sinh khắp nước.

Nhạc sĩ Nguyễn Ðức Quang.
Chương trình phải lo soạn nhiều tài liệu hướng dẫn để cung cấp cho các ban điều hành các tỉnh, trong đó có việc thực hiện một tập bài hát thích hợp với sinh hoạt thanh niên.
 
Khi ngồi xuống cùng làm việc đó, anh em mới nhận ra rằng nhạc dành cho tuổi trẻ của thời bấy giờ rất nghèo nàn, cả tập nhạc chỉ có bài “Việt Nam! Việt Nam!” của Phạm Duy là mới sáng tác, có mang hơi thở của thời đại, còn lại là những nhạc phẩm vẫn được hát đi hát lại trong các hội đoàn mấy chục năm qua: Ðêm Trong Rừng, Trên Sông Bạch Ðằng, Bóng Cờ Lau... của Hoàng Quý; Bạch Ðằng Giang, Ải Chi Lăng, Lên Ðàng... của Lưu Hữu Phước; Anh Hùng Xưa và một số các bài hát nghi thức và bài hát vui của sinh hoạt Hướng Ðạo. Chỉ có thế. Chương trình Công tác hè 1965 khởi đi với những giai điệu cũ kỹ như vậy.
 
Nhưng cũng chính qua những trại công tác mùa hè năm ấy, một hiện tượng âm nhạc mới đã xuất hiện. Một thanh niên gầy gò ở tuổi hai mươi, mang đàn ghi ta vào ca hát ở các sinh hoạt trại. Giọng hát của anh cao và thanh với tiếng ngân dài khỏe mạnh, anh hát các ca khúc ngắn vui tươi. Ðó là Nguyễn Ðức Quang, người rồi sẽ tạo lập nên một nền ca nhạc hoàn toàn mới mẻ để làm hành trang cho một phong trào thanh niên vừa thành hình.
 
Từ đó, trong vòng một thập niên, Nguyễn Ðức Quang và bạn hữu của Phong Trào Du Ca đã liên tục cho ra đời những ca khúc mới. Trong các sinh hoạt của mình, người thanh niên không còn hát những câu như “Nước non Lam Sơn, nước non Lam Sơn, bóng cờ bay phấp phới...” mà là:
 
Từ Nam Quan Cà Mau
Từ non cao rừng sâu
Gặp nhau do non nước xây cầu
Người thanh niên Việt Nam
Quay về với xóm làng
Tiếng reo vui rộn trong lòng...
 
Xã hội chung quanh bộn bề công việc, những người trẻ tuổi đang cố gắng góp phần giải quyết với bàn tay làm việc và đầu óc tính toán của mình, đâu còn tâm dạ nào mà ngồi ca hát về những toán quân khởi nghĩa của Lê Lợi từ bao thế kỷ trước! Ðối với tiền nhân thì lịch sử hãy còn đấy, chúng con xin nghiêng mình trân trọng, nhưng chúng con cần hát về những vấn đề, về những tâm tình của chúng con hôm nay. Tiếng hát sẽ giúp người thanh niên khẳng định chính mình. Nhìn quanh: chiến tranh mỗi lúc mỗi tàn khốc, ruộng đồng đang tan nát, người dân quê hoảng hốt chạy loạn, cần giúp đỡ về y tế, về thực phẩm, cần xây dựng gấp trại tị nạn để đón mọi người... Từ trại Công trường Thanh niên Giới tuyến, tại Cam Lộ, Quảng Trị, Nguyễn Ðức Quang đã viết:
 
 Ðường về công trường là đường về quê hương...
 
 1. Này những miếng đất như bấp bênh dưới cơn mưa tràn
     Hoặc đã nứt vỡ và khô cứng đến tê bàn chân
     Là những miếng đất đã bao năm chan hòa nước mắt
     Là quê hương tôi, là quê hương tôi
 
2. Này những khốn khó ta có nhau lúc vui hay buồn
    Mồ hôi rơi tuôn tựa như nước tưới lên mầm ươm
    Tình như cây non đã vươn lên trong niềm yêu mến
    Là quê hương tôi, là quê hương tôi
 
3. Tình thân anh em đã đắp nên biết bao công trường
    Vì ta thương nhau là thương hết đám dân khổ đau
    Tìm đâu yên vui trên quê tôi dẫu chiều, mai, tối
    Là quê hương tôi, là quê hương tôi.
 
Nếu Trịnh Công Sơn đã viết Kinh Việt Nam mô tả sự tàn phá của chiến tranh và niềm mơ ước hòa bình với những lời lẽ xúc động nhưng xa xôi mơ hồ, thì bản Tìm Về Công Trường trên đây và nhiều bài khác nữa của Nguyễn Ðức Quang tôi nghĩ cũng là những bài Kinh Việt Nam nhưng dành cho giờ tĩnh tâm của những người trẻ tuổi suốt ngày làm việc cực nhọc mong làm vơi bớt nỗi khổ của đồng bào mình. Một bài kinh để hành động chứ không để tụng niệm.
 
Nhờ đi sát với thực tế cuộc sống, chàng nhạc sĩ Du Ca của chúng ta đã có dịp nhìn thấy những mặt thật của xã hội, từ đó nảy ra những sáng tác về nhận thức, lên án những hiện tượng tiêu cực, và đề nghị thái độ cho người trẻ tuổi. Nhận thức về thân phận và về quê hương, Nguyễn Ðức Quang đã viết những bản Nỗi Buồn Nhược Tiểu, Anh Em Tôi, Cho Ðồng Bào Tôi, Bầu Trời Quê Hương Ta v.v... Và chúng ta sẽ gặp một Nguyễn Ðức Quang phẫn nộ với Bọn Lái Buôn Ở Khắp Nơi, Ruồi và Kênh Kênh... Có buồn, có giận về những thực tại xấu xa trước mắt, nhưng thái độ của Quang vẫn là luôn luôn tích cực: Không Phải là Lúc, Ðoàn Ta Ra Ði, Ðuốc Hồng Tuổi Trẻ, Người Yêu Tôi Bệnh... Nhận thức không phải để nản chí, ngồi một chỗ mà than vãn. Không, Nguyễn Ðức Quang lúc nào cũng đứng thẳng và kêu gọi mọi người.
 
Không phải là lúc ta ngồi mà đặt vấn đề nữa rồi
Phải dùng bàn tay mà làm cho tươi mới
Hàng chục năm qua ta ngồi ngó nhau, nghi ngờ nhau
khích bác nhau cho sâu cho cay cho thật đau...
 
Câu nhạc đi luôn một hơi dài, như vội vàng, như thúc bách nói ra cho hết các triệu chứng tích lũy quá nhiều. Chẩn bệnh cho con bệnh xã hội chúng ta bằng những câu như thế thì quả là một thầy thuốc giỏi, tinh tường. Và thầy cũng biên toa cho thuốc luôn:
Làm việc đi không lo khen chê
Làm việc đi hãy say và mê
Cứ bắt tay gan lì chúng ta giải quyết.
Mình chậm chân đi sau người ta
Còn ngồi đây nghĩ lo viển vông
Thắc mắc ngại ngùng đến lúc nao mới làm xong. 
 
Thật ra đó là những lời vừa tâm tình vừa khích lệ với những người đồng đội của mình được Quang viết khi mới 22 tuổi. Cái tuổi chưa gia đình vợ con, coi tập thể quanh mình như anh em một nhà:
 
Ðoàn chúng tôi băng rừng sâu suối xanh qua nương đồi
Một sớm mai sương bình minh hãy còn vương trên cây
Ra đi hăng hái tiếng chim lừng đó đây...
 
Hơn bốn mươi năm đã trôi qua từ ngày Nguyễn Ðức Quang viết ra những ca khúc ấy. Bây giờ Quang đã đi hết con đường trần của mình, nhìn lại chúng ta thấy trong suốt cuộc chiến Việt Nam không một nhạc sĩ nào có một thái độ tích cực, cùng một nhận thức với tuổi trẻ như Quang. Các ca khúc của anh đã nâng tinh thần cho cả một thế hệ thanh niên, cho họ lòng tự hào về dân tộc và đất nước (dẫu cho khó thương). Anh nói với thế hệ tuổi trẻ của anh rằng Việt Nam là một quê hương ngạo nghễ, dân tộc Việt dù cay đắng thế nào vẫn có thể bứt tung xiềng xích và cười dưới ánh mặt trời.
 
Lời truyền đạt ấy đã ngấm vào nhiều thế hệ.
 
Năm 2007 thanh niên Việt Nam biểu tình chống Trung Quốc xâm lăng Hoàng Sa và Trường Sa đã hát vang Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ tại Sài Gòn, dù họ không biết rõ tác giả của bài này là ai.
 
Năm 1965, 21 tuổi, anh đi xe đạp suốt 300 cây số từ Ðà Lạt đến Sài Gòn để nhìn thấy con đường Việt Nam dài vô cùng vô tận trong không gian và thời gian, con đường lắm đoạn gập ghềnh nhưng mà sẽ:
 
Ðường của ta đưa ta về thanh bình
Ðường an lành đường thảnh thơi những ngày vui
Ðường Việt Nam mời những bước chân rời
Sát nhau lại vì đường vẫn còn dài...
 
Ðó là tiên tri và cũng là ao ước của người nghệ sĩ, đặt vào lòng tất cả người Việt Nam, không chỉ trong thời của anh, mà còn mãi mãi về sau.
 
Phạm Phú Minh